Thay vì là những bản tin khô khan, ngày nào cũng như ngày ấy, đến nay, lượng cà phê hàng thực cũng không còn nhiều, nên việc hóng giá cả, một ngày tăng, ba ngày giảm đã không còn tính hấp dẫn với những khách ôm hàng. Do đó, hôm nay nhân ngày cuối tuần chúng tôi xin gửi đến bạn đọc của Giacaphe.com chuyên mục Câu chuyện Cà phê cuối tuần.
Trong câu chuyện cà phê cuối tuần này, chúng tôi vẫn không quên cung cấp đến bà con những thông tin về cà phê hàng ngày mới nhất, bên cạnh đó để thay đổi không khí, chúng tôi đồng thời xin gửi đến bà con những câu chuyện bốn phương về cà phê, mà không theo một quy tắc chủ đề nào, chỉ mang tính câu chuyện, mang tính luận đàm chủ quan với một người có nhiều năm theo dõi, quan sát thị trường.
Tuy nhiên điều đầu tiên vẫn là kết quả giá cà phê mà hai thị trường đóng cửa cuối tuần qua.
Như chúng ta đã theo dõi cà phê Arabica tháng 9 giao dịch vào thứ Sáu đóng cửa tăng rất nhẹ, 0,45 cent/pound sau khi đã giao dịch ở mức giao động vừa phải trong phiên từ mức âm 4,3 cent cho đến dương 2,2 cent/pound.
Song song theo đó là loại cà phê Robusta đóng cửa giảm 36$, nằm ở mức 4011$/tấn, sau khi thị trường đã giao dịch trong một khung tương đối rộng từ +58$ đến -66$ trong phiên khiến cho dân tình không biết thực sự giá cà phê Robusta, mặt hàng chủ lực của Việt nam ta định đi theo hướng nào?
Khi đọc một bản tin, có thể bà con sẽ xem thấy sự giải thích cho một phiên tăng hoặc giảm với những dòng ngắn gọn như: “giá tăng do ít mưa hay nhiều nắng”, “Lượng tồn kho tăng làm giá giảm” v.v…Thực tế đó là do tôn trọng nguyên văn bản tin mà phải dịch thôi, chứ dưới góc độ là một nhà nghiên cứu độc lập về thị trường Cà phê, chúng tôi không tin lắm vào những lời giải thích ấy.
Từ lâu, chúng ta đã biết thị trường cà phê đã trở thành một thị trường tài chính thực thụ, rất nhiều nhà kinh doanh trên sàn giao dịch, không phải là họ đến từ những địa chỉ liên quan đến cà phê như là nhà trồng trọt, trực tiếp mua bán cà phê, những nhà chế biến, rang xay…không, với sự tiến bộ của điện toán, của sự tiện dụng của chiếc điện thoại cầm tay, bất kỳ người nào hiện nay trên thế giới cũng đều có thể là nhà đầu tư, mua bán cà phê như bao nhiêu loại hàng hóa khác. Và lực lượng này hiện nay đông như quân Nguyên đã góp phần chi phối giá cả cà phê và đương nhiên là họ cũng phải tham khảo đến vấn đề nắng, mưa, sản lượng ở những vùng trồng, đặc biệt là họ cũng biết quan tâm đến tháng 7 sắp tới chính là tháng sôi động, có thể nóng lên với giá cà phê nếu như thời tiết ở Brazil mùa này “nguội” xuống.
Giá cà phê hôm thứ Sáu giao dịch trái chiều, với cà phê arabica giảm xuống mức thấp nhất trong 2 tuần và cà phê Robusta giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần. Nhân nói đến Brazil, chúng tôi xin cung cấp đến bà con một trong những nguyên nhân gây giá sụt từ mức cao trong phiên thứ Sáu vừa qua, là có sự tác động rớt giá của Đồng real Brazil. Khi đồng tiền này sụt giảm, thì thường kích thích sự bán ra từ những nhà sản xuất, những nhà đầu tư cũng thường bám theo để bán hoặc thanh lý vị thế đã mua của mình vì sợ rớt nhiều thêm, cho nên nhiều khi khiến cho giá sụt thêm ngoài cả mức sụt đáng có.
Tốc độ thu hoạch cà phê của Brazil cũng nhanh hơn bình thường, đang thúc đẩy nguồn cung cà phê và khiến giá giảm sau khi tập đoàn Safras & Mercado hôm thứ Sáu báo cáo rằng vụ thu hoạch cà phê niên vụ 2024/25 của Brazil đã hoàn thành 50% tính đến ngày 25 tháng 6, nhanh hơn mức hoàn thành 45% vào cùng thời điểm năm ngoái và nhanh hơn mức trung bình 5 năm là 47%.
Điều kiện thời tiết dự kiến sẽ vẫn mát mẻ và khô ráo trong tuần tới, được coi là bình thường theo mùa vào thời điểm này trong năm. Đúng vậy, một kinh nghiệm khi đọc bản tin vào mùa tháng 7 thu hoạch tại Brazil mà đọc giả thường thấy là thời tiết đang khô hạn ở đó, nghe báo như vậy nhưng nhiều khi đừng nghĩ như vậy, bởi vì mùa đông ở Brazil là mùa có nhiều nắng, nhưng lạnh (thỉnh thoảng có mưa nhẹ), thường là thuận lợi cho thu hoạch và phơi phong, nó không như mùa đông ở nước ta, thuộc về Bắc bán cầu, thường có nhiều mưa. Ở Nam bán cầu, thường có những cột không khí lạnh đi lên từ cực Nam hoặc từ hướng Tây của Brazil sẽ góp phần gây ra sương giá hay còn gọi là sương muối, đó mới là điều đáng sợ trong mùa Đông Brazil.
Xin nói qua về dự trữ cà phê Arabica đã qua chế biến được chứng nhận nắm giữ trên thị trường New York giảm 275 bao vào ngày hôm qua, đạt mức tồn kho 808.184 bao. Các bạn hãy tin đi, ngày nào mà các bản tin còn đếm từng bao cà phê từ tồn kho như thế này, thì ngày ấy nguồn cung còn có vấn đề, cho nên theo quan điểm của chúng tôi, giá cà phê sẽ vẫn còn tốt ít nhất cho đến vụ 2025/2026, bởi điều dễ thấy là thu hoạch trong tháng 4 của hai nước có số má là Colombia, chủ yếu là Arabica và thu hoạch từ Indonesia phần lớn là Robusta có vẻ như đã biến đi đâu cả, chúng ta không hề thấy có sự tác động nào lớn lên giá cả sau khi hai nước này thu hoạch, đặc biệt là giá Robusta vẫn nằm trên mức 4000$ và Arabica vẫn nằm trên 200 cent.
Cho nên nhiều khi chúng tôi cảm thấy có gì đó bất ổn từ những tin như thời gian qua Bộ Nông nghiệp Mỹ nhận định về sản lượng cà phê tăng, khá lớn như dưới đây:
“Sản lượng cà phê thế giới dự kiến đạt 176,24 triệu bao, cao hơn mức tiêu thụ 5,6 triệu bao. Điểm nổi bật là sự tăng trưởng sản xuất ở Brazil và Indonesia, với sản lượng cao hơn 4,2% so với niên vụ trước và gần như đạt mức kỷ lục của vụ thu hoạch vào năm 2020/21.
Có một số câu hỏi về sự lạc quan quá mức của USDA, đặc biệt là liên quan đến sản lượng cà phê Robusta ở Việt Nam, ước tính của họ đạt 27,85 triệu bao. Con số này cao hơn nhiều so với dự đoán của một số công ty thương mại và tín hiệu chính thức từ Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), khoảng 22 đến 23 triệu bao. Hạn hán, nhiệt độ rất cao và sự bùng phát của sâu bệnh là nguyên nhân dẫn đến sự bi quan của thị trường. Ngay cả khi độ ẩm quay trở lại, lượng mưa vẫn dưới mức bình thường trong giai đoạn chuyển tiếp giữa El Nino và La Nina, điều này cũng tạo ra tâm lý lo ngại về sản xuất ở Việt Nam.”
Trong mọi trường hợp, sản xuất phải tăng trưởng cao hơn mức tiêu thụ và tạo ra dư thừa. Tuy nhiên, nỗ lực này phần lớn sẽ hướng tới việc xây dựng lại lượng tồn kho dự kiến sẽ tăng 8% sau ba mùa sụt giảm. Nhưng ngay cả với mức tăng này, lượng tồn kho vẫn sẽ ở mức thấp hơn mùa 22/23 và thấp hơn nhiều so với mức 37,49 triệu bao trong mùa 20/21. Mức tồn kho cà phê giúp phân biệt rõ ràng hai thực tế này. Trong khi hiện tại đã sang năm 2024, sản lượng thế giới vẫn đang phục hồi. Có lẽ, trong một kịch bản với vụ mùa ở Việt Nam đạt gần 30 đến 31 triệu bao như dự kiến ban đầu và với lượng tồn kho tăng lên khoảng 28 đến 29 triệu bao, tình hình sẽ khác. Nhưng điều này không xảy ra với mùa 24/25, một lần nữa được đánh dấu bởi các vấn đề thời tiết ở Đông Nam Á.
Đó là những cơ sở mà câu chuyện cà phê cuối tuần này muốn gửi đến người trồng và hẹn gặp lại quý vị trong bản tin sáng thứ Ba đến.
Kinh Vu (giacaphe.com)
CẢM ƠN VÌ BÀI VIẾT
Nông sản với dân đã rất chán ngán…nhưng lại không bỏ được!