Tìm hiểu kiểu kinh doanh cà phê theo bản tin thời tiết (tiếp theo)

Hàng năm khi đến tháng 7 trong khi nhiệt độ tại Brazil dần hạ xuống bởi đi vào giữa mùa đông thì ít nhất có hai nơi trên thế giới lại nóng lên đó là thị trường cà phê và diễn đàn Y5Cafe của chúng ta. Chuyện đang diễn ra ở nửa vòng bên kia trái đất tuy quá xa xôi nhưng lại tác động trực tiếp lên từng vườn cà phê Việt nam.

Xem lại: > Tìm hiểu kiểu kinh doanh cà phê theo bản tin thời tiết

brazil-coffee-fields
Cánh đồng cà phê ở Braxin

Trong tháng qua, những thành viên trong BBT Y5Cafe nhận được khá nhiều ý kiến thắc mắc của bà con nông dân cũng như các đại lý mua bán cà phê trao đổi trực tiếp qua Yahoo chat (YM). Phần lớn là muốn tham khảo về tình hình diễn biến giá cả, câu hỏi bà con thường đặt ra là: xu hướng cà phê tới đây như thế nào? Còn lên (hay xuống) nữa không?

Thật tình mà nói nếu chúng tôi có thể trả lời chính xác được câu hỏi trên có lẽ giờ này chúng tôi đang đi du thuyền và câu cá trên sông Thames ở London, bởi như các bài phân tích trước chúng tôi đã trình bày, thị trường cà phê phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như kinh tế, thời tiết, chính trị, thiên tai v.v từ nhiều nước trên thế giới mà những nước đó có khi chẳng biết hạt cà phê nó tròn méo thế nào.

Chính vì thế mà chúng tôi thường khuyên bà con chúng ta là chỉ có thể tham khảo tin tức để phòng chống rủi ro đối với người có kinh doanh, hay chọn thời điểm bán tương đối tốt đối với người trồng trọt.

Thật sự chúng tôi rất “sợ trách nhiệm” nên cố tránh những câu trả lời dạng quả quyết, tuy nhiên cũng có lúc rất tâm đắc với một “cơ hội” mà mình tin chắc đến những 90% nên rất nóng lòng được chia sẻ với bà con. Chính vì thế nếu có muôn một vấn đề rơi vào 10% của cái xấu còn lại thì chỉ còn biết mong bà con thông cảm. Bởi vì “Khi nói quả quyết rằng giá sẽ như thế này như thế kia mà không đưa ra lập luận vì sao nó như thế, dù sau đó có đúng chăng nữa thì cũng được bà con xem như là nói phét gặp thời mà thôi”.

Những điều chúng tôi trình bày dưới đây mang tính trao đổi kinh nghiệm cùng nhau, không mang tính cung cấp thông tin, mong bà con đọc với tinh thần “đề cao cảnh giác”.

Cách đây khoảng hai tháng chúng tôi có trao đổi với nhau về hiện tượng lượng hàng thuộc thị trường London được tập kết và qua phân loại sẵn sàng bán ra tăng lên đột biến, hơn thế nữa lượng hàng được các công ty nước ngoài mua và trữ tại Việt nam cũng ở con số khá lớn. Lúc đó chúng tôi nhận định rằng sẽ có khả năng thông tin về thời tiết ở Brazil năm nay có những yếu tố gây ra sương giá hoặc ít nhất cũng có sương giá lác đác để người ta có thể một thổi lên mười nhằm bán ra lượng hàng đầu cơ đã trữ. Đây là một trong những kiểu kinh doanh cà phê theo thời tiết rất đáng nghiên cứu mà không phải công ty nào cũng có đủ điều kiện để học tập làm theo.

Cách đây chưa lâu khi đọc bài cà phê tràn lan ở kho châu âu chúng ta đã đã chứng kiến những phản ứng thái quá của một số người trách tác giả đã tung ra bài đó khiến cho giá cà phê rớt thảm. Đối với chúng tôi thì đó là một tin có giá trị của người có kinh nghiệm trên thương trường đã chỉ nguồn và cung cấp cho chúng ta, cái sự tràn lan ấy không phải do tác giả làm ra mà chỉ ra cho thấy có sự chuẩn bị hàng hóa.

Vào lúc này khi những đợt lạnh (cold front) kéo vào Brazil, khi mà những nhà xuất khẩu của Việt Nam không còn hàng trong tay, khi mà nông dân Việt nam ai khá giả lắm mới còn giữ được một ít cà phê cũng chính là lúc mà biểu đồ giá cả luôn có tỷ lệ nghịch với nhiệt độ ở Brazil họ sẽ bán ra cho ai cần.

Trong những tuần qua chúng tôi đã ghi nhận nhiều công ty xuất khẩu đã phải mua hàng lại từ những công ty nước ngoài trữ hàng như đã nói ở trên, giá bán hàng giao ngay (outright) nằm trong khoảng 2.550-2.600USD/tấn, FOB-HCM, tức là cao hơn mức $2.490 là giá đóng cửa tháng 9 của thị trường Liffe ngày 28/6/2011 (lúc đó đang tăng 114USD), hay nói cho dễ thấy hơn là giá nội địa = giá London + $150 (trước đóng cửa 28/6).

Nhân đây chúng tôi cũng xin nói qua về phản ứng thái quá của một số bà con khi thấy giá tăng $114 mà thị trường nội địa chỉ mua tăng 800 đồng/kg. Chúng ta hãy cùng nhau thử tính.

Lấy cơ sở giá đóng cửa London ngày 28/6 là $2.490/tấn và giá mua nội địa bình quân là 51.300 đồng/kg cà phê xô:

  • $2.490/tấn x 20.560đ/usd = 51.194.400 đồng/tấn ; tính tròn là 52.000 đồng/kg.
  • Chi phí bao bì: 400 đồng/kg.
  • Chi phí vận chuyển: 400đồng/kg.
  • Chi phí chế biến: 150đ/kg
  • Chi phí giao hàng dạng FOB: 200đ/kg.

Sơ bộ chỉ chừng đó thôi thì tổng giá thành để có R2 xuất đi đã là khoảng 53.150đồng/kg chưa tính đến hai yêu tố tiền lãi ngân hàng và tiền gia tăng R1 có thể bù cho nhau.

Nói cách khác, nếu giá mua cà phê xô là 51.300đồng mà bán giá bằng với London thì nhà xuất khẩu sẽ lỗ khoảng 700đồng/kg.

Ngoài ra có khi giá thị trường thế giới tăng mạnh nhưng nhà xuất khẩu liệu có dám bán ra lúc đó hay không để mà có thể mua vào sau đó với giá cao?

Quay trở lại với vấn đề kinh doanh cà phê mùa sương giá, hy vọng chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra được một số vấn đề:

  • Thời điểm tháng 7 là thời gian lạnh nhất ở Brazil và giá nóng nhất ở London (tùy năm).
  • Hiện nay lượng hàng của Việt Nam được xem như là đã cạn.
  • Lượng hàng thực có để giao dịch, giao hàng trong lúc này không nằm trong tay những nhà XK Việt Nam mà nằm trong tay những công ty đang đầu cơ đang trữ tại Châu Âu và Việt Nam. Bạn có nghĩ là họ sẽ chờ qua khỏi mùa đông đồng thời khi đó Brazil hoàn tất thu hoạch rồi mới bán hay không?

Lịch sử những đợt sương giá và hạn hán ảnh hưởng sản lượng Brazil

Ngày tháng

Mức độ thiệt hại Sương giá và Hạn hán
1902 (Cuối tháng 7/Đầu tháng 8) Khốc liệt Sương giá*
1918 (ngày 24-26 tháng 6) Nặng nề Sương giá*
1942 (Cuối tháng 6/Đầu tháng7) Nặng nề Sương giá*
1943 Vừa phải Sương giá*
1953 (ngày 4-5/7) Nặng nề F*
1955 (30/7-1/8) Nặng nề Sương giá
1957 Nặng nề Sương giá*
1962 (25-26/7) Nhỏ Sương giá*
1963 (5-6/8) Vừa phải Sương giá& hạn hán
1965 Nhỏ Sương giá*
1966 (6/8) Nặng nề Sương giá
1967 (8/6) Nhỏ Sương giá*
1969 (9-10/7) Vừa phải Sương giá*
1972 (8-9/7) Vừa phải Sương giá*
1975 (17-19/7) Rất nặng nề Sương giá*
1978 (13-16/8) Vừa phải Sương giá*
1979 (1/6) Vừa phải Sương giá*
1981 (20-22/7) Nặng nề Sương giá*
1984 (25/8) Nhỏ Sương giá*
1985 (Tháng 8-11) Nhỏ Hạn hán
1988 Nhỏ Sương giá*
1994 ( 25-26/6 và 9-10/7) Nặng nề/Rất Nặng nề Sương giá& hạn hán
1999 (tháng 8-11) Nặng nề (thiệt hại 40%) Hạn hán
2000 (ngày 17/7) Vừa phải

Sương giá*

Chúng tôi nghĩ rằng trong khi chúng ta chưa tạo ra được những cơn sóng, thì nên nương theo cơn sóng để mà lái thuyền. Hy vọng những chia sẻ trên đây sẽ giúp được bà con có một cái nhìn toàn cục không những cho năm nay mà còn cho những năm khác trong quyết định thời điểm bán.

Kinh Vu (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Prlanh48

    Tôi là người thường xuyên vào trang Y5Cafe để đọc những tin về thị trường cà phê, tôi nhận thấy rằng các thành viên của diễn đàn đã làm hết mình vì quyển lợi của bà con nông dân. Chính tôi là người trồng cà phê và cũng hiểu nổi lo chung của ngành cà phê nước nhà. Tôi rất cảm ơn trang Y5, nhờ Y5 mà tôi đã hiểu nhiều về cà phê thế giới và diễn biến xuất nhập khẩu như thế nào. Tâm lý chung của bà con nông dân là muốn bán cà phê giá cao nhất, nhưng thực tế muốn bán được giá cao là không dễ, đúng như bác Kinh Vu đã nói. Chúng ta nên lái con thuyền theo sóng mà thôi. Vì vậy, một lần nữa mong bà con nông dân hãy ủng hộ diễn đàn ngày càng có nhiều thông tin để chúng ta tham khảo, chứ đừng vội vàng trách cứ BQT. Và cũng mong BQT thông cảm cho bà con nông dân chúng tôi, có nhiều ngưởi chưa hiểu hết chức năng của diễn đàn nên vô tình nói quá.
    Cuối cùng xin chúc BQT sức khỏe, diễn đàn ngày càng lơn mạnh. Và mong bà con hãy cùng chung tay xây dựng diễn đàn này.

  2. Nông dân 1/2

    Tôi chỉ biết nói rằng Kinh Vu viết bài này có sự am hiểu rất sâu sắc về thị trường cà phê, nó giúp cho bà con hiểu thêm về thị trường cà phê. Cảm ơn BBT Y5Cafe, cảm ơn Kinh Vu. Chúc các bạn khỏe.

  3. chinhmobile6789

    Bài viết rất hay… bổ ích. Tôi còn 10 tấn cà phê nữa chắc chờ giá lên xíu nữa rồi bán trong tháng 7 này thôi. Cảm ơn các bác nhiều lắm.

    1. Phạm Hữu Nhì

      chinhmobile6789. Xin chúc mừng bạn nhé, vừa còn một lượng cafe không hề nhỏ cộng với giá lúc này đang ủng hộ bạn, bạn đã trở thành Triệu phú rồi đấy. Đúng là Thiên thời, địa lợi, nhân hòa hình như lúc này bạn đang có đủ cả 3 yếu tố đó. Nhớ chiêu đãi chầu cafe đen buổi sáng nhé.

  4. nông dân daklak

    Cám ơn anh Kinh Vu đã cho thông tin về lịch sử sương giá và hạn hán của Brazil… Mình tìm mãi mà không ra. Cám ơn anh lần nữa.

  5. Nông dân@

    Giá nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu như gạo, tiêu, điều, cà phê của VN hiện đang có giá tốt. Khoảng cách giá của VN và giá thế giới không giãn quá xa như trước. Bà con nông dân thời @ ngày càng hiểu các yếu tố tác động đến giá cả các mặt hàng mà chính mình làm ra đó là: Cung, cầu, thời tiết, chi phí đầu vào, các chính sách hỗ trợ của nhà nước như tín dụng, mua tạm trữ, sự khôn ngoan của doanh nghiệp VN trong xuất khẩu, sự lũng loạn của các nhà đầu cơ quốc tế v.v… Chính điều này bà con (nhất là những hộ có khả năng tạm trữ hàng) chỉ bán hàng khi cần thiết, khi nhu cầu tăng, giá cao… dần dần chính nông dân là người làm chủ giá bán.
    Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhất nhì thế giới về Gạo, cà phê, tiêu, điều ; Nếu có sự liên kết trên cơ sở hài hòa lợi ích giữa nông dân và doanh nghiệp trong nước, Chính phủ có cơ chế chính sách phù hợp với quy luật kinh tế khách quan… thì sớm muộn gì bà con nông dân VN sễ làm chủ được giá bán và tiến tới dẫn dắt thị trường trong nước và xuất khẩu những mặt hàng nông sản mà VN có thế mạnh trên thương trường quốc tế…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89