Chứng khoán thế giới rớt điểm kỷ lục

Phiên giảm điểm kỷ lục trong vòng 12 năm tại phố Wall hôm qua mang đến cho chứng khoán thế giới thêm một ngày ảm đạm. Đà tụt dốc tiếp tục tái diễn tại khu vực châu Á sáng nay.

Giới đầu tư ngày càng bất an về kế hoạch kích thích kinh tế của Nhà Trắng. Thêm vào đó, tin xấu từ AIG là một phần nguyên nhân khiến Phố Wall chao đảo. Chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm trung bình 251 điểm trong ngày hôm qua, rất gần với mức đáy 7000 điểm của cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997. Chỉ số Standard & Poor 500 thậm chí đã chạm mức đáy của năm đó với việc giảm 26,72 điểm (3,47%), xuống mức 743,33 điểm.

Giá cổ phiếu của các công ty lớn rớt hàng loạt. Cổ phiếu của Hewlett-Packard giảm 1,96 USD (6,3%), của Intel giảm 70 cent (5,5%). General Electric giảm kỷ lục trong vòng 14 năm qua với 5,7%, xuống mức 8,85 USD.

Trong bối cảnh chung ảm đạm đó, le lói một vài tín hiệu khả quan ở ngành tài chính – ngân hàng. Sau những động thái của chính phủ Mỹ, cổ phiếu của Citigroup đã tăng 19 cent (9,7%) đạt mức 2,14 USD. Trong khi đó, gía cổ phiếu của Bank of America cũng tăng 12 cent (3,2%) đạt 3,91 USD. Tuy nhiên, đà tăng này được đánh giá là không bền vững.

Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, hơn lúc nào hết, đang ảnh hưởng trực tiếp tới thị trường chứng khoán châu Á. Lợi nhuận của các công ty sụt giảm nghiêm trọng khiến nhiều nhà đầu tư phải bán tống cổ phiếu để cân bằng hoá đơn tài chính. Chính những động thái này đã khiến chỉ số chứng khoán khu vực sụt giảm mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Chỉ số MSCI Asia Pacific giảm 1,7%, xuống mức 75,01 điểm vào thời điểm 8 giờ 30 phút sáng nay, giờ Tokyo. Như vậy, chỉ số này đã “phá đáy” được xác lập vào ngày 28/08/2003. Kể từ thời điểm đầu năm, MSCI Asia Pacific đã mất đi 16% giá trị. Một trong những tác nhân trực tiếp gây ra hiện tượng này chính là sự chững lại của kinh tế Trung Quốc.

Trong khi đó, chỉ số MSCI World cũng giảm trong ngày thứ 11 liên tiếp ở mức 0,4% bất chấp việc các chính phủ Mỹ và Australia đều đã thông qua gói cứu trợ. Tại Nhật, chỉ số Nikkei 223 giảm 2,3% xuống mức 7204,54 điểm. Nếu chỉ số này còn tiếp tục giảm xuống dưới 7162,9 điểm trong ngày hôm nay, đó sẽ là mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm 1982.

Thông tin đáng chú ý nhất trên thị trường chứng khoán nước này là việc ban lãnh đạo Nomura Holding, công ty môi giới lớn nhất Nhật Bản, vừa đề cập đến việc ra bán lượng cổ phiếu trị giá 3,1 tỷ USD. Giá cổ phiếu của hãng này lập tức giảm 8,2% do các cổ đông lo ngại giá trị cổ phần của họ sẽ giảm nếu kế hoạch này được thưc hiện.

Vào lúc 10h40 Hà Nội, chỉ số Nikkei mất thêm 191,66 điểm, tương đương 2,6%. Hang Seng tại Hong Kong giảm 3,96% và KOSPI của Hàn Quốc mất 3,69%.

Thêm một kỷ lục buồn nữa được xác lập tại Australia khi chỉ số S&P/ASX 200 giảm 1,3%, là mức thấp nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Cổ phiếu của các công ty lớn tại nước này, đương nhiên, cũng không tránh khỏi đà giảm giá. Cổ phiếu của BHP Billiton, công ty khai mỏ hàng đầu thế giới giảm 2,1% trong khi con số này đối với Suncorp-Metway, nhà cung cấp bảo hiểm lớn thứ 3 tại Australia, là 5,4%.

Tại châu Âu, chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 0,99%. Chỉ số DAX của Đức giảm 1,95% trong khi 0,82% là mức giảm tại Pháp của CAC-40.

Nhật Minh (VnExpress)
__Theo Bloomberg, Yahoo

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng