Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa xứng tầm

Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu gạo, cà phê, thủy hải sản,… nhưng hiện tại, người làm nông nghiệp vẫn là người đối mặt với nhiều khó khăn, vất vả. Như vậy, vấn đề đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn đang là câu hỏi chưa có lời giải đáp thỏa đáng.

> Nông dân là lực lượng quan trọng trong phát triển

thu-hoach-ca-phe-tay-nguyen-nhung-chuyen-buon-doanhnghiepgialai

Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận ngày 1-11.

Nhiều ý kiến đề nghị cần có những biện pháp hữu hiệu nâng cao dần đời sống người nông dân và tạo nhiều cơ hội hơn nữa cho khu vực này.

Theo đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định): Báo cáo của Chính phủ nói đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng, nhưng chưa đưa ra con số cụ thể cho nên khó thấy được mức độ sâu sắc của nhận định này.

Theo ông Vang, “đầu tư cho nông nghiệp năm 2009 chỉ bằng 6,26% tổng đầu tư cho xã hội, trong khi GDP của ngành này là 20,91%. Trước đó, năm 2008 thì tỷ trọng này còn cao hơn một chút, tức là 6,45% và vào năm 2005 cách đây 5 năm thì còn được 7,50%, vào năm 2000, cách đây 10 năm còn được 13,85%. Nhưng từ đấy đến nay cứ giảm dần, giảm dần và chỉ còn 6,26%”.

Ông Vang lo ngại, năm 2011 sẽ còn giảm nữa và nếu như vậy sẽ gây tác động không tốt cho ngành nông nghiệp của chúng ta. Như vậy rõ ràng đầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm, hiện nay bằng 30% so với trung bình tương đương giá trị GDP của chính ngành này mang lại.

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, một vấn đề cũng đáng suy nghĩ đó là tăng trưởng trong nông nghiệp chỉ chiếm 2,6%.

Nhưng ông Hải cũng nhìn nhận, việc tăng trưởng trong nông nghiệp là rất khó khăn, như vùng lũ lụt bị tàn phá ở miền trung nếu tính đúng, tính đủ thì tăng trưởng trong nông nghiệp sẽ dưới 2,6% và Chính phủ chưa đưa vào trong báo cáo.

Ông Hải đề nghị, sau này Chính phủ nên báo cáo bổ sung với Quốc hội tình hình thiệt hại do bão lụt của nông nghiệp ở miền trung.

Đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Đồng) cho rằng, đối với nông dân, tình trạng bấp bênh của giá nông sản đã khiến người nông dân gặp nhiều khó khăn. Tình trạng giá nông sản quá thấp trong khi giá vật tư nông nghiệp không ngừng tăng cao, dẫn đến người nông dân sản xuất không có lãi hoặc lãi thấp.

Đại biểu Phương thí dụ: Ở vùng Tây Nguyên nông dân trồng cà phê bấp bênh với giá cả nhiều tháng qua, mới đây giá nhích lên khoảng trên 30.000 đồng/kg nhưng vẫn đáng lo lắng. Bên cạnh đó vẫn tiếp tục chịu tác động bởi nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả hoặc kém chất lượng mà phần thua thiệt luôn về phía nông dân.

Về vấn đề đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Nguyễn Đăng Vang (Bình Định) so sánh, nếu xem đầu tư vốn FDI vào ngành này thì năm 2008 chỉ chiếm 0,32% tổng đầu tư FDI đưa vào Việt Nam, năm 2009 là 0,58%. Toàn giai đoạn từ năm 1988 đến 2009, 21 năm qua thì đầu tư cho ngành nông nghiệp của nước ngoài vào lĩnh vực này có 2,3%, trong khi toàn bộ giai đoạn này nông nghiệp chiếm 27,7%. .

Theo đánh giá của đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên): “Gần đây với biến đổi khí hậu và rất nhiều yếu tố khác, tình hình nông nghiệp và phát triển nông thôn có phần phát triển chậm lại”. Ông Hải đề nghị xây dựng một kịch bản để giải quyết vấn đề phòng, chống lũ bão ở miền trung.

Theo Đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An): thực trạng là thu nhập thấp của người làm nông nghiệp, thiếu việc làm của thanh niên nông thôn đang là bài toán nan giải. Nông nghiệp, nông thôn hiện nay đang tồn tại nhiều bất cập cần sớm được giải quyết.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng