“Đỏ mắt tìm người hái cà phê” là điệp khúc năm này sang năm khác phản ánh việc nhiều địa phương ở Tây Nguyên thường xuyên gặp khó khăn về nhân công thu hoạch khi cả vùng nguyên liệu chín rộ.
Vừa qua, chính quyền các cấp ở vùng nguyên liệu cà phê Đắk Hà – Kon Tum đã đưa ra giải pháp điều chuyển lao động tại chỗ ngay trong vụ thu hoạch cà phê đang diễn ra.
Toàn huyện Đắk Hà có hơn 7.000 ha, đến vụ thu hoạch cần đến hàng vạn lao động. Theo tính toán của lãnh đạo huyện, mỗi năm Đắk Hà, bỏ ra khoảng 35 tỷ đồng chi phí thuê nhân công thu hái cà phê, trong đó lượng nhân công từ bên ngoài tỉnh đổ về thu hoạch cà phê trong thời gian ngắn 2-3 tháng, kéo theo nhiều hệ lụy phức tạp về an ninh trật tự. Những năm trước đã có không ít vụ đánh nhau, trộm cắp… do một số đối tượng này gây ra.
Tuy nhiên, ngay tại địa bàn huyện Đắk Hà, không phải xã nào cũng trồng cà phê. Diện tích cà phê tập trung ở các xã Đắk Mar, Hà Mòn, thị trấn Đắk Hà trong khi đó các xã như Đắk La, Ngọc Wang, Ngọc Réo có ít cà phê. Vụ cà phê năm 2010-2011, UBND huyện Đắk Hà đã chủ trương đào tạo nghề thu hái cà phê cho số lao động ở những xã có ít loại cây trồng này.
Phòng LĐ-TB&XH trích từ kinh phí đào tạo nghề phối hợp với Trung tâm Giáo dục Thường xuyên huyện mở lớp đào tạo ngắn hạn thu hái cà phê. Tính đến ngày 10-1, hai cơ quan này đã mở được 21 lớp, hơn 1.000 học viên theo học. Các học viên sau khi học lý thuyết đã được thực hành ngay, nên rất phấn khởi.
Anh Trương Quang Thu – Chủ tịch Hội Nông dân xã Hà Mòn cho biết: Vụ thu hoạch cà phê ở xã đang diễn ra, song đến thời điểm này trong số hơn 3.300 lao động đang thu hoạch cà phê ở xã chỉ có 347 người từ nơi khác vào, có 420 người từ các xã Ngọc Wang, Đắk La vừa qua lớp đào tạo về đây tham gia thu hoạch cà phê.
Việc tiếp nhận lượng lao động từ các xã lân cận đến giúp lãnh đạo các xã có cà phê quản lý được giá nhân công, không để xảy ra tình trạng tranh nhân công, đẩy giá, phá giá. Đặc biệt tình trạng trộm cắp cà phê giảm hẳn.
Giải pháp điều tiết lao động tại chỗ, bằng cách đào tạo nghề cho họ và môi giới lao động giúp Đắk Hà tăng thu nhập cho người dân tại chỗ, nhất là đảm bảo được an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Phạm Đức Hạnh – Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện cho biết: Đây sẽ là tiền đề để Đắk Hà phấn đấu xây dựng thương hiệu cà phê Đắk Hà. Một khi người dân yên tâm với vấn đề nhân công, không còn lo lắng nạn trộm cắp, họ sẽ đợi cà phê chín đều mới thu hoạch, thay vì phải thu hái cà phê với tỷ lệ quả xanh còn rất lớn.
Theo tính toán của lãnh đạo huyện Đak Hà, với 7.000 ha cà phê phải bỏ ra 35 tỷ đồng để thuê thu hái theo tôi là còn quá rẻ. Ở Đak Lak, tôi tính thu hái 1 ha bình quân 80 công, mỗi công 100.000đ thành ra 8 triệu đồng/ha. Nếu vậy các bác phải trả 56 tỷ đồng cho tiền thu hái. Có gì đâu mà phải tính toán.
Đó là chưa kể tiền cho thuốc nước, ăn dặm giữa buổi, bữa ăn trưa nữa đấy các bác, đấy mới là cần tính toán.
Còn những hệ lụy nảy sinh thì vùng trồng cà phê nào cũng giống nhau các bác ạ.
Đây có thể coi là một sáng kiến hay, rất hay của huyện Đắc Hà – Kon tum, những địa phương khác nên nghiên cứu để áp dụng. Nhân sáng kiến này tôi chợt nghĩ đến những nguồn lao động khác mà nếu khéo liên kết chúng ta cũng có thể tạo ra một lực lượng lao động đáng kể cho mùa thu hái cà phê như: lực lượng quân đội đóng trên các địa bàn Tây Nguyên, lực lượng lao động nhàn rỗi của các doanh nghiệp, công trường, xí nghiệp …