Sản xuất và xuất khẩu sắn: đã đến lúc cần hạn chế!

Trong bối cảnh mặt hàng sắn đang rất “hút hàng”, thậm chí nhu cầu tiêu thụ sắn trong nhiều năm tới có thể vẫn như “chiếc thùng không đáy”, việc đưa ra ý kiến nên ngừng tăng sản xuất và xuất khẩu sắn rất có thể là lạc lõng.

Tuy nhiên, trong điều kiện của nước ta, đây là một vấn đề cần được xem xét một cách thật sự nghiêm túc trên nhiều phương diện.

Cây sắn lại “lên ngôi”

Nếu tính từ năm 1975 đến nay thì đây là lần thứ hai cây sắn phát triển bùng nổ. Những năm đầu đất nước mới thống nhất, trong bối cảnh diện tích và sản lượng lúa, bắp đều chững lại, thậm chí giảm, cây sắn đã “lên ngôi”. Chỉ trong vòng ba năm tính từ 1979, diện tích sắn đã tăng gần gấp đôi, đạt kỷ lục 461.400 héc ta, sản lượng cũng tăng 85,7%, đạt 3,422 triệu tấn.

Tuy nhiên, những năm sau đó, khi diện tích, năng suất và sản lượng lúa đều đặn tăng và đưa nước ta trở thành cường quốc xuất khẩu gạo thì cây sắn đã giảm mạnh cả về diện tích lẫn sản lượng. Thế nhưng, trong 10 năm trở lại đây, cây sắn đã trở lại và “chèn ép” không ít loại cây khác với mức tăng về diện tích lên đến 7,6%/năm, đạt 496.200 héc ta; sản lượng cũng tăng 15,7%/năm, đạt 8,522 triệu tấn. Tính đến năm 2008, diện tích sắn của cả nước đã đạt 554.000 héc ta, tăng bình quân tới 11,2%/năm trong vòng tám năm; sản lượng đạt 9,31 triệu tấn, tăng tới 21,3%/năm.

cây sắn
Nhu cầu sử dụng sắn làm nguyên liệu ở Việt Nam đã tăng đáng kể so với trước đây.

Sự phát triển bùng nổ của cây sắn hiện nay chủ yếu do sức hút mãnh liệt của thị trường Trung Quốc. Chẳng hạn, trong tổng số trên 1,7 triệu tấn sắn và sản phẩm sắn xuất khẩu trong năm 2010 của Việt Nam thì thị trường Trung Quốc chiếm đến 92,4%; còn trong hai tháng đầu năm 2011 con số đó là 94,1%. Chẳng những thế, sắn củ tươi cũng nối đuôi nhau qua thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch.

Cần cân nhắc kỹ

Những dữ liệu nói trên cho thấy sắp tới cây sắn sẽ vẫn tiếp tục lấn át nhiều loại cây trồng khác. Mặc dù vậy, cũng có không ít căn cứ để cần cân nhắc kỹ lưỡng xu thế phát triển của cây sắn.

Thứ nhất, chúng ta không phải là quốc gia thực sự có thế mạnh để phát triển cây sắn theo hướng xuất khẩu. Bởi trên bình diện toàn cầu, ngoài yếu tố khí hậu, chỉ có những quốc gia đất rộng, người thưa mới dành nhiều diện tích trồng sắn. Hiện trên toàn thế giới chỉ có bốn quốc gia có diện tích sắn đạt trên 1 triệu héc ta gồm Nigeria với 3,8 triệu héc ta, Brazil với 1,8-1,9 triệu héc ta; Thái Lan trên 1,3 triệu héc ta và Indonesia là 1,2 triệu héc ta. Tiếp theo, ngoại trừ Ghana, thế giới cũng chỉ còn ba quốc gia nghèo khác có diện tích sắn vượt trội nước ta (từ gần 800.000 đến dưới 1 triệu héc ta) là Ăngola, Tanzania và Mozambique.

Về năng suất, tuy mức 16,8 tấn/héc ta mà nước ta đạt được trong năm 2009 là vượt trội so với bình quân chỉ 12,6 tấn/héc ta của thế giới, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức bình quân 20,2 tấn/héc ta của khu vực châu Á và càng thấp xa so với mức 22,7 triệu tấn/héc ta của Thái Lan.

Việc năng suất sắn của nước ta tăng nhanh trong 10 năm trở lại đây (thập kỷ 1990 chưa đạt ngưỡng 10 tấn/héc ta) chắc chắn có phần do cây sắn đã tiến vào những diện tích đất màu mỡ vốn được dành cho những loại cây trồng khác. Mặt khác, cũng cần lưu ý sắn là thứ cây trồng “bóc màu” và dẫn đến tình trạng rửa trôi đất rất đáng ngại.

Thứ hai, hiện nay nhu cầu tiêu dùng sắn làm nguồn nguyên liệu của nước ta cũng đã bắt đầu phát triển, nhưng oái oăm là không thể cạnh tranh được với Trung Quốc mặc dù sản lượng sắn đã tăng lên rất nhiều. Tình trạng này có thể sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa khi nhu cầu tiêu dùng sắn chắc chắn sẽ tăng vọt trong những năm tới. Bởi hiện nay, bên cạnh ngành chế biến bột ngọt, công nghiệp thực phẩm, nhu cầu sắn cho sản xuất thức ăn chăn nuôi cũng đã khoảng 1,5 triệu tấn/năm, nhưng do giá tăng quá cao nên không ít doanh nghiệp đã phải chuyển sang sử dụng nguồn nguyên liệu khác và nhập khẩu bắp, lúa mì đã tăng vọt.

Đó là chưa kể Việt Nam còn ít nhất năm nhà máy sản xuất cồn ethanol và hàng chục nhà máy sản xuất các loại cồn thực phẩm, cồn y tế, cồn công nghiệp… với quy mô lớn cũng cần sử dụng nguyên liệu sắn. Do vậy, nếu phải tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc, triển vọng doanh nghiệp Việt Nam “chào thua” do giá sắn bị đẩy lên quá cao là điều khó tránh khỏi.

Thứ ba, trong khi cây sắn chủ yếu phục vụ nhu cầu của nước ngoài, thì quỹ đất nông nghiệp của nước ta lại hầu như không thể tăng, khiến “cuộc chiến giành đất” cho không ít loại nông sản đang bị thiếu ngày càng trở nên gay gắt. Các số liệu thống kê cho thấy, trái ngược với tình trạng tăng rất nóng của cây sắn, diện tích bông trong 10 năm qua đã giảm bình quân tới 6,9%/năm, thậm chí trong năm năm gần đây đã “rơi tự do” 18,8%/năm; diện tích mía trong năm năm gần đây giảm 1,3%/năm; diện tích điều đã năm thứ ba liên tiếp giảm và tổng mức giảm đã lên tới hơn 11%…

Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thị trường các loại nông sản này hoặc là “phập phù” như mía đường, hoặc là nhập khẩu ngày càng lớn như điều thô, hoặc là hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu như bông… Đặc biệt, nhập khẩu hai mặt hàng đậu nành và bắp đã tăng với quy mô rất lớn. Thời gian tới, nếu diện tích trồng sắn vẫn tiếp tục gia tăng, những hệ quả nói trên chắc chắn sẽ càng nghiêm trọng hơn.

Phải chăng là đã đến lúc cần “hãm phanh” xuất khẩu sắn để ưu tiên đáp ứng các nhu cầu trong nước và từ đó bố trí lại cơ cấu cây trồng một cách hợp lý hơn, tiến tới giảm bớt nhập khẩu các loại nông sản đang tăng tốc rất nhanh hiện nay? Nói cách khác, tuy không thể và cũng hoàn toàn không nên hướng tới một nền kinh tế tự sản tự tiêu, nhưng rất cần xây dựng một nền tảng cần thiết trong phạm vi có thể để phát triển bền vững nền kinh tế.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80