Tìm hiểu thị trường cà phê – Phần 4: Những tác động xấu khi giá tăng

Có lẽ mới đọc tiêu đề các bạn sẽ lấy làm ngạc nhiên khi nghe nói tác động xấu khi giá tăng, bởi chúng ta ai cũng mong giá tăng cho bà con nông dân nhờ chứ ít khi nghe nói ngược lại. Tuy nhiên, sẽ không tốt tý nào nếu giá tăng mạnh khi mà những nhà kinh doanh trước đó đã bán khống.

> Xem tất cả các bài viết trong chuyên đề “Tìm hiểu thị trường cà phê” của tác giả Kinh Vu

nhung tac dong xau khi gia ca phe tang
Tìm hiểu thị trường cà phê – Những tác động xấu khi giá tăng

Bây giờ mời các bạn cùng nghiên cứu một kịch bản ví dụ với những chi tiết sau đây:

  • Trong thời điểm khoảng tháng 8 hay 9/2010,  có một số doanh nghiệp bán cà phê kỳ hạn giao hàng tháng 11/2010 với giá trừ lùi 120USD/tấn, giao FOB Hồ Chí Minh, vì họ nhận định rằng đến tháng 11 này là bắt đầu vào thu hoạch cho nên giá có khả năng giảm.
  • Bắt nguồn từ suy nghĩ giá sẽ giảm trong tháng 11 cho nên đã có một số doanh nghiệp chốt giá (fix) trong những thời điểm trước đó, ví dụ họ đã chốt giá $1.600 – 120 = $1.480/tấn.

Trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến giá cà phê khi tăng khi giảm, nhưng giảm thì một bước mà tăng thì hai ba bước. Và đến hôm nay những doanh nghiệp đó bắt đầu đến thời hạn giao cho nên phải mua hàng vào.

Chúng ta cũng đã dễ dàng thấy giá cà phê hiện nay là 33.800đ+tiền bao+tiền vận chuyển đến cảng+chế biến… thì sẽ tầm vào khoảng 34.350đồng/kg. Số tiền này tương đương với $1.760/tấn, có nghĩa là đang lỗ khoảng $280/tấn hay khoảng 5,4 triệu đồng/tấn.

Không những thế, họ còn gặp một khó khăn thứ hai là sẽ khó mua được hàng từ nông dân vào thời điểm này, vì người dân có xu hướng giữ hàng lại khi thấy giá tăng. Ở trong hoàn cảnh này thì họ cũng giống như đang trong tình trạng xin được chết mà không chết được vậy.

Để thoát ra khỏi tình trạng bán sống bán chết này trên thị trường cà phê (và cũng chung cho các thị trường dạng chứng khoán) có một cách xin được chết với thuật ngữ là wash-out, tôi xin tạm dịch sang tiếng Việt là rũ bỏ.

Trong trường hợp trên, công việc wash-out sẽ là thông qua những nhà môi giới hay người mua hàng của mình, người bán sẽ ra lệnh mua hàng theo kiểu bám đuổi diễn tiến thị trường để mua lại cho đủ số mà trước đây mình đã ký bán, để mà lấy số hàng đó giao cho người mua của mình, nếu không muốn bị mang tiếng phá ngang hợp đồng hay nôm na gọi là xù hợp đồng (default). Ôi đau khổ cho cái nghề kinh doanh cà phê của chúng ta, nhiều khi bệnh sĩ chết trước bệnh tim.

Khi mà một nước đứng hàng thứ hai trên thế giới về xuất khẩu cà phê có nhiều nhà kinh doanh cùng rơi vào cái thế rượt theo cái giá mua trên thị trường thế giới (bây giờ chạy sang đi mua lại chứ không còn là bán nữa đâu nhé) để mà có hàng giao thì giá thị trường sẽ tăng lên ảo, ai là người muốn tăng giá lúc này? Xin thưa, không loại trừ đó là những người trước đây đã đi mua hàng của chúng ta đấy.

Tôi viết bài này không chỉ nhằm mục đích để chúng ta cùng tìm hiểu khơi khơi về thị trường cà phê để mà hí luận với nhau cho vui, mà còn với mong ước đưa ra một vấn đề để bà con nông dân cùng thông cảm với các doanh nghiệp kinh doanh cà phê của chúng ta. Thật là  cũng không dễ dàng gì để lèo lái con thuyền doanh nghiệp khi mà chúng ta sẽ thấy họ giá lên  cũng chết mà giá xuống cũng chết, thuyền càng to thì sóng càng lớn. Thử hỏi không có những nhà doanh nghiệp thì ai sẽ đưa cà phê ra thị trường thế giới?

Qua điểm này tôi cũng mong những nhà hoạch định kinh tế, những nhà nghiên cứu vĩ mô với sở học của mình có thể nghiên cứu giải pháp định hướng chiến lược cho ngành cà phê nước ta.

Các phần khác:

Kinh Vu

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. kawin

    Thử hỏi không có những nhà doanh nghiệp thì ai sẽ đưa cà phê ra thị trường thế giới? Câu hỏi này ông nghĩ đặt ra như vậy là đúng sao. Nếu không có người làm ra cà phê, nhà doanh nghiệp lấy hàng ở đâu để đem ra thị trường thế giới. Tại sao nói giá tăng cũng chết và giá giảm cũng chết . Nếu như vậy chắc không có con ma nào dám chui đầu vô.

    1. Thuytien

      @kawin: đúng là Bác không hiểu ý Bác Vũ, thì dĩ nhiên phải có người trồng cà phê thì mới có để đem bán, nhưng chắc chắn là: không có những nhà doanh nghiệp thì ai sẽ đưa cà phê ra thị trường thế giới?

  2. ranhroi

    Chúng ta cứ chọn cách default là chắc ăn nhất , bán khống thì cứ bán , giá tăng thì xù , nông dân thì có lợi do bán được giá cao .
    Mình là nước có hàng , người ta cần mình hơn . Không lo họ ko thèm mua hàng của mình .

  3. HoaThuan

    Tại sao bác phân tích 1 kịch bản ví dụ nhỉ? Nếu DN chốt giá thì họ phải lo mua cho đủ số lượng phải giao chứ, họ thừa vốn mà. Kinh doanh thì giá mua phải thấp hơn giá bán, có ai kinh doanh mà chỉ biết giá bán, chưa biết giá mua sẽ là bao nhiêu???. Người ta chỉ nói trữ, còn bán non chỉ có bà con nông dân thôi, quá khó hiểu. Phân tích như bác tôi thấy DN đi đánh bạc còn sướng hơn. Các DN nhà nước mới chết thôi, các DN chân chính không chết kiểu như bác nói đâu!

    1. toanrcafe

      Chỉ có kẻ lừa đảo hay kẻ lường gạt mới đi bán cái trong tay mình không có.
      Theo bác thì đó là thực tế doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta hả ?!?!?! Liều ghê !
      Vậy thì chết là đúng rồi.

      1. HoaThuan

        Ý này có rõ ràng trong bài báo đấy chứ, tui đâu nói thêm. Không phải tiền của mình thì cứ xài xã láng! tới đâu không biết, năm nào dân đen cũng đóng thuế nên không sợ hết tiền ! Đời này trả nợ không hết thì đời con cháu trả , hơi đâu mà lo, hì hì …

  4. tèo anh

    Tác giả Kinh Vu cho hỏi.
    Chẳng lẽ đó là thực tế mua bán của thị trường cà phê thế giới? Theo tôi được biết thường là chuyện ký hợp đồng trước giao hàng sau là rất bình thường. Nhưng nếu như vậy, đến ngày giao mà ko có hàng thì biện pháp chế tài là gì? phải ghi rõ trong hợp đồng chứ? Cám ơn.

  5. Phạm Vỹ

    Chào anh Kinh Vu,

    1 bài viết rất hay, tuy nhiên có vẻ như anh mới viết 50% vấn đề còn 50% thì anh dấu để anh viết bài tiếp theo ????
    Nếu thế thì anh viết bài tiếp nhanh nhanh 1 chút cho bà con nhờ.

    Thật ra , cái mà anh Kinh Vu viết là 1 vấn đề có thực mà qua đó nó nói lên 1 vấn đề : Thương trường là chiến trường, thông tin là vũ khí .

    Cái ” hay” của những ” người mua” ( Các trader, quỹ, đại diện ..v.v.v) là họ nắm rất chắc các thông tin của mùa vụ, mua bán, tồn trữ của Việt Nam nên khi họ ” ra chiêu” chúng ta chỉ có ..mệt mỏi .

    Vỹ không nói thêm về vấn đề thông tin vì sẽ rất khó chấp nhận với 1 số người trên diễn đàn ( xin lỗi) khi chưa thực sự đối mặt với vấn đề có thực này mà chỉ là nghe nói thôi.

    Vỹ chỉ thấy có 1 số doanh nghiệp họ dùng các nghiệp vụ Short và Long để ” bảo hiễm” cho các lô hàng lớn của mình .

    Ngoài ra Vỹ cũng thấy có 1 số người dùng chiêu ” đảo cây” cũng rất hay , tuy nhiên đa phần các doanh nghiệp của chúng ta đều thiếu đi 1 chiến lược – 1 chiến lược thật sự khi tham gia bán giao sau ( bán trừ lùi ) do đó sẽ dễ bị giật dây .

    Vỹ không đủ câu chữ để diễn giải, tuy nhiên Vỹ khẳng định 1 điều rằng : trong ” cái chợ” mua bán cà phê này ( kiểu Việt Nam) thì các doanh nghiệp mới chỉ xài vài công cụ mua bán thông thường và cơ bản nhất , còn các công cụ nâng cao ( bảo hiểm tỷ giá , bảo hiểm giá ) thì chưa dùng , thử hỏi làm sao mà không thiệt khi thị trường biến động .

    Trước đây, có 1 só vị ” quan chức” cũng nhìn ra cái điểm yếu này và ” hùng hồn ra 1 lệnh cấm ” không bán trừ lùi mà phải bán giao ngay ( outright), đúng là ” tư duy” của mấy ông ngồi bàn giấy !

    Vậy đi, em chờ anh viết thêm cái phần anh còn chưa nói hết

    Phạm Vỹ

    1. Thuytien

      Chao Bác Kinh Vu,
      Em rất trân trọng những bài viết của Bác, và bài viết này cũng không ngoại lệ. Cũng giống như Phạm Vũ, em đang nóng lòng chờ trả lời của Bác để giải quyết tình hình trên ( hiện em đang gặp phải).
      Em còn một bức xúc nữa, nhờ Bác giải tỏa giúp: tại sao chúng ta bán trừ lùi, căn cứ theo giá LIFE ( hàng giao tại cảng đến) trừ đi mức trừ lùi bán FOB. Nếu vậy qua khỏi lan can tàu tại cảng đi là hết trách nhiệm của người bán rồi chứ. Nhưng thực tế em thấy DNXK VN vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng và khối lượng đến tận cảng đến, điều này thật quá phi lí. Mọi người nói đây từ lâu đã thành luật bất thành văn cho XKCafe VN. Tại sao từ đầu mình lại đồng ý như thế? Nếu vậy thì từ đây về sau chúng ta có thay đổi được ko? Chúng ta hạn chế về tài chính, trình độ,… nên nếu có vấn đề phát sinh, chúng ta không thể và không đủ điều kiện để giải quyết. Nên chúng ta bán FOB, nhưng như hiện nay chúng ta vẫn phải chịu trách nhiệm về chất lượng, khối lượng tại cảng đến thì bán FOB làm gì? Vừa mất lợi nhuận trong bảo hiểm, vận chuyển (nếu deal được giá rẻ)… vừa phải phụ thuộc mức giá trừ lùi của khách ngoại?
      Rất mong nhận được trả lời của Bác Vu.

  6. Lê Ngọc Thương

    Chào Mọi Người.

    Mình xin chia sẽ quan điểm thêm về bài viết này như sau:

    Thị truờng cà phê tăng hay giảm thì nó đều có 2 mặt tốt và xấu. Còn mức độ ảnh hưởng điều này như thế nào thì còn nhiều yếu tố khác quyết định lên nó.

    Thị trường cà phê vn hiện nay chủ yếu là giao dịch kỳ hạn/tương lai/furtures nên mới có các giá hợp đồng tháng 1/3/5/7/9 và tháng 11. Bên cạnh đó vẫn có thể giao dịch theo hình thức giao ngay/outright/spot hoặc giao dịch quyền chọn/options. Nhưng Việt Nam là nước xuất khẩu nên chỉ dùng thị trường kỳ hạn để giao dịch thôi với mức độ là kết hợp hàng thật/hegding hoặc tối đa là các giao dịch chuyển giao với hợp đồng hàng thật mà qua sàn/AA. Các thị trường này đều có 2 công dụng là bảo vệ rủi ro và cả để đầu cơ nên tuy thuộc vào chiến lược của các nhà giao dịch mà sử dụng linh hoạt.

    Kinh doanh truyền thống là mua xong rồi bán chứ ít ai nói là bán xong rồi mua. Nhưng thị trường hiện nay đã có thể làm 2 điều này cân bằng nhau hơn nên sẽ làm cho giá thị trường có sự quyết định của bên mua và bên bán tương đối cân bằng.

    Thuật ngữ Long là mua và Short là bán cũng xuất phá từ yếu tố trên. Khi Long chỉ có nghĩa tiếng anh là lâu dài nhưng nó mang ý là mua phải năm giử chờ giá lên thì khá lâu. Còn Short thì ngược lại vì giá xuống sẽ nhanh và ngắn hơn nên mới gọi là bán.

    Mình chỉ nghi ra được từng đó trong giờ nghỉ trưa thôi.

    Chúc mọi người thành công và vui vẻ.

    Lê Ngọc Thương

  7. Phạm Thanh Bình

    Thông thường người nông dân chúng ta “một nắng hai sương” “đầu tắt mặt tối” làm ra hạt cà phê.
    Không có thời giờ hoặc không đủ khả năng tìm kiếm thông tin, phân tích thị trường, đánh giá các diễn biến trên thế giới để đưa ra dự báo mong bán đúng thời điểm giá cao.
    Đó là chưa kể thông tin nhiễu loạn không trung thực được tung ra hòng đánh lạc hướng thị trường.
    Do vậy để thực tế hơn trong việc ra quyết định nên bán cà phê khi nào cho có lợi nhất (không phải khi nào giá cao nhất, vì nếu biết được lúc nào giá cao nhất thì chẳng doanh nghiệp cà phê nào thua lỗ cả, vì họ nắm thông tin nhiều gấp ngàn lần nông dân).
    Tôi có một số ý kiến trao đổi với bà con nông dân trồng cà phê về việc chọn thời điểm bán cà phê như sau:
    Thông thường một số bà con nông dân bán cà phê bất luận giá cả ra sao vào các trường hợp sau:
    – Thu hoạch vào phải bán ra ngay để trả nợ đầu tư hoặc tiêu dùng cần thiết mà không có khoản nào khác để trang trải.
    – Các thời điểm khác trong năm khi cần tiền là bán bất kể giá cả, cũng để đầu tư, mua sắm tiêu dùng mà không có khoản nào khác để trang trải.
    Số nông dân còn lại có tích lũy tiền các năm trước để dùng thì không bán cà phê vào đầu vụ mà tự chọn một thời điểm nào đó trong năm mà cảm thấy đang cao giá thì bán.
    Như đã nói ở trên, hầu hết nông dân không đủ thông tin và không đủ khả năng dự báo để ra quyết định nên chúng ta không cần đi sâu vào tổng hợp phân tích thị trường ở đây!
    Vậy thời điểm bán ra đối với các thời điểm khác trong năm sao cho có lợi nhất là lúc nào?
    – Thông thường khi chủ quan của ta cho rằng đó là lúc giá đang tốt nhất, thì chúng ta nên đưa ra “MỨC CHẶN LỖ” để vừa chờ giá lên vừa bán ở mức chặn lỗ để được giá tốt.
    VÍ DỤ:
    Hiện nay cà phê đang ở mức 33.000 đ/kg cà phê nhân mà ta cho rằng giá đang tốt nhất.
    tuy nhiên nếu bán ngay thì ta lại sợ rằng ngày mai sẽ giá 33.500đ hoặc 34.000đ/kg thì uổng !?
    bởi vậy nếu ta muốn bán nhưng vẫn chờ giá lên thì ta nên đưa ra mức chặn lỗ là 31.000đ/kg (hoặc một giá nào đó thấp hơn 33.000đ mà ta cho là được).
    Có nghĩa là khi giá xuống 31.000đ/kg là bán ngay KHÔNG NÊN DO DỰ nữa, và nên chấp nhận giá đó là thượng sách!
    ngược lại gía tiếp tục lên 34.000đ, 35.000đ, 36.000đ ….thì ta nâng mức chặn lỗ lên tương ứng 32.000đ, 33.000đ, 34.000đ….và sẽ bán ở mức chặn lỗ.
    Trên đây là một trong những cách để tham khảo khi bà con quyết định bán cà phê của mình được giá tốt và tránh thiệt hại thấp nhất có thể.

    1. HoaThuan

      Tôi mừng vì còn có những người hiểu tâm tư nông dân như bác , bà con nông dân chỉ cần thế , nhiều ngườ ỉ mình học nhiều nói đâu đâu… bác Kinh Vu ( hay Cu Vinh gì đó), nên trình bày ý bác ở diễn đàn những người buôn bán khống thì hợp lý hơn, nông dân không quen nghe như vậy, nông dân ăn cục vắt hòn quen rồi.
      Vẫn biết ý bác Phạm Vỹ là tốt, nhưng mai phải đóng học phí cho con thì Long hay short có ý nghĩa gì đâu? văn hóa nông dân VN sẵn sàng bán cả gia tài cho con học mà !
      Phát triền là tốt , nhưng truyền thống có xấu gì đâu! mà các bác cứ mon men rủ bỏ nó! chắc thì làm, còn hơn phát triển mà ôm lấy bao nhiêu rủi ro mà cứ cho là tiến bộ, tới khi phải thốt lên rằng ” giá lên cũng chết, giá xuống cũng nghoẻo” thì thôi rồi! ( ý phân tích của bác Kinh Vu)!
      Nông dân khi nào cũng suy nghĩ : đủ trang trải cuộc sống là tốt rồi! thế mới là nông dân!

    1. Nguyễn Thịnh

      Y5cafe hoan nghênh tất cả mọi ý kiến phản hồi từ bà con.
      Tuy nhiên xin bà con lưu ý một vài điểm sau:

      – Hãy tôn trọng mọi người và tôn trọng bản thân minh.
      – Ý kiến phản hồi nên tập trung vào chủ đề chính của bài viết
      – Hãy sử dụng tiếng Việt có dấu.

  8. Nguyễn Ngọc Thiện

    Các doanh nghiệp chọn phương án giao dịch là bán kỳ hạn thì tức nhiên phải gặp rủi ro về giá, nhưng đó là do Doanh nghiệp “dự đoán” nhu cầu thị trường củng như tâm lý chung là vào mùa vụ giá có xu hướng giảm thì Doanh nghiệp được lợi nên DN chọn phương án bán kỳ hạn( tức là bán cà phê ngày 04/11/2010 giá 32.000/kg nhưng ngày giao ca phê cho Đối tác là ngày 04/12/2010 chẳn hạn). Tức nhiên tới lúc giao hàng giá cà phê sẽ khác nếu đúng như Doanh nghiệp dự đoán thì doanh nghiệp lãi ( ví dụ Doanh nghiệp chỉ mua của Nông dân giá 25.000/kg) còn ngược lại thì Doanh nghiệp lỗ.Đó là chuyện kinh doanh mà sao nói được.Còn Doanh nghiệp muốn giảm rủi ro bằng cách mua lại kỳ hạn của người trồng cà phê thì không thực hiện được đành chịu thôi đặc trưng của mặt hàng mà. Nếu có ý kiến thì có chính phủ mới thấu và hiểu thôi vì mặt hàng nào củng ta củng vậy mà. Có mặt hàng nông sản nào của nước ta mà ta chủ động về giá chưa?lên thì nói theo lên, xuống thì nói theo xuống thôi.

  9. Vũ Phương

    Anh Kinh Vu chỉ nói một chiều ; các nhà kinh doanh khi họ chốt giá xong với đối tác , sau đó họ sẽ đưa ra đại lý hoặc dân với giá thấp hay giá cà non ; làm gì có chuyện họ lỗ mà anh phải lo .
    Tháng đó dân rất cần tiền . Chỉ có nông dân mới thiệt thôi.

  10. phamdong

    Hỡi những bạn nông dân của tôi ơi ! Hãy thương lấy số phận của mình mà cầu Trời khẩn Phật cho thời tiết thuận hòa để năm sau được mùa hơn năm trước , còn việc giá cả lên hay xuống là chuyện của thương gia . Còn nông dân ta ai có điều kiện thì chờ đợi , còn không thì lo sớm đi kẻo nước tới chân thì nhảy không kịp đó . Mong bà con hãy nhớ cho thuật ngữ mua bán của các nhà kinh doanh cà phê như sau : ” Giá lên thì mặt cười , giá xuống thì mặt xù ” . Bởi thế trong nhiều năm gần đây có nhiều doanh nghiệp đã áp dụng chiêu “Phá sản ” đó . Cuối cùng bà con nông dân mình là người chịu thiệt thòi chứ ai vào đây nữa …

  11. Nam

    Nếu chỉ đọc cái tiêu đề thì giật mình thật sự, đọc xong mới thấy có quá nhiều thứ cần suy nghẫm.
    Cám ơn anh Vũ vì bài viết rất thú vị

Tin đã đăng