Thịnh cà phê

Gần một năm nay, website y5cafe.info đã trở thành địa chỉ quen thuộc cung cấp thông tin miễn phí cho người dân trồng cà phê. Ông chủ của trang web này cũng là một nông dân 8X chính hiệu…

Mày mò làm web vì…thương nông dân quá!

Nguyễn Công Thịnh – ông chủ 23 tuổi của y5cafe.info đã mở đầu như vậy khi nói về ý tưởng của mình.

thinh-ca-phe
Nguyễn Công Thịnh bên vườn cà phê

Sinh ra tại Đà Lạt, gia đình lại có truyền thống trồng cà phê nên Thịnh gắn bó với cây cà phê từ nhỏ.

Mùa cà phê năm 2007, trong một lần xuống huyện Di Linh – vùng trồng cà phê trọng điểm của tỉnh Lâm Đồng, Thịnh tình cờ thấy một số bà con có tin nhắn báo giá trên điện thoại di động.

Hỏi ra mới biết đó là tin nhắn dịch vụ. Mỗi tháng, bà con phải bỏ ra gần một triệu đồng để mua thông tin về giá cả, biến động cà phê trên thị trường.

Khi nghe vậy mình đã thực sự bất ngờ. Nông dân cơ cực mới làm ra hạt cà phê. Thế mà ngay đến những thông tin thiết yếu nhất về “miếng cơm manh áo” của mình, cũng phải bỏ tiền túi ra mua…” – Anh Thịnh nói.

Nỗi niềm trăn trở ấy làm Thịnh mất ăn mất ngủ. Về nhà anh dành hẳn cả tuần thức trắng để tìm hiểu thông tin cà phê trên thị trường. Ý tưởng hình thành một kênh thông tin miễn phí giúp bà con nông dân được nhen nhóm.

Ngày 1/1/2008, y5cafe.info lần đầu tiên được đưa lên mạng dưới dạng blog với bài viết Trồng cà phê ở nhà. Sau 3 tháng thử nghiệm, nhận được sự quan tâm của nhiều người trồng cà phê, Thịnh quyết định nâng cấp và phát triển thành website.

Truy cập vào y5cafe.info, bà con có thể tìm được nhiều thông tin về cà phê: từ mục thị trường với giá cả, tin tức trong và ngoài nước, cách thức giao dịch trong thị trường cà phê kỳ hạn đến các loại kiến thức về chăm sóc, canh tác, cách chế biến, pha chế cây cà phê rồi cả những câu chuyện thú vị quanh ly cà phê… Đặc biệt, tất cả đều được thể hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ nhớ.

Để duy trì trang web, mỗi tháng anh Thịnh phải bỏ ra một khoản không nhỏ mua bảng giá cà phê trực tuyến, thuê server… Chưa kể, một mình anh tự mày mò thiết kế, viết bài điểm tin, tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường…

Để không phụ cái “tâm”, cái “đạo” cà phê

Hành trình đưa y5cafe.info đến với người nông dân không đơn giản, vì bà con ít có điều kiện làm việc với máy vi tính.

Thời gian đầu, mình chủ yếu tìm đến “con em nông dân” – những người ít nhiều được tiếp cận công nghệ. Họ thu nhận và giới thiệu tới ông bà, bố mẹ, cô chú…Thêm nữa, truyền thông cũng thường xuyên cảnh báo “nông dân thiếu thông tin trầm trọng” hay “giá cà phê hạ không kịp bán”… nên người nông dân ngày càng ý thức được tầm quan trọng của việc cập nhật thông tin”- Anh Thịnh tâm sự.

Dần dần, trở thành thói quen, nông dân trồng cà phê tìm tới y5cafe.info như một công cụ không thể thiếu. Số lượng người truy cập website tăng lên đáng kể. Thời gian gần đây, mỗi ngày có từ 2.000 – 3.000 lượt khách.

Điều khiến anh Thịnh hạnh phúc và quyết tâm hơn cả là những tình cảm giản dị, chân thành của bà con dành cho mình. Một nông dân ở Đắk Lắk đã tự in băng-rôn quảng cáo cho y5cafe treo trước cửa nhà, nhiều tiệm net đặt y5cafe làm trang chủ khi truy cập.

Có bác nông dân ở Đắk Nông lặn lội lên Đà Lạt, một tay cầm cân tiêu, một tay xách cân cà phê, gặp được Thịnh mừng quýnh: “Chú là nông dân của y5cafe đến tìm con để cám ơn”.

Trên website, Thịnh công khai mọi thông tin cá nhân, địa chỉ liên lạc. Bà con có thắc mắc gì thường gọi đến anh xin tư vấn. “Có lần nửa đêm mình còn nhận được điện thoại, nhấc máy lên nghe thì đầu dây bên kia chỉ nói đúng một câu: “Em làm cà phê trên mạng hay quá, ráng lên nhé!”- Thịnh chia sẻ.

Hiện, y5cafe đã hình thành “hội nông dân y5cafe”, tập hợp bà con có thâm niên thâm canh cây cà phê, người giỏi kinh doanh, người thạo thông tin mua bán giá cả, người rành chuyên môn để có vấn đề gì có thể trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau.

Song những “tham vọng” của Nguyễn Công Thịnh chưa dừng lại ở đó. Thịnh dự định sẽ thiết lập một kênh hỗ trợ kỹ thuật tới tận vườn cà phê: Từ khâu chọn giống, tưới tiêu, phân bón đến thu hoạch, tiêu thụ…

Đồng thời kiến tạo chợ cà phê trực tuyến để giúp nông dân giới thiệu và bán sản phẩm của mình, xây dựng mối liên kết trực tiếp giữa người nông dân với các doanh nghiệp. Với những gì đã làm được, bà con gọi anh bằng cái tên trìu mến là “Thịnh cà phê”.

Bài viết khác:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83