Thống nhất giải pháp phát triển cà phê bền vững

Ngày 22/4, tại thành phố Buôn Ma Thuột, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả sản xuất cà phê năm 2010 và bàn giải pháp phát triển cà phê bền vững trong thời gian tới.

Hội nghị đã thống nhất quy hoạch phát triển cà phê Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 là không mở rộng diện tích, chỉ trồng thay thế hoặc tái canh những diện tích cà phê già cỗi ở những nơi có điều kiện sinh thái phù hợp, giảm diện tích cà phê ở những nơi đất xấu, không có nguồn nước tưới, diện tích bị sâu bệnh nặng để chuyển sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Theo kế hoạch, quy mô diện tích cà phê của Việt Nam đến năm 2030 giảm xuống chỉ còn 480.000ha, giảm trên 75.000 so với năm 2010, nhưng thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh để sản lượng không thay đổi, phấn đấu đạt trên 1,1 triệu tấn cà phê nhân như hiện nay.

Hội nghị cũng đã xác định 4 địa phương Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông và Gia Lai là vùng trọng điểm (hiện nay, các địa phương này đã chiếm 90% diện tích và 92% sản lượng cà phê của cả nước) và ngoài vùng trọng điểm có các địa phương Kon Tum, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên.

Hội nghị cũng thống nhất trong những năm tới mở rộng diện tích cà phê chè ở những nơi có điều kiện để đến năm 2020 đưa diện tích cà phê chè tăng lên 40.000ha (chiếm khoảng 8% tổng diện tích cà phê của cả nước), cà phê vối chiếm 92% diện tích.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng cây giống cà phê, khẩn trương triển khai, tập huấn để người sản xuất áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, nhất là các biện pháp tưới nước tiết kiệm, bón phân hợp lý, trồng cây che bóng, quản lý dịch hại tổng hợp, thực hiện tốt quy trình “3 giảm-3 phải-3 tăng”, trong đó, giảm phân bón – nước tưới – thuốc bảo vệ thực vật, phải trồng mới bằng giống tốt – phải trồng cây che bóng – phải thu hoạch đúng độ chín, tăng chất lượng – hiệu quả – sức cạnh tranh.

Từng địa phương có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích mở rộng thực hiện các chương trình sản xuất cà phê có chứng nhận: VietGap, cà phê Utz, 4C

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng chỉ đạo Viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiếp tục triển khai dự án phát triển giống cà phê , tập trung nhân, chuyển giao nhanh các giống cà phê vối có năng suất, chất lượng cao đã được Nhà nước công nhận như TR4, TR5, TR6, TR9, TR11, TR12, TR13 để cung cấp cho các địa phương làm nguồn giống đầu dòng.

Hội nghị cũng đã thống nhất các giải pháp tái canh, phát triển các hình thức liên kết hợp tác trong sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà phê, cần vận hành Sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột có hiệu quả hơn để tạo điều kiện cho người thu mua, xuất khẩu tiếp cận trực tiếp với các thị trường Liffe, NY và với các nhà rang xay lớn trên thế giới.

Hội nghị cũng đề xuất, kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng Chương trình tái canh cà phê giai đoạn 2011-2020, có cơ chế chính sách, nguồn lực để đảm bảo tái canh thành công 100.000 ha cà phê trong 10 năm tới. Bố trí nguồn vốn tín dụng quay vòng với lãi suất ưu đãi để cho các doanh nghiệp vay, chủ động mua tạm trữ cà phê khi cần thiết nhằm can thiệp kịp thời khi giá cà phê xuống thấp, khó tiêu thụ, góp phần ổn định đời sống của người sản xuất cà phê…

Theo báo cáo tại Hội nghị, hiện nay, cả nước có 555.065ha cà phê, tăng 18.000ha, trong đó, diện tích cà phê kinh doanh có 517.390ha, tăng 13.000ha so với niên vụ cà phê 2009-2010. Trong đó, Đắk Lắk là địa phương có diện tích cà phê nhiều nhất với trên 190.765ha (177.890ha cà phê kinh doanh), kế đến là tỉnh Lâm Đồng có diện tích 142.900ha, trong đó có 135.500ha cà phê kinh doanh.

Năng suất bình quân niên vụ cà phê 2010 của cả nước đạt 21,2 tạ nhân/ha, tăng 3,1% và đạt sản lượng trên 1,1 triệu tấn cà phê nhân, tăng 4,6% so với năm 2009, trong đó, Đắk Lắk là địa phương có sản lượng cà phê nhiều nhất, với gần 400.000 tấn cà phê nhân.

Xem thêm: Phát triển cà phê bền vững – đến bao giờ ?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. bò tót đực

    Có lẽ cứ khi nào nghe các ông đi thực nghiệm, do đạc thì lúc đó mới biết được quy mô, quy hoạch,… bằng không chớ vội mừng.
    Ở bài viết có đoạn “Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ chất lượng cây giống cà phê, khẩn trương triển khai, tập huấn để người sản xuất áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác cà phê bền vững, nhất là các biện pháp tưới nước tiết kiệm, bón phân hợp lý, trồng cây che bóng, quản lý dịch hại tổng hợp”
    _các ngành chức năng ở đây cụ thể là ai vậy?
    _cái biết thì không khó nhưng cái áp dụng mới khó, lấy gì mà áp dụng khi giá cả leo thang thế này.
    Gấp quá! khó quá!.

  2. Tien Tung

    Tính hình hiện nay TCT cà phê Việt Nam giao khoán vườn cây cà phê cho người lao động, quay trở lại như thời kỳ bao cấp làm sao mà tái canh vườn cây được, như vậy vườn cây bị xơi tái thì có. Mong các cáp xem lại cho không đơn giãn để thay khoán theo phương án như vậy được.

    1. Robusta

      Giai cấp vô sản luôn tìm mọi cách để ích nước lợi dân.
      Giai cấp tư sản luôn tìm mọi cách để bóc lột dân ngày càng tinh vi hơn.
      Hình như Các Mác nói vậy phải không các bác?

Tin đã đăng