Tây Nguyên: Khát nhân công mùa càphê

Dù mới vào đầu mùa thu hoạch càphê niên vụ 2010-2011 nhưng người trồng càphê ở các tỉnh Tây Nguyên đã bắt đầu “đua” nhau tìm nhân công thu hoạch. Các rẫy cà phê “khát” nhân công. Số lượng nhân công tại chỗ không đáp ứng, chủ rẫy cà phê buộc phải thuê nhân công ngoài tỉnh, từ đó dẫn đến nhiều hệ lụy…

nhan-cong-hai-ca-phe
Nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang vào mua thu hoạch càphê.

Khắp nơi săn “thợ” hái càphê

Những ngày này, tại các vùng chuyên canh trọng điểm càphê của khu vực Tây Nguyên như huyện Ia Grai, Đắc Đoa (tỉnh Gia Lai), huyện Đắc Song, Đắc R’lấp, thị xã Gia Nghĩa (tỉnh Đắc Nông), huyện Đắc Hà (tỉnh Kon Tum), huyện Cư M’gar, Krông Pách (tỉnh Đắc Lắc)…, người trồng cà phê đang “chạy đôn, chạy đáo” thuê nhân công thu hoạch. Theo một số hộ trồng càphê tại huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai), mỗi ha cà phê cần hàng chục nhân công thu hái, đó là chưa kể thu hoạch theo kiểu chọn quả chín như khuyến cáo của chính quyền địa phương, nếu tuân thủ số lượng nhân công sẽ tăng lên gấp đôi. Anh Nguyễn Đức Ánh, chủ một trang trại càphê rộng 8 hécta ở thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) cho biết: “Như mọi năm, đến thời điểm này tôi phải tập trung nhân công để chuẩn bị thu hái. Tuần trước, tôi đã điện thoại cho những “mối” quen ở các tỉnh Thanh Hóa và Nam Định, họ đều hẹn hai hôm sau sẽ có mặt, nhưng đến giờ vẫn chưa thấy ai”.

Tại thị trấn Đắc Đoa, huyện Đắc Đoa (tỉnh Gia Lai), nơi tập kết lao động từ các tỉnh miền xuôi lên tìm việc trong vụ thu hoạch càphê, trên Quốc lộ 19 có rất nhiều người trồng cà phê đứng đón và tìm người hái càphê. Anh Trần Văn Nhơn, xã Ia Sao, huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) lo lắng: “Tôi đang đợi hai người từ Hà Tĩnh vào, nhưng từ sáng đến giờ vẫn chưa thấy”. Theo anh Nhơn, gia đình anh có 2 ha càphê đang vào vụ thu hoạch phải cần khoảng 10 người hái, nhưng đến thời điểm này anh chỉ mới tìm được năm người, số người còn lại anh đang nhờ một người quen giới thiệu.

Trước đây, khi tình hình trộm cắp càphê chưa diễn ra phức tạp, người nông dân có thể đổi công cho nhau. Nhưng trong những năm gần đây, tình hình an ninh tại các khu vực trồng càphê không được bảo đảm, tình trạng trộm cắp diễn ra thường xuyên nên ai cũng muốn tranh thủ thu hoạch trước để tránh khỏi bị mất cắp, đã làm cho tình hình thiếu nhân công càng trở nên “nóng”. Nông dân Lê Văn Vinh, xã Đắc La, huyện Đắc Hà (tỉnh Kon Tum) cho biết: “Cách đây ba năm, giá nhân vào khoảng 30.000 – 40.000 đồng/người/ngày, nay đã tăng lên 90.000 – 100.000 đồng/ngày/người, nhưng vẫn rất khó tìm. Thế nhưng không phải ai cũng biết hái càphê, nếu không hướng dẫn họ có thể gây rụng lá, gãy cành làm giảm năng suất cho vụ tới. Chưa kể có nhiều nhân công tay nghề không cao, mỗi ngày thu hoạch chưa đến một tạ càphê, vì thế phải tốn rất nhiều công”.

Nhiều nỗi lo

Khu vực Tây Nguyên có hơn 430.000 ha cà phê đang bước vào vụ thu hoạch, do đó các vườn cây đang cần số lượng nhân công hái cà phê rất lớn. Trong khi đó, nguồn lao động tại chỗ không đủ đáp ứng, vì thế lao động ở các tỉnh là sự lựa chọn của người trồng càphê. Theo nhận định của lãnh đạo công ty càphê Chư Pah (tỉnh Gia Lai), năm nay lượng nhân công thu hái càphê từ các tỉnh đổ về Tây Nguyên, trong đó có Gia Lai, sẽ rất đông.

Tuy nhiên, nhân công các tỉnh đến nhiều sẽ kéo theo nhiều diễn biến phức tạp về trật tự an toàn xã hội như nhậu nhẹt, gây rối trật tự công cộng, cờ bạc, … Anh Phạm Khắc Sĩ, huyện Đắc Min (tỉnh Đắc Nông) cho biết, tình trạng nhân công ngoài thời gian hái càphê thuê xong, thời gian còn lại họ đi vào các rẫy cà phê khác “mót” càphê là chuyện bình thường, chủ rẫy nếu ngăn chặn sẽ nhận được những lời hăm he, đe dọa. “Năm ngoái gia đình tôi có thuê 15 nhân công hái càphê, những ngày đầu thì không sao, nhưng những ngày cuối vụ một số người thường tụ tập nhậu nhẹt ngay trong rẫy rồi cãi vã rất ồn ào, có lần họ còn đánh lộn, tôi phải cho họ nghỉ dù chưa thu hoạch xong mùa”, anh Sĩ than thở.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

80