Giá cà phê giảm mạnh nhất kể từ 2008, tiếp tục chuỗi ngày biến động mạnh

Giá cà phê vừa trải qua phiên giảm mạnh nhất trong vòng hơn một thập kỷ, không lâu sau khi tăng vọt trước đó, do những đánh giá về mức độ thiệt hại của băng giá đối với vụ mùa của Brazil.

Phiên cuối cùng của tháng 7 (30/7), giá arabica kỳ hạn tháng 9 trên sàn New York giảm 16,95 cent, tương đương 8,6%, xuống 1,7955 USD/lb, lùi xa mức cao nhất gần 7 năm đạt được vào vào tuần trước (trên 2 USD). Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2008.

Robusta giao cùng kỳ hạn trên sàn London phiên này cũng giảm 99 USD, tương đương 5,3%, xuống 1.786 USD/tấn. Lý do bởi đợt băng giá mới nhất vào đêm 29/7 bao phủ khoảng 80% phía nam Minas Gerais, khu vực sản xuất cà phê hàng đầu của Brazil nhưng tác động không đáng kể.

Mặc dù giảm mạnh trong phiên này, song giá arabica vẫn tăng 12% trong tháng 7, và tăng 55% so với một năm trước đây, do thời tiết bất lợi làm giảm sản lượng trong năm 2021 và dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới sản lượng trong năm tới.

Diễn biến giá arabica trong một năm qua
Diễn biến giá arabica trong một năm qua

Đáng chú ý, chỉ trong 2 tuần qua, giá cà phê arabica đã ghi nhiều dấu mốc kỷ lục lịch sử, và toàn bộ những biến động cực kỳ bất thường đó đều liên quan tới thời tiết ở Brazil, nơi băng giá liên tiếp xảy ra trong những tuần qua gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng, và dự báo hiện tượng thời tiết cực đoan như vậy vẫn còn tiếp diễn trong những ngày tới, nguy cơ làm giảm nguồn cung cà phê toàn cầu không chỉ năm nay mà trong vòng nhiều năm, bởi băng giá gây hại cả những cây cà phê non.

Nhà phân tích Carlos Mera của ngân hàng thương mại Hà Lan đầu tư mạnh trong lĩnh vực nông nghiệp Rabobank cho biết, nhiệt độ dưới 0 “làm rụng lá cây và thậm chí giết chết những cây non” vốn rất quan trọng cho các vụ thu hoạch trong tương lai.

Đó là chưa kể tới khả năng khô hạn ở Brazil sẽ còn kéo dài nhiều tháng, bởi các nhà khí tượng dự báo khả năng cao năm nay sẽ xảy ra hiện tượng thời tiết La Nina – sẽ làm cho những cơn mưa không đến vào tháng 9 như thường lệ.

Cần biết rằng, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới này đã hứng chịu một đợt hạn hán lịch sử vào đầu năm nay, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cây trồng.

Từ 19/7 đến nay, giá cà phê liên tiếp lập những kỷ lục

Ngày 19/7: Giá arabica kỳ hạn tháng 9 tăng hơn 6% lên mức cao nhất gần 2 tháng (1,6610 USD/lb); robusta cũng tăng mạnh lên cao nhất 3 năm (1.793 USD/tấn).

Ngày 20/7: Giá arabica đạt mức cao nhất kể từ cuối năm 2016 (1,7755 USD/lb); robusta cao nhất 3 năm.

Ngày 21/7: Giá robusta tăng hơn 10% lên cao nhất kể từ tháng 11/2014 (1,95 USD/lb), đưa mức tăng chỉ trong 3 phiên lên gần 21%; robusta cũng chạm mức cao nhất 3,5 năm (1.885 USD/tấn).

Ngày 22/7: Giá arabica kỳ hạn tháng 9 vượt ngưỡng 2 USD, đạt 2,0950 USD/lb; robusta lên cao nhất gần 4 năm (1.993 USD/tấn).

Ngày 26/7: Giá arabica đạt mức cao nhất 7 năm (2,1520 USD/lb), nhà đầu tư tranh nhau mua vào do lo ngại vụ mùa của Brazil bị thiệt hại nghiêm trọng.

Ngày 30/7: Giá arabica kỳ hạn tháng 9 giảm 8,6% (xuống 1,7955 USD/lb); robusta giảm 5,3% (xuống 1.786 USD/tấn).

Giá arabica biến động cực mạnh trong tháng 7 do thời tiết cực đoan ở Brazil.
Giá arabica biến động cực mạnh trong tháng 7 do thời tiết cực đoan ở Brazil.

Trong khi đó, nhu cầu cà phê thế giới đang gia tăng khi các nền kinh tế toàn cầu mở cửa trở lại. Cà phê arabica chủ yếu được dùng tại các quán cà phê và nhà hàng, trong khi cà phê robusta thường được sử dụng nhiều trong các sản phẩm cà phê hòa tan.

Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) trong báo cáo công bố tháng 7/2021 đã điều chỉnh giảm mức dự báo về dư cung cà phê toàn cầu trong niên vụ này, mặc dù nâng dự báo về dư cung trong vụ vừa qua (kết thúc vào tháng 6).

Theo đó, ICO ước tính niên vụ 2020/21, thế giới dư thừa 2,3 triệu bao cà phê, cao hơn mức 2,01 triệu bao dự báo trước đây, chủ yếu do tiêu thụ giảm. Theo đó tiêu thụ ở mức 167,20 triệu bao, giảm nhẹ so với 167,58 triệu bao trong đánh giá hồi tháng 5, và cũng thấp hơn mức 168,5 triệu bao tiêu thụ trước khi xảy ra đại dịch.

ICO dự kiến ​​sản xuất từ ​​nhiều quốc gia, đặc biệt là Brazil, sẽ giảm vào mùa 2021/22, trong khi tiêu thụ tiếp tục hồi phục khi những hạn chế chống Covid-19 được nới lỏng và nền kinh tế hồi phục trở lại. Tuy nhiên, ICO không đưa ra con số dự báo cụ thể về thiếu hụt trong niên vụ 2021/22.

Trong bối cảnh sản lượng cà phê Brazil dự báo giảm mạnh và nhu cầu của các nhà chế biến có thể chuyển một phần từ arabica sang robusta, nguồn cung từ Việt Nam lại gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 bùng phát và tình trạng thiếu container trầm trọng.

Vận chuyển một container từ Việt Nam sang Châu Âu hiện nay có chi phí lên tới 10.000 USD, đắt gấp 6 – 7 lần so với một năm trước đây.

Một số nhà xuất khẩu cà phê Việt Nam cho biết các doanh nghiệp và người trồng cà phê Việt Nam không được hưởng lợi nhiều từ việc giá cà phê tăng mạnh gần đây bởi người trồng cà phê đã bán gần hết cà phê, doanh nghiệp hiện muốn mua cũng không còn đáng kể. Mặt khác, chi phí vận chuyển tăng cao đã không khuyến khích các nhà kinh doanh cà phê ký hợp đồng.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong 7 tháng đầu năm nay ước tính giảm 9,3% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 953.000 tấn, tương đương 15,8 triệu bao loại 60 kg; kim ngạch ước tính giảm 1,7% xuống 1,25 tỷ USD.

Với những khó khăn hiện tại và khả năng tác động của chúng, dự báo giá cà phê trong thời gian tới sẽ còn duy trì cao.

Công Hightower ở Chicago cho rằng: “Sản lượng của Brazil trong năm 2022/23 sắp tới rõ ràng đã bị giảm do thời tiết lạnh giá trong tháng 7. Vì vậy, các nhà giao dịch có thể tận dụng đợt giá cà phê giảm để mua vào, trước khi giá tăng trở lại”.

Tham khảo: Nasdaq, Bloomberg, Reuters

Theo Vũ Ngọc Diệp (Nhịp sống kinh tế)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng