Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới, nói một cách hình ảnh, mỗi ngày mới bắt đầu, thế giới cứ uống 10 ly cà phê, thì trong đó có 1,5 ly là của Việt Nam.
Nhưng nghịch lý là loại nông sản này mang về cho đất nước chẳng được bao nhiêu cả giá trị kinh tế lẫn thương hiệu.
Xuất khẩu hàng đầu vẫn vô danh
Trong năm 2009, Việt Nam xuất khẩu gần 1,2 triệu tấn cà phê, với giá trị đạt gần 2 tỷ USD. Có được con số đó là tổng hợp từ rất nhiều yếu tố, như điều kiện thời tiết thuận lợi làm cho năng suất cao, giá cà phê trên thị trường thế giới cũng ngày một tăng lên… Một yếu tố đóng vai trò lớn đó chính là việc Chính phủ có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mua tạm trữ nên đến thời điểm giá cà phê thế giới tăng, chúng ta đã có dịp tung ra thị trường.
Tuy nhiên xét cho cùng thì hiện nay ngành cà phê Việt Nam đang còn yếu kém nhiều mặt, mà thấy rõ nhất là sản phẩm cà phê chúng ta bán ra thị trường thế giới hiện chủ yếu vẫn còn ở dạng nguyên liệu thô. Ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Việt Nam cho hay: các nước như Ấn Độ, Trung Quốc… hằng năm vẫn nhập cà phê Việt Nam rồi chế biến gia tăng giá trị sản phẩm xuất đi các thị trường khác, hoặc mua về dự trữ, chờ khi giá cao thì xuất bán kiếm lời. Trong khi, Việt Nam dù có sản lượng nông sản xuất khẩu hàng đầu thế giới nhưng cho đến nay vẫn chưa tạo dựng được một thương hiệu xứng tầm.
Bên cạnh đó, vấn đề liên kết trong khâu thu mua cà phê xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất sơ khai, cứ ai mạnh người nấy mua, dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Chính điều này đã làm cho các doanh nghiệp trong nước thua ngay trên sân nhà và tạo điều kiện cho nhiều công ty, tập đoàn nước ngoài có nhiều cơ hội lấn sân thị trường.
Mà có muốn cạnh tranh được với nước ngoài thì doanh nghiệp cần phải “dài vốn”, trong khi nguồn vốn của hầu hết các doanh nghiệp chúng ta lâu nay vẫn vô cùng eo hẹp. Để tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng lại luôn là thử thách cam go, đâu chỉ với riêng ngành cà phê.
Nương nhờ thương lái
Các chuyên gia vẫn chỉ ra rằng, không phải cà phê Việt Nam chất lượng kém, mà vấn đề là ở chỗ, chúng ta chưa chịu mạnh dạn đầu tư một cách kịp thời các trang thiết bị hiện đại để sơ chế, bảo quản và chế biến ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Chưa mạnh dạn đào tạo nguồn nhân lực chuyên về nghiên cứu, sản xuất chế biến cà phê và chưa biết cách tiếp thị, xây dựng những chiến lược dài lâu. Xưa này chúng ta vẫn quen thói làm ăn manh mún chụp giật.
Cũng tại Hội nghị tổng kết nói trên, có đại biểu cho rằng: Chúng ta vẫn cứ làm ăn theo kiểu… ngóng về giá! “Tại sao chúng ta không chịu tìm tòi những đối tác có thể làm ăn lâu bền, còn hơn là cứ theo kiểu giá lên cũng lo, giá xuống cũng lo, trời mưa cũng lo, trời nắng cũng lo thì bao giờ cho tiến bộ được. Không thể làm ăn theo kiểu đánh quả, chắp vá và ăn xổi ở thì được, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nghĩ, cách làm đó” – vị này bộc bạch.
Ông Lương Văn Tự nhấn mạnh: thời gian qua, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam vẫn phải phụ thuộc vào đội ngũ thương lái mà chưa có chi nhánh và những cách làm tiếp cận trực tiếp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân. “Phụ thuộc vào thương lái là sự sai lầm và bài học đau đớn nhất, thấm thía nhất với các doanh nghiệp xuất khẩu, vì có lúc thương lái đưa chúng ta tới bờ vinh quang, nhưng cũng có lúc họ đưa ta trượt dài trong bóng tối” – ông Tự nói một cách hình ảnh.
Xem thêm:
Nông dân chất phác mong rằng đây là lời mở đầu cho các ý tưởng bức phá tiếp theo. Mong tác giả nêu các giải pháp cụ thể để trở thành vị cứu tinh cho nông dân và ngành cafe VN !
Tôi hoàn toàn đồng ý với bạn givu.
Điều anh Ngọc Quý nói trong bài báo trên là hoàn toàn chính xác, và cũng không phải là lân đầu tiên một bài báo nói về vấn đề này, nói cho đúng thì xưa nay báo chí, giới chuyên gia, quan chức trong ngành chỉ mới nói về cái chưa được, cái yếu kém còn tồn tại mà chưa đề cập hoặc không nhấn mạnh vào giải pháp, hướng đi.
Năm nào tình hình, thực trạng chả thế mà tổ chức hội nghị tổng kết cho phí tiền phí của. Tại sao không tổ chức hội nghị, hội thảo bàn bạc và đề ra phương án giải quyết. 1 lần ko xong thì 2 lần, 3 lần, … nếu ngồi lại với nhau lại chỉ để nói những điều như đã nói trong cái hội nghị trước đó thì mang được lợi ích gì cho ngành, cho nông dân,…
Phải xác định đây là cuộc chiến dài hơn, phải cùng nhau tháo gõ từ từ, chứ ai cũng nói, cũng thêm vào để cho vấn đề bây giờ như một đống bùi nhùi rối ren mà chẳng biết phải bắt đầu tháo gỡ từ đâu?. Có 50 cái hội nghị tổng kết nữa cái chủ đề cho cà phê Việt Nam vẫn chỉ là “kém chất lượng, yếu thế, thua trên sàn nhà, v.v.v.”
Nói như ông Tự là hoàn toàn chính xác, song Nhà Nước có TCty cà phê Việt Nam sao lại để thương lái chi phối mà phụ thuộc. Thế thì TCty cà phê VN chức năng Nhà Nước giao làm gì mà để ngành cà phê nước ta như vậy.
Thương lái có thể đưa đến bến bờ vinh quang hay trượt dài trong bóng tối.
Người dân sản xuất cà phê như chúng tôi khẩn khoản đề nghị Nhà Nước cần phải kiểm tra lại TCty cà phê VN. Gọi là TCty 91nhưng có giúp được gì hiệu quả cho cà phê đâu, chú yếu là làm hành chính thôi.
Cafe robusta mà cứ vặt xanh và chế biến khô như hiện nay thì chắc cafe Việt Nam còn rẻ dài dài . Nếu hái được chín và chế biến như cà arabica thì nông dân sẽ đươc lợi hơn nhiều so với hái xanh như hiện nay.
chào các bác !
em xin có ý kiến :
Nước ta chủ yếu 92% là cà phê Arabica và khoảng 6% là cà phê Robusta; trong khi đó sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là cà phê Robusta cho thấy cơ cấu cây trồng không hợp lý.
Cà phê thường chín rộ theo cùng một thời điểm, vì thế vào vụ thu hoạch chi phí nhân công thuê hái cà phê tăng cao là nguyên nhân làm chi phí sản xuât cà phê tăng cao theo,chất lượng cà phê còn thấp và không ổn định. Việc quản lí chất lượng cà phê còn nhiều yếu kèm. Chỉ có 5% cà phê là áp dụng theo tiêu chuẩn chất lượng được công nhận đạt.Hệ thống giao dịch, phân phối không được chuyên nghiệp. Xuất khẩu tại địa phương thường phải qua trung gian, do vậy không những lợi nhuận thu được bị giảm mà uy tín và thương hiệu cà phê của Việt Nam cũng chưa được khẳng định.Giá cả còn phụ thuộc khá nhiều vào thị trường bên ngoài.
Bạn có nhầm lẫn số liệu ko đấy!
Còn chủ yếu là cà phê Robusta thì hợp lý rồi. Vì điều kiện tự nhiên của nước ta ko có nhiều cho Arabica.
Bạn cần nâng cao hiểu biết nhiều về cafe và về nông nghiệp hơn nữa Vân Toại ạ!
xin lỗi bác Thục Nhi em viết nhầm :
khoảng 92% là cà phê Robusta
Biết rồi! khổ lắm! nói mãi!
Hình như Vân Toại chưa hiểu ý tôi?
Bạn đang công tác ở đâu mà góp ý của bạn nghe như báo cáo hàng năm của Vicofa. Bạn đưa lên như một đánh giá, nhận định tổng quát về tình hình sản xuất kinh doanh cafe chứ không phải một ý kiến cụ thể về cái gì cả.
Hãy giúp nông dân bằng những ý kiến thiết thực hơn bạn ạ !
Các ông nội ơi ! Đừng “ăn xổi ở thì” nữa. Vì mấy ông ngoại hiện nay đã và đang bán trực tiếp cho các nhà rang xay toàn cầu, và đang tìm cách để mua tận gốc.
Các ông ngoại nay đã có mặt đông đủ ở Tây Nguyên để mua tận gốc rồi. Vậy các ông nội đang làm gì ? Chiến lược của các ông ra sao ? Gốc các ông cũng làm hình thức, ngọn các ông càng không giám nghĩ nữa thì các ông sẽ chỉ làm lô lệ cho mấy ông ngoại thôi. Tư duy của các ông nội còn què quặt lắm. Ông nội nào có chiến lược mong lên tiếng coi, để nông dân bọn tớ tham mưu cho…
Kích mấy ông nội cho vui thôi, nhưng mong tự doanh nghiệp nội phải ra tay, phải lấy dân làm gốc. Cái ngọn đã thua rồi thì cái gốc ông phải tận tâm gắn kết với dân, với người sx. Chứ ông để cho mấy ông ngoại thâu tóm hết thì các ông không thoát được cảnh nô lệ và dân trồng cà phê thì cứ vẫn khổ. Mong các ông biết cách tự chủ. Chờ VICOFA thì còn lâu mới đủ tầm để đưa các ông thoát cảnh nô lệ cho các ông ngoại đâu.
Đầu vụ thu hoạch cà phê được giá ai nói cũng chí lí, nhưng nói nhiều mà không có một giải pháp mới cho nhà nông đỡ thiệt thòi.
Tui thấy mấy doanh nghiệp không biết thì như thế nào rồi nhưng những nông dân chúng ta tự nhiên ăn không ngồi rồi đi bàn tán chuyện công ty họ làm gì cho mệt. Tui cứ trông sao giá cà phê cứ ỡ ngưỡng 32000đ là người dân tui đỡ khổ rồi, còn các doanh nghiệp họ muốn làm gì thị kệ họ, bởi họ có lấy gì mình đây chứ. Mà thú thật theo tui thì hình như các bác nào mà phê phán công ty nọ, công ty kia thì hình như các bác từ ở trong đó mà ra cả hay sao ấy, phải chăng vì bị thất sủng mà đem lòng đố kỵ để rồi nói xấu lại công ty cũ của mỉnh, liệu có đáng bậc quân tử không.
Vài lời chia sẻ cùng nông dân