Trồng xen canh cây ăn trái trong vườn cà phê, đưa lại lợi ích kép cho người dân Tây Nguyên, thu nhập từ cây trồng xen đã giúp họ trở thành triệu phú.
Gia Lai: Trở thành triệu phú nhờ xen canh trong vườn cà phê
Đó lão nông Thân Văn Thêm, làng Phun Thanh (xã Ia Băng, huyện Chư Prông). Không chỉ sản xuất giỏi, ông còn được bầu giữ chức Chi hội trưởng Chi hội Nông dân làng, Tổ trưởng Tổ Hợp tác xã (HTX) Ia Băng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Nông liên kết xã Bàu Cạn.
Cách đây 22 năm, trong một lần đến thăm nhà anh vợ ở xã Ia Băng (huyện Chư Prông), ông Thêm như bị mê hoặc bởi tiềm năng đất đai của nơi này. Ông mượn 5 triệu đồng mua 1,3 ha đất của người dân. Sau đó, ông về quê bán hết tài sản và đưa gia đình vào Ia Băng lập nghiệp.
Trong căn nhà mới khang trang, bà Nguyễn Thị Nhường cho biết: “Ngày đó, xung quanh đây toàn rừng le. Điện thắp sáng chưa có, đường đất nhỏ xíu, vì cây cối che hết lối đi, nhà cũng dựng tạm với vách cót. Nhưng giai đoạn khủng hoảng nhất với gia đình là khoảng 3 năm sau đó”.
Do dồn hết tiền bạc, công sức vào vườn cà phê nhưng 1 kg tươi lúc bấy giờ chỉ bán được 500 đồng. Lúc đó, người ta ví von cà phê không bằng cà pháo. “Niềm tin bắt đầu lung lay, người ngoài quê gọi điện thăm hỏi, khuyên nhủ chúng tôi quay trở về. Nhưng “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, gia đình tôi chọn phương án bám trụ, làm thuê làm mướn để duy trì vườn cây”, bà Nhường trải lòng.
Bài học đắt giá từ cây cà phê khiến vợ chồng ông Thêm nhận ra rằng, không nên trông chờ vào 1 loại cây nhất định. Vì vậy, Năm 2005, ông tận dụng diện tích đất trống xung quanh vườn trồng 400 trụ hồ tiêu.
Giá cà phê dần hồi phục, cây hồ tiêu cũng bắt đầu cho thu hoạch, kinh tế gia đình dần khởi sắc.
Có chút lưng vốn, ông mua thêm 2 ha đất trồng cà phê và 400 trụ hồ tiêu. Cũng trong giai đoạn này, ông Thêm tiên phong đưa 160 cây bơ booth về trồng xen trong vườn cà phê. 3 năm sau, mỗi cây bơ thu hoạch khoảng 20 kg, bán với giá 60 ngàn đồng/kg ngay tại vườn.
Lúc này, nhiều người đã tìm đến ông nhờ đặt mua cây giống, và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc. Hiện, vườn bơ của gia đình ông vẫn cho thu hoạch với năng suất ổn định, bình quân khoảng 2 tạ/cây, giá bán 10 ngàn đồng/kg.
Đặc biệt, 800 trụ hồ tiêu của gia đình ông Thêm cũng chung số phận như những vườn hồ tiêu xung quanh, bởi bệnh chết nhanh, chết chậm. Thay vì nhổ bỏ trụ tiêu, ông tận dụng làm giàn cho 200 cây chanh dây.
Theo lão nông Thêm, năm 2016, gia đình ông có thu nhập cao nhất, khoảng 900 triệu đồng. Tuy nhiên sau đó, cây hồ tiêu chết dần, giá cà phê tiếp tục giảm sâu, dẫn đến nguồn thu nhập giảm đáng kể.
Vì vậy, ông quyết định tái canh 1.000 cây cà phê già cỗi. “Tôi tự ươm gốc cây cà phê mít, sau đó mua giống cà phê TR4 về để ghép. Mới bước sang năm thứ 2 nhưng một số cây đã có hoa rồi”-ông Thêm kể.
Lý giải cho việc chọn ghép giống cây cà phê cho vườn cây tái canh chứ không trồng mới, ông Thêm cho hay, gốc cà phê mít có bộ rễ khỏe và khả năng chịu hạn tốt; còn cà phê TR4 dễ chăm sóc, kháng bệnh tốt, sinh trưởng nhanh và năng suất cao.
Ông Thêm ước tính, cuối năm nay sẽ thu hoạch khoảng 10 tấn nhân từ diện tích hơn 2 ha. Năm 2021, nguồn thu sẽ tiếp tục tăng vì 1.000 cây cà phê tái canh cho thu bói.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Thêm còn là Chi hội trưởng Hội Nông dân làng Ia Băng. Trong 5 năm qua, ông Thêm còn đảm nhận Tổ trưởng Tổ Hợp tác xã Ia Băng với 38 thành viên, đồng thời là Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp liên kết xã Bàu Cạn. Đây là hợp tác xã chuyên liên kết sản xuất để hướng đến mục tiêu phát triển cà phê bền vững.
Ông Nguyễn Sơn Động, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Băng nhận xét: Ông Thân Văn Thêm là người dám nghĩ, dám làm và dám đương đầu với khó khăn, thử thách. Ông cũng là người tích cực, nhiệt tình, có nhiều đóng góp với công tác Hội, hợp tác xã và vận động nhân dân liên kết sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập.
Đắk Nông: Xen canh, nâng hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập
Hiện, nông dân Đắk Nông đã thực hiện thành công việc trồng xen các loại cây ăn quả trong vườn cà phê, hồ tiêu, giúp nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập.
Trước đây, người dân thường độc canh cà phê, hồ tiêu, nên một năm chỉ cho thu nhập một lần trên một diện tích đất. Năm nào được mùa thì có thu nhập khá, còn năm mất mùa, rớt giá, dịch bệnh, có khi thua lỗ.
Từ khi áp dụng biện pháp trồng xen bơ, sầu riêng, mít… vào vườn cà phê, bà con có sản phẩm quanh năm. Bởi ngoài nguồn thu từ cây trồng chính, đến vụ thu hoạch cây ăn quả, nhiều nhà vườn có lãi ròng lên đến 200 – 300 triệu đồng/ha từ bơ, sầu riêng…
Tại huyện Đắk Mil, như thường lệ, cứ sau vụ thu hoạch cà phê, người dân bắt đầu thu hoạch sầu riêng, tiếp đến là bơ, xoài, mít… Các loại cây trồng xen này, đang trở thành nguồn thu nhập có giá trị kinh tế cao của bà con.
Theo ông Hoàng Văn Hồng, xã Đắk Lao, những năm qua, giá cà phê, hồ tiêu xuống thấp, nhưng nông dân ở địa phương vẫn có thu nhập ổn định. Có khi mức thu không kém gì những năm giá cà phê, hồ tiêu trên thị trường đạt đỉnh.
Ông Hồng cho biết: “Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng nông sản đều xuống thấp, nhưng các nhà vườn vẫn có các khoản thu từ cà phê, cây ăn quả, đủ để trang trải cuộc sống, tái đầu tư sản xuất”.
Theo đó, ông Trần Văn Vinh, ở xã Đức Minh (Đắk Mil) trồng xen hơn 50 cây sầu riêng, 30 cây bơ trên diện tích 2 ha cà phê. Ông Vinh cho hay, trung bình 1 ha cà phê cho thu nhập khoảng 100 – 120 triệu đồng. Nhờ trồng xen sầu riêng, nên năm nay gia đình có thêm thu nhập gần 200 triệu.
Đến vụ bơ này, dù giá thấp, nhưng cũng mang về nguồn thu đáng kể. Như vậy, tính cả năm, thu nhập trên 2 ha đất cũng đạt gần 350 triệu đồng.
Theo nhiều nông dân ở Đắk Mil, nguồn thu từ cà phê được sử dụng để đầu tư xoay vòng, còn nguồn thu từ cây xen canh là khoản để tích lũy.
Việc phát triển mô hình trồng xen canh được người dân áp dụng để tạo sinh thái vườn, hạn chế dịch bệnh và đa dạng nguồn thu nhập. Trước tình hình giá cả nông sản không ổn định, việc trồng xen cây ăn quả đã giúp bà con tăng thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả canh tác.
Ông Nguyễn Bá Chín, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Đắk Mil, cho biết, toàn huyện có hơn 31.000 ha cây công nghiệp dài ngày. Trong đó, có trên 28.000 ha cà phê, hồ tiêu. Phần lớn diện tích này đều được bà con trồng xen cây ăn quả. Đây cũng là giải pháp để giảm áp lực về nguồn thu trên cây trồng chính.
Ngoài Đắk Mil, hiện, việc phát triển các loại cây ăn quả trong vườn cà phê, hồ tiêu cũng được người dân ở các địa phương trong tỉnh chú trọng đầu tư.
Theo Chi cục Nông nghiệp – PTNT, toàn tỉnh có trên 14.000 ha cây ăn quả. Trong đó, có trên 1.500 ha sầu riêng, sản lượng khoảng 15.300 tấn; bơ hơn 2.800 ha, sản lượng khoảng 10.700 tấn. Ngoài ra, một số địa phương trong tỉnh còn phát triển mạnh nhiều loại cây ăn quả như: Cam, quýt, xoài, ổi…
Phần lớn cây ăn quả được người dân trồng xen với loại cây trồng khác. Diện tích cây ăn quả trồng thuần trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã chững lại.
Để giúp người dân thực hiện hiệu quả các biện pháp kỹ thuật xen cây trồng, ngành Nông nghiệp đã triển khai các biện pháp kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất hiệu quả.
Trong đó, các mô hình của Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện tại các địa phương, đã giúp các nhà vườn có thêm nhiều kiến thức bổ ích khi áp dụng xen canh cây trồng. Một số mô hình xen canh triển khai ở huyện Đắk R’lấp, Đắk Song, Cư Jút, Gia Nghĩa… đều có năng suất cao. Sau khi trồng xen canh 3 năm, thu nhập trên một đơn vị diện tích đất đã tăng lên 20%…
Giải pháp trồng xen, không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế mà còn giúp đa dạng hóa sản phẩm, người dân có thể hạn chế được rủi ro về giá cả khi thị trường nông sản ngày càng biến động khó lường, góp phần tạo thêm việc làm và ổn định đời sống cho cư dân nông thôn.
Lâm Đồng: Mỗi tuần thu 1 tấn bơ booth cổ thụ
Trong 2 tháng vừa qua, vườn bơ booth Mỹ ghép mầm chồi với 25 gốc bơ cổ thụ (trên dưới 30 năm tuổi), giống cây truyền thống Lâm Đồng, trên diện tích 2 ha xen canh cà phê, của gia đình ông Hoàng Văn Túc (ở Thôn 4, xã Tà Nung, Đà Lạt) thu hoạch đều đặn hàng tuần trên dưới 1 tấn trái.
Với trọng lượng trung bình 0,5-0,7 kg/trái, bơ booth cổ thụ bán tại vườn trung bình 20.000 đồng/kg. Đây là vụ bơ booth thứ 2 trong năm 2020, ông Túc dự kiến, thu hoạch kết thúc giữa tháng 10/2020, năng suất quân bình ước đạt 500 kg trái/cây bơ booth cổ thụ.
Vụ mùa thứ 1 năm 2020, thu hoạch 25 cây bơ booth cổ thụ của ông Túc chỉ kéo dài trong 2 tháng 4 và 5, năng suất chỉ bằng một nửa vụ thứ 2, nhưng ngược lại giá thị trường cao hơn gấp đôi.
Theo Kinh tế nông thôn