Giá cà phê năm nay đang ở mức cao, ngay trong mùa thu hoạch. Tuy nhiên, người trồng cà phê ở Tây Nguyên đang điêu đứng bởi mất mùa ngoài dự báo và nạn hái trộm hoành hành.
Mất mùa ngoài dự báo
Xã Hoà Đông, huyện Krông Pách là địa phương chuyên canh cà phê. Toàn xã có 3.670 ha, trong đó diện tích cà phê của nhân dân là gần 1.300 ha, còn lại do Công ty cà phê Thắng Lợi và Nông trường cà phê Cư Pul quản lý. Xét về tỷ lệ, Hoà Đông là một trong những xã có diện tích cà phê tính trên hộ gia đình thuộc loại cao nhất tỉnh Đắc Lắc.
Ông Trần Hữu Thái – Chủ tịch UBND xã Hoà Đông cho biết: khi trái cà phê còn xanh, thấy trái cà phê lúc lỉu trên cành nhân dân trong xã chắc mẫm vụ năm nay sẽ được mùa, bù lại cho những thất bát năm ngoái. Nhưng khi cà phê chín, hái xuống mới biết trong chùm quả có quá nhiều hạt lép, nhân đơn và nhỏ. Theo ước tính trước vụ thu hoạch thì năng suất cà phê năm nay đạt trên 3 tấn/ha, nhưng thực tế hiện chỉ đạt khoảng 2,2 tấn/ha, thấp hơn vụ cà phê năm ngoái (cũng bị mất mùa) từ 5-6tạ/ha.
Vì vậy, mặc dù giá cà phê đang ở mức cao ngay giữa vụ thu hoạch nhưng người trồng cà phê vẫn buồn vì chịu cảnh mất mùa. Anh Nguyễn Văn Lương ở Thôn 15, xã Hoà Đông cho biết: theo ước tính từ đầu mùa thu hoạch thì năm nay 2ha cà phê của gia đình anh cho thu hoạch gần 7 tấn nhân. Tuy nhiên thực tế hiện nay thì chỉ đạt hơn 4 tấn nhân
Chúng tôi đến các vùng chuyên canh cà phê lớn của Đắc Lắc như: Cư M’gar, Krông Ana, Buôn Hồ, Ea H’leo, Krông Pách… và ghi nhận các địa phương này cũng đang chịu cảnh mất mùa ngoài dự báo. Không chỉ có cà phê của người dân bị mất mùa, cà phê của các doanh nghiệp trên địa bàn cũng đang phải chịu cảnh tương tự.
Anh Trần Xuân Bính, Giám đốc Công ty cà phê Buôn Hồ (thị xã Buôn Hồ) cho biết: năng suất bình quân hơn 600 ha cà phê của công ty chỉ đạt trên 2tấn/ha, bằng khoảng 60% so với dự tính ban đầu. Đắc Lắc hiện có gần 180.000ha cà phê kinh doanh, theo dự báo của ngành nông nghiệp trước vụ thu hoạch thì niên vụ này tỉnh sẽ được mùa cà phê với sản lượng cầm chắc đạt trên 400.000 tấn. Tuy nhiên, dù chưa thu hoạch xong nhưng theo đánh giá thực tế hiện nay thì năm nay cà phê Đắc Lắc bị mất mùa xấp xỉ 40% so với dự đoán ban đầu.
Lý giải nguyên nhân mất mùa ngoài dự kiến, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, thời tiết trong thời gian chăm sóc cà phê của niên vụ này có quá nhiều biến động bất thường. Đặc biết là đợt hạn hán kéo dài đầu vụ khiến người dân phải tưới bù cho hoa cà phê bung đúng thời gian. Nhưng sau đó, trong thời điểm cà phê bung hoa rộ lại gặp mưa lớn kéo dài khiến hoa bị thối, rụng, hoặc đậu quả nhưng nhân bị lép, phần mu dày nhưng chỉ có 1 nhân… Những tác động tiêu cực của thời tiết này đã nằm ngoài dự báo của các cơ quan chuyên môn.
Điêu đứng vì nạn hái trộm
Vấn đề thời sự nóng hổi tại các vùng chuyên canh cà phê là bảo vệ cà phê và các vụ trộm, cướp liên quan đến cà phê. Trên những rẫy cà phê trong đêm giá lạnh loang loáng ánh đèn pin của nông dân đi canh rẫy. Các gia đình phải huy động tối đa nhân lực, phối hợp với nhau thành từng nhóm, hỗ trợ lẫn nhau bởi những kẻ đạo chích cà phê tỏ ra rất manh động. Nếu lực lượng bảo vệ mỏng, chúng sẵn sàng tấn công, khống chế để cướp cà phê.
Lo sợ trộm cắp, bà con phải thu hái cà phê từ lúc còn rất xanh. Ảnh: Giacaphe.com
Anh Nguyễn Đình Lương, ở thôn 15 xã Ea Kênh cho biết: Nhà mình có gần 3 ha cà phê ở xa nhà đang vào vụ thu hoạch. Dù đã huy động toàn bộ thành viên trong gia đình, thuê thêm người nhưng vẫn có mấy chục cây cà phê bị bọn trộm tuốt sạch. Chưa hết, nhằm lúc gia đình đóng cà phê tươi vào bao xong bọn trộm còn vác mất 2 bao. “như vậy là còn may, nhiều hộ neo người bị bọn chúng khống chế ngay tại nhà rẫy rồi ngang nhiên cướp cà phê, hoặc bọn nó đốn cả cây mang đi nơi kác để hái cho nhanh và an toàn”, anh Lương ngán ngẩm. Đạo chích hoành hành khiến nhiều người gọi mùa cà phê là “mùa… trộm cướp”. Vậy là câu thành ngữ “xanh nhà hơn già đồng” được áp dụng triệt để, dù cà phê chỉ mới chín được 60% nhưng anh Lương quyết định thuê người tuốt sạch.
Gia đình bà H’Tước Niê ở buôn Ta Ra , xã Hoà Đông có 5 ha cà phê đang vào vụ thu hoạch. Gần 3 tháng nay, bà phải huy động hết dâu, rể, con, cháu chia tốp ra để canh cà phê. Ông bà già và mấy đưa cháu lớn thì canh 2ha gần nhà, còn mấy đứa lớn thì túc trực 24/24h ở 3ha rẫy xa. Canh gác cẩn thận như vậy nhưng hàng chục cây cà phê của bà H’Tước vẫn bị tuốt trộm từ lúc còn xanh. Sức người có hạn, cả nhà ai cũng gầy sọp đi vì thức đêm canh cà phê. Vậy là cà phê vừa chín già, bà đã huy động người tuốt cả xanh lẫn chín.
Nhiều gia đình thuê lao động về bảo vệ và thu hoạch cà phê thì chính những đối tượng này lại là thủ phạm trộm cướp. Các đối tượng làm thuê lợi dụng chủ nhà sơ hở “mạnh dạn” thuê cả xe công nông vào chở cả tấn cà phê đem đi bán sau đó tạo hiện trường giả hoặc “cao chạy xa bay”. Thượng tá Tô Mạnh Tường, Phó trưởng Công an huyện Cư M’gar cho biết: công an huyện vừa khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng là người làm thuê câu kết với một số thành phần bất hảo của địa phương thức hiện nhiều vụ trộm cắp cà phê đem đi bán. “Bọn trộm, cướp cà phê ngày cang manh động và tinh vi, xảo quyệt. Để ngăn chặn nạn trộm cắp cà phê chúng tôi đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuần tra bảo vệ. Nhưng việc vẫn phải do người dân tự thực hiện là chính”, ông Tường cho biết.
Theo thống kê của Tổ chức cà phê quốc tế (IOC), mỗi năm năm có xấp xỉ 1,5 triệu bao cà phê (mỗi bao nặng 60kg) bị thải loại do kém chất lượng thì cà phê của Việt Nam chiếm khoảng 75%. Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng vì lý do chất lượng nên giá trị xuất khẩu lại chỉ đứng hàng thứ 5. Một trong những nguyên nhân quan trọng khiến chất lượng cà phê Việt Nam thấp là do người dân thu hoạch khi tỷ lệ quả xanh còn quá nhiều. Để hạn chế tình trạng này, UBND tỉnh Đắc Lắc đã có Chỉ thị yêu cầu người dân chỉ thu hoạch khi cà phê đạt tỷ lệ quả chiến trên 90%.
Tuy nhiên quá ngán ngẩm với nạn trộm cướp nên người dân vẫn thực hiên phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để bảo toàn tài sản. Vậy là cà phê mới chỉ chín khoảng 65% là họ thu hoạch theo kiểu “tuốt sạch”. Thực tế cho thấy, ở Đắc Lắc hơn 80% diện tích cà phê do nhân dân quản lý và bà con vẫn chưa bỏ được “thói quen” thu hoạch cà phê xanh, khiến cho năng suất và chất lượng cà phê bị giảm.
Mất mùa, trộm cắp … người trồng cà phê thất thu
Theo thống kê của Tổ chức cà phê quốc tế (IOC), mỗi năm năm có xấp xỉ 1,5 triệu bao cà phê (mỗi bao nặng 60kg) bị thải loại do kém chất lượng thì cà phê của Việt Nam chiếm khoảng 75%. Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới nhưng vì lý do chất lượng nên giá trị xuất khẩu lại chỉ đứng hàng thứ 5.
Phải “TRẢM – TRẢM” hết “cà tặc”!!!