Giá cà phê lại lên do các nước thất thu, cung không đủ cầu… và nhiều yếu tố khác. Tất nhiên sẽ có nhiều người mừng vui. Riêng bà con nông dân trồng cà phê chỉ biết ngậm ngùi. Nhưng giá lên cũng làm cho họ vui hơn khi nghĩ đến mùa vụ sau.
Đọc thêm: > Nổi buồn mùa thu hoạch cà phê
1. Dân số nước ta hơn 70% là sống với sản xuất nông nghiệp nên nói đến việc bán lúa non hầu như ai cũng biết. Với người trồng cà phê cũng vậy. Do đặc thù của loại cây công nghiệp này là cần vốn đầu tư lớn mà nhà nông nước ta chỉ có cần cù siêng năng “ngoài cật manh áo vải” nên chuyện phải bán cà phê non là chuyện xảy ra thường xuyên, năm này sang năm khác. Bình quân mỗi nông hộ trồng cà phê có chưa đến 2ha đất đai canh tác nên họ cũng quen lối làm ăn riêng lẻ cá thể tuy biết rằng đầu tư cho loại cây này phải cần có số vốn lớn.
Đầu vụ là chi phí cho máy móc, xăng dầu, dây ống… suốt cả tuần ăn ngủ ngoài rẫy để lo tưới. Những năm gần đây do nguồn nước khan hiếm, nhiều giếng khô cạn phải mua nước xa, tốn 2-3 máy đẩy, hàng chục cuộn ống (mỗi cuộn dài 50m) để đưa nước về ; phải tăng thêm nhân công để coi máy, bảo quản dây ống. Tiền công thuê tưới ngày càng cao (250.000 đồng/công ngày đêm). Mỗi đợt tưới phải tốn thêm vài triệu tiền mua nước cho 1 ha cà phê. Hộ nào còn cà phê thì đỡ chứ đã hết rồi thì phải nghĩ đến chuyện bán non hay đi vay lãi suất cao. Năm nào nắng hạn, mưa muộn, phải thêm 1-2 đợt tưới, tốn kém cả chục triệu đồng. Mùa mưa, đỡ lo tiền tưới thì lo tiền phân tro, công cán làm cỏ cắt cành bẻ chồi hàng chục triệu mà không lúc nào hết việc.
2. Mùa thu hoạch đến trong bối cảnh giá cà phê trong nước tiếp tục tăng trưởng kéo dài từ lúc Chính phủ chấp thuận hỗ trợ lãi suất cho vay để mua tạm trữ 200.000 tấn cà phê. Không nhà nông nào lại nghĩ là giá lên cao trong mùa thu hoạch mà họ vẫn canh cánh nỗi lo nhiều bề vốn xưa nay của nông gia. Nỗi lo nhất là thu hái, bị mắc mưa cà phê sẽ giảm phẩm chất, trong hoàn cảnh sân phơi còn thiếu thốn và giá sẽ giảm khi vào vụ hái rộ. (Xin đọc thêm: Nổi buồn mùa thu hoạch cà phê). Hình như đã sớm có hiện tượng tranh mua xuất hiện hay sao mà năm nay các đại lý, các cơ sở chế biến tung tiền ra mua cà phê tươi rất nhiều với giá khá cao.
Đi hái trên đường về, ghé vào đại lý hỏi thăm giá cả, anh Trần Đình Toán ở Đak Tít, ông Nguyễn Văn Hạnh ở Nhân Cơ (Đak Nông), quyết định chốt giá 7.000 đồng/kg, bán ngay 5 tấn cà tươi (tương đương 1 tấn cà nhân 35 triệu đồng) dự kiến sẽ thu hái được trong ngày mai. Ở Cư Kuin, Krông Ana, đại lý cho người đi hỏi từng xóm để thu mua cà tươi… Nhẩm tính công phơi phong, xay xát trong hoàn cảnh trời đang mưa lớn cuối mùa gây nhiều thiệt hại, phải thuê lò sấy lên đến 2 triệu đồng/tấn nhân, nên bà con quyết định bán. Chưa bao giờ chuyện mua bán cà tươi lại sôi nổi như năm nay. Chỉ cần mưa nặng hạt hơn một tí là giá cà tươi lại rớt. Có ngày xuống chỉ còn 6.400 đồng/kg. Khi đại lý ngưng mua vì lò sấy hoạt động không kịp là nghe đã có tiếng ì xèo, năn nỉ. Thậm chí đã có nhà vợ chồng to tiếng vì chưa chốt giá bán cà tươi mà phơi thì không được… Nông dân thấy giá cao mùa thu hoạch nên ai cũng tranh thủ bán. Vừa được giá cao, vừa đỡ tốn công phơi, lại vừa có tiền để thanh toán cho công hái, khỏi phải đi vay mượn lãi, mà tiền công không phải là ít.
3. Sự việc càng căng hơn khi trên đài, báo có tin của các thương nhân cà phê nổi tiếng trong ngành cho rằng giá cà phê vậy là quá cao, là sẽ giảm mạnh. Lại có cả quan chức của Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) nhận định vào khoảng cuối tháng 12 hay chậm lắm là là qua đầu năm mới dương lịch, giá cà phê nhân sẽ xuống còn khoảng 30.000 đồng/kg. Ngẫm nghĩ suy tính, so sánh cùng với giá cả mọi năm khi vào vụ mùa nên nhiều bà con quyết định bán bớt.
Nhưng qua năm mới dương lịch rồi mà giá cà phê cứ nhích dần lên. Sắp Tết rồi, biết bao nhiêu khoản chi thiết yếu. Với lại, giá cà phê sẽ giảm khi nông dân cùng bán ra nhiều trong kỳ tết. Phải tranh thủ chốt giá bán ngay. Thế là cà phê nhân lần lượt chui vào kho của các doanh nghiệp, các thương nhân, các nhà đầu cơ nhỏ lẻ khắp nơi khi giá ở mức 37-38.000 đồng/kg mà không thấy xuống như các quan chức tuyên bố. Số cà phê trong dân đã vơi quá nửa.
4. Khi giá cà phê càng lên cao thì người trồng cà phê gặp không ít chuyện, có cả những chuyện cười ra nước mắt. Anh Nguyễn Văn Tứ ở xã Ea Ktur, Cư Kuin tâm sự rằng vợ chồng anh từ khi thu hoạch cà phê đến nay hầu như không mấy vui vẻ vì giá cà phê. Lo sợ rớt giá nên anh bán trước tết, khi giá còn 39 triệu/tấn. Còn được 2 tấn thì ra tết cũng bán hết khi giá lên 42 triệu. Anh cũng tính để lại, chưa muốn bán nhưng vợ con cứ cằn nhằn. Với lại ngày nào chân rết của thương lái đến tỉ tê với vợ anh, nên bực mình anh bán nốt. Giờ thấy giá lên cao, vợ anh suốt ngày cứ vò đầu bức tóc đấm ngực tự trách mình. Mặc dù biết là phải bán để thanh toán đầu tư và các khoản nợ nần.
Cùng cảnh ngộ, em Mai Hoàng Anh, sinh viên Đại học Kinh tế thành phố HCM kể lại. Mọi năm em về ăn Tết, gia đình lúc nào cũng vui. Vì với nhà nông không gì hạnh phúc bằng có sản phẩm thu hoạch chất đầy nhà. Nhưng Tết Tân Mão năm nay lại không vui vì giá cà phê. Thậm chí mới đây em còn nhận được điện thoại của gia đình cứ xuýt xoa, tiếc rẻ vì giá cà phê đã lên tới 45,5 triệu, rằng bố mẹ cứ mãi càm ràm nhau về chuyện vội vàng bán cà phê.
5. Có thể thấy rằng năm nay giá cà phê không theo quy luật nào cả. Giá cả thì cứ chập chờn. Thông tin, dự báo cứ thay đổi liên tục, không chỉ của cán bộ quản lý địa phương mà của ngành chuyên môn hay của VICOFA mà của cả các thông tin quốc tế như hãng tin Reuters (Đức), hãng phân tích Sucden (Anh),nhà băng ABN (Hà Lan) hay của Tổ chức cà phê Quốc tế (ICO). Mà nhà nông thì dựa vào trực giác và kinh nghiệm là chính. Nên biết đâu mà lần, thua đau trắng tay là phải.
Cho đến giờ có thể khẳng định cà phê trong dân còn không đáng kể. May ra là còn trong những nông hộ có diện tích vài ha trở lên hay còn trong những hộ là công chức nhà nước, cán bộ địa phương hay trong các nhà đầu cơ nhỏ. Các công ty trong nước thì mua đâu bán đó, không có vốn để dự trữ với gánh lãi suất quá nặng. Không khéo, còn đi bán trước mua sau, giờ này mãi đang rượt đuổi theo giá cà phê, theo hợp đồng kỳ hạn, hay đang “xin chết” với wash-out (theo Kinh Vu, tìm hiểu thị trường cà phê-phần 4).
Chính vì năng lực có hạn, vốn liếng thì ít, lãi suất ngân hàng quá cao lại ngồi chờ giá xuống như nông dân đoán giá nên cơ hội bị tuột mất. Chỉ khi các doanh nghiệp nước ngoài đẩy giá lên, mua hết cà phê trong dân khi đó mới bừng tĩnh. Không có hàng để giao theo hợp đồng nên các doanh nghiệp trong nước đã cùng VICOFA la làng lên cầu cứu với nhà nước, rằng doanh nghiệp nước ngoài vi phạm pháp luật khi tổ chức thu mua cà phê trong dân. Người xưa đã bảo “buôn có bạn, bán có phường” mà doanh nghiệp nước ta vào họp thì thống nhất rôm rả nhưng ra khỏi phòng thì mạnh ai nấy làm. Sự việc thế nào thì công luận đều đã biết.
Giá cà phê lại lên do các nước thất thu, cung không đủ cầu… và nhiều yếu tố khác. Tất nhiên sẽ có nhiều người mừng vui. Riêng bà con nông dân trồng cà phê chỉ biết ngậm ngùi. Nhưng giá lên cũng làm cho họ vui hơn khi nghĩ đến mùa vụ sau. Đó có lẻ là niềm vui bất tận của nông dân trồng cà phê.
Nguyễn Vịnh (Theo Người đại biểu nhân dân)
Nông dân ta ơi! Khổ, khổ, Khổ. hy vọng … Khổ! meo mu mường tượng cái cảnh “trong giai đoạn cuối mùa khô chị Dậu chạy ra khỏi nhà đi chặt cà phê non nhưng giá vẫn thấp thảm hại! Chị nhìn lũ con, chị nhìn cái Tý mà nước mắt lã trã rơi. Chị không đành để chúng ngày một gầy còm xanh sao hơn chị cũng không đành để đám cà phê chết héo. Chị nhắm mắt sang đại lí Nghị Quế chặt cà, cầm số tiền có được mà chị thở dài, mặt mày xám xịt. Chị vừa ra khỏi đại lí, Nghị Quế ngồi vắt chân chữ ngũ cười tủm ” năm nay nhà con Dậu sẽ chẳng còn gì .” Về nhà chị giận mình đã vội vàng, chị trách sao đời bạc bẽo, trách cái số phận mình long đong, rồi chị chợt bừng tỉnh, chị như đã hiểu được vấn đề chỉ nhủ ” từ sang năm ta sẽ không vay, không chặt cà phê non nữa. Ta sẽ gắng từ bây giờ để đến cuối mùa có dư khoảng 20% lượng cà phê mùa này là tạm ổn, từ mùa sau sẽ không có chuyện này xảy ra cũng như phải có tạm trữ ít nhất 30% lượng cà phê thu được. Nếu không làm được vậy suốt đời ta đi làm thuê, con ta thất học.”
Bài viết của Nguyễn Vịnh khá hay đúng với toàn thể nông dân ta ngày nay, riêng tôi sống với hai nghề chính vừa sữa chữa Điện tử, vi tính và làm 5 sào cà phê, năm rồi cũng bán non mất 1 tấn, với giá 32.000vnd trong khi giá tại thời điểm đó là 37.000vnd vì mình cần tiền thuê nhân công hái nên đành bán thôi, hỏi vay ngân hàng thì hẹn nay hẹn mai đi đi về về mất công mà chả được vay. Có lẽ là tôi không bôi trơn cho cán bộ tín dụng, vay có 30.000.000 biết bôi trơn kiểu gì, trong khi đó báo đài nói là hỗ trợ cho nông dân nguồn vốn mua sắm máy móc mà chả thấy gì hay nhà nước ta chỉ hô hào suông thôi sao. Thật là khổ cho nông dân ta làm ra sản phẩm lại bị tư thương ép giá. Nếu nhà nước không có chính sách thiết thực với nông dân thì đừng nói suông nói miệng mà không thực thi.
“Không có hàng để giao theo hợp đồng nên các doanh nghiệp trong nước đã cùng VICOFA la làng lên cầu cứu với nhà nước, rằng doanh nghiệp nước ngoài vi phạm pháp luật khi tổ chức thu mua cà phê trong dân. Người xưa đã bảo “buôn có bạn, bán có phường” mà doanh nghiệp nước ta vào họp thì thống nhất rôm rả nhưng ra khỏi phòng thì mạnh ai nấy làm.”
Trong kinh tế thị trường có khái niệm “ĐỘC QUYỀN MUA”
Các doanh nghiệp trong nước liên kết với nhau thành “độc quyền mua” để làm giá với nông dân, “siết cổ” nông dân để hưởng lợi (cụ thể khi giá tăng 80USD thì họ chỉ mua tăng 30USD = 600VND. Khi giá xuống 80USD thì họ lại mua giảm đúng 80USD = 1.500VND). Do đó họ mới dám thoải mái ký hợp đồng kỳ hạn tương lai với đối tác nước ngoài trong khi trong kho họ chưa có hạt cà phê nào mà không sợ bị lỗ, vì họ biết rằng họ liên kết rồi thì sẽ “siết giá” được của nông dân cùng khổ.
Nhưng kinh tế thị trường không đơn giản thế!
Hội nhập thì phá vỡ được độc quyền mua, vì các DN nước ngoài vào mua cà phê được tham gia bình đẳng như cam kết (đổi lại DN Việt nam vào nước họ thì cũng được bình đẳng như thế).
Hơn thế khi giá thế giới lên, một vài DN trong nước nào đó vì lợi nhuận nên âm thầm tự nâng giá để mua được hàng nhiều hơn các DN “cùng hội cùng thuyền” với mình, nên độc quyền mua cũng phải bị phá vỡ.
Kinh tế thị trường đúng nghĩa sẽ phá vỡ đi những toan tính chủ quan của những âm mưu đen tối, mang lại lợi ích hài hòa tất cả các thành phần kinh tế cùng tham gia, giảm thiểu được thiệt hại của nông dân “thấp cổ bé miệng”!
Nông dân mà! thấp cổ bé họng làm sao kêu tới trời được. Các bác nông dân cứ ráng mà làm để nuôi các doanh nghiệp chứ kêu la làm chi, uổng công vô ích. Phần đông các bác nông dân quanh năm chỉ bán mặt cho đất bán lưng cho trời, làm sao biết được internet là cái gì? làm sao biết được giá lên 80USD hay giảm 80USD, chỉ biết tăng lên 600 là mừng lắm rồi. Chính vì vậy mới bị bắt chẹt chứ. Càng nghĩ càng tức.
Anh Vịnh nói đúng, song chưa khách quan cho lắm. Đành rằng người nông dân một nắng hai sương, muôn đời thấp cổ bé họng. Song một khi đã ra thương trường thì không phân biệt nông dân hay thương lái gì hết. Tôi thấy có những nông dân thật sự giỏi dang. Họ làm việc chăm chỉ mà bán sản phẩm cũng làm cho các đại lý phải đau đầu đấy. Ngược lại các đại lý, công ty cũng có nơi chết lên chết xuống đó thôi. Những nói cho cùng thượng đế sinh ra người nông dân là chỉ để phục vụ cho những tầng lớp khác mà thôi.Theo tôi thì người nông dân là những người cao quý nhất. Chỉ mong một ngày họ đỡ khổ mà thôi.
Tui đồng tình với bác Vịnh qua bài viết và những ý kiến của bà con phản hồi. Nhưng tôi ko nhất trí với ý kiến hết sức vụng về và mâu thuẫn của “vinh truc” ở trên.
Bạn cho là bác Vịnh nói “đúng” mà “ko khách quan” cho lắm. Tui thực sự ko đủ chữ nghĩa để nói bóng gió nhưng tui cũng hiểu được cái “cho lắm” của bạn có khách quan hay ko. Sao bạn lại cho rằng “đã ra thương trường” thì tui ko hiểu cái thương trường bạn nói với nông dân là gì vì quan hệ này gần như thuần túy 1 chiều. Và với họ thì cũng chỉ đơn giản là thuận mua vừa bán. Sao họ làm cho đại lý “đau đầu”? Hay vì nay họ đã biết được những thông tin, những kiến thức về thị trường tối thiểu để đại lý ko còn chèn ép được họ. Mắc gì đại lý phải đau đầu? Hay đau đầu vì nông dân ngày nay ko còn kém cỏi để cho ai cũng dễ bắt nạt, ăn hiếp như ngày xưa nữa.
Còn cái lí luận “thượng đế sinh ra người nông dân chỉ để phục vụ cho những tầng lớp khác” chỉ là mớ lí luận rẻ tiền của kẻ cướp, cũ rích rồi. Một khi nào đó, nó sợ ko còn ai để mà cướp nữa thì nó quay lại tâng bốc nông dân là “người cao quý nhất” và nó mong họ “đỡ khổ” hòng để cướp của họ được nhiều hơn.
Xin lỗi bà con trên diễn đàn, tui thật sự phẫn nộ lí luận của những kẻ cướp này nên lời lẽ có thiếu kiềm chế…
Đề nghị Y5 cho phản hồi của tui hiển thị để rộng đường dư luận !
anh nông dân nghèo thân mến, những điều anh thắc mắc trên chỉ là sự phẩn nộ tức thời mà thôi . Tôi không biết anh có phải là nông dân thật sự hay không. Còn tôi xin lổi anh ,là nông dân 100%đó. Ý tôi là người nông dân từ xưa tới nay lúc nào cũng chịu thiệt thòi. Than vãn hay phân tích không thiết thực bằng cách tự học hỏi vươn lên, ” xung quanh ta không thiếu bà con nông dân giàu có và giỏi dang đâu”nhưng cũng phải chấp nhận thực tế một điều là đại đa số nông dân trình độ học thức và nhận thức bị tụt hậu ”vì nhiều lý do khác nhau”. Tuy nhiên diễn đàn này, BQT ưu ái dành cho nông dân, mọi ý kiến dù hay dở đúng sai cũng nên nói với nhau nhẹ nhàng thì hơn. Tôi rất tiếc là không nói hết ra được tâm tư của mình ,để anh hiểu lầm.
Bài viết của anh Vịnh rất hay nhưng theo tôi:
1. Không nên cổ súy cho “Buôn có bạn, bán có phường” vì ai mà cũng nghĩ như vậy thì người trực tiếp làm ra sản phẩm sẽ khổ hơn cả. Tôi khuyến khích sự cạnh tranh lành mạnh mặc dù đây là điều rất rất khó vì có sự cạnh tranh, những âm mưu đen tối mới giảm
2. Đành rằng đa phần nông dân là những người ít học, khó tiếp cận các kênh thông tin qua đó làm mất đi nhiều cơ hội trong các quyết định có liên quan đến sản phẩm của mình nhưng bên cạnh các yếu tố khách quan, cũng nên tự trách họ vì họ không muốn nâng cao khả năng của mình. Khi nào nông dân còn suy nghĩ ta làm nông thì cần gì biết đến kinh tế thế giới, lúc đó họ sẽ còn thiệt thòi và sự thiệt thòi đó là do chính họ
3. Con người phần lớn đều tham và lượng thông tin mà mỗi người có được cũng hạn chế và người hay nhất là biết dừng đúng lúc nhưng “dừng đúng lúc” thì chỉ người đó biết mà thôi (ý tôi muốn nói là tập hợp thật nhiều thông tin và quyết định trên một suất sinh lợi họ cảm thấy hài lòng). Chúng ta thường mong muốn bán được giá ngọn (tức là giá cao nhất) vậy khi ta bán giá đó chắc chắn là người mua chịu rủi ro vì khả năng họ bán được giá tốt hơn là không thể (lưu ý thời gian lưu thông của hàng đến người cuối cùng) & ai trong chúng ta biết được giá ngọn? Hôm nay giá lên, mai lên, tuần sau lên và ta bán sau đó giá tiếp tục lên (ta tiếc) => đó là điệp khúc muôn thủa.
4. Chúng ta có thể tồn tại trên cõi đời này là nhờ lương thực mà để có nó ta phải có tiền, muốn có tiền thì phải lao động. Nếu ngành nghề nào ai cũng có thể làm và ai cũng muốn làm thì lợi nhuận từ nó sẽ thấp, tự xã hội sẽ phân bổ để hướng tới sự công bằng.
5. Đứng trên phương diện kinh tế, bà con cần quản lý được chi phí của mình, từ đó sẽ xác định được giá bán mà bà con thấy trả công xứng đáng và bán với giá đó (bán trên thị trường giao sau tại VN-Buôn ma thuật). Cái khó là bà con có tính được nhưng từng người khó có thể giao dịch vì không thỏa mãn điều kiện tham gia (lô hàng), cái này thì bà con phải liên kết với nhau. Riêng về chất lượng, bà con cũng phải ngồi lại để thống nhất. Nếu không thì vẫn chỉ là cách cũ ta làm và rồi,… Bà con nào có tìm hiểu thị trường, xin phân biệt rõ kiểm soát rủi ro về giá & đầu cơ. Xin đừng liều mạng tham gia đầu cơ trên phương diện thiếu thông tin chính xác rồi ôm hận.
6. Người xưa có nói “Biết đủ thì đủ, đợi đủ thì biết bao giờ mới đủ”. Tôi không có ý nói là hãy bằng lòng với hiện tại mà hãy quyết định với một suất sinh lợi hợp lý với mỗi người.
Một chút tản mạn mong đừng cười chê!
Tui cũng nhất trí như bạn Thảo Sơn. Đa phần nông dân là đáng trách vì họ không muốn nâng cao khả năng của mình. Chứ nếu họ muốn, họ sẽ là những giáo sư, tiến sĩ chân đất hết. Không thấy sao, những phát minh, sáng tạo, cải tiến ở nông thôn toàn là do họ. Những anh “hai lúa” ở nông thôn phải biết đến kinh tế thế giới thì may ra mới thoát nghèo. Họ chưa thoát nghèo là tại họ muốn trút hết nổi khổ cực lên đầu các doanh nhân, các thương nhân để ở nhà khư khư ôm mảnh ruộng, nên họ sẽ còn thiệt thòi và sự thiệt thòi đó là do chính họ. Cho nên nông dân ơi, xin đừng liều mạng rồi ôm hận, hởi những nông dân chưa bao giờ biết đủ.
Ông bạn Dở chứng này thâm thúy thật !
Thảo Sơn có phải là nông dân không anh giỏi quá. Tui cũng nghĩ như anh mà không biết nói. Chúc anh có nhiều phản hồi bổ ích.
Chào bạn Thảo Sơn.
Rất vui vì bạn đã tham gia diễn đàn của bà con nông dân, làm cho phản hồi trên diễn đàn được đa chiều và bà con cũng được thêm hiểu hơn. Tôi chỉ xin nói với bạn 1 ý.
Bạn cho là tôi không nên cổ súy cho “buôn có bạn bán có phường” làm cho nông dân khổ, thì có lẻ cách hiểu về vấn đề này của tôi và bạn khác nhau. Nhưng lại chính bạn nói “bà con phải liên kết với nhau”,”bà con phải ngồi lại để thống nhất” giống như bác Nông dân nghèo nhận xét, thì cách hiểu của tôi và bạn càng khác biệt hơn nữa. Đã khác biệt thì khó mà tìm sự đồng cảm bạn nhỉ? Dù sao tôi vẫn cám ơn bạn đã đọc và có phản hồi về bài viết.
Thật là thất đức. Bà con nông dân một nắng hai sương làm lụng vất vả mà mấy ông DN ăn chặn trên đầu bà con thế ak. Phải có cạnh tranh trong việc mua chứ không mấy ông DN nội ỉ thế độc quyền mua caffe mà bắt ép dân là không được.
Thật chỉ khổ người dân, giá caphe càng lên cao trong lúc này thì càng khổ. Thứ nhất vì những nông dân nghèo họặc trung bình đã bán caphe từ trước tết (còn rất ít nhà còn) để chi trả bao nhiêu là khoản vào cuối năm. Thứ 2 trong khi giờ đang vào mùa tưới caphe, mà giá caphe càng tăng (giá xăng dầu lên cao ai cũng biết , giá điện cũng tăng từ tháng 3) mặt hàng gì cũng tăng ,người nông dân càng khổ. Vừa tiếc , vừa phải chịu giá đầu tư cao. 1 năm làm caphe thu hoạch có 1 lần, giá tăng lúc này chỉ kéo theo vật tư tăng theo thôi
Thiết nghĩ , giá caphe tăng vào lúc này ai được lợi ? ôi. chán thật. Làm nông dân thật khổ, 1 nắng 2 sương lầm lũi làm cho ngoại quốc nó hưởng.
Người nông dân chỉ biết chịu khó làm ăn trên ti vi nói sao biết vậy, may mắn thì bán được giá cao. Chi phí cho cây cafe rất cao trong khi đó như hiện nay thơì tiết ko thuận lợi nên thu được rất ít. Nhà tôi có 2ha mỗi năm thu được 4 tấn mà ko đủ sống, phải đi làm thuê cực lắm các bác ah, ăn trước trả sau. Toàn phải đi chốt cà non để tưới khi giá có 30.000đ mà đi vay ngân hàng thì họ cứ hẹn đi hẹn lại không biết khi nào mói có. Mỗi lần nhà tôi tưới hết 4tr vì phải tưới 2 máy và 20 cuộn ống. Tôi thấy đã khổ lại còn khổ hơn khi giá cả cứ như thế này. “đã nghèo lại càng nghèo thêm” khi giá xăng dầu lên cao như hiên nay mà chính phủ ko có biện pháp gì. Người thiệt thòi là nông dân chứ ai. Giá phân càng ngày càng cao thêm nên chả ai dám chi phí nhiều. làm hoài làm mãi mà không đủ ăn, không biết đến bao giờ gđ nông dân mới đỡ khổ. Chính phủ mà ko giúp đỡ người nông dân một chút nào, ko biết sự khổ cực của người nông dân “một năng hai sương” lặn lội với cây cà phê. Khổ cho người dân mình quá !
Ý của ”nông dân nghèo” là ý chung cho tất cả bà con làm cà phê vùng tui đó. Mong nhà nước cho nông vay vốn đầu tư với giá ưu đãi và dễ dàng hơn.
Bài viết này phản ánh đúng thực trạng của người nông dân hiện nay.
theo như tôi nghĩ, muốn người dân bớt khổ thì nhà nước phải tiến hành trợ giá đều đặn hàng năm và có được các dự đoán chính xác về giá để bà con biết chứ giá lên mà cafe hết thì dân nghèo vẫn hoàn nghèo thôi.
Thương ba mẹ, thương dân “buôn” mình, cà phê giá thấp lo lắng buồn phiền đã đành, giờ cà phê cao giá ngày nào cũng thấp thỏm!
Qua bài viết của anh nguyễn Vịnh và những ý kiến của những người tham gia diển đàn. Mọi ý kiến đóng góp xây dựng, phản hồi đều có nội dung phong phú và có ý nghĩa cao. Tôi xin mạn phép có vài ý sau.
1 Về vốn bà con còn thiếu phải đi vay với lãi suất cao kể cả ngân hàng nhà nước để đầu tư và chăm sóc vì chưa thu đã phải bán rồi.
2 Các DN thông qua đại lý mua mà họ không mất gì khi nhà nước cho vay ưu đãi, nông dân lại bán ko được hưởng tý gì?
3 Các DN nước ngoài vào cạnh tranh mua bán với nông dân mà giá cả phù hợp bà con có lãi thì họ bán là hợp lý.
Giá cafe lên được tý nông dân ai cũng mừng nhưng tiếp theo đo thì cái gì cũng lên theo thậm chí con ghê hơn nữa ấy chứ. Thế mà đi đâu ai cũng nói dân cafe lên đời lại rồi, sướng rồi. Nhưng ko phải dân cà làm sao biết được chứ đầu tư cho một hecta cafe đâu phải đơn giản. Phân bón tăng gấp mấy lân so với trước, dầu cũng vậy, còn công cán nữa chứ,… Thêm vào đó là biến đổi khí hâu gây ra sâu bệnh, rồi thiêú nước tưới ở nhiều nơi gây khô hạn… Cũng chỉ mong cho giả cả được bình ổn cho nông dân cả nước đỡ lo lắng, đỡ khổ!
là nông dân chúng ta ai cũng muốn bán với giá thật cao. Nói như bạn thảo sơn bán giá ngọn là không cần thiết. Nông dân chỉ cần các doanh nghiệp mua với giá gốc là đủ.
Bản chất nông dân, luồng thông tin thiếu, chỉ có mỗi cái TV mà coi.
Cái gì cũng tin TV hết. hic hic…