Sàn giao dịch cà phê tròn 2 tuổi, nông dân cà phê vẫn chưa mặn mà

Khi đến sàn giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột, người nông dân phải gặp một số rắc rối: nhờ nhân viên nhập lệnh giúp, nhiều khâu kiểm định chất lượng, phí kiểm định…

trung tâm giao dịch cà phê buôn ma thuột
Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột

Chỉ còn khoảng hơn 10 ngày nữa là Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột tròn 2 năm kể từ khi đi vào hoạt động (11/12/2008), tuy nhiên, đến nay sàn giao dịch này vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của nhiều người trồng cà phê và các doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Tây Nguyên.

Theo Thông tin từ trang web của Trung tâm này thì đến nay mới chỉ có khoảng 64 thành viên đăng ký tham gia giao dịch tại sàn (40 thành viên đăng ký bán, 21 thành viên kinh doanh và 3 thành viên môi giới) trong tổng số gần cả triệu người trồng cà phê và hàng trăm doanh nghiệp kinh doanh cà phê trên cả nước.

Để thu hút người trồng cà phê tham gia giao dịch tại sàn, trong gần 2 năm qua, Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột đã rất cố gắng tổ chức nhiều hội nghị phát triển thành viên tại nhiều địa phương trồng nhiều cà phê trong tỉnh nhằm giới thiệu những ưu điểm và lợi thế khi người nông dân đem cà phê giao dịch trên sàn.

Bên cạnh đó, Trung tâm cũng đã điều chỉnh một số thông số cũng như chính sách nhằm đảm bảo có lợi nhất cho người nông dân khi đến giao dịch tại sàn như: giảm số lượng sản phẩm từ 5 tấn/lô xuống còn 1 tấn/lô, gửi cà phê tại kho của Trung tâm sẽ được vay 70% giá trị lô hàng hay đưa vào chạy thử nghiệm phương thức giao dịch kỳ hạn cà phê Robusta (như sàn London)… Nhưng các biện pháp trên vẫn chưa phải là động lực chính để thu hút người dân đến với sàn giao dịch.

Có thể người dân chưa đến với sàn giao dịch cà phê vì việc giao dịch truyền thống vẫn thuận lợi hơn so với khi giao dịch tại sàn. Để bán sản phẩm cà phê làm ra, người dân chỉ cần ngồi ở nhà bấm điện thoại cho bất kỳ đại lý thu mua cà phê nào trả giá cao hơn và tiền sẽ được trao tận tay, cà phê sẽ được giao tại nhà và đôi khi cà phê chưa khô họ cũng vẫn có thể bán được (bán theo kiểu lấy tiền trước giao cà phê sau), nhưng phải chịu giảm vài mức giá. Cái lợi nhất của nông dân khi bán cà phê cho các đại lý là họ không cần phải suy nghĩ đến phẩm chất sản phẩm cà phê vì tất cả các loại cà phê (cả hái xanh, lẫn hái chín) đều được thu mua đồng giá.

Trong khi đó, khi đến sàn giao dịch, người nông dân phải gặp một số rắc rối như phải nhờ nhân viên nhập lệnh giúp, sản phẩm phải qua nhiều khâu kiểm định chất lượng nghiêm ngặt và phải trả phí kiểm định 15.000 đồng/tấn, tốn tiền vận chuyển, bao bì, công chờ đợi… và đặc biệt là khi bán cà phê xong, họ không được cầm ngay đồng tiền “tươi mát” trên tay mà phải sang ngân hàng để lấy hoặc ra trụ ATM để rút.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp kinh doanh cà phê còn cho biết, Sàn giao dịch vẫn còn thiếu đội ngũ nhân viên giỏi để vận hành, công tác tuyên truyền, quảng bá cũng như việc ban hành những định chế giao dịch của sàn còn yếu và bất cập…

Vì vậy, để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê nước ta trong thời gian tới thì Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột phải là đơn vị có trách nhiệm lớn nhất, trong đó nhiệm vụ hàng đầu là thu hút được cà nhiều nông dân trồng cà phê tham gia càng tốt. Khi nông dân đã tham gia thì ý thức về nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê của họ sẽ được nâng lên vì khi sản phẩm có chất lượng cao họ sẽ bán được giá cao và thu được nhiều lợi nhuận.

Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cũng cần phải chấn chỉnh tình trạng tranh mua, tranh bán của tư thương với kiểu thu mua đồng giá đối với tất cả các loại cà phê như hiện nay làm phản tác dụng của một số chỉ thị, yêu cầu nâng cao sản phẩm của các cơ quan chức năng và mong muốn chung của toàn xã hội.

Liên quan:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. dungdinh

    Tôi thấy với thị trường manh mún, lên sàn mua bán còn nhiều rắc rối thì vấn đề đưa bà con nông dân lên sàn quả là xa vời. Đơn cử như tôi ở km 82, có việc cần bán 1 tấn cà phê phải chạy đến TP BMT, mất cả buổi sáng thì việc lợi hơn 100 ngàn có bỏ công không? Đó là chưa kể đến chi phí đi về, còn nói nhà nước khắc phục tình trạng tranh mua tranh bán thì càng xa vời hơn nữa. Nếu không có đội ngũ tư thương len lỏi trong từng buôn làng thì nhà nước có nhân viên đi thu mua từng vài chục ký cà phê ở trong dân không, hay là khi cần chúng tôi phài đem tới sàn mà bán???!!! Rồi mỗi khi giáp hạt ai là người ứng phân bón , tiền bạc cho nông dân trang trải công việc ?! Tôi nghĩ tác giả có ý tốt nhưng không đi sâu vào cuộc sống của bà con thì việc lên sàn kia không bao giờ hóa thành thực tiễn … Một giấc mơ còn quá xa xăm …

  2. nhathuy

    Tôi thấy đây là vấn đề đáng được nhà nước quan tâm, không thể ngày một ngày hai mà quyết định như thế được. Sàn xây dựng theo mô hình tiên tiến của nước ngoài nhưng khi đem áp dụng vào thực tế nước ta e rằng không phù hợp mấy với nền kinh tế và tập quán giao dịch của nông dân ta. Khi cần một vài triệu thì họ chỉ bán đủ dùng chứ không ai bán cả tấn hàng rồi ôm tiền về để nhà lo mà giữ trộm. Thế thì chúng ta lập ra sàn giao dịch mà mục đích đầu tiên giờ đã sai lệch hết rồi. Những nhà hoạch định chính sách đã phạm một sai lầm rất lớn nhưng họ không dám thừa nhận sai lầm mà còn cố tình tìm hướng khác để dung túng cho lỗi của mình. Tiền của dân, càng làm càng lỗ lớn, hãy dừng ngay việc này lại đi trước khi quá tốn thêm tiền tỷ của dân đi các vị ạ. Hãy thẳng thắn thừa nhận sai lầm của mình đi, đừng phung phí những giọt mồ hôi của dân nghèo thêm nữa….

  3. Lê Nguyên

    Tôi đồng tình với ý kiến của bài báo. Còn quá nhiều việc để phải lo trước khi kéo được nông dân đến với sàn giao dịch. Các đầu mối lớn là các DN vẫn chưa mặn mà với sàn, các đầu mối nhỏ là các đại lý, các thương lái còn chưa biết đến mặt mủi của sàn thì bảo sao mà nông dân mặn mà với sàn. Đã hết rồi cái thời ta làm việc theo tinh thần duy y chí! Phải chứng minh cho nông dân thấy lên sàn là lợi ích thực tiễn chứ không phải bằng lý thuyết. Lúc đó không cần phải động viên, hô hào thì họ cũng rủ nhau kéo đến sàn…
    Chứ đến sàn mà còn nhiêu khê bởi nhiều quy định, nhiều loại giấy tờ, nhiều loại phí… rắc rối vậy thì làm sao nông dân mặn mà và chấp nhận.
    Với nông dân thì chỉ là đơn giản “tiền trao cháo múc”!

  4. tranduong_76

    Tôi nghĩ nông dân mà đến với sàn giao dịch này cần phải có thời gian. Ở đây là phải hai thế hệ nữa, tức khoảng 50 năm nữa cứ theo tình hình hiện nay. Trước mắt chỉ lên chú trọng vào các doanh nghiệp đã bằng không nên mạnh dạn nhận sai lầm vì nóng vội.

Tin đã đăng