Góp ý về dự thảo Thông tư hướng dẫn – NĐ số 23/2007/NĐ-CP

Để cùng với bà con tham gia góp ý dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành Nghị Định số 23/2007/NĐ-CP, Ban Quản Trị Y5Cafe cũng xin được nêu những ý kiến của mình để rộng đường dư luận. Mong bà con quan tâm và cho thêm ý kiến.

Vấn đề gây tranh cãi chỉ tựu trung tại điều 2.2 trong thông tư hướng dẫn, do vậy chúng tôi chỉ xin góp ý riêng tại điểm này:

Điểm 2 điều 2
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp phép thực hiện quyền xuất khẩu không được lập cơ sở để thu mua hàng xuất khẩu.

Theo nhận thức của chúng tôi, xuất phát từ mục đích để cho các Doanh nghiệp trong nước (DNTN) có thời gian chuẩn bị cho sự hội nhập WTO, cho nên việc đề ra một lộ trình là điều cần thiết. Lộ trình này như một rào cản nhằm hạn chế tốc độ bùng phát của những Doanh nghiệp nước ngoài (DNNN) vốn có tiềm lực hùng mạnh hơn trong nước, có thể gây phương hại đến hàng loạt DNTN khi còn chưa quen với sóng gió đại dương. Tuy nhiên, nếu vì lý do này mà chúng ta cứ duy trì mãi rào cản thì không chỉ nó đi ngược lại với tinh thần của WTO mà còn trở thành chướng ngại vật ngăn cản chính chúng ta. Chúng tôi xin đưa ra những trở lực đang ngăn cản sự phát triển của chính chúng ta như sau:

1/ Chúng ta đang tạo thêm tầng nấc trung gian một cách hợp pháp giữa người nông dân và người mua hàng, khiến cho giá trị hàng hóa của người nông dân phải cõng thêm chi phí cho giai đoạn trung gian này.

2/ Bộ Công Thương là người chủ trì trong việc xây dựng Sàn Giao Dịch BCEC (Trung tâm mua bán cà phê Buôn Ma Thuột) nhằm mục tiêu để các thành viên của BCEC được có cơ hội mua bán theo phương thức đấu giá mặt hàng cà phê, tạo sự thông thương và tham chiếu với mặt bằng giá cà phê thế giới, mà thành viên là những người Nông dân, những DNTN, DNNN đều được quyền tham gia. Theo quy chế của BCEC và thông lệ đấu giá thì mọi thành viên đều có quyền mua bán trực tiếp lượng hàng của nhau. Nay cũng chính Bộ Công Thương đưa ra hướng dẫn thông tư đi ngược lại mục tiêu của Sàn Giao Dịch là “ĐỂ CHO HÀNG HÓA CỦA NÔNG DÂN CÓ CON ĐƯỜNG NGẮN NHẤT ĐẾN VỚI THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI”.

3/ Chúng ta có thống kê rằng, niên vụ cà phê 2010-2011, chỉ với 15 DNNN nhưng đã mua hơn 40% lượng cà phê của Việt Nam, trong khi khoảng 150 DNTN do hai vấn đề chính là thiếu vốn và giá mua thấp hơn nên không mua được lượng hàng này. Rất dễ dàng để thấy được một điều là nếu chúng ta không kịp gia nhập WTO thì số 40% lượng hàng đó của Nông dân cũng không có tiền để mua.

4/ Có ý kiến cho rằng, nếu để cho DNNN thống trị tình hình thu mua nông sản thì sẽ có một ngày nào đó họ thao túng thị trường mua bán là một suy nghĩ khá lạ lùng và ngây thơ, tiếc thay lại tồn tại trong những suy nghĩ của những cán bộ trong ngành cà phê. Chứng tỏ họ vẫn còn sống và suy nghĩ theo quán tính từ sự o bế và nuông chiều của chính sách trong quá khứ, đến nỗi không dám nghĩ là chúng ta cũng có nội lực của chính mình, quên luôn một điều đơn giản là cơ chế thị trường buộc các DNNN đến từ nhiều nước cũng phải cạnh tranh lẫn nhau để tồn tại.

5/ Duy trì những điều luật nhằm hạn chế việc DNNN mua trực tiếp hàng hóa chỉ khiến cho thế giới nhìn chúng ta chưa chứng tỏ có một nền kinh tế thị trường thực thụ chứ không ngăn cản được việc mua hàng của họ để mà bảo hộ cho DNTN. Sở dĩ họ mua được giá cao hơn là nhờ:

  • Uy tín thương hiệu giúp họ có giá bán cao hơn. Bởi những người mua hàng sẵn sàng trả giá cao hơn để mua từ những công ty đã có thương hiệu sẽ an toàn hơn.
  • Điều hành kinh doanh hiệu quả hơn nên mua giá tốt hơn.
  • Có nguồn vốn vay với lãi suất thấp hơn.

Những ưu thế đó không phải cứ là DNNN thì tự nhiên có được mà họ cũng phải trải qua sự chọn lọc khắc khe của thị trường mới tồn tại. Đó cũng chính là con đường mà DNTN chúng ta đang và sẽ đi qua.

Xin hãy để cho 70% dân số sống với nông nghiệp có lợi được nhờ những ưu thế sẵn có từ sự hội nhập. Xin hãy tạo điều kiện để cho DNTN có cơ hội tồn tại và phát triển vững mạnh nhờ cọ xát với sự hội nhập chứ không phải bằng những cấm đoán mang tính cưỡng bức, đi ngược lại với xu thế mà chúng ta đã chọn.

Kinh Vu (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân Cà

    Cám ơn Kinh Vu đã nói hộ nông dân, còn nông dân thích an phận thủ thường, ngại nói thế sự nên cứ bị đè đầu cưỡi cổ nhưng biết làm sao vì chữ ngãi kém cỏi lắm.

  2. DÂN KHỔ

    Đành rằng trong một xã hội phải có nhiều nhóm lợi ích cùng tồn tại nhưng đây là sự hy sinh của số đông cho một nhóm thiểu số có tư tưởng ngồi mát ăn bát vàng. Nhóm này đã tác động đến cơ chế chính sách. Cứ thế này không biết đến bao giờ dân ta mới khá lên được…
    Uổng công chúng ta mời gọi thế giới công nhận là có nền kinh tề thị trường…

  3. nongdancafe

    Là 1 nông dân ở 1 đất nước mà tỷ lệ nông nghiệp rất cao, tôi cũng tự hào với sự đi lên từ nông nghiệp của đất nước mình. mặc dù nông nghiệp của ta còn nhỏ lẻ và chưa tiên tiến như các nước. nhưng hiện tại các mặt hàng nông sản của ta cũng có thứ hạng so với thế giới , nhưng về uy tín trong thương mại chúng ta còn thua kém . Sản lượng nông sản đi lên chứng tỏ sự NỔ LỰC của nông dân rất lớn , thế mà tại sao NÔNG DÂN vẫn còn quá nhiều người khổ …? trong khi các DNTN cũng được nhà nước có nhiều chính sách ưu đãi mà tại sao chưa tạo được uy tín trên thương trường , nông dân làm ra sản phẩm ,doanh nghiệp là người đại diện đi bán ( Tôi thấy các hộ nông dân sản xuất nhiều nông sản ở địa phương , thì khi đi mua, bán vật tư .. sản phẩm làm ra ,thì luôn luôn đươc ưu tiên gía cả kể cả chào mời ưu tiên nợ ,rồi khuyến mãi nữa) Như vậy tôi đặt dấu hỏi các DNTN chưa làm hết sức mình ,vẫn có lãi do sự CẠNH TRANH trong nước quá NHẸ NHÀNG ai cũng kinh doanh được , không cần phải đầu tư trí tuệ nhiều, từ đó ai cũng nhảy ra kinh doanh ( công ty , doanh nghiệp tràn lan ai cũng mở được chẳng cần lượng sức mình , dẫn đến vỡ nợ lừa nông dân. Nông dân thì mất bỏ không quen thưa kiện , chính xác hơn vì ngại khó ngại mất thời gian và điểm chính ít tham khảo về pháp luật )
    Nay dự thảo thông tư hướng dẫn NĐ23/CP tôi thấy ĐIỀU 2, ĐIỂM 2 Bộ CT nên xem xét lại , đã cho vào VN mua bán mà không cho mua bán trực tiếp với nông dân. Như vậy có VÔ TÌNH HẠN CHẾ QUYỀN CỦA NÔNG DÂN KHÔNG ? hảy để các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau, tôi tin các DNTN có tài năng thực sự vẫn tồn tại chẳng thua kém gì đâu ? nếu mua qua đại lý thêm 1 khâu chi phí nữa thì ai chịu chi phí nầy? DNNN có lợi điểm của DNNN , thì DNTN cũng có lợi điểm của DNTN chẳng hạn như chi phí quản lý ( lương ..) ưu đãi của chính phủ.

  4. quốc oai

    DNTN gì mà cứ kêu ca không có tiền để thu mua nông sản, rồi so sánh mình vay tiền lãi suất cao ,người ta vay tiến lãii suất thấp (DNNN vay ở nước ngoài ) nên thua trong sân nhà…vv.. rồi MÉC xin ngăn chặn cạnh tranh thu mua hàng bằng cách cấm thu mua để Tui thu mua thôi ! Thiệt uổng công chính phủ thành lập tổng công ty này. Tên gọi thì lớn lắm nhưng tư duy kinh tế thì chỉ có vài cm thôi không dám bơi ra biển lớn chỉ biết lẩn quẩn quanh góc nhà ăn chận tiền chênh lệch giá nông sản của nông dân ! vậy biết khi nào mới có khả năng đứng chân trên thị trường cafe thế giới như Brasil Columbia thậm chí nhỏ bé như Indonesia .. cho người ta đừng nhìn mình như là 1 đại diện bán cafe kém chất lượng luôn bị ăn hiếp về giá ! Lại có vị phát biểu “lợi trước mắt, hại về sau” ông ấy nói cứ như là vị trí thứ 2 trên thế giới về cafe rosbuta của Việt Nam chả có kg nào hết ! bao nhiêu bài học về kinh tế, thị trường hồi học đại học chắc là quên mất tiêu hết rồi .

  5. Đinh tân lâm

    Bộ Công Thương nên xem xét thay đổi cái Thông tư bị chồng chéo và “đá” nhau đó đi mà thay 1 Thông tư phải rõ ràng trong đó luật phải đối xử công bằng từ DN nội cũng như DN ngoại (vì chúng ta đã gia nhập sân chơi WTO thì phải bình đẳng) để cho các DN cạnh tranh với nhau bình đẳng thì dân mới khỏi bị các DNTN độc quyền ép giá như vẫn ép dân từ trước tới nay. Nếu nhà nước có bảo hộ cho các DN nội thì nên có chính sách hỗ trợ ưu đãi về vốn vay thì DN nội sẽ ko thua DN ngoại.

  6. nguyễn thị kêu ca

    Kính gời Bà Con!
    Chắc nông dân mình còn khổ dài dài. Nếu như vậy thì bà con mình chắc đừng bán cà phê nữa cho ai cả, thu hoạch xong thì mang đổi gạo ăn thôi, không có miếng bánh thì hai con Cáo đâu có gì để tranh giành nhau?

  7. Nông dân gia truyền

    Tôi cũng mong rằng các nhà dự thảo luật pháp quốc gia hãy nhìn vào thực tế diễn biến của giá cả thị trường cà phê trong nước và đối chiếu với giá cả thị trường thế giới trong mấy ngày vừa qua ắt các vị sẽ rút ra được lý do vì sao nông dân chúng tôi phản đối dự thảo thông tư của bộ Công Thương!

    Chỉ cần một cháu học sinh cấp 1 cũng dễ dàng nhận thấy sự phi lý của giá cả thị trường cà phê trong nước, và càng thấy phi lý hơn khi không có sức cạnh tranh của các DNNN mà chỉ có các DN nội của hiệp hội Vicofa độc quyền.
    Mong rằng các vị sẽ có cách để thúc đẩy thị trường, làm cho đất nước phát triển, đời sống của nông dân ngày càng ấm no. Và lịch sử dân tộc sẽ ghi nhớ công lao của các vị.
    Mong lắm thay!

Tin đã đăng