ICO cho rằng giá cà phê tăng gấp đôi trong 1 năm qua sẽ thúc đẩy người nông dân đầu tư cho cây trồng và sản lượng sẽ đạt ít nhất 48 triệu bao trong vụ tới.
Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) nhận định, sản lượng cà phê của Braxin niên vụ 2012/13 có thể tăng 12% so với vụ 2011/12 đang thu hoạch hiện nay vì nông dân tăng cường đầu tư cho cây sau khi giá đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm qua.
Ông Jose Sette, giám đốc điều hành của ICO cho rằng, đất nước sản xuất cà phê arabica lớn nhất thế giới sẽ đạt sản lượng “bằng hoặc vượt” 48 triệu bao như trong vụ 2010/11 – vụ cùng chu kỳ cho sản lượng cao với vụ 2012/13.
Ông Sette cũng tin tưởng Braxin sẽ đạt sản lượng ít nhất 43 triệu bao trong vụ hiện tại.
Giá cà phê arabica trên thị trường thế giới đã lên mức cao nhất 34 năm hôm 3/5 ở 3,089 USD/lb vì thời tiết đe doạ sản lượng của Colombia. Quốc gia thuộc dãy Andes này là nhà sản xuất cà phê sạch lớn nhất thế giới và đứng thứ hai về arabica sau Braxin, được các tập đoàn cà phê có thương hiệu nổi tiếng rất ưa chuộng trong đó có Starbuck Corp.
Giám đốc điều hành của ICO cho rằng, giá cà phê tăng cao sẽ kìm hãm đà tăng trưởng của nhu cầu trong năm 2011 so với năm 2010. Năm ngoái cả thế giới đã tiêu thụ 134 triệu bao cà phê, tăng 2,5% so với năm 2009. Dự kiến năm nay tiêu thụ sẽ tối đa là bằng năm ngoái.
Ông Sette đồng thời nhận định, sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2010/11 kết thúc vào tháng 9 tới đây sẽ ở mức 133 triệu bao do chu kỳ cho sản lượng thấp ở cây cà phê của Braxin.
Braxin từng đạt kỷ lục 48,5 triệu bao cà phê hồi năm 2002, theo số liệu của Bộ Nông nghiệp nước này. Các vùng trồng cà phê arabica có thời tiết ấm áp đã bước vào vụ thu hoạch 2011/12 được 2 tuần, trong khi thu hoạch ở các khu vực trồng cà phê robusta dự kiến sẽ bị trì hoãn vì mưa quá nhiều trong 2 tháng qua.
Diện tích đất đai thì có hạn, có muốn tăng diện tích để tăng sản lượng cà phê nữa cũng không được. Cà phê thì ngày càng già cỗi, biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường, có đầu tư mạnh thêm cỡ nào thì năng suất cũng không tăng được bao nhiêu ( đặc biệt là tăng lượng phân bón hoá học). Vậy thì lấy đâu 12% sản lượng sẽ tăng trong vụ tới? Chỉ đoán mò!!!
Bạn nông dân cà phê hình như muốn bỏ cái bản chất nông dân để qua làm nhà kế hoạch. Xin hỏi đôi câu: Có biết diện tích đất đai Brazil được bao nhiêu? Đã khai thác nông nghiệp được bao nhiêu? Còn bao nhiêu là rừng tự nhiên? bao nhiêu là tiềm năng dành cho nông nghiệp? Những câu hỏi này chỉ mới xin dành cho 1 ý nhỏ của bạn là đất đai có hạn…. Hay bạn nhầm về cà phê Việt Nam?
Theo tôi, bạn không nên vội phê phán người khác khi mình chưa biết gì. Đó không phải là tính cách của nông dân Việt.
Đúng là khả năng khai thác diện tích đất trồng cà phê ở Brazil còn rất lớn (bạn vào google tìm kiếm là có hết, một kho tàng kiến thức ở đó chứ bạn đừng nói là mình chưa biết gì) nhưng bên nước họ làm việc rất chặt chẽ, đã quy hoạch diện tích nào cho cây cà phê, cho cây đậu, cho rừng tự nhiên là rõ ràng cả chứ không phải cứ thấy giá cà phê tăng là chạy vào giữa rừng Amazon mà phá 1 đất đám để trồng cà phê đâu, cũng như dầu mỏ khả năng khai thác còn rất lớn nhưng họ không hút lên một cách vô nguyên tắc được, muốn tăng doanh thu không phải tăng sản lượng mà tăng giá bán. Nói chung là không thể tăng diện tích canh tác nữa, đất đai đã quy hoạch rõ ràng không thể tuỳ tiện khai phá được.
Con số tăng 12% tôi khẳng định chỉ là đoán mò, người ta tăng đầu tư là do chi phí tăng cao VD năm ngoái mua 1 tấn phân thì cần 9 triệu đ, năm nay tăng lên 10 triệu đ nhưng vẫn chỉ có 1 tấn phân bón cho cà phê thôi, nếu tăng đầu tư họ chỉ tăng bằng cách bón phân hữu cơ, mà phân này thì 2-3 năm sau mới có tác dụng. không biết bên Brazil có nạn ve sầu không? Về biến đổi khí hậu, mưa nhiều người dân phải tăng chi phí đào mương thoát nước, nắng nhiều thì tăng chi phí tưới tắm chứ sản lượng không tăng được đâu, ICO đừng dựa vào đó mà phán đoán. Nói đùa nha: ICO cũng như Vicofa chỉ muốn cà phê giảm giá không à!
-Vụ mùa 2011/2012 của Brazil được tính bắt đầu từ tháng 4(2011) bước vào thu hoạch cho đến hết tháng 3(2012) năm sau, vì Brazil nằm ở phía nam bán cầu, và gọi là vụ mùa 2011/12.
Tương tự vụ mùa của Việt Nam được tính bắt đầu từ tháng 10(2011) bước vào thu hoạch cho đến hết tháng 9(2012) và do gối qua 2 năm 2011 và 2012 nên được gọi là vụ mùa 2011/12.
-Do đặc điểm sinh thái của cà phê arabica là năm được năm mất nên: “như trong vụ 2010/11 – vụ cùng chu kỳ cho sản lượng cao với vụ 2012/13” có nghĩa là vụ 2009/10 và vụ 2011/12 là rơi vào chu kỳ năm (vụ) cho sản lượng thấp.
Đôi điều nói thêm cho rõ.
Cảm ơn Nguyễn Vịnh đã phân tích thêm cho chúng tôi hiểu. Bác và ban biên tập cho chúng tôi biết thời tiết của Braxin mấy ngày gần đây thay đổi như thế nào?
Thời tiết đang lạnh. Các vùng trồng cà phê arabica ấm hơn một chút và đã cho thu hoạch. Các vùng trồng cà phê robusta thì vẫn mưa dai dẳng từ tháng 3 đến giờ. Loại robusta hình như thu hoạch vào tháng 7 thì phải.
tôi nghe nói braxin đã cấm xuất khẩu cà phê vì lo ngại nguồn cung không đủ cho nhu cầu nội địa,không biết có chính xác không.nếu đúng thì những bà con nào còn cà cố gắng chờ,giá sẽ lên khoảng 8,9 chục cũng nên.
Anh Vịnh ơi, em cũng hiểu bài dịch như anh phân tích thêm chứ khác gì chứ. …”sản lượng cà phê thế giới niên vụ 2010/11 kết thúc vào tháng 9 tới đây “… có nghĩa Braxin ko ngoại lệ vì Braxin có phải quốc gia ngoài hành tinh đâu. Chính vì điểm này mà nhiều vị thắc mắc anh ạ.
Thôi thì để họ hiểu như Nguyễn Hằng dịch và a phân tích, còn em có phải bảo thủ chăng? thay vì vụ mùa ở Braxin tháng 9 này kết thúc chứ ko phải kéo dài ra đến tháng 3 năm sau, vụ mùa Braxin đang thu hoạch hiện nay là niên vụ 2010/2011 chứ ko phải niên vụ 2011/2012.
Chào chị Chuột đồng và bà con. Nguyễn Hằng cung cấp thêm thông tin cho mọi người về vụ mùa của các nước.
Trên thế giới hiện có tổng 46 nước xuất khẩu cà phê. Trong đó có 28 nước là vụ mùa tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau , 11 nước vụ mùa tính từ tháng 4 năm trước đến tháng 3 năm sau và 7 nước vụ mùa tính từ tháng 7 năm trước đến tháng 6 năm sau.
Chính vì số nước có vụ mùa từ tháng 10 đến tháng 9 chiếm đa số nên Tổ chức Cà phê Quốc tế lấy đó là niên vụ chung cho toàn thế giới.
Sản lượng, xuất khẩu, tiêu thụ hay nhập khẩu toàn thế giới sẽ tính theo vụ mùa từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau (hiện là vụ 2010/11. Với các nước có niên lịch lệch, thì ICO vẫn tính theo thế giới, tức là thế này, ví dụ hiện đang là tháng 5 thì Braxin đã vào vụ 2011/12, nhưng sản lượng của nước này từ tháng 4 đến hết tháng 9 năm nay vẫn được ICO tính vào vụ 2010/11 của thế giới. Braxin công bố sản lượng của riêng họ thì sẽ theo vụ mùa của họ.