Sớm cán mốc xuất khẩu 5 tỷ USD, cà phê Việt cần tính chuyện đường dài

Tại Hội thảo “Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD” ngày 30/3, các chuyên gia cho rằng mục tiêu xuất khẩu 5 tỷ USD với ngành cà phê năm 2024 không khó nhưng cần làm sao để con số này bền vững và thực chất hơn trong những năm tới.

xuat khau ca phe viet nam dat 5 ty usd
Hội thảo “Giải pháp để xuất khẩu cà phê Việt đạt 5 tỷ USD” – Ảnh: VGP/Anh Lê

Mục tiêu 5 tỷ USD sớm đạt được

Cà phê Việt Nam ngày càng khẳng định vị trí trên thị trường thế giới khi giá trị xuất khẩu tăng đều đặn qua các năm, từ 2,7 tỷ USD vào năm 2020 lên 4,2 tỷ USD năm 2023 và hứa hẹn cán mốc 5 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, tỉ lệ xuất khẩu cà phê nguyên liệu vẫn còn cao, sản phẩm chế biến tuy tăng nhưng mới chiếm gần 13%. Trong khi đó, tiêu thụ ở thị trường nội địa vẫn ở mức thấp.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho biết, niên vụ 2022-2023 và đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam tăng trưởng ấn tượng một phần nhờ giá bán cao kỷ lục, chạm mốc 100.000 đồng/kg trong những ngày gần đây. Với diễn biến hiện tại, mục tiêu xuất khẩu cà phê 5 tỷ USD là không khó.

Thực tế trước đó, một thời gian dài, giá cà phê không vượt được ngưỡng 50.000 đồng/kg, nhiều người trồng chặt cà phê để trồng cây khác. Bước qua năm 2024, giá cà phê tăng gấp đôi, nhiều DN khó khăn mới mua được cà phê cho xuất khẩu để trả đơn hàng giá thấp ký trước đó.

Theo ông Nam, tiềm năng từ hạt cà phê Việt Nam hiện rất lớn, gần như DN lớn ở các nước đều đã có mặt tại Việt Nam. Vai trò của cà phê Việt Nam là không thể thay thế nhưng cần có giải pháp, chiến lược để phát triển bền vững.

Xây dựng thương hiệu cà phê Việt Nam trên thế giới

Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Công ty CP Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu cà phê Napoli cho biết, hiện nay, trung bình mỗi tỉnh ở Việt Nam có 100 DN cà phê, riêng TPHCM có khoảng 2000 DN. Tính chung, cả nước có khoảng 10.000 DN cà phê. Số lượng DN cà phê rất nhiều nhưng việc phát triển cà phê thương hiệu Việt ra thị trường thế giới còn hạn chế.

“Trong nhiều năm nay, tôi đi khoảng 100 nước trên thế giới và thấy rất ít thương hiệu cà phê Việt Nam. So với Thái Lan, Malaysia thì độ bao phủ và thị trường của các thương hiệu cà phê Việt Nam rất hạn chế”, ông Hưng chia sẻ.

Bà Đỗ Việt Hà, Tùy viên thương mại Thương vụ Việt Nam tại Đức cho biết, với thị trường Đức, Việt Nam đứng thứ 2 về xuất khẩu cà phê tại thị trường này. Trong những năm gần đây, người Đức rất chú trọng vào những sản phẩm có lợi cho sức khỏe và có xu hướng tiêu dùng cà phê hữu cơ, chất lượng cao ngày càng gia tăng. Các DN Việt Nam cần nắm bắt kịp thời xu thế tiêu dùng, các quy định về an toàn thực phẩm tại Đức, cũng như yêu cầu về chứng nhận tiêu dùng hữu cơ quốc tế để nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường đầy tiềm năng.

Đặc biệt, các DN cần chú trọng xây dựng thương hiệu gắn với câu chuyện về nguồn gốc sản phẩm, cách chế biến một cách trung thực nhất đến người tiêu dùng. Cần tận dụng lợi thế hiệp định kinh tế mang lại để đưa cà phê vào thị trường EU nói chung và Đức nói riêng. Đồng thời nên có kế hoạch tham dự các hội chợ quốc tế tổ chức hằng năm ở Đức.

Theo ông Gruber Alexander Lukas, Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn, đại diện thương hiệu Alambe’ Finest Vietnamese Coffee: Cần đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo nên chất lượng độc đáo, phân loại cà phê thành các hạng tốt, thượng hạng, tiêu chuẩn… Qua đó sẽ tăng giá trị gia tăng cho cà phê.

Ông Gruber Alexander Lukas chia sẻ: “Những diễn biến tích cực tại Việt Nam với ngành công nghiệp hòa tan (cà phê hòa tan) ngày càng phát triển, đủ loại cà phê 3 trong 1, 2 trong 1… Như DN chúng tôi đầu tư cà phê rang xuất khẩu, cà phê cao cấp ALAMBE, tạo giá trị gia tăng thông qua việc cá nhân hóa cà phê cộng với việc rang và đóng gói tại Việt Nam”.

Cần chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt phụ trách phía nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, sản phẩm cà phê Việt đã hiện diện ở nhiều hệ thống phân phối trên thế giới và được người tiêu dùng nước ngoài đánh giá khá cao. Tuy nhiên, để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, cần chiến lược bài bản về phát triển cà phê chất lượng cao.

Việt Nam có 9 triệu ha canh tác nông nghiệp, trong đó có 4 triệu ha dành cho cây cà phê và nhiều cây trồng khác. Khi giá cà phê chưa lên 100.000 đồng/kg thì cả nước có 714.000 ha cà phê, đến nay giá cà phê tăng lên hơn 100.000 đồng/kg, diện tích trồng cà phê chỉ còn khoảng 660.000 ha.

Theo ông Tùng, trong nhiều năm, chúng ta đã thay đổi công tác giống, sản xuất, giữ được chất lượng cà phê nhưng chưa đủ mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, trồng trên đất không phá rừng… theo yêu cầu trong nước và thế giới.

Hiện cà phê đặc sản chỉ chiếm 2% trong tổng diện tích sản xuất cà phê, tập trung nhiều ở Lâm Đồng. Cà phê hữu cơ cũng chỉ chiếm 3% tổng diện tích trồng cà phê.

“Giải pháp sắp tới không phải là vấn đề kỹ thuật, DN tìm kiếm thị trường, chế biến mà làm cách nào người sản xuất và xuất khẩu đạt được sự hài hòa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia để thúc đẩy chuỗi giá trị cho hạt cà phê. Và bài học của cà phê không chỉ cho cây cà phê mà cho nhiều cây trồng khác”, ông Tùng nhấn mạnh.

Bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đề nghị các tỉnh có diện tích cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ cần xây dựng HTX để xây dựng thương hiệu quốc gia; có quỹ để giữ cà phê ngon của mình và định vị thương hiệu, giá bán tương xứng.

Bà Vân cho biết, Liên minh HTX mong muốn phối hợp cùng các đơn vị để tổ chức một diễn đàn lớn về cà phê, có sự tham gia của nông dân, HTX, DN, các chuyên gia, cơ quan Nhà nước… để bàn câu chuyện phát triển bền vững cho cà phê. Ở đó, các HTX sẽ ký kết với các DN chế biến cà phê để sản xuất, cung ứng, phân phối cà phê sạch, thúc đẩy sản xuất xanh lĩnh vực cà phê…

Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng