Hỗ trợ người trồng cà phê hơn 11.000 tỷ đồng

Việt Nam hiện có 536.959 ha đất canh tác cà phê, trong đó gần 90% diện tích cà phê ở khu vực Tây Nguyên. Để góp phần giúp người dân, DN trong nước tiếp tục gắn bó lâu dài với loại cây có giá trị xuất khẩu này, Agribank đang chủ động giải quyết bài toán về vốn cho cà phê khi niên vụ 2010 – 2011 đang đến gần.

Đầu tư vốn cho cà phê nói riêng và nông nghiệp, nông thôn nói chung thể hiện quyết tâm của Agribank thực hiện hiệu quả Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

thu hoạch cà phê

Sát cánh, tháo gỡ khó khăn

Cà phê là loại cây lâu năm có giá trị xuất khẩu cao, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như tác động từ biến đổi khí hậu, sự thay đổi liên tục về giá cà phê nhân trên thị trường thế giới, giá thu mua thấp và không ổn định…, nên người dân, các DN cà phê trong nước đang gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Thị trường cà phê Việt Nam hiện phải đối mặt với nhiều nguy cơ trở thành “sân chơi” của các DN ngoại, bởi đang có 20 DN nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh và kinh nghiệm lâu năm tham gia, cạnh tranh gay gắt trong thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê. Để giúp người dân, DN trong nước tháo gỡ khó khăn, Agribank đã và đang tích cực chủ động giải quyết bài toán về vốn cho cà phê.

Gắn bó với nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong nhiều năm qua, Agribank xác định đầu tư phát triển cây cà phê, gắn với Tây Nguyên là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Những năm trước và riêng niên vụ 2009- 2010 vừa qua, doanh số cho vay cà phê của Agribank đạt 11.334 tỷ đồng, trong đó 5.163 tỷ đồng (chiếm 45,6%) dành cho thu mua cà phê; số còn lại dành cho thu mua để xuất khẩu, trồng và chăm sóc, chế biến cà phê.

Dư nợ cho vay cà phê của Agribank đạt 6.572 tỷ đồng, chiếm 1,7% dư nợ cho vay nền kinh tế. Trong đó, dư nợ cho vay cà phê vẫn chủ yếu tập trung ở Tây Nguyên (chiếm 69,8%); dư nợ cho vay thu mua chiếm tỷ lệ cao nhất (chiếm 38,4%).

Dư nợ cho vay hộ sản xuất và cá nhân chiếm 59,8%/dư nợ cà phê. Thực hiện Quyết định số 481/QĐ-TTg ngày 13/04/2010 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ mua tạm trữ cà phê niên vụ 2009- 2010, riêng dư nợ cho vay tạm trữ cà phê của các Chi nhánh Agribank Đắc Lắc, Gia Lai, Kon Tum, Chi nhánh 3, Chi nhánh TP Hồ Chí Minh đạt trên 378 tỷ đồng.

Có thể khẳng định rằng, trong niên vụ vừa qua, Agribank đã triển khai tốt việc cho vay cà phê, chủ động trong kế hoạch điều vốn, tăng tạm trữ, hạn chế thấp nhất nợ quá hạn… Tuy nhiên, trong quá trình triển khai cụ thể, cả Agribank và các DN cà phê cũng còn gặp những khó khăn nhất định do ảnh hưởng từ biến động liên tục của giá cà phê nhân trên thị trường thế giới, tỷ giá ngoại tệ, cách thức quản lý kho hàng, sức ép cạnh tranh khốc liệt từ các DN ngoại trong lĩnh vực này…

Để tháo gỡ khó khăn, Agribank đã chủ động triển khai tổng thể các giải pháp. Trên cơ sở những thông tin về hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê mà Tcty Cà phê Việt Nam và các DN trong nước cung cấp, chia sẻ, Agribank chủ động nắm bắt kế hoạch nhu cầu nguồn vốn vay kinh doanh, thu mua cà phê niên vụ 2010- 2011 và xây dựng kế hoạch nhu cầu nguồn vốn cho vay cà phê. Đồng thời, tiến hành tiếp nhận hồ sơ vay vốn, thẩm định, xem xét các điều kiện vay vốn của khách hàng phê duyệt cho vay theo quy định.

Agribank sẽ tiến hành lựa chọn chi nhánh làm đầu mối có đủ uy tín, năng lực để thực hiện nhiệm vụ của ngân hàng về đầu tư cho cây cà phê; đồng thời sớm thành lập bộ phận chuyên trách cho vay cà phê; thực hiện quản lý việc đầu tư, cho vay cà phê trên hệ thống IPCAS; hoàn thiện quy trình thế chấp, cầm cố, bảo hiểm đối với hàng hóa xuất khẩu.

Ngoài tài sản bảo đảm là tài sản cố định, các Chi nhánh nhận kho hàng làm tài sản bảo đảm phối hợp với khách hàng vay vốn để kiểm soát, quản lý được kho hàng, có thể thuê bên thứ ba là các DN có chức năng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh kho bãi hoặc qua một tổ chức trung gian là Cty CP giám định Cà phê và hàng hóa xuất nhập khẩu (CafeControl Việt Nam) vốn có uy tín trong hoạt động này.

Tcty Cà phê Việt Nam và các DN cà phê trong nước bên cạnh chủ động cung cấp, chia sẻ thông tin kịp thời, cần phối hợp chặt chẽ với Agribank về cách thức bảo đảm tiền vay, quản lý kho hàng, thanh toán… nhằm đưa hoạt động thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê trong niên vụ 2010- 2011 đạt hiệu quả cao nhất.

Sẵn sàng vốn cho niên vụ mới

Hiện nay, tiềm lực tài chính của hầu hết các DN thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê đều mỏng. Còn các hộ sản xuất trồng, chăm sóc cà phê thường phải ứng trước hoặc mua chịu vật tư, phân bón của các đại lý, do đó đến ngày thu hoạch họ thường phải bán non để có tiền trả nợ nên hiệu quả sản xuất kinh doanh không cao…

Hoạt động thu mua cà phê mang tính thời vụ, chủ yếu tập trung nhiều vào tháng 12 đến tháng 1, tháng 2 hàng năm. Để cạnh tranh được với các DN nước ngoài, các DN và hộ sản xuất cà phê trong nước rất cần sự chia sẻ, hỗ trợ từ phía ngân hàng. Theo ước tính ban đầu, nhu cầu vốn cho vay cà phê niên vụ 2010- 2011 là trên 11.000 tỷ đồng.

Để đáp ứng nhu cầu vốn nêu trên và trước đề xuất của Tcy Cà phê Việt Nam và các DN cà phê trong nước là được tăng hạn mức tín dụng và thời gian vay vốn, Agribank sẽ cân đối nguồn vốn, đảm bảo đủ vốn kịp thời cho niên vụ 2010- 2011 sắp tới. Chủ động tham gia giải quyết bài toán về vốn cho cà phê cũng thể hiện sự quyết tâm cao của Agribank đã và đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. NGỌC KIÊN

    Mặc dù có vốn nhưng người nông dân rất khó để tiếp cận được nguồn vốn.
    Thủ tục rất phức tạp và luôn bị cán bộ tín dụng hạch sách.

    1. hien

      Chính sách chỉ là bước đầu, còn niềm tin vào chính sách nữa. Chính sách có được thực thi hay không là phụ thuộc vào niềm tin của nông dân trồng cà phê vào ngân hàng nông nghiệp có hay không. Khó mà chứng minh được.

    2. nga son

      ở chỗ tôi có ông cán bộ tín dụng ngân hàng còn nói thủ tướng ký cho vay thì ra thủ tướng mà vay, láo không chịu được.

  2. hoàng long

    Chỉ là chính sách ở trên thôi, khi xuống tới huyện thì sai đi rất nhiều. Tôi ra agribank Chi nhánh Đức trọng tỉnh Lâm đồng mấy lần đăng ký vay mà có được vay đâu, nghe nhiều người thân muốn vay đựơc mấy chục triệu thì phải huê hồng cho cán bộ tín dụng mấy triệu, đâm ra lãi xuất lại cao hơn vay ngân hàng tư nhân. Chính sách chỉ là chính sách thôi cấp trên chỉ đạo cấp dưới đâu thực thi đâu, chỉ có các doanh nghiệp họ có chung chi cho cán bộ tín dụng thì họ mới có điều kiện tiếp cận được nguồn vốn đó thôi, nông dân chỉ là nông dân thôi chăm cái khổ ở người nông dân hết. Đó hoàn toàn là sự thật nên tôi về đành phải bán cà phê non cho thương lái thôi, biết là thiệt nhưng cắn răng chịu thôi biết kêu ai bây giờ.

    1. huy phutho

      Cuba quá rảnh rổi. Dường như a.chàng này ít thảo luận. Nhưng lại hay châm chọc những ai có ý kiến trao đỏi trên diễn đàn. Hãy quan tâm đến chia sẻ kinh nghiệm, góp ý chân thành(nếu có) để diễn đàn trở thành nơi gặp gỡ thú vị của nhà nông!

  3. caphenhan

    Ở Agribank Di linh Có một bà cán bộ ngân hàng lâu năm (xin giấu tên) chuyên cho khách hàng vay đảo nợ, trong tay bà có nhiều bộ hồ sơ xin vay ngân hàng (có lẽ của người nhà),ai thương xuyên đến ngân hàng đều biết mặt.Vậy mà Lãnh đạo không biết

  4. buonmathuot

    Các bác nói đúng thực trạng hiện nay của xã hội. Cuối năm các ngân hàng vẫn có báo cáo trong năm đã cho nông dân vay với những con số đáng nể, các con số đó là có thực. Nhưng để vay được tiền của ngân hàng thì cũng tốn kém không ít, thực sự nông dân có nhận được tiền vay hay không lại là chuyện khác.

  5. Người quan sát

    Dư nợ cho vay hộ cá nhân sản xuất chiếm 59,8% là thống kê trên giấy tờ, trong đó nông dân vay được khoảng 10%, cán bộ vay 15%, Kinh doanh cà phê vay 15%, còn khoảng 20% tiếng là vay sản xuất nhưng thực chất là cán bộ ngân hàng câu kết với cán bộ địa chính lấy đưa ra thị trường cho vay nóng.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85