Dow Jones phá mốc 7,000

Phố Wall đã có phiên giao dịch lịch sử hôm thứ Hai khi các chỉ số chứng khoán rơi tự do về mức thấp trong 12 năm qua. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ mức thua lỗ kỉ lục trong sử kinh tế nước Mỹ trị giá 61.7 tỷ USD của tập đoàn bảo hiểm lớn nhất nước AIG. Và việc Chính phủ tiếp tục tung thêm một gói giải cứu cho tập đoàn này làm gia tăng lo ngại về thiệt hại nặng nề của hệ thống tài chính.

Không khí ảm đạm bao trùm phố Wall
Không khí ảm đạm bao trùm phố Wall

Cổ phiếu của các công ty nằm trong nhóm chịu thiệt từ kế hoạch ngân sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama tiếp tục giảm điểm. Đến từ nỗi lo lợi nhuận kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng, cổ phiếu của các tập đoàn bảo hiểm y tế và dược phẩm giảm điểm ngày thứ tư  liên tiếp. Trong bốn ngày qua, chỉ số chăm sóc sức khỏe Morgan Stanley.HMO đã đánh mất 26.4% giá trị, chỉ số dược phẩm AMEX.DRG bốc hơi 12.3% giá trị cùng thị trường.

Sự lộn xộn trong hệ thống ngân hàng toàn cầu đã làm chứng khoán thế giới chao đảo theo. Chỉ số Dow Jones đã có lúc xuyên thủng mốc 7,000 trong phiên, về mức thấp nhất 12 năm qua. Việc các nhà đầu tư đua nhau bán cổ phiếu khối tài chính, năng lượng và công nghiệp đẩy chỉ số S&P lao dốc, lần đầu tiên tụt xuống dưới mốc 700 kể từ tháng 10/1996.

Fred Dickson, nhà Chiến lược thị trường kiêm Giám đốc của hãng Nghiên cứu bán lẻ D.A. Davidson & Co ở Lake Oswego bang Oregon bày tỏ: “Mối lo sợ đến từ việc Chính phủ sẽ tiếp tục tung ra các gói giải cứu dành cho các ngân hàng tưởng chừng như không bao giờ có thể sụp đổ. Lần thứ ba Chính phủ đứng ra cứu Citigroup và lần thứ tư cứu AIG (AIG.N) đã thực sự làm tâm lí nhà đầu tư bị đảo lộn”.

Kết thúc phiên giao dịch, cả 30 chứng khoán Dow Jones và  10 lĩnh vực của chỉ số S&P ngập trong sắc đỏ. Chỉ số Dow Jones phá vỡ và bỏ xa ngưỡng 7,000 khi tụt giảm 4.24%, tương đương 299.64 điểm, rơi về 6,763.29 điểm. Chỉ số Standard & Poor’s 500 .SPX rớt 34.27 điểm, tương đương 4.66%, xuống 700.82 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite .IXIC trượt 54.99 điểm, tức 3.99%, lùi về mức 1,322.85 điểm.

Những lo lắng đến từ các nỗ lực vực dậy hệ thống ngân hàng chưa phát huy tác dụng đã nhấn chìm tới 6.8% giá trị của chỉ số S&P tài chính.GSPF. Nằm trong danh sách giảm điểm, cổ phiếu của Goldman Sachs (GS.N) đã mất 5.3% giá trị, còn 86.27 USD/cp, cổ phiếu Morgan Stanley (MS.N) còn17.95/cp, trượt mất 8.1%.

Những lo lắng về khả năng vực dậy hệ thống ngân hàng chưa phát huy tác dụng đã nhấn chìm tới 6.8% giá trị của chỉ số S&P tài chính.GSPF. Nằm trong danh sách giảm điểm, cổ phiếu của Goldman Sachs (GS.N) đã mất 5.3% giá trị, còn 86.27 USD/cp, cổ phiếu Morgan Stanley (MS.N) còn17.95/cp, trượt mất 8.1%.

Theo kế hoạch giải cứu mới nhất của Chính phủ, AIG sẽ được tài trợ thêm 30 tỷ USD để bổ sung vào nguồn vốn kinh doanh. Mùa thu năm ngoái, AIG cũng đã nhận được 150 tỷ USD trong cam kết hỗ trợ của Chính phủ. Hôm thứ Hai, cổ phiếu của đại gia bảo hiểm một thời  đã giảm 42 cent trên sàn NYSE với công bố mức thua lỗ quý 4 chưa từng thấy trong lịch sử kinh tế Mỹ.

Gói cứu trợ mới nhất là bước tiếp theo của kế hoạch tăng cổ phần của Chính phủ trong tập đoàn Citigroup (C.N) vào tuần trước nhằm tăng cường vốn cho các ngân hàng.

Chịu ảnh hưởng bởi kế hoạch ngân sách của Tổng thống Obama, khi Chính phủ có kế hoạch cắt giảm chương trình cho sinh viên vay vốn trên khắp cả nước, cổ phiếu của Tập đoàn cho sinh viên vay vốn Sallie Mae (SLM.N). tụt dốc không phanh 18.5%, đóng cửa tại mức 3.57 USD/cp trong phiên giao dịch ngày thứ Hai trên sàn NYSE, giảm tới 57% giá trị trong 4 ngày qua.

Sự tuyệt vọng của giới đầu tư về nền kinh tế đang ốm yếu trầm trọng và triển vọng lợi nhuận nghèo nàn của các tập đoàn đã đẩy cổ phiếu của các nhà chế tạo lớn ngập trong gam màu buồn. Cổ phiếu 3M Co (MMM.N) mất 5.8%, đóng cửa ở 42.84 USD/cp, cổ phiếu Caterpillar Inc (CAT.N) hạ 9.9% giá trị, xuống 22.17 USD/cp.

Kể từ đầu năm 2009, chỉ số Dow Jones mất gần 23%, S&P 500 giảm hơn 22% sau những nỗ lực phục hồi từ mức thấp của Tháng 11 năm ngoái. Từ mức đỉnh vào tháng 10/2007 đến nay, chỉ số đo lường mở rộng Dow Jones Wilshire 5000 .DWCF đã giảm hơn 50%, tương ứng mất hơn 10.000 tỷ USD giá trị.

Tình hình trở nên tồi tệ và tâm lý nhà đầu tư càng thêm bi quan khi nhà tỷ phú Warren Buffett nhận định “Trong năm 2009 tình hình kinh tế sẽ hết sức rối ren”.

Các dữ liệu mới nhất đều cho thấy sự thiệt hại nặng nề của nền kinh tế. Trước đó, Viện Quản lý nguồn cung cũng báo cáo sản xuất tiếp tục suy giảm trong Tháng 2 mặc dù tốc độ suy giảm có chậm hơn so với dự đoán.

Cổ phiếu Tập đoàn Chevron (CVX.N) giảm điểm nhiều nhất trong các chứng khoán Dow Jones khi để mất tới 5.1% giá trị, xuống còn 57.62 USD/cp do giá dầu thô trên thế giới giảm mạnh khi nền kinh tế toàn cầu chững lại. Điều này được cho là sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ năng lượng. Giá dầu CLc1 trượt 10.3%, tương đương 4.61 USD, còn 40.15 USD/thùng.

Nhìn chung, giao dịch trên sàn NYSE vẫn diễn ra sôi động với khoảng 1.98 tỷ cổ phiếu được trao tay, cao hơn mức trung bình ngày này năm ngoái là 1.49 tỷ cổ phiếu. Trong khi đó, trên sàn Nasdaq khối lượng giao dịch thành công đạt khoảng 2.31 tỷ cổ phiếu, cao hơn so với mức trung bình năm ngoái là 2.28 tỷ cổ phiếu.

Số cổ phiếu giảm điểm lấn lướt số cổ phiếu tăng điểm. Lần lượt trên 2 sàn NYSE và Nasdaq, chỉ có 1 cổ phiếu tăng điểm nhưng có tới 15 và 8 cổ phiếu giảm điểm.

CHI MAI
Theo VietStock/ Reuters

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng