Để nông dân định giá nông sản

Liên tục biến động theo “tăng phi mã” là cụm từ dành cho giá cà phê nhân thời điểm này. Cà phê tăng giá, đáng lẽ người nông dân phải mừng nhất, thì ngược lại, không mấy nông dân được vui, lý do là bởi, giá tăng khi người trồng cà phê đã qua vụ thu hoạch.

Cà phê tăng giá, nông dân kém vui

Giá cà phê nhân tại thị trường trong nước nói chung, tại Kon Tum nói riêng liên tục tăng “phi mã” lên mức xấp xỉ 65.000 đồng/kg. Mức này được các doanh nghiệp (DN), chuyên gia trong ngành cà phê đánh giá là cao kỷ lục trong 15 năm qua.

Tuy nhiên, thời điểm này, tại tỉnh Kon Tum – “thủ phủ” của cà phê, vụ thu hoạch cà phê đã đi qua. Vậy nên giá cà phê dù có lập đỉnh cũng không mang lại niềm vui cho người nông dân cũng như các DN.

Giữ và chăm sóc được tốt cây cà phê, bà con nông dân sẽ được bán sản phẩm với giá mình mong muốn.
Giữ và chăm sóc được tốt cây cà phê, bà con nông dân sẽ được bán sản phẩm với giá mình mong muốn.

Cụ thể, niên vụ cà phê tại Kon Tum đã kết thúc từ cuối năm 2022. Tại niên vụ này, tỉnh Kon Tum có trên 24.000ha cà phê cho thu hoạch, với tổng sản lượng thu được gần 62.500 tấn. Với sản lượng thu hoạch này, nếu bán được ở mức giá hiện tại, khoảng 65.000 đồng/kg – mức tăng cao nhất trong vòng 15 năm trở lại đây, thì có lẽ, đó sẽ là niềm vui vỡ òa của người trồng cà phê ở Kon Tum. Bởi, trước đó, một thời gian rất dài, giá cà phê nhân chỉ neo ở mức rất thấp, khoảng 34.000 – 35.000 đồng/kg, lúc cao nhất cũng chỉ xấp xỉ 39.000 đồng/kg, không nhích lên nổi con số 40.000 đồng. Do đó, đạt được mức giá 65.000 đồng, có nghĩa là tăng lên hơn 25.000 đồng cho 1kg cà phê, đó là cả một “giấc mơ” của người trồng cà phê.

Thế nhưng, khi “giấc mơ” trở thành sự thật, thì người trồng cà phê lại không hề vui, vì niên vụ 2022 đã kết thúc từ cuối tháng 12/2022. Và hầu như bà con nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã thu hái, phơi và bán cho các thương lái, đại lý từ thời điểm đó.

Theo chia sẻ của ông Trần Trí Tuệ – chủ trang trại cà phê tại thị trấn Đăk Hà (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum), niên vụ 2022, gia đình ông có khoảng 6 sào cà phê. Cuối năm 2022, gia đình ông Tuệ thu hoạch được hơn 10 tấn cà phê tươi, tương đương gần 2,5 tấn cà phê nhân. Với mức giá thời điểm thu hoạch là 34.000 đồng/kg cà phê nhân, gia đình ông Tuệ thu về được khoảng hơn 80 triệu đồng. “Nếu thời điểm thu hoạch cà phê mà giá cà phê nhân lên được mức 65.000 đồng/kg như hiện nay thì chúng tôi sẽ thu về được gấp hơn 2 lần” – ông Tuệ bày tỏ và cho biết thêm, thời điểm thu hoạch lúc đó, giá bán cà phê thành phẩm thì thấp, trong đó chi phí giá phân bón, nguyên vật liệu nông nghiệp tăng cao nên lợi nhuận chỉ còn 1/4 doanh thu. “Chẳng lời lãi là mấy. Phần lớn các chủ vườn cà phê đều đã bán hết cà phê ngay sau thời điểm thu hoạch bởi chẳng ai nghĩ giá cà phê lại tăng cao như hiện nay” – ông Tuệ nói trong tiếc nuối.

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Kon Tum, thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã qua mùa thu hoạch, lượng cà phê dự trữ trong nhân dân và một số DN còn rất ít, chủ yếu lượng hàng dự trữ để xuất cho các hợp đồng đã được ký kết. Do đó, đợt tăng giá cà phê, chỉ có một bộ phận số ít người sản xuất, cơ sở, DN chế biến được hưởng lợi từ lượng cà phê dự trữ. Còn lại do đã thu hoạch và bán hết nên phần lớn bà con nông dân không được hưởng lợi từ đợt tăng giá này.

Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), dự báo sản lượng cà phê giảm từ 10-15%/năm, tuy nhiên, năm nay có thể giảm trên dưới 20% so với dự đoán ban đầu do biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, cộng hiện tượng El Nino tác động lớn đến năng suất và sản lượng cà phê. Mặt khác, trong những năm gần đây giá quá thấp nên có một số diện tích cà phê chuyển sang các loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, như sầu riêng, chanh dây… cây trồng xen trên diện tích cà phê cũng tăng. Đó là những yếu tố khiến sản lượng cà phê ngày càng sụt giảm, đẩy giá cà phê tăng lên.

Nhận định về câu chuyện giá cà phê tăng, ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Intimex – DN xuất khẩu cà phê lớn nêu quan điểm, giá cà phê tăng cao sẽ tạo động lực giúp người trồng cà phê quay lại chăm sóc vườn cây. Quả thực, lâu nay hay xảy ra tình trạng bà con nông dân cứ thấy cây trồng nào được giá cao là sẽ đổ xô trồng cây đó, dẫn đến thực trạng “trồng – chặt” tràn lan khiến cho sản xuất của bà con luôn bấp bênh. Ông Nam cho rằng, nếu cứ chạy theo giá cả thị trường, sản xuất sẽ không bền vững.

Sớm chấm dứt tình trạng “trồng – chặt

Tương tự, với người trồng hồ tiêu, thời điểm này, giá hồ tiêu cũng đang tăng liên tục sau khi chạm đáy vào đầu năm 2020. Hiện giá tiêu dao động trong khoảng 73.000 – 77.000 đồng/kg. Giá tiêu tăng cao và được giới chuyên gia dự đoán là đang vào chu kỳ lập đỉnh, thế nhưng bà con trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên cũng không cảm thấy vui, bởi vụ thu hoạch vụ hồ tiêu năm 2023, nhiều vùng trọng điểm trồng hồ tiêu ở Tây Nguyên bị mất mùa. Trong đó phải kể đến huyện Đắk Song của tỉnh Đắk Nông mất mùa nặng. Huyện Cư Kuin của tỉnh Đắk Lắk được coi là “thủ phủ” trồng hồ tiêu, dự báo là được mùa nhưng cũng không thể bù vào sự mất mùa của huyện Đắk Song. Nhiều vùng trồng tiêu chính của Gia Lai cũng không được mùa, như Chư Sê cũng giảm khoảng 30% sản lượng.

Song, vấn đề đáng quan ngại hơn cả là diện tích hồ tiêu ở các tỉnh Tây Nguyên hiện nay đã bị thu hẹp rất nhiều. Lý do là bởi, bà con nông dân vẫn còn tư tuy sản xuất theo… cảm tính, khi thấy giá hồ tiêu giảm đã chặt bỏ trồng các loại cây trồng khác như sầu riêng, chanh leo… dẫn đến diện tích hồ tiêu ngày càng eo hẹp. Trong khi đó, diện tích trồng hồ tiêu mới không đáng kể còn mảng cây già cỗi thì lại ngày càng tăng. Đây cũng là trăn trở của những người làm trong ngành hồ tiêu hiện nay.

Trong bối cảnh cây hồ tiêu đang bị cạnh tranh gay gắt với các loại cây ăn trái khác, bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam dự báo, rất có thể khoảng 3 – 5 năm tới sẽ có tình trạng thiếu hụt nguồn cung hồ tiêu. Chính bởi vậy, Hiệp hội khuyến cáo, với những vườn tiêu đẹp, đang cho thu hoạch tốt, nông dân không nên chặt bỏ để trồng cây khác. Cần tiếp tục chăm sóc các vườn tiêu để cho ra những trái hồ tiêu chất lượng đồng đều, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của người tiêu dùng trong nước và thế giới. Khi bà con giữ được vườn tiêu chất lượng tốt, lúc giá lên, người nông dân sẽ thu được “trái ngọt”.

Giới chuyên gia cũng nhận định, khi sản phẩm đạt chất lượng tốt, người bán sẽ quyết định giá chứ không phải người mua quyết định. Cà phê cũng như hồ tiêu đều là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và trên sàn giao dịch quốc tế, có thể bảo quản trong thời gian dài và thường không bị ép giá, người dân có thể bán bất cứ lúc nào. Bởi vậy, bà con cần phải vững tâm bảo vệ vườn cà phê, vườn hồ tiêu, không chạy theo trình trạng “trồng – chặt” như đã từng xảy ra trước đây dẫn đến những hệ lụy xấu cho cả đời sống thu nhập của bà con cũng như chất lượng, sản lượng khai thác cà phê, hồ tiêu xuất khẩu.

Theo Duy Khang (báo Đại Đoàn Kết)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng