Nhiều bà con ở các vùng Tây Nguyên, miền Tây đã chặt bớt ca cao, cà phê, tiêu… để chuyển đổi sang trồng cây có lợi nhuận kinh tế tốt hơn như sầu riêng. Trong bối cảnh đó, cơ quan chức năng khuyến cáo nông dân không nên tự mở rộng diện tích tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp.
Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) ước tính sản lượng tiêu năm 2024 của Việt Nam chỉ đạt khoảng 170.000 tấn, giảm 10% so với năm trước. Đây cũng là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.
Ngoài ra, thống kê từ Cục trồng trọt cũng cho thấy, diện tích trồng cà phê, ca cao Việt đang dần bị thu hẹp do nhiều năm cà phê rớt giá. Theo đó, đến hết năm 2022, Việt Nam có 656.000 ha cà phê, trong đó diện tích già cỗi tăng cao, so với năm 2019, diện tích cà phê năm 2022 đã giảm 5%. Với ca cao, tính đến 2022, cả nước có 3.481 ha, trong khi trước đó năm 2013 là 10.000 ha.
Nguyên nhân chính được cho là nhiều bà con ở các vùng Tây Nguyên, miền Tây đã chặt bớt ca cao, cà phê, tiêu để chuyển đổi sang trồng có lợi nhuận kinh tế tốt hơn như sầu riêng. Điều đó đã gây nên thiếu hụt nguồn cung trầm trọng ở các loại nông sản khác. Đặc biệt là 2 loại nông sản chủ lực của Tây Nguyên như hồ tiêu và cà phê.
Diện tích trồng sầu riêng tăng lên nhanh chóng trong thời gian gần đây, vượt quá định hướng, quy hoạch chung đang làm gia tăng rủi ro cho cả người trồng và doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu.
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), tổng diện tích sầu riêng cả nước tăng từ 32.000ha năm 2015 lên hơn 150.000ha năm 2023, tương ứng với sản lượng sầu riêng tăng từ 366.000 tấn lên hơn 1,2 triệu tấn. Hiện nay diện tích trồng sầu riêng được cho là đã vượt gần gấp đôi so với định hướng phát triển sầu riêng trong đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030 (khoảng 65.000 – 75.000ha, sản lượng 830.000 – 950.000 tấn).
Theo các chuyên gia, thế mạnh của sầu riêng Việt Nam là có mùa vụ sản xuất kéo dài quanh năm, sản phẩm đã bước đầu thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường Trung Quốc và đang đàm phán xuất khẩu sang các thị trường khác.
Ngoài ra, sản phẩm chế biến từ sầu riêng có nhiều dư địa phát triển. Chi phí sản xuất sầu riêng không quá cao. Cây sầu riêng cũng đối mặt với không ít thách thức vì thị trường tiêu thụ hẹp, chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam phát triển muộn hơn và phải cạnh tranh trực tiếp từ Thái Lan, Malaysia và một số quốc gia lân cận khác.
Ngoài ra, nhu cầu sẽ chỉ đến một mức độ nào đó, trong khi mỗi cây sầu riêng phải mất 6-7 năm mới cho thu hoạch. Đến khi lượng cây trồng mới của Việt Nam và các nước cho thu hoạch đồng loạt, sản lượng tăng đột biến thì nguy cơ sụt giá sẽ xảy ra như một số loại cây trồng khác là khó tránh khỏi.
Trong bối cảnh đó, Bộ NN&PTNT khuyến cáo không mở rộng diện tích, đặc biệt là tại các vùng có điều kiện khí hậu, đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp. Hiện Cục Trồng trọt đang chủ trì, phối hợp các địa phương, đơn vị tập trung đôn đốc, hướng dẫn các địa phương rà soát diện tích sầu riêng trên địa bàn.
Đồng thời khuyến cáo nông dân không tự mở rộng diện tích tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp. Vùng không có điều kiện đầu tư thâm canh, vùng chưa có đê bao khép kín hoặc đê bao không đảm bảo gây ngập lụt trong mùa mưa và xâm nhập mặn trong mùa khô tại khu vực ĐBSCL.
Theo Thanh Ngọc (vnbusiness.vn)