Ngăn chặn sự già cỗi của cà phê Việt Nam

Trong 5 – 10 năm nữa, trên 50% diện tích cà phê của VN đã hết thời kỳ kinh doanh hiệu quả, phải cưa đốn phục hồi hoặc trồng lại…

Phát triển bền vững là yêu cầu đối với ngành cà phê hiện nay

Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, hôm qua 11.12, một hội thảo do Bộ NN-PTNT, Hiệp hội Cà phê – ca cao VN (Vicofa) và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức đã đánh giá hiện trạng và đưa ra giải pháp về phát triển cà phê VN.

Những phân tích của TS Hoàng Thanh Tiệm, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, tại hội thảo đã thu hút sự chú ý của nhiều người về những thách thức lớn của ngành cà phê trong những năm tới.

Đó là cà phê nhanh chóng lão hóa do khai thác tối đa để có năng suất cao, thiếu cây che bóng, nhiều diện tích chuyển sang giai đoạn già cỗi. Trong 5 – 10 năm nữa, trên 50% diện tích cà phê của VN đã hết thời kỳ kinh doanh hiệu quả, phải cưa đốn phục hồi hoặc trồng lại.

Hơn 80% diện tích cà phê cả nước do các hộ nông dân sản xuất theo kiểu phân tán, nhỏ lẻ nên chi phí đầu tư cao, sản phẩm làm ra không đồng đều, thiếu ổn định. Người nông dân khó tiếp cận những tiến bộ khoa học công nghệ, thị trường, các dịch vụ tín dụng, từ đó dẫn đến việc xây dựng thương hiệu, chứng chỉ, chất lượng hàng hóa khó có thể thực hiện…

Ông Đoàn Triệu Nhạn, chuyên gia cao cấp của Vicofa cũng cho rằng vườn cà phê già cỗi đang tăng là “nguy cơ đáng báo động”, vì không bao lâu nữa mục tiêu sản xuất 1 triệu tấn cà phê mỗi năm khó giữ vững. Ở một hướng khác, ông Nhạn chỉ ra rằng, lượng tiêu dùng cà phê của thị trường trong nước quá thấp cũng tác động đến sự bền vững của phát triển ngành cà phê, do sản phẩm lệ thuộc quá mức vào xuất khẩu.

Ông Võ Văn Quyền, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước – Bộ Công thương, cho biết đến năm 2007, mức tiêu thụ cà phê nội địa của VN chỉ chiếm 6% sản lượng.

VN với vai trò là nước sản xuất cà phê vối hàng đầu và đứng thứ hai thế giới về lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, để hội nhập sâu hơn, phát triển cà phê bền vững phải bắt đầu từ khâu sản xuất. Nhiều ý kiến tại hội thảo đồng tình với giải pháp khoa học do TS Hoàng Thanh Tiệm đưa ra.

Đó là phải chuyển đổi những diện tích cà phê không đúng quy hoạch sang những cây trồng khác có hiệu quả hơn như ca cao, bơ, cây Mac-ca…, thay thế dần các giống cà phê cũ bằng các dòng vô tính, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giảm lượng nước tưới cho cà phê. Đặc biệt, phải tăng cường trồng cây che bóng, xem đây là giải pháp có tính bền vững nhất nhằm tăng tuổi thọ vườn cà phê.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lương Lê Phương đã yêu cầu các nhà quản lý, DN, khi xây dựng và thực hiện các dự án phát triển bền vững cần chú ý bảo đảm ba tiêu chí: hiệu quả kinh tế, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái. Theo Thứ trưởng Phương, bất kỳ một dự án đầu tư nào của ngành cà phê, người dân phải được hưởng lợi trước mới có thể bảo đảm yếu tố bền vững.

____________________
Theo Thanh Niên

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng