Quản lý dinh dưỡng để sản xuất cà phê bền vững

Ban Biên tập Y5Cafe nhận được bài viết của tác giả Nguyễn Tuyền chia sẻ về đề tài chăm sóc, sản xuất cà phê bền vững thông qua việc quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê. BBT xin trân trọng sự đóng góp của tác giả và xin giới thiệu bài viết với bà con.

Quản lý dinh dưỡng để sản xuất cà phê bền vững

Quản lý dinh dưỡng và mục đích của quản lý dinh dưỡng với cây trồng

Quản lý dinh dưỡng cho một đối tượng cây trồng nào đó là các hoạt động của nông dân trong việc bón phân cho cây trồng. Ở Việt Nam, người ta thường nói bón phân theo 4 đúng: Đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng và đúng loại phân.

Mục đích của việc quản lý dinh dưỡng là cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng để đạt năng suất tối ưu nhất, nhằm giảm thiểu ô nhiễm ở mức thấp nhất (do chảy tràn xuống sông, suối, ao, hồ và thấm sâu xuống gây ô nhiễm nguồn nước ngầm) mà vẫn cải thiện và duy trì được độ phì của đất.

Để việc quản lý dinh dưỡng cây trồng được tốt cần tiến hành theo các bước:

  • Phân tích đất: để đánh giá độ phì nhiêu của đất và khả năng cung cấp dinh dưỡng của đất đai với cây trồng.
  • Phân tích cây trồng (thường là dinh dưỡng trong lá): Để biết được tình trạng dinh dưỡng trong cây (thừa, thiếu hay đủ), từ đó biết được nhu cầu của cây trong từng giai đoạn là bao nhiêu?
  • Thí nghiệm bón phân: Là thí nghiệm bón thử gồm các mức phân, loại phân và tỷ lệ các loại phân. Từ kết quả thí nghiệm đưa ra được liều lượng, loại và tỷ lệ phân bón tối ưu nhất để bón cho cây trồng.
  • Bón phân dựa vào pH (độ chua của đất): Ví dụ nếu đất chua thì hạn chế bón phân có tính chua và nên bón loại nào mà cây dễ hấp thu, không bị hấp thụ vào keo đất,v.v…
  • Kiểm soát xói mòn: Với quản lý dinh dưỡng chủ yếu là kiểm soát phân bón bị mất do rửa trôi, chảy tràn bề mặt hay trực di (thấm sâu xuống đất).
  • Thực hiện bón phân: Thực hiện theo nguyên tắc 4 đúng của Việt Nam. Hiện nay bổ sung thêm nguyên tắc 5 là đúng tỷ lệ.

Quản lý dinh dưỡng cho vườn cà phê Vối

Việc quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê cũng mang nội dung tương tự. Khó khăn nhất với việc quản lý dinh dưỡng cho cà phê là quy trình bón phân cho cây cà phê hiện nay quá chung trong khi điều kiện đất đai từng vùng của 5 tỉnh Tây Nguyên không giống nhau và quá cũ không còn phù hợp (quy trình xây dựng hơn 10 năm trước đây khi đất đai còn phì nhiêu, qua thời gian canh tác và sự thâm canh thì độ phì dinh dưỡng giảm đi nhiều). Điều này có thể là nguyên nhân dẫn tới đa số công trình nghiên cứu cho thấy người dân bón phân nhiều hơn quy trình và thường bị cho là bón không đúng quy trình.

Tuy nhiên, một cách tương đối là bà con cũng có thể có quy trình quản lý dinh dưỡng riêng cho vùng mình, nhà mình. Trước tiên, những bà con trồng cà phê ở trên cùng một vùng có điều kiện đất đai giống nhau liên kết lại thành Nhóm Nông Hộ, lấy mẫu đất và mẫu lá cà phê trên vùng mình đưa đi phân tích để được tư vấn dinh dưỡng đất và cây trồng; quan sát những hiện tượng khác thường xuất hiện trên cây cà phê (có thể do thiếu dinh dưỡng); học hỏi lẫn nhau về loại phân bón, số lượng, tỷ lệ, cách bón phân và thời điểm bón phân trong thời gian qua để rút ra kết luận “Bón phân như thế nào là hợp lý”. Đó là cách tương đối để có một quy trình quản lý dinh dưỡng riêng trong khi chờ đợi một quy trình chung được ban hành.

Chỉ cần quản lý việc thực hiện bón phân và các biện pháp chống xói mòn, rửa trôi là bà con đã thực hiện được quản lý dinh dưỡng trên vườn cà phê nhà mình một cách hợp lý.

Một số lưu ý trong quá trình quản lý dinh dưỡng cho cây cà phê

– Bón phân 4 đúng: Đạm Sun-phát (SA) bón vào mùa khô, còn lân bón vào đầu mùa mưa, Urê không được trộn chung cùng với lân. Bón phân trộn thì tiện lợi nhưng chi phí cao, tỷ lệ không phù hợp với điều kiện đất đai và nhu cầu của từng vườn cà phê, khó nhận biết phân giả. Ngược lại, bón phân đơn mất công nhưng giá rẻ hơn, tỷ lệ thay đổi theo yêu cầu của từng vườn, dễ nhận biết được phân giả. Bón phân cân đối giữa các loại phân N:P:K. Không nên bón nhiều phân quá vì năng suất chỉ tăng đến 1 mức nào đó, bón phân vượt mức này năng suất lại giảm. Chỉ phun phân bón lá khi vườn cây đang bị khủng hoảng thiếu dinh dưỡng. Lạm dụng phân bón lá dẫn tới làm giảm chức năng của rễ và giảm hệ vi sinh vật có ích trong đất do thiếu khoáng.

– Chống xói mòn: Khi trồng trên những vùng đất có độ dốc cần trồng theo đường đồng mức. Đào hố trồng cây che bóng và cây chắn gió hợp lý để chống xói mòn nhằm làm giảm sự mất dinh dưỡng do rửa trôi, chảy tràn bề mặt và trực di. Đặc biệt, tưới nước trong mùa khô với lượng vừa đủ để tránh lãng phí nước, tưới nhiều dinh dưỡng bị mất do trực di (thấm sâu xuống dưới vào mạch nước ngầm).

– Duy trì và cải tạo đất: Bón phân hữu cơ như phân chuồng (10 – 20 tấn/ha) 3 năm 1 lần, ủ vỏ cà phê làm phân vi sinh để trả lại dinh dưỡng cho đất vườn. Bón phân hữu cơ vi sinh, bón vôi để cải thiện độ chua và hóa tính đất,v.v. Luân canh và xen canh với những loại cây trồng phù hợp trên vườn cà phê.

-Mong các cơ quan như Bộ NN&PTNT, các Viện nghiên cứu, các trường Đại học có những nghiên cứu xác thực để bà con nông dân không còn lãng phí tiền bạc vào việc bón phân chưa hợp lý.

-Tác giả mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của bà con.

 

Nguyễn Tuyền

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Kinh Vu

    Sau khi đọc xong bài viết, tôi nhận thấy chỉ một bài viết ngắn nhưng cô đọng, dễ hiểu và đưa ra được những điều cần thiết nhất cho bà con Nông dân.
    Không thấy có kèm chữ Thạc Sĩ hay Phó Tiến Sĩ gì bên dưới nhưng vẫn có chất khoa học ở trong cách trình bày. Mong tác giả thường xuyên đóng góp kinh nghiệm của mình cho diễn đàn.

  2. Cafe Vối

    Đơn giản, ngắn gọn, súc tích. dễ hiểu. Bà con nông dân trồng cà phê chân thành cám ơn bạn Nguyễn Tuyền ! Mong được đọc thêm nhiều bài viết của bạn.
    Quá bổ ích !

  3. Lão Nông Tri Điền

    Những bài viết như thế này rất cần cho bà con nông dân chúng tôi. Chúng tôi sẽ đón đọc những bài sau của Bạn, xin cảm ơn.

  4. Chính Trung GL

    Đọc các bài này tui thấy có điều cứ băn khoăn mãi.
    Có bác bảo phải bón lân đầu mùa mưa để cho rễ phát triển, cây hấp thu dinh dưỡng mạnh trong mùa mưa để nuôi trái, tạo nhân chắc.
    Có bác bảo bón phân cuối mùa mưa giúp cho bộ rễ phát triển để bước vào mùa chống chọi với khô hạn. Ý này là của bác Sủng Viện trưởng viện cà phê trước đây. Ý này cũng được bác Vịnh xác nhận lại trong mấy bài viết của bác ấy.
    Bà con nào có thêm ý để làm sáng tỏ chỗ này?

    1. Đại ca chùa bộc

      – Chắc là anh đọc từ bài “Chia làm nhiều đợt bón phân cho cà phê” có đoạn “Theo các kết quả nghiên cứu và kinh nghiệm riêng, GS.TS. Phan Quốc Sủng, viện trưởng Viện Nghiên cứu Cà phê VN đề nghị chia các lần bón như sau:…”. Đây là quan điểm của GS rút ra từ nghiên cứu và kinh nghiệm, khuyến cáo nên bón như vậy nhằm mục đích: “Phân hóa mầm hoa và phát triển bộ rễ”.
      – Trong đất đỏ Bazan, Lân là loại phân dễ bị cố định và sự di động rất kém (mặc dù lân tổng số được cho là giàu) nên hàm lượng lân hữu dụng nghèo. Sự hữu dụng của Lân một phần tùy thuộc vào độ ẩm và vi sinh vật chuyển hóa Lân trong đất do đó sự hút lân với cây trồng là một quá trình dài. Vì vậy dù sao bón sớm vẫn tốt hơn là bón muộn và việc cung cấp 1 lần vào đầu mùa mưa bón cho hiệu quả hơn với cây trồng và tiết kiệm công bón.
      – Nếu vì mục đích “phân hóa mầm hoa” anh có thể bổ sung dạng Lân dễ tiêu như bón DAP, hoặc phun phân bón lá có tỷ lệ Lân cao.
      Đó là ý kiến của cá nhân tôi, không có ý bác bỏ ý của GS.TS.

      1. Tín Nghĩa

        Thế thì bón lân càng sớm càng dễ bị cố định. Còn để tiết kiệm công bón thì tại sao lại khuyến mỗi đợt bón lại chia làm 2-3 lần bón tốt hơn. Sao không bón chỉ 1 lần thì tiết kiệm được nhiều công bón hơn nữa có hơn ko? Tôi thấy ý cũng chưa ngã ngũ. Mong bác giải thích thêm cho bà con biết với. Cám ơn nhiều.

      2. Đại ca chùa bộc

        Lân tồn tại trong đất ở dạng hữu dụng cây có thể hấp thụ được và dạng cố định cây không thể hấp thu được. Trạng thái cân bằng được duy trì giữa 2 trạng thái này, do đó không thể nào bị cố định hoàn toàn hết được.
        Người ta đã chứng minh rằng, bón phân Lân 1 lần với lượng lớn thì lượng Lân tồn dư nhiều, Lân hữu dụng cao và sự hữu dụng tồn tại lâu hơn so với bón ít. Đó là lý do người ta khuyên nên bón lót Lân khi trồng cây, hoặc bón 1 lần với những cây công nghiệp dài ngày.
        Điều này chỉ đúng với phân Lân thôi, chứ còn Đạm và Kali là những phân phản ứng nhanh với cây trồng, dễ bị rửa trôi hay trực di thì cần phải bón nhiều lần.

  5. DVN

    Bài viết của Nguyễn Tuyền khá hay, nhưng việc thực hiện là không đơn giản. Ở đây tôi chỉ đóng góp ý kiến về việc phân tích đất và dinh dưỡng lá. DVN đã từng gửi rất nhiều mẫu đất, mẫu phân bón đến các trung tâm đo lường chất lượng, trong đó có trung tâm hàng đầu của nước ta. Kết quả rất đáng ngạc nhiên :
    -Cùng một mẫu được nghiền nhỏ, trộn đều và chia đôi gửi đến 2 trung tâm, kết quả lệch nhau rất nhiều, có những chỉ tiêu lệch tới 30% .
    -Cùng 1 mẫu gửi đến 1 trung tâm đo 2 lần, kết quả cũng rất lệch, có chỉ tiêu lệch đến 15%.
    -1 số chỉ tiêu như hàm lượng Lưu huỳnh (S), đồng (Cu), hay kẽm (Zn) nếu hàm lượng nhỏ hơn 0,1%(tức 1.000ppm) thì trung tâm không xác định được . Trong khi Cu và Zn là những nguyên tố vi lượng hàm lượng trong phân bón và đất chỉ khoảng vài chục đến vài trăm ppm (1ppm là 1 phần triệu).
    Với chất lượng đo lường kiểu này khiến tôi liên tưởng tới những thảm họa Melamin ở Trung Quốc, mắm tôm nhiễm Ecoli, nước mắm chứa Ure ở nước ta và gần đây nhất là vàng độn Wolfram.
    -Đây cũng là lý do mà DVN không muốn viết 1 bài tổng quát về phân bón như đã nói với Thịnh Còi trong bài viết về Vôi.

  6. hoang long

    Thực tế sản xuất cà phê của ta nhỏ lẻ rất khó đầu tư đồng bộ. Đất đai của ta độ dốc tương đối cao, đường đi khó khăn nên đầu tư phân chuồng 10-20 tấn cho một ha là tương đối khó khăn. Thiết nghĩ tuỳ điều kiện mỗi một nơi mà đúc kết ra kinh nghiệm thôi, nếu độ dốc cao, đường đi khó khăn thì nên trồng cỏ voi phân theo từng cấp vừa chống xói mòn vừa tạo nguồn hữu cơ cho đất.

  7. chín phước 72

    Theo em nghĩ trước khi bón phân hóa học trước tiên ta phải bỏ phân lân nung chảy để khử chua cho đất vì phân hóa học nó chỉ là phân cung cấp thức ăn cho cây tức thời cho cây mà thôi. Không như lân nó vừa khử chua cho đất rất tốt ngược lại nó có thể cung cấp các chất như trung vi lượng& vi lượng cho cây nữa. Vì cây cà phê rất cần những chất này để trao đổi khoáng chất cho nhau rất tốt?
    Mong mấy anh chị trong diễn đang cho ý kiến để em canh tác vườn nhà mình tốt hơn.
    rất mong sự quan tâm & giúp đỡ cuả quý anh chị, thân chào & hẹn gặp lại.

  8. cuba

    Cảm ơn bài viết của bạn.
    Cho cuba hỏi thêm 1 câu, trong : Bón phân 4 đúng của bạn là không được trộn ure với lân thì muốn có NPK trộn từ phân đơn thì phải làm như thế nào?
    Mong hồi âm để kịp trộn bỏ phân lần 2 mùa mưa.

  9. chín phước 72

    Chào bạn. Trước tiên bạn phải bỏ phân nung chảy để khử chua cho đất đã. Nếu có thời tiết mưa thì một tuần sau bạn nên trộn phân hóa học bỏ tiếp vào, nhớ là (1ha cà KD) ví dụ mổi gốc 1kgam tức 1 tấn phân trộn = 20bao thì ta nên trộn (8bao kali + 8bao đạm + 4bao sufat) đặc biệt cây cà của bạn trái nhiều cành tăm lại không ra, ta nên bỏ phân trộn là hợp lỷ nhất. Không nên bỏ phân NPK vì phân NPK dùng trong trường hợp cây cà nhà bạn số lượng cành quá nhiều. mà bạn muốn nó ít ra thì nên bỏ NPK để hẳm cành lại& giúp cho cành to khỏe hơn? hạn chế được số lượng cành tăm ra.
    Bạn nên chú ý nếu thời tiết mưa kéo dài ta không nên bỏ phân trộn hay NPK, bạn nên bỏ phân lân nung chảy để tăng độ ấm áp cho bộ rể .

    chuc bạn thành công & quản lý vườn nhà mìn tốt hơn. chào & hẹn gặp lại

  10. cao tấn hoàng

    Tôi nhận thấy bài viết của bạn nguyễn tuyền về cơ bản là hợp lý. Tuy nhiên vẫn có vài điểm tôi không đồng ý với bạn
    -Thứ nhất: phân SA chứa đạm và lưu huỳnh. Nhu cầu về lưu huỳnh của cây cà phê tuy không cao bằng canxi và magiê tuy nhiên đất Tây nguyên tương đối thiếu lưu huỳnh nên cấn chú ý bổ sung. Nếu ta bỏ phân NPK thì tôi không có ý kiến gì nhưng nếu bỏ phân đơn thì nhất thiết phải có S. Phân SA có thể bón quanh năm không nhât thiết phải là mùa khô, đó cũng là cách bổ sung S cho cây cà phê. Cũng có thể thay bằng kali sunphat.
    -Thứ hai: lân bón vào mùa mưa nhưng cần chia ra làm ba đợt. Vì bón lân cùng một lúc sẽ gây ra tình trạng thừa lân. Tuy không gây ngộ độc cho cây nhưng sẽ khiến khả năng hấp thụ các chất trung vi lượng kém.
    -Thứ ba: phân bón lá là hình thưc bổ sung chất dinh dưỡng cho cây nhanh nhất. Vào giai đoạn giữa mùa mưa cây cần một lượng dinh dưỡng lớn để nuôi trái và phát triển cành dự trữ. Đối với những vườn cà phê thâm canh năng suất cao thì lượng dinh dưỡng mà rễ cây cung cấp có khả năng không đủ vì vậy cần bổ sung phân bón lá là hợp lý. Phân bón lá về cơ bản cũng như phân hóa học bình thường nhưng được pha loãng với nước phun vào lá vì lá cũng hấp thu được chất dinh dưỡng nhờ vào các lỗ khí khổng. Tuy nhiên nếu phun với nồng độ đậm đặc có thể gây cháy lá. Hoàn toàn không ảnh hương gì đến rễ cây và hệ vi sinh vật trong đất.
    Thêm một lưu ý nữa là lân và urê có thể trộn chung với nhau, tuy nhiên trộn xong cần bón ngay.
    Mong các bạn góp ý thêm. Chào các bạn.

    1. Bo

      Đã bảo không được trộn lân với urê mà cứ nói hoài, không là không chứ không có thể. Hỏi mấy cháu học sinh kiến thức hóa học phổ thông thì biết.

  11. baomaituan

    Tôi đi đến nơi sản xuất phân bón qua lá, họ nói công ty nào sản xuất phân thì công ty đó hướng dẫn dùng phân của họ tốt hơn. Tôi chẳng biết dùng thế nào cả mà ai nói cũng hay tôi biết phải tin ai?

Tin đã đăng

Tin mới nhất

94