Tây Nguyên đang vào vụ thu hoạch cà phê. Trong khi các chủ rẫy cà phê đang rất thiếu nhân công thu hoạch thì rất nhiều lao động tự do lại kéo vào rừng…
Thời gian gần đây, nhiều người dân ở xã Ia Mơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) và một một số người dân tận huyện Đại Lộc, Quảng Nam, rầm rộ kéo vào rừng tìm củ Địa Liền (tiếng địa phương gọi là củ Thiền Liền, theo Đông y là thuốc Tam Bảo). Mỗi ngày, một người dân có thể kiếm được trên 100 ngàn đồng từ việc đào loại củ này. Các lái buôn sẽ thu mua của người dân, vận chuyển qua Trung Quốc bán cho các nhà thuốc để làm thuốc chữa bệnh.
Tuy đang mùa hái cà phê và được nhiều chủ vườn thuê nhưng những người đồng bào dân tộc thiểu số ở xã Ia Mơr không màng mà chuyển sang đi đào củ Địa Liền. Trong các cánh rừng bạt ngàn của của huyện Chư Prông có rất nhiều củ Địa Liền hàng trăm năm tuổi.
Củ Địa Liền
Theo một số người dân đi đào củ Địa Liền thì một ngày công hái cà phê chỉ được chừng 70.000 đồng, trong khi đi đào củ Địa Liền thu nhập ít nhất cũng trên 100.000 đồng/ngày. Nhiều gia đình cả nhà cùng đi đào, trẻ em một buổi đi học, một buổi vào rừng kiếm Địa Liền.
Đinh Hơn – một người đào củ Điền Liền cho hay: “Mình không có việc làm ổn định, thấy người ta bảo mua củ Địa Liền này với giá cao, mình cùng vợ con đi đào về bán lấy tiền. Chẳng biết người ta mua thứ này về làm gì. Một ngày, cả nhà mình đào được chừng 50 kg, với giá 5.500 đồng/kg cũng kiếm được gần 300.000 đồng, hơn đi hái cà phê thuê nhiều”.
Thông thường, người dân đi đào khoảng 2 đến 3 ngày lại tập kết hàng tại một địa điểm. Lái buôn đánh xe ô tô loại 5 tấn vào tận nơi thu mua cho bà con. Theo chúng tôi được biết, sau khi thu mua, các lái buôn bán lại cho một ông chủ ngoài Miền Bắc để vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ cho các nhà thuốc cổ truyền làm thuốc Bắc. Địa Liền càng lâu năm, củ to càng được lái buôn ưa chuộng, thu mua với giá cao.
Anh Nguyễn Văn Thanh (Đại Lộc, Quảng Nam) cho biết, được một người quen ở xã Ia Mơr gọi điện báo cho biết, trong này hiện việc đào củ Địa Liền đang rất rầm rộ và có thu nhập cao, thế là 5 anh em chúng tôi khăn gói lên đường. Những ngày đầu, mỗi người một ngày đào được chừng 20 kg, nhưng quá nhiều người đi đào nên giờ ít lắm, hôm nào may mắn thì được 10 kg là cao.
Hiện nay, những cánh rừng ở huyện Chư Prông, Địa Liền đã được khai thác gần hết, người dân lại chuyển sang các cánh rừng ở huyện Đức Cơ, Ia Grai (Gia Lai), thậm chí người ta còn tìm về tận rừng thông của xã Biển Hồ để tìm kiếm Địa Liền.
Do đặc trưng của củ Địa Liền mọc rất nông trên mặt đất nên rất dễ phát hiện, dễ đào. Chỉ cần một chiếc cuốc nhỏ xới nhẹ quanh bụi là có thể lấy được củ của nó.
“Nay Địa Liền còn ít lắm nên chúng tôi phải dồn từ 4 đến 5 ngày mới đi nhập cho thương lái. Lái buôn nay cũng mua cao hơn trước vì Địa Liền cũng trở nên hiếm hơn. Hiện nay chúng tôi vẫn thường xuyên nhập cho một ông tên Sáo ở đường Duy Tân (TP.Pleiku, Gia Lai). Ít bữa nữa khi Địa Liền hết, chúng tôi sẽ đi hái cà phê thuê” – một người đào Điền Liền tên Thanh cho biết.
Theo lái buôn tên Hùng (người Cao Bằng) thì củ Địa Liền (trong Đông Y gọi là Tam Bảo), sau khi sao chế ra có thể dùng làm thuốc chữa được bệnh dạ dày, đau dây thần kinh, xoa bóp xương khớp đau nhức, thứ này được các thương lái Trung Quốc nhập nhiều.
Bạn vui lòng sử dụng tiếng Việt có đủ dấu. Cám ơn. BQT