Tìm hiểu thị trường cà phê, bài 2: Dầu hỏa đốt cháy giá cà phê

Trong bài 1 bàn về phân tích và dự đoán, tác giả có đưa ra ví dụ đề cập đến chuyện khi giá dầu hỏa tăng. Hôm nay Y5cafe xin giới thiệu bài viết mới mà trong đó tác giả muốn cùng bà con nhìn lại để mạn đàm về sự tác động của giá dầu hỏa lên giá cà phê.

Mời bà con cùng tác giả tiếp tục tìm hiểu thị trường cà phê qua sự liên quan chính trị tại Châu Phi và Trung Đông hiện nay đến giá cà phê.

Chuyên mục: Tìm hiểu thị trường cà phê kỳ hạn – Tác giả: Kinh Vu

Chứng khoán mỹ

Từ chuyện hoa cà phê đang nở ở Colombia được cho là tốt, chuyện nguồn cung eo hẹp do những biến động thời tiết trong thời gian qua lên các nước sản xuất cho đến tình hình thu hoạch của Việt nam được dự báo tưng tửng khi tăng lúc giảm v.v… Tất cả đều thuộc về vấn đề nguồn cung mà sự tác động của nó không ai bỏ ngoài tai.

Tuy nhiên xin các bạn hết sức lưu ý một điều toàn bộ số lượng từ nguồn cung đó chỉ là một trong hàng mười mấy phần của tổng lượng mua bán cà phê trên toàn thế giới được các nguồn vốn, nhà đầu tư, và những nhà kinh doanh nắm trong tay ở dạng như các quyền mua bán hợp đồng. Hay để nói cho dễ hiểu là chỉ một phần là hàng thực, còn mười mấy phần kia là hàng ảo.

Tôi xin nói sơ qua về quyền mua bán hợp đồng một cách nôm na nhất để dẫn dắt câu chuyện mùi dầu hỏa lẫn vào hương cà phê như thế nào?

Ví dụ: Anh nông dân A gởi 10 tấn cà phê lên sàn giao dịch (đoạn này là cà phê thực), anh A được cấp một chứng thư gởi hàng để anh có thể có quyền gọi bán khi mình thích. Một ngày đẹp trời anh A bán cái chứng thư đó cho anh B với điều kiện giao hàng tháng 5, anh B lúc đó bắt đầu là người đang nắm vị thế , một ngày nọ lại bán cho chị C cái chứng thư kia và cứ tiếp diễn như thế cho đến Bác Z… và Bác Z có quyền ra lệnh cho sàn giao dịch giao hàng cho ai vào tháng 5 căn cứ trên quyền sở hữu tấm giấy trong tay.

Chúng ta thấy trong quá trình từ Anh B trở đi thì chỉ là một tờ giấy, và có lẽ cũng vì thế mà người ta gọi là hàng giấy. Quá trình từ anh B cho đến Bác Z trải qua bao nhiêu nhận định của không biết bao nhiêu người có những suy nghĩ khác nhau trước mỗi biến cố, cho nên mới có chuyện thị trường biến động, mà cái sự trồi lên xẹp xuống này diễn ra với sự quyết định do sự thắng thế trong nhận định bởi số lượng hàng ảo nhiều hơn.

Vì lẽ đó mà có lúc hoa ở Colombia nở tốt hứa hẹn một vụ mùa bội thu, hay dầu hiện nay ở Việt nam không có để tưới làm cho cây cà phê héo cả, tới đây nhà tui chắc mất mùa trầm trọng… chỉ là một câu chuyện nói rồi để đó mà thôi, chứ sự tác động của nó chỉ là một vấn đề trong giai đoạn của anh A, còn chuyện của từ B đến Z là cả một hành trình chóng cả mặt của hạt cà phê.

Quay trở lại với tình hình hiện nay sau các bất ổn tại Tunisie, Ai cập và lan sang Libya khiến cho giá dầu hỏa vọt lên mức 111$/thùng và có khả năng sẽ còn tăng thêm nữa. Rõ ràng những nhà kinh doanh từ anh B cho đến Bác Z hiện nay nhận thấy rằng cổ phần các công ty sản xuất hàng hóa để phục vụ chiến tranh như vũ khí và bông băng sẽ có khả năng tăng giá. Lượng xuất khẩu dầu hỏa sẽ bị đình trệ trong một thời gian chưa biết bao lâu nếu như Libya xảy ra nội chiến hay Ai cập chưa ổn… Thế thì tại sao không bán cái giấy chứng thư cà phê đang có giá cao như thời gian vừa qua để mua dầu hỏa vào?

Chưa nói đến, ở những quốc gia đó hiện nay, chẳng ai còn tâm trí đâu mà lo chuyện nhâm nhi ly cà phê mà đang cần bông gòn và thuốc trụ sinh để uống hơn là cà phê.

Một ngày nào đó khi tình hình trở lại ổn định, giá dầu sẽ dần dần sụt giảm thì họ lại bán dầu ra mà mua lại quyền mua bán hợp đồng cà phê vào.

Có Chúa mới biết thời gian này sẽ kéo dài bao lâu, nhưng có lẽ giá cà phê còn sẽ chịu áp lực thanh lý bán ra từ anh B đến bác Z là chuyện đang diễn ra.

Cái ông Gaddafi chẳng có dây mơ rễ má gì với cà phê Việt nam mà một lời tuyên bố chiến đấu đến giọt máu cuối cùng khiến cho cả thế giới lên cơn sốt, khiến cho dầu tăng mà cà phê giảm. Khổ cho nông dân như chúng ta, bây giờ giá cái gì cũng cao cả mà giá cà phê thì lại đang sụt.

Xem bài trước: Tìm hiểu TT cà phê – Phần 1: Phân Tích và Dự Đoán

Kinh Vu (Giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Bien Ho

    Chính xác , lúc này nên bán ra .
    Kinh tế thế giới bất ổn, giới đầu cơ tăng mua dầu , vàng … không quan tâm đến thị trường hàng hóa. Cụ thể CRB trong mấy ngày gần đây liên tục giảm. Bà con nên bán ra thôi.

  2. đăk lăk

    Đúng quá đi chứ. Có lẽ bài này là bài phân tích nghe hợp lý nhất xưa nay. Cảm ơn bác Kinh Vu đã có bài phân tích hay như thế này. Nhưng than ôi, lúc này ở DakLak cái ông cty 2-9 đang tạm ngưng mua, làm sao nhân dân bán đây?
    Tôi đang muốn bán 20t nhưng đang gửi ở kho 2-9 biết sao bán đây ???.

    1. Trần Thanh Huy (Hùng Heo Tam Bố)

      Nếu Bác sợ lỗ thì tự giảm xuống vài ba trăm đồng một ký rồi bán cho thương nhân người ta mua ngay mà (Bác vẫn có lời đậm chứ đâu có lỗ). Cần gì phải trông đợi công ty rồi lo lắng lại mệt thêm nữa. Chỉ sợ Bác không chịu bán thôi.

    2. trần hữu chính

      Xin chào các bác. Cháu tuy là sinh viên học khoa học tự nhiên, hiện đang học năm thứ ba tai tp HCM, nhưng vì nhà có trồng một ít cà phê nên thường vào trang web này để theo dõi giá cả và phần nào đó phân tích thị trường cà phê. Nhờ đọc báo và tin tức kinh tế, thấy bài viết này hay quá nên để lại lời nhận xét, bình luận để lần sau tác giả có thể cung cấp nhiều bài viết hay hơn nữa . Xin cảm ơn.

  3. Trần Thanh Huy (Hùng Heo Tam Bố)

    Bài viết của bác Kinh Vu không phải không có lý. Tuy nhiên nếu suy theo hướng đó thì chúng ta phải tìm hiểu tường tận về các yếu tố sau :
    1/ Cái ông Gaddafi sẽ kiên quyết đến khi nào? Vì khi ông ấy chiến thắng hay thất bại thì giá dầu sẽ hết ảnh hưởng. em nghĩ kết cục đến nhanh, và giá dầu cũng sớm ổn định.
    2/ Tại Anh (LonDon) và Mỹ (New York) người kinh doanh có được phép tự do kinh doanh dầu không? Có bị hạn chế như ở Việt Nam không? Nếu được tự kinh doanh dầu thì hồ sơ và các bước thực hiện kinh doanh có dễ dàng như kinh doanh cà phê không?
    3/ Người kinh doanh có thực sự thấy việc kinh doanh dầu là việc dễ làm và đã quen làm như việc kinh doanh cà phê không? (ví dụ như bà bán rau, hôm nay rau muống khó có ăn thì bà chuyển qua buôn bắp cải. Việc thay đổi giữa buôn dầu và buôn cà phê có dễ như vậy không?).
    4/ thế giới đã lên tiếng và tìm nhiều giải pháp ổn định vấn đề của ông Gaddafi và kết thúc theo hướng nào chưa biết, nhưng tôi nghĩ sẽ sớm kết thúc thôi. Người đầu tư cà phê có thể dễ dàng và đồng loạt buông ngay một sân chơi đang ổn định (cà phê) để lước sóng với một sân chơi bùng lên và sớm tắt (dầu hoả) không?
    Còn riêng em thì em lại nghĩ khác một chút. Cứ coi chuyện cà phê ảo phình lên xẹp xuống là chuyện “thường ngày ở huyện” vì kinh doanh trên sàn thì chắc chắn là vạy mà.
    Nhưng một yếu tố không ảo tí nào đó là :
    -Số lượng cà phê hiện tại trên thế giới chưa thể sinh thêm ra hạt nào. Có buôn bán hay tiêu dùng là cũng đang xài dần cái kho cà phê cũ. Vì hiện nay chưa nước nào hái thêm được trái nào cả. Em cho rằng từ khi giá cà phê tăng dần đến mức 42.000 là mức giá tăng thực. Tất nhiên đến khi giáp hạt thì giá có thể giảm. Còn mức tăng từ 42.000 trở lên là có yếu tố tâm lý kèm theo.
    Từ đó em suy ra cà phê không thể xuống dưới 42.000. Em đang tích trữ tí tẹo thôi nhưng em nghĩ rằng không thể giảm dưới 42.000. Tất nhiên nếu nó giảm xuống 42.000 em bị giảm lãi khoảng 3,5tr/tấn nhưng vẫn có lời. thế nên em vẫn lì lợm để tiếp và mong nó lên khoảng 48-50.000/kg. (em hơi tham nhỉ).
    Cái giá em tự chốt trong lòng em chưa chắc nó đã dừng lại vì như em đã nói là chưa giáp hạt thì nó vẫn phải có xu hướng tăng chậm mà đều. Khi nào gần giáp hạt, hoặc cà phê giảm đến 42.000 em sẽ bán.
    Cám ơn bác Kinh Vu đã cho thông tin để em suy gẫm, nhưng em nhìn vào chuyện khan hiếm cà phê nhiều hơn, chứ em không nhìn theo hướng dầu hoả của Bác nói. (chắc em đang lì lơm chưa bán, nên phải nghĩ ngược lại hướng Bác cho yên lòng).

  4. Hoàng

    Cám ơn bác Kinh Vu về bài viết rất hay, dễ hiểu.
    Đọc bài của bác xong e mới ngẫm ra rằng dầu mỏ chỉ là 1 trong vố số tác động ảnh hưởng đến giá cà phê, có thể ví dụ như sau: khi khủng hoảng kinh tế xảy ra thì vàng được ví là cái vịnh tránh bảo, như vậy những người đang nắm vị thế trên sàn cà phê sẽ bán ra để đầu tư vào vàng. -> gây áp lực lên giá. v,v,v, còn hàng ngàn yếu tố khác trên thị trường tài chính, chính trị, v.v.v ảnh hưởng đến giá cà phê.
    Những thông tin nền tảng (nguồn cung, nhu cầu, thời tiết, …) theo mình thấy nó chỉ mang tính chất giải trí, vì từ ông B đến ông Z thì những yếu tố đó không còn đúng nữa.
    Hy vọng trong thời gian tới anh sẽ có thêm nhiều bài viết phân tích về thị trường cà phê để chúng em mở mang đầu óc. Thú thật từ khi tham gia vào y5cafe mới biết là hột cà phê của mình nó đi đâu về đâu, bị tác động bởi những vấn đề gì.
    Cám ơn bác Kinh Vu, cám ơn y5cafe.

  5. Nông dân CÀ

    Giá cả tuân theo quy luật cung cầu.
    Đầu tiên là cân đối mức cung cầu trong thực tế.
    Giả sử kỳ vọng trong tương lai mức cung cà phê sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu mua cà phê, thì việc nhà đầu tư này bỏ sàn cà phê để đầu tư vào dầu hỏa, tìm kiếm lợi nhuận trước mắt trong ngắn hạn thì cũng không tác động đến giá cà phê trong lâu dài được vì thực tế sẽ có nhà đầu tư khác sẽ thế chỗ với kỳ vọng trên đồng thời nhu cầu cà phê để rang xay vẫn không đổi sẽ tác động đến giá cả.
    Nói tóm lại: Giá hôm nay là do tác động của kỳ vọng trong tương lai.
    Ví dụ: Hôm nay giá cà phê tăng không phải bây giờ thiếu cà phê để rang xay, nhưng do kỳ vọng rằng trong tương lai nguồn cung sẽ hạn chế.

  6. cuba

    Chắc mấy vệ tinh mấy ông nước ngoài chụp được cảnh cà phê VN nay thiếu nước, tàn rụi từng ngày rồi ! hix hix

  7. Quốc Phi

    Giá cà phê sẽ vẩn ở mức cao, giá dầu sẽ tăng, nhưng sẽ không quá cao, vì hiện tại nền kinh tế các nước trên thế giới sức chịu đựng còn rất yếu. Vừa mới bước 1 chân ra khỏi khủng hoảng, nếu giá dầu tăng quá cao sẽ dẫn đến sự tan vỡ dây chuyền của các nền kinh tế, sản xuất đình trệ, thì lúc đó giá dầu sẻ giảm sâu.

  8. đoàn quang phùng

    Theo như mình nghĩ cho dù toàn bộ dân mấy nước bị khủng hoảng chính trị đó không uống một ly cà phê nào nữa từ khi bất ổn xẩy ra cũng không xáo trộn giá cà phê bao nhiêu vì chiếm thị phần tiêu thụ cà phê so với toàn cầu nhỏ. Làm gì mà như toàn thế giới mất ăn mất ngủ quay lưng với cà phê vậy… Họ vẫn sống như mọi ngày đấy thôi, công dân Thụy Điển vẫn dùng trung bình 6 ly cà phê mỗi ngày, mọi người vẫn uống cà phê bình thường chẳng có gì to tát cả. Bà con bình tĩnh đừng dao động mà đồng loạt bán ra làm cho thị trường thêm giảm, (mình có ít chia làm 3 phần bán 3 thời điểm mỗi thời điểm kiếm chút an ủi).

  9. mạnh hùng

    Tui cũng nghĩ giống như đoàn quang phùng, bây giờ bà con bán đồng loạt chắc chắn các nhà đầu cơ, doanh nghiệp sẽ ép giá. Mặt khác đơn giản hơn là bà con xem tivi cũng biết các chương trình quảng cáo rồi chứ ạ? chẳng hạn như là quảng cáo líp ai, đốc tờ thanh, trà xanh không có độ… đều là những thứ người ta sử dụng mỗi khi căng thẳng, mệt mỏi. Từ đó suy ra khi tình hình thế giới có biến động cũng khiến người ta căng thẳng, mệt mỏi chứ? Những lúc như vậy người ta cũng cần thứ gì đó giúp cho < <...>> mà nước ngoài người ta không thích nước ngọt như nước ta, họ chỉ dùng… cà… phê. Nên theo tui mức tiêu thụ cà phê thế giới biết đâu phát triển theo chiều hướng tích cực cũng nên. Bà con cứ yên tâm không bán vội đồng loạt nhé. Chúc bà con thành công.

  10. chuotdong

    Tui cũng nghĩ như Trần Thanh Huy đó. Gía cà phê lên rồi xuống là chuyện thường tình. Đầu vụ mong sao 40 000đ/kg là tốt, nay có giảm đi chút ít cũng k sao. giá như hiện nay thật ra trên cả mong đợi rồi. Xét theo các yếu tố bạn huy phân tích, có nhiều khả năng cà phê sẽ tạm lùi 1 bước để tiến lên nhiều bước.Bà con ta đừng yếu bóng vía mà bán cà đi lúc này. Khi nào cà lên 50 000/ kg tui sẽ bán một nửa, nửa còn lại chờ giáp hạt xem sao. Tui đã sẵn sàng tư thế ” Tham thì thâm” cũng liều đánh bạc một phen vậy.

  11. nguyen van an

    Tôi cũng sẽ không bán ở gía này nếu chưa được 50 ngàn, tôi còn 160 tấn nữa, không thì để đó. Cà phê của tôi từ năm 2008 đến nay vẫn chưa bán, bà con cứ yên tâm 50-58 ngàn không phải khó cho giá năm nay !

  12. thiện thuật dilinh

    hì. Ttheo em thì cà phê có khả năng tăng, nhưng theo em các bác nên bán rồi mua USD vậy có hay hơn không, chứ em thấy thời điểm này không nên mua cà phê để trữ nữa .

  13. pham ngoc tuan -pleiku

    Giá dầu lên dữ quá bà con nhỉ, nói chung vật giá đều leo thang như thế này mà đồng tiền càng ngày càng mất giá thì những người làm nông nói chung và làm cà phê nói riêng khổ thì vẫn cứ khổ mãi thôi ak. Diện tích nhiều thì còn đỡ chứ được ít thì chẳng ăn thua gì cả, nợ trước trả sau thôi. Nhưng làm cà phê ,cao su ,tiêu và điều cũng còn đỡ hơn là làm mấy thứ khác bà con nhỉ.

  14. pham ngoc tuan -pleiku

    Em nghĩ giá cà phê cũng chẳng lên mấy nữa đâu, chắc khoảng 46-47 là cùng vì bây giờ khủng hoảng vẫn chưa khắc phục được hoàn toàn như ở Hy lạp … còn ở Libya thì toàn là bạo loạn. Mọi người đều lo sợ đến bữa ăn cũng phải lo cho qua ngày chứ đừng nói là ngồi để mà nhâm nhi ly cà phê.

  15. bilamsao

    Các bác lên đây khoe hàng lộ hết bây giờ! Các bác cứ ôm đi. Giờ ai cầm hàng cung như đang cầm quân bài trong tay. Ra lúc nào, và ra như thế nào cho đồng loạt. Đừng để mỗi người một ngày rồi giá nó không được như ý muốn. Em biết còn rất nhiều bà con còn rất nhiều hàng. Hầu hết đã chấp nhận bán chốt giá đầu năm hoặc đang ôm hàng. Trong vụ các doanh nghiệp nước ngoài gom mua cũng nhiều, họ cũng găm hàng làm giá. Giá lên cao được như vầy là do ai cũng có tâm lí găm hàng chờ giá lên. Khiến lượng hàng bán ra khan hiếm. Nếu ai tính toán, lì đòn có thể bán được đỉnh giá.

  16. CỎ DẠI TÂY NGUYÊN

    Năm nay giá cà phê rớt thê thảm quá, bà con nông dân quê em điêu đứng. Cả năm trông vào vụ mùa để trả tiền phân, tiền thuốc mà giờ giá thế này thêm bao gánh nặng lên đôi vai gầy của cha mẹ rồi.

  17. nguyễn nhi quỳnh

    Quan điểm của em là thị trường càng giao động em sẽ mua vào. K có chuyện gì phải lo lắng cả, làm ngược với mn sẽ khấm khá. Đi theo mn sẽ k ăn thua.

Tin đã đăng