Tháng 3/2011, sàn giao dịch cà phê kỳ hạn sẽ chính thức ra mắt tại Đắk Lắk. Với cách thức giao dịch tương tự như chứng khoán, sàn này được kỳ vọng sẽ trở thành sân chơi của các nhà đầu tư tài chính.
Ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó giám đốc Sở Công thương Đắc Lắc, Giám đốc Sàn Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột kỳ vọng, sàn giao dịch cà phê sắp ra mắt sẽ thu hút hàng nghìn tỷ đồng, sẽ là sân chơi của các nhà đầu tư.
Điểm mới của phương thức giao dịch kỳ hạn là hợp đồng được ký giữa bên mua và bên bán tại thời điểm hiện tại, nhưng việc thực hiện sẽ diễn ra trong tương lai, với mức giá được xác định trước và có thể thanh lý trước ngày giao hàng.
Phương thức giao dịch này cũng có các hình thức xác định giá tham chiếu, giá mở cửa, giá đóng cửa, biên độ dao động giá, lệnh giới hạn, lệnh thị trường, lệnh hủy, ngày giao dịch cuối cùng, ký quỹ thành viên, ký quỹ giao dịch, giao dịch khớp lệnh, giao dịch thỏa thuận, phí giao dịch… tương tự như giao dịch chứng khoán và giao dịch cà phê ở các sàn giao dịch nổi tiếng thế giới như NYBOT (Mỹ) hay LIFFE (Anh).
Tuy nhiên, trong khi NYBOT, LIFFE không giới hạn biên độ biến động giá, thì sàn giao dịch cà phê Việt Nam lại đưa ra tỷ lệ giới hạn biến động giá ± 4% so với giá tham chiếu. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, việc quy định biên độ biến động giá chỉ ± 4%, trong khi giá cà phê thế giới biến động rất mạnh mỗi đêm là chưa hợp lý.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tuấn Hà lý giải: “Trong thị trường kỳ hạn, rủi ro giao dịch rất cao. Vì vậy, ban đầu, chúng tôi phải khống chế biên độ biến động ở mức an toàn. Trong quá trình giao dịch, nếu thấy không hợp lý, chúng tôi sẽ nới rộng biên độ. Tuy nhiên, quy định biên độ biến động không phải là yếu tố duy nhất tác động đến việc tham gia của nhà đầu tư, mà còn nhiều yếu tố khác nữa, như một lô hàng bao nhiêu tấn, giá tiền tính bằng VND hay USD…”.
Mặc dù các nhà kinh doanh cà phê Việt Nam đã có kinh nghiệm nhiều năm tham gia sàn giao dịch cà phê kỳ hạn ở Mỹ, Anh, song đa phần vẫn tỏ ra ngại ngần với sàn giao dịch cà phê kỳ hạn sắp ra mắt. Để thu hút các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tham gia giao dịch trên sàn, ông Hà cho biết, sẽ tìm các “ngách” để thu hút nhà đầu tư tham gia, như giảm số lượng hàng trong mỗi lô, cho phép giao dịch bằng VND…
Cũng theo ông Hà, sàn giao dịch cà phê kỳ hạn thực chất là thị trường tài chính, song mục tiêu của sàn này không chỉ để thu hút tiền đầu tư, mà còn để trở thành một kênh tham chiếu về giá cho các doanh nghiệp kinh doanh và nông dân trồng cà phê trong nước.
Việt Nam hiện là nước xuất khẩu cà phê thứ hai thế giới, nhưng luôn phải lấy giá cà phê tại sàn London làm giá tham chiếu, luôn bị giới đầu cơ thế giới thao túng về giá. Tất nhiên, việc thành lập sàn giao dịch cà phê không thể ngay lập tức biến Việt Nam thành một kênh tham chiếu cho giá cà phê thế giới, song việc này sẽ phần nào làm giảm bớt tình trạng bị giới đầu cơ làm giá.
Để sàn giao dịch cà phê kỳ hạn này hoạt động có hiệu quả, ông Trịnh Ngọc Tới, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cà phê Việt Nam cho rằng: “Nhà nước cần quan tâm đặc biệt tới mô hình này, nghiên cứu thêm để đưa ra các quy định phù hợp”.
Cũng theo ông Tới, sở dĩ các doanh nghiệp, nhà đầu tư còn ngần ngại với mô hình sàn giao dịch cà phê kỳ hạn, bởi tham gia sàn giao dịch để có lợi nhuận ngay trong thời điểm này là rất khó.
Trong khi đó, ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp về cà phê nhận định: “Sàn giao dịch cà phê kỳ hạn không thể thành công, nếu không thể giải quyết các yếu tố khác của ngành cà phê. Ở Việt Nam hiện nay, tôi cho rằng, trước hết phải tổ chức ngành hàng”.
Thực tế, trước khi sàn giao dịch cà phê kỳ hạn ra đời, hình thức giao dịch kỳ hạn đã xuất hiện ở Việt Nam, khi Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam của Công ty Triệu Phong đi vào hoạt động từ đầu tháng 1/2011 (giao dịch cà phê, cao su, thép). Tuy nhiên, chưa nhiều nhà đầu tư tham gia giao dịch trên sàn này.
Sàn ra đời là 1 hướng đi tốt, rất thuận lợi cho bà con nông dân chúng tôi. Không những giúp cho việc tư thương thao túng, gò ép nông dân mà còn dần hình thành thương hiệ Cà phê Việt, làm cho nông dân hình thành thói quen mua bán giao dịch mang phong cách chuyên nhiệp. Nhưng việc mua bán đó nông dân chúng tôi chưa hiểu lắm, có ai biết thì chỉ giùm chúng tôi với, bà con nông dân ở Đác Lắc( gần sàn) thì thuận lợi rồi nhưng còn những người ở xa (như Lâm Đồng) muốn mua bán qua sàn thì làm thế nào cho thuận tiện nhỉ? Xin thành thật cảm ơn! (Chỉ chi tiết nhé)
Theo tôi, đã mở sàn giao dịch cà phê thì phải chắc rằng có quy mô và ảnh hưởng ra thế giới. Nếu mở ra mà ngồi nghe ngóng giá ở Anh và Mỹ rồi làm giá cho mình để giao dịch thì khác nào các đại lý be bé ở quê tôi.
Điều quan trọng là nhà nước quan tâm tạo cơ hội tốt và lôi kéo các nhà đầu cơ, nhà rang xay lớn trên thế giới vào thì sàn giao dịch mới sôi động, đặc thù và có lợi cho người trồng cây cà phê.
Ước gì mỗi huyện có một đại lí nhỏ của sàn giao dịch thu mua cho dân ta được hưởng cái lợi từ sàn giao dịch, chứ dân ta làm sao mà chở cà phê từ huyện lên tỉnh được chứ, nói gì đến dân ở tỉnh khác. Cái chính là ông lãnh đạo trung tâm giao dịch này có thực sự cần dân ta không mà thôi, chẳng biết là quá khó hay là do năng lực đây?
Sàn giao dịch ra đời là một tín hiệu rất mừng cho bà con trồng cafe; Nhưng kết quả thuận lợi hay không là do năng lực lãnh đạo của các Bác có trách nhiệm; Nếu các bác biết cách kêu gọi những nhà đầu tư từ nước ngoài vào tham gia, và tương lai nên thành lập những công ty chế biến cafe tại tỉnh nhà.
Tôi đồng ý với ý kiến của Cụ Đoàn Triệu Nhạn, sàn giao dịch này chẳng có hiệu quả đâu. Chẳng nên mong đợi vào sàn giao dịch này, Sàn này đương nhiên phải chạy theo sàn giao dịch của Thế giới rồi. Sàn giao dịch này trực thuộc Sở thương mại, nếu không có nhà nước nuôi thì những nhân viên ở đây chít đói từ lâu rồi