Công nghệ và quy trình chế biến ướt xưa và nay

Nhân đọc bài “Chế biến cà phê chè” của Anh Thịnh Còi cũng như thấy những yêu cầu của bà con qua phản hồi, xin gởi đến Y5Cafe một phần tham luận chuẩn bị cho hội nghị phát triển cà phê bền vững sẽ được tổ chức ngày 15/10/2010 tại Đắk Lắk, dành cho bà con có đủ điều kiện chế biến ướt theo quy mô nông hộ.

Bà con, nông hộ nào chưa có đủ điều kiện thực hiện theo quy trình giới thiệu dưới đây do còn phải hái tỷ lệ trái xanh quá cao, xin vui lòng chờ đợi trong loạt bài sau chế biến khô.

I. Làm sạch và phân loại cà phê

Làm sạch và phân loại là qui trình đầu tiên không thể thiếu trong quá trình chế biến ướt. Qui trình làm sạch này, cà phê hái từ vườn về sẽ được loại riêng rẽ quả tốt và cành lá, đất đá, chất bẩn khác lẫn vào.

Có nhiều cách để làm sạch khác nhau. Nhưng có điều đáng tiếc là trong quá trình đi tham quan nhiều vùng, dễ dàng nhận thấy là phần lớn cách làm sạch của những đại lý mua cà phê tươi và của bà con nông dân chế biến Arabica chưa được đúng. Cho nên công bỏ ra nhiều mà hiệu quả thì rất ít.

Dụng cụ làm sạch cà phê thời xưa
Dụng cụ làm sạch thời xưa

Đây là dụng cụ làm sạch đã có hàng trăm năm trước. Mô tả và cách vận hành như sau :

  • Nước được đổ vào đầy thùng liên tục.
  • Cái tay quay dùng để đảo trộn. Cà phê chìm lơ lửng trong nước sẽ dễ dàng thoát ra cùng với nước qua cái ống bên phải.
  • Quả nổi là những quả teo lép, sâu đục và cành lá, rác bẩn sẽ thoát ra bằng cái máng nhỏ bên trên.
  • Cái móc bên tay trái dùng để xả đất đá từ bên dưới thùng.

Bà con có thể sáng tạo ra bất kỳ kiểu dáng gì mới cho thuận tiện với thực tế chế biến của mình. Nhưng phải luôn dựa vào nguyên tắc cà phê quả tốt có tỷ trọng nặng hơn nước một chút là quả chìm và quả teo lép, sâu đục luôn là quả nổi.

Nước chảy ra từ trên máng nhỏ cùng với quả nổi và từ vòi cùng với quả chìm cần được tiết kiệm, thu hồi lại để đổ vào thùng. Cần chú ý là máng và vòi to quá sẽ khó thu hồi nước nhưng nhỏ quá sẽ dễ bị kẹt cà phê, cành rác…

Máy làm sạch cà phê Arabica
Máy làm sạch thời nay

Máy rửa và phân loại nhỏ, công suất khoảng 800-1000kg quả/giờ. Mô tả và cách vận hành như sau :

  • Quả cà phê lẫn cả cành lá, rác bẩn… được nạp vào sàng phía bên tay trái.
  • Sau giai đoạn sàng rung, cành lá nằm lại trên sàng và sẽ được đẩy sang phía bên hông sàng đi ra cửa xả rác.
  • Quả cà phê lọt xuống bên dưới và đi vào thùng sau đó đi tiếp ra máng lắc ở cuối.
  • Ở trong thùng quả tốt sẽ chìm xuống trong khi quả xấu sẽ nổi và đi thẳng.
  • Đá sẽ được xả ra ở vòi sát phía trên như nhìn hình chính diện.
Máy làm sạch hạt cà phê Arabica
Quả lọt xuống dưới sàng
Máy làm sạch hạt cà phê Arabica
Cành lá được tách ra bên hông sàng
Máy làm sạch hạt cà phê Arabica
Quả nổi và quả chìm được tách hai đường

 

Máy làm sạch hạt cà phê Arabica
Quả nổi đưa qua chế biến khô bình thường

II. Máy xay quả thịt

MÁY XAY THỜI XƯA

Nhiệm vụ của máy xay quả thịt là tách vỏ thịt ra khỏi hạt. Loại máy thời xưa thì làm nát cả vỏ như huyền phù và xả ra cùng với nước, vì thế mà gây tổn hại đến môi trường nhiều hơn. Dòng nước sử dụng cho máy khi xả ra kèm theo huyền phù làm bít các mao mạch của giếng.

Trong khi loại máy thời nay thì chỉ xay cho dập vỏ thịt ra khỏi hạt còn việc tách nhân ra khỏi vỏ trấu thuộc về một loại máy khác. Máy xay quả thịt ngày nay cũng có khả năng tách quả còn xanh ra riêng, chỉ xay quả chín.

Máy xay quả thịt dạng đĩa

Loại máy xay quả thịt dạng đĩa tuy xưa nhưng lại có ưu điểm là không làm nát vỏ, năng suất còn thấp và cũng không có chức năng tách quả xanh và quả chín riêng rẻ. Tuy vậy nếu bà con có khả năng thu hái được tỷ lệ quả chín cao thì loại máy này khá phù hợp cho nông hộ quy mô nhỏ.

Máy xay cà phê Arabica trái tươi
Máy xay dạng đĩa được sản xuất năm 1860

Loại máy này rất được yêu chuộng tạiẤn độ. Phần lớn các đồn điền cà phê của Pháp tại Việt nam trước đây cũng sử dụng loại máy này. Mô tả và cách vận hành như sau :

  • Cà phê sau khi làm sạch được nạp vào ở máng trên.
  • Quả sẽ lăn theo đĩa khi được quay và được chà xát do nằm giữa đĩa với đe.
  • Trong quá trình chà xát hạt sẽ bóc ra khỏi vỏ và lăn thoát ra phía trước trong khi vỏ thì dẹt hơn, dính theo đĩa đi xuống bên dưới và rơi vào máng chảy ra sau.

Máy đĩa này cũng cần được cung cấp nước để hoạt động.

Máy xáy quả thịt dạng trống

che-bien-ca-phe-che-8
Máy xay cà phê quả thịt dạng trống

Máy xay dạng trống, chức năng tương tự máy xay đĩa nhưng có năng suất cao hơn vừa xay vừa tách vỏ và hạt riêng ra, nhưng không có tác dụng tách riêng quả xanh. Đây là tiền thân của máy xay dập để phơi cho nhanh khô của ngày nay.

MÁY XAY THỜI NAY

Máy xay cà phê Arabica trái tươi hiện đại
Máy xay dạng kết nối liên hoàn

Mô tả và cách vận hành như sau :

  • Cà phê sau khi làm sạch sẽ được gàu tải đổ vào máng màu xanh ở trên
  • Dưới máng màu xanh là máy xay tách hạt ra khỏi vỏ (nhưng vẫn còn lẫn lộn) máy không xay quả xanh mà sẽ tách quả xanh chạy riêng ra đường ống phía trên bên phải,
  • Quả chín sau khi được tách hạt ra khỏi vỏ chạy vào máy robo trục đứng ngay bên dưới, đây chính là máy tách vỏ và hạt riêng ra. Phần vỏ sẽ thoát ra máng bên trái, phần hạt sẽ chảy vào máy đánh nhớt nằm ngay bên phải.
  • Máy đánh nhớt được kết nối liên hoàn nguyên cụm, cà phê sau khi đánh nhớt xong sẽ chảy ra ở ống bên phải, phía dưới.
  • Bên dưới máy đánh nhớt được nối với ống thải nước và nhớt. Đây cũng là vấn đề nhức đầu của chế biến ướt đối với vấn đề xử lý nước thải và bảo vệ môi trường.
Cà phê Arabica thóc
Cà phê thóc ướt thoát ra sau khi đánh nhớt
Cà phê quả xanh sau khi được tách
Cà phê quả xanh sau khi được tách
Cà phê thóc sẵn sàng để đem phơi hay sấy
Cà phê thóc sẵn sàng để đem phơi hay sấy (quy trình không đi qua lên men mà đánh nhớt cưỡng bức)
Vỏ cà phê là nguyên liệu tuyệt vời để làm phân vi sinh
Vỏ ướt là nguyên liệu tuyệt vời để làm phân vi sinh (theo quy trình giới thiệu trên Y5cafe)

III. Phơi – Sấy

Phơi sấy là một giai đoạn rất quan trọng quyết định chất lượng cà phê sau này. Cho dù đến giai đoạn ở trên chúng ta đã làm tốt, nhưng không làm tốt khâu phơi sấy thì chúng ta cũng không có một kết quả như ý được.

Nếu gặp lúc thời tiết thuận cho việc phơi thì không có gì phải bàn. Nhưng làm cà phê chế biến ướt với số lượng lớn mà chỉ trông cậy vào trời thì xin thành thật khuyên bà con không nên làm. Bởi chỉ cần một cơn mưa kéo dài, không phơi được trong vòng vài hôm mà không có mặt bằng để xử lý hay những biện pháp đúng đắn thì cà phê thóc ướt sẽ lên mốc và hỏng rất nhanh.

Dưới đây xin giới thiệu qua về cách sấy :

  • Cà phê thóc ướt sau khi đánh nhớt hay lên men, cần được đưa lên lò sấy tĩnh để sấy ráo trong vòng 6-8 giờ. Giai đoạn này có thể sử dụng than đá đốt trực tiếp mà không sợ hôi khói. Nhiệt độ sấy trong giai đoạn này có thể hơi cao một chút, thậm chí hơi nóng đưa vào khoảng 80ºC. Về sau khi cà phê trở nên khô rồi thì phải giảm nhiệt độ không nên để quá 60ºC. Muốn có cà phê chất lượng và màu sắc tốt thì không nên đưa nhiệt độ lên cao, mà chủ yếu dựa trên sự thông thoáng của quạt gió.
  • Sau giai đoạn sấy tĩnh có thể chuyển qua máy sấy trống quay. Tại đây nhiệt độ luôn duy trì không quá 50ºC (nhiệt độ tại hạt). Nhiều tài liệu nghiên cứu đã cho thấy ở 45ºC là mức nhiệt độ lý tưởng nhất để cho ra loại cà phê màu sắc tự nhiên và không ảnh hưởng đến hương vị, nhất là đối với Arabica. Máy sấy trống quay là loại sấy duy nhất cho đến nay không làm tróc, vỡ vỏ trấu của cà phê thóc khi đã khô.

Giai đoạn sấy trống khoảng 20-24 giờ, tùy vào loại máy sấy trống có sự thông thoáng hiệu quả tốt hay không. Xin nhắc lại là không thể rút ngắn thời gian bằng cách đưa nhiệt độ lên cao. Những người thu mua hàng arabica chuyên nghiệp có thể chỉ ra cho thấy rằng chúng ta đã làm sai ở công đoạn nào trong suốt quá trình chế biến.

Máy sấy trống ngày xưa

Máy sấy cà phê thời xưa
Lò sấy và máy sấy thời xưa
Máy sấy cà phê thời xưa
Những chiếc máy sấy này đã đưa phát minh và đưa vào sử dụng hơn 100 năm trước

Máy sấy trống thời nay

Máy sấy cà phê dạng trống
Máy sấy trống cho quy mô nông hộ
Máy sấy cà phê công nghiệp
Máy sấy cà phê công nghiệp

Qua những giới thiệu nêu trên, hy vọng bà con chúng ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng:

Nguyên lý chế biến cà phê ướt đã ra đời từ hơn 150 năm trước và nay không hề thay đổi, tuy nhiên ở Việt Nam bà con ta vẫn dùng những máy móc nông cụ vô cùng thô sơ làm cho việc chế biến cà phê ướt trở nên khó khăn, mất nhiều công sức và trở thành một thách thức lớn cho việc sản xuất cà phê sạch, cà phê chất lượng cao.

Cà phê của chúng ta hiện nay đang bị làm khác người rất nhiều: nhanh hơn, dơ hơn, thiếu bài bản hơn và kết quả tất nhiên là chất lượng kém hơn và giá cả rẻ hơn.

Kỳ sau xin giới thiệu đến bà con một nghiên cứu về qui trình chế biến cà phê ướt không dùng nước có qui mô nhỏ và chế biến cà phê khô từ quả tươi với phương pháp chủ động và tiết kiệm thời gian hơn dành cho nông hộ.

Liên quan: Phương pháp sấy cà phê nguyên quả tươi

Xem thêm:

Kinh Vu (giacaphe.com)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. heroin

    Cám ơn tác giả Kinh Vu đã gửi cho chúng ta một bài viết có ý nghĩa rất thiết thực cho việc chế biến sau thu hoạch. Tuy nhiên việc chế biến tươi như tác giả trình bày ở đây mình sợ không khả thi cho việc áp dụng đại trà qui trình này cho hầu hết bà con nông dân chúng ta. Có mấy lí do sau:

    1. Nếu đợi cho cà phê chín hết( hình như trên 90% trái chính, đúng không anh Kinh Vu?) thì ăn trộm nó đã thu hái hết cho mình rồi.
    2. Hầu hết nông hộ ở Việt Nam canh tác trên qui mô nhỏ( vài sào) thì lấy tiền đâu ra mà đầu tư dây chuyền chế biến này?
    3. Nước thải là một vấn đề nhức nhối! Nhà nước mình có chấp nhận cho việc thải nước này vô tội vạ ra môi trường không?

    Trên đây là những thắc mắc của cá nhân mình. Nếu có gì không phải xin anh và độc giả lượng thứ cho.

    Xin chào.

  2. Anh Tiến

    Cảm ơn anh Kinh Vu về bài viết rất thiết thực và hữu ích, nhất là với những người mới làm quen và học hỏi về cà phê Arabica chế biến ướt như tôi.
    Anh có thể cho biết thêm về tỷ lệ thành khi chế biến arabica chế biến ướt: bao nhiêu kg quả tươi được 1 kg thóc (ở một độ ẩm xác định nào đó)? bao nhiêu kg thóc đó đc 1 kg nhân thành phẩm ?…. Xin cảm ơn !

  3. Kinh Vu

    Xin chào hai bạn Hero.. và Anh Tiến
    Tôi xin lần lượt trả lời các bạn theo trình tự bạn hỏi:
    Với Bạn Hero…
    1- Đúng là chế biến ướt thì cần ít nhất là hơn 85% trái chín mới có hiệu quả. Còn vấn đề trộm hái mất thì tôi cũng đồng ý với bạn bởi vì tôi cũng từng là thủ phạm (à quên, nói nhầm) là nạn nhân. Tuy nhiên bạn cần biết rằng không phải vùng nào cũng bị trộm hái như vậy. Vì công việc cho nên tôi đã từng đến rất nhiều vùng và bà con trồng cà phê nói với tôi rằng họ cần có những công nghệ hay giải pháp đúng đắn để chế biến sau thu hoạch. Nhìn những núi cà phê của anh em, bà con của họ trái chín đỏ nhưng một số đã chuyển qua mốc trắng, tôi vừa xót vừa ngạc nhiên vì họ có thể hái chín được như vậy. Sau hỏi ra mới biết là vùng của họ không có một tên trộm nào héo lánh đến được vì an ninh trật tự trong khu vực hết sức tốt, bà con rất có ý thức cảnh giác và bảo vệ cho nhau vì lợi ích của chính mình. Cho nên bạn Hero… có thể coi là bài viết của tôi đang dành cho những người dân vùng như thế.
    Tôi cảm thấy mừng là càng ngày càng có nhiều vùng trồng làm được như vậy. Không như vùng của tôi thấy trộm là chạy. Không phải trộm chạy mà là tôi chạy vì chúng nó đi hàng đoàn.

    2- Hiện nay có những nông hộ nhỏ với diện tích khoảng vài sào, tôi biết rõ chứ. Nhưng bạn cũng đừng quên là cũng có rất nhiều nông hộ khoảng vài ha trở lên cho đến những nông hộ hạng trung khoảng 7-10 ha không phải là ít. Tiền đầu tư để làm sân phơi, để rồi sau đó phụ thuộc vào ông trời còn đắt hơn nhiều lần đầu từ một phương án hoàn toàn chủ động. Tôi đã gặp rất nhiều nông dân có trong tay khoảng 3-7 tấn một năm. Nhưng khi đem bán thì bị các đại lý trừ mất 20-30%, vì cà phê mà trông giống như đậu đen được mùa.
    Mà cho dù là nông hộ nhỏ thì tôi cũng hy vọng qua bài viết của mình dần dà họ sẽ suy nghĩ về một phương pháp chế biến đúng đắn bằng cách thức thủ công. Họ sẽ nhìn ra được vấn đề để cho dù dùng cái rổ hay cái rá mà vẫn đúng phương pháp, vì đã biết chỗ nào sai chỗ nào đúng.

    3- Bằng phương pháp chế biến ướt KHÔNG NGHIỀN NÁT cả vỏ với nước thì vấn đề nước thải không phải là vấn đề lớn khi làm ở quy mô nông hộ, bởi hơn 95% thành phần vỏ quả mang acidity đã nằm trong vỏ tách riêng làm phân bón. Lượng phân vi sinh hữu cơ này không những chỉ tiết kiệm chi phí, làm tốt sản xuất bền vững hơn cho cây cà phê mà còn hạn chế được việc thải hàng triệu tấn phân vô cơ vào nguồn nước. Các nguồn thải ít ỏi còn lại có nguồn gốc hữu cơ mà đem so với nước thải sông Thị Vải và nhiều nơi khác nữa thì chẳng có gì mà phải ầm ĩ.
    Hơn 50% lượng cà phê của Brazil là từ chế biến ướt, thế nhưng khi một lần có cơ hội được đến đó học tập và tham quan ở hai bang trồng lớn của Brazil là Sao Paulo và Minas Gerais thì tôi thấy môi trường của vùng trồng của họ tươi đẹp hơn ta vạn lần bạn à.

    Với bạn Anh Tiến
    Tỷ lệ chính xác giữa quả tươi với thành phẩm phụ thuộc vào vùng trồng, phân bón – chăm sóc của người trồng và thời tiết của mỗi năm. Không nơi nào hay năm nào tuyệt đối giống nhau. Vì vậy nếu bạn là một người kinh doanh chế biến (mua cà phê tươi rồi tự chế biến) thì việc khảo sát và thí điểm là điều cần làm trước tiên.
    Dưới đây tôi chỉ trả lời mang tính chất khái quát tỷ lệ thường thấy, với arabica thì :
    – 1kg quả tươi sẽ cho ra khoảng 500gr thóc ướt.
    – 4,8-5,7kg quả tươi sẽ cho ra khoảng 1kg cà phê nhân khoảng 13% độ ẩm (như vùng cà phê sông Hinh thì phải đến hơn 6,3kg mới được một kg nhân, không biết bây giờ tình hình có gì khác hơn không?).
    – 1,2kg thóc khô thì cho ra khoảng 1kg nhân.
    Còn nhiều chi tiết nữa… nếu bạn cần biết thêm chi tiết thì xin liên lạc email với tôi theo từng vấn đề cụ thể.
    Một điều cuối cùng tôi muốn nói với các bạn là: Chúng ta là người bán sản phẩm trong thời buổi kinh tế thị trường và ông bà chúng ta cũng đã dạy “tiền nào thì của nấy”. Chúng ta khoan đòi giá cà phê cao như các nước khác mà trước tiên hãy làm cho được cái hơn 150 năm trước nông dân trên thế giới đã làm. Họ cũng nghèo khổ chân lấm tay bùn như ta, thậm chí còn tệ hơn ta nhưng cách họ làm khác ta. Đừng ngồi một chỗ mà hỏi giá thấp giá cao trong khi chất lượng của cái sản phẩm bỏ vào miệng mà lại mốc meo, không biết có bao nhiêu chất gây ung thư trong đó.
    Tôi biết có Công ty Thắng Lợi ở Daklak trước sau như một, kiên quyết đi theo mô hình chế biến ra cà phê chất lượng cao. Đến nay khách hàng tìm đến đặt mua mà không có để bán, một số khách thậm chí còn đòi độc quyền mua. Công ty này làm ra sản lượng thì không nhiều (so với các công ty cùng tầm cỡ) nhưng lợi nhuận lại cao và công sức bỏ ra lại ít. Không lẽ điều đó không đáng để cho chúng ta suy ngẫm hay sao???
    Chúc các bạn vui khỏe và làm ăn thành công.

    1. Ngô Hải Đăng

      Chào bạn Kinh Vu
      Tôi sinh sống ở Sơn La, hiện giờ trên Sơn La đang trồng caphe arabica, tôi thấy họ sấy caphe như ngô, sắn nên chất lượng và giá rất thấp!
      hiện tôi muốn đầu tư 1 dây chuyền hiện đại như trên tầm 500 triệu có làm được không?
      Địa chỉ mua và lắp đặt ở ngoài bắc có ko?
      Xin cảm ơn nhiều!

      1. hoàng văn nam

        anh Đăng ở chỗ nào của Sơn La. em cũng đam mê cà phê hi vọng sẽ được cộng tác cùng anh

  4. Phạm Vỹ

    Xác nhận với anh Kinh Vũ về công ty Thắng Lợi,

    Cty Thắng Lợi bán chủ yếu cho khách Nhật với giá London + khá cao .

    Cao nhất là Cty Hiang Kie +455 ( Cty này tại Long Thành Đồng Nai) và cao thứ 2 là Thắng Lợi +255 .

    Tèo cung cấp thêm thông tin để bà con mình cùng suy ngẫm xem nên làm thế nào cho lợi.

  5. trung dung

    Anh Kinh Vu nói bình quân 5,3kg quả tươi cho 1kg nhân Arabica, giá quả tươi hiện nay khoảng 7.500đ/kg, tương đương 40.000 đ/kg nhân + thêm chi phí chế biến cao lắm là 5.000 đ/kg = giá thành 45.000đ/kg nhân Arabica độ ẩm 13%.

    Giá Newyork hôm nay là 182,15cent/ib, nếu mức trừ lùi là 22,15cent thì tính ra giá bán 1 kg nhân Arabica độ ẩm 13% là 68.000đ/kg vậy lợi nhuận là 23.000đ/kg cà nhân A, cao thật!!!

  6. tranvanthanh

    Xin chào anh Kinh Vu. Tôi là dân trồng cà phê. Tôi thấy anh giới thiệu công nghệ chế biến cà phê ướt ở tại nông trường cà phê Đ’RAO, chúng tôi cũng có công nghệ chế biến cà phê ướt nhưng của nhà máy lớn. Tôi muốn hỏi anh, tôi muốn mua máy chế biến ướt dạng nông hộ thì mua ở đâu? giá bao nhiêu? mong anh giới thiệu. Tôi xin cám ơn.

    1. phu hoang dinh

      Chúng tôi ở sơn la .ct đa số là sử dụng máy xát tươi của CT ck tiên phong (giá máy 3500 loại 1tấn quả tươi 1h 0984821976) lắp thêm sàng quả sót và đánh nhớt bằng dụng cụ dùng tay thô sơ.Cũng thấy rất hiệu quả .tôi cho rằng muốn cà bán được giá tốt thì hái quả chín là quan trọng hàng đầu.chúc bạn thành công.

  7. Kinh Vu

    Chào bạn Trung Dung
    Vì bạn không nói rõ cho nên tôi không biết bạn nghi ngờ số liệu của tôi hay bạn đang nghĩ là lợi nhuận 23.000đồng/kg là cao?
    Những con số của bạn tính toán đều là chính xác và tôi có ý kiến bổ sung như thế này:

    1- Trên diễn đàn chắc chắn có một số lớn bà con trồng cà phê Arabica, xin các bạn cho biết thông tin về thành cà phê bình quân vùng các bạn hoặc Anh Thịnh Còi hẳn là biết rõ số liệu này, xin gởi lên cho bà con cùng biết với.
    2- Tôi không nghĩ là giá thành chế biến cao đến mức 5000đồng/kg, nếu nông dân tự làm thì còn thấp hơn nữa. Bạn Trung Dung nói cao lắm là 5000đ là rất hào phóng cho các nhà chế biến rồi.
    3- Chúng ta cũng nên tính đến hạt teo lép, sâu (quả nổi) bị loại ra sẽ được bán giá thấp hơn
    4- Theo tôi biết hình như là còn có New York Cộng (+) nữa đó bạn à, chứ không phải trừ không thôi, đoạn này thì cần Anh Phạm Vỹ xác nhận thêm cho có đúng vậy không?

    Nói chung tôi tin bài tính của Trung Dung là không sai và tôi cũng tin số liệu của tôi đưa ra là đúng. Cái miếng bánh 23.000 đồng kia theo tôi thì bà con nông dân là người xứng đáng được căn một miếng to và trước tiên chứ không phải ai khác, nếu chúng ta chịu khó giảm thời gian tranh cãi những điều vô bổ mà đi sâu vào nghiên cứu thêm những điều hữu ích, thiết thân của chúng ta thì tôi tin một ngày không xa phần lớn bà con sẽ làm được.

    Tôi ước mơ bà con mình một ngày nào đó ai cũng đều làm ra được cà phê A thóc có chất lượng thuần chủng nhờ vào giải pháp đúng đắn chứ không phải đem bán quả tươi như hiện nay, thì sẽ phần nào chủ động được giá bán như Nông dân các nước khác.

  8. Phạm Vỹ

    thật ra NY cũng có + nhưng vì NY+ không nhiều ,

    Theo data mà em có thì có Cty Bắc Hà, Cty gì đó ngoài Quảng Trị là có bán được NY + , tuy nhiên nếu mọi người để ý cái giá : +255 và +455 mà Vỹ đã đưa ra cho Robusta, hẳn quý vị sẽ thấy có rất nhiều ý nghĩa

    Giống như R2 5% nhưng khi bạn bán được R2 3% vậy.

  9. cao phi

    xin chào anh Kinh Vu. Em đang nghiên cứu về quy trình chế biến cà phê hòa tan . Vậy anh có quy trình này không? anh giới thiệu cho em được không. Em cám ơn anh rất nhiều

      1. cao phi

        Cám ơn bạn Thục nhi đã gửi trang wed này cho mình. Mình đang cần thêm nhiều tài liệu giải thích quy trình chi tiết hơn nữa. Nếu có bạn giới thiệu thêm nhe. Cám ơn bạn rất nhiều

Tin đã đăng

Tin mới nhất

89