Các hãng cà phê chưa sẵn sàng tuân thủ quy định mới của EU về chống phá rừng

Báo cáo Coffee Barometer cho thấy việc các công ty cà phê thiếu sự chuẩn bị cho việc tuân thủ luật mới của EU có thể khiến các nhà nhập khẩu chuyển nguồn cung ứng sang các khu vực phát triển hơn.

ca phe tieu chuan eu
Các công ty cà phê thiếu sự chuẩn bị cho việc tuân thủ luật mới của EU có thể khiến các nhà nhập khẩu chuyển nguồn cung ứng sang các khu vực phát triển hơn. Ảnh minh họa: TTXVN

Hầu hết các công ty cà phê toàn cầu chưa sẵn sàng tuân thủ luật mới của Liên minh châu Âu (EU) về cấm nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến hoạt động phá rừng và các đồn điền cà phê quy mô nhỏ có thể phải gánh chịu hậu quả. Đây là nội dung báo cáo về ngành cà phê có tên “Coffee Barometer” do một nhóm các tổ chức phi chính phủ thực hiện và công bố hai năm một lần.

Theo luật mới có hiệu lực từ cuối năm 2024, các công ty nhập khẩu các mặt hàng như cà phê, ca cao, thịt bò, đậu nành, cao su và dầu cọ phải trình giấy chứng nhận hàng hóa không liên quan đến hoạt động phá rừng, hành động góp phần gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, hoặc chịu phạt nặng.

Báo cáo Coffee Barometer cho thấy việc các công ty cà phê thiếu sự chuẩn bị cho việc tuân thủ luật mới của EU có thể khiến các nhà nhập khẩu chuyển nguồn cung ứng sang các khu vực phát triển hơn như Brazil, những nơi có khả năng truy xuất nguồn gốc tốt hơn, đồng thời khiến hàng triệu đồn điền cà phê quy mô nhỏ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tác giả báo cáo kêu gọi cả EU và các công ty cà phê đảm bảo rằng điều này không xảy ra, vì nếu không chủ những đồn điền cà phê nhỏ lẻ có thể buộc phải mở rộng canh tác sang các khu vực trồng rừng để tăng sản lượng nhằm trang trải cuộc sống. Những đồn điền này sau đó sẽ bán cà phê cho những khu vực có quy định về môi trường ít nghiêm ngặt hơn, nguy cơ làm giảm hiệu quả của luật trên.

Theo giới chuyên gia, phá rừng là nguyên nhân gây ra khoảng 10% lượng khí thải nhà kính toàn cầu dẫn đến biến đổi khí hậu và luật của EU nhằm giúp liên minh góp phần vào nỗ lực ngăn chặn tình trạng này. Chuyên gia Niels Haak thuộc Tổ chức Bảo tồn Quốc tế, một trong những tổ chức tài trợ cho báo cáo trên, cho rằng “đầu tư vào cộng đồng nông nghiệp ở những khu vực dễ bị tổn thương có vẻ rủi ro, nhưng sự đầu tư đó rất cần thiết để giải quyết những nguyên nhân gốc rễ của nạn phá rừng toàn cầu”.

Hiện trên thế giới có khoảng 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trồng cà phê, nhưng 5 nước trong số đó gồm Brazil, Việt Nam, Colombia, Indonesia và Honduras chiếm 85% sản lượng cà phê toàn cầu. 15% sản lượng còn lại được sản xuất tại các nước khác, trong đó có Ethiopia, Uganda, Tanzania, Kenya, Peru, Guatemala, Nicaragua, El Salvador, Costa Rica và Mexico.

Theo báo cáo Coffee Barometer, trong 2 thập niên qua, mỗi năm thế giới mất khoảng 130.000 ha rừng do bị khai hoang để trồng cà phê khi nông dân, trong đó hầu hết ở hoặc dưới ngưỡng nghèo, nỗ lực kiếm sống.

Tin mới nhất