Sàn Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) ngày càng thu hút nhiều nông dân các dân tộc và doanh nghiệp tham gia bán sản phẩm cà phê nhân, với trên 40 thành viên đăng ký bán, 21 thành viên kinh doanh và 3 thành viên môi giới cà phê.
Trung tâm đã xây dựng hệ thống kho bãi, kiểm định chất lượng cà phê hiện đại, hỗ trợ các chính sách vay ưu đãi tín dụng, gửi sản phẩm cà phê tại kho miễn phí trong vòng 3 tháng đầu tiên của lô hàng, góp phần hạn chế được tình trạng nông dân ký gửi cà phê vào các đại lý thu mua và bị mất trắng như các năm trước.
Bà con nông dân và các doanh nghiệp gửi cà phê nhân tại kho còn được Trung tâm cho vay tối đa 70% giá trị lô hàng để kịp đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột còn biên tập phát hành bản tin, cung cấp thông tin thị trường cà phê trong, ngoài nước miễn phí đến nông dân; đồng thời hoàn thiện việc cài đặt, kiểm tra phần mềm giao dịch, hệ thống hóa qui định giao dịch cà phê kỳ hạn. Nhờ vậy, hiện nay, ngoài việc giao dịch bán sản phẩm cà phê nhân bằng hàng thật, Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột còn tổ chức giao dịch cà phê kỳ hạn theo thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Bước vào niên vụ mua bán cà phê 2010 -2011, Trung tâm Giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột còn tổ chức các cuộc hội thảo phát triển thành viên giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột mới tại các vùng trọng điểm cà phê để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh cây cà phê, từ đó kịp thời khắc phục những vướng mắc trong các khâu tổ chức khai thác, vận chuyển, lưu kho cà phê, cho vay vốn…nhằm thu hút ngày càng đông các hộ nông dân bán cà phê qua sàn giao dịch.
Sàn này thu hút được bao nhiêu hộ nông dân thực hiện GD mà cho rằng nhiều?Họ cũng chẳng phổ biến cách thức để nông dân dễ tiếp cận .Bạn cần GD chắc phải đến tận nơi thôi nông dân ơi!
Cái sàn này hình thành cũng khá lâu rồi, ít nhất là “2 mùa lá rụng”, nhưng bà con thì vẫn còn mơ hồ về nó lắm, mấy bác TTGD thì cứ thổi nào là “tổ chức hội thảo…”, “phổ biến cho bà con nông dân…”, thật sự thì chắc cũng không nhiều người hiểu về mấy cái giao dịch trên sàn này đâu. Còn mấy cái “quy chế giao dịch…” hay đại loại như vậy, được phổ biến trên “quép-sai” của cái TTGD này thì quả thật “bác học” quá, không hiểu nổi bà con ạ. Có lẽ như bác “dinhnhuong” nói rồi đó, đến tận nơi cũng chưa chắc hiểu đâu.
Mà kể cũng lạ, bà con nông dân – chỉ tính riêng những hộ có vài tấn cà phê / mùa để có thể giao dịch trên “sàn”, thì cũng đến con số ngàn, mà cái ông “tầm nhìn” này ở đầu bài báo mới liệt kê có 61 thành viên mua và bán, mà đã kêu là nhiều là sao nhỉ?
Bài này có “tuyên truyền” quá không vậy bác “Tầm nhìn”? Còn mấy cái như “kiểm định chất lượng…” hay “kho bãi hiện đại”, “ưu đãi tín dụng” thì tôi đồng ý.
Tui cũng biết cái sàn này, tui đã tới đó hỏi han rồi. Hay thì có hay nhưng cũng hơi khó, để tui nói bà con mình nghe nhé:
Bà con mình làm có hạt cà phê thì mang tới sàn để nhập vào kho, rồi đăng ký làm thành viên hoặc khách hàng( cái này chỉ đăng ký một lần sau đó chỉ nhập hàng là giao dịch ko đăng ký lại). Cafe nhập kho được sàn cấp chứng thư, cà nhân xô nhập được bên cty kho bãi và cty giám định chất lượng căn cứ kết quả mà quy ra thành 3 loại cafe R2 sàng 13, R1 sàng 18 và R1 sàng 16 theo tỷ lệ làm mẫu. Sau khi có chứng thư bà con có thể bán ngay, hoặc giữ ở nhà chờ bán hoặc đem cầm cố để vay vốn của NH Techcombank.
Việc bán thì bà con có thể bán thoả thuận (tự thoả thuận, yêu cầu nhân viên sàn bán giùm hoặc nhờ bên cty môi giới bán cũng được), hoặc đặt lệnh qua hệ thống điện tử (giao dịch này hiện nay chưa hoạt động).
Giao dịch qua sàn cũng hơi bất tiện hơn mình giao dịch ở nhà: phải vận chuyển tới tận kho, làm nhiều thủ tục giấy tờ, phải trả cá chi phí kho bãi chế biến… nhưng cái được lớn nhất ở đây là việc quản lý hàng hoá cho mình đảm bảo an toàn (nhân viên ở đó giới thiệu như thế).
Tui chỉ biết thế thôi!