‘Đắng – ngọt’… với cà phê

Người trồng cà phê ở nhiều địa phương năm nay rất phấn khởi khi thu hoạch được giá cao và có lúc lên tới 70.000 đồng/kg.

Giá cà phê nhân lên cao nhất suốt hàng chục năm qua cũng khiến doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này vui lây vì phần nào sẽ giúp người trồng có hy vọng để gắn bó sau nhiều năm giá tuột dốc mạnh.

Dù vậy, vẫn có không ít doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này buồn bã với kết quả sau thuế bị sụt giảm, thậm chí là thua lỗ, đặc biệt là một số doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán.

Niên vụ 2022-2023, người trồng cà phê ở nhiều địa phương năm nay rất phấn khởi khi thu hoạch được giá cao và có lúc lên tới 70.000 đồng/kg.
Niên vụ 2022-2023, người trồng cà phê ở nhiều địa phương năm nay rất phấn khởi khi thu hoạch được giá cao và có lúc lên tới 70.000 đồng/kg.

“Vị ngọt” đến với người trồng cà phê

Sau rất nhiều năm cầm cự với giá từ trung bình đến thấp, hiện nông dân trồng cà phê lại nhiều tỉnh thành như Lâm Đồng, Đăk Lăk, Đắc Nông, Bình Phước… phần nào đã thấy được hy vọng từ loại cây trồng này.

Bởi lẽ, niên vụ thu hoạch cà phê 2022-2023 vừa qua, nhiều người trồng cà phê rất phấn khởi khi cà phê được giá rất cao. Giá cà phê có lúc lên tới 70.000 đồng/kg, mức giá cao nhất suốt hàng chục năm qua.

Gia đình chị Ánh Mai, hộ nông dân trồng cà phê ở Buôn Hồ (Đắk Lắk) mùa vụ vừa qua thu hoạch được 3 tấn cà phê nhân đầy phấn khởi khi lần đầu tiên bán được giá trên dưới 55.000 đồng/kg.

Mười mấy năm rồi, năm nay cà phê có giá cao nhất”, chị Ánh Mai nói, và cho biết: “Cũng thật là may mắn khi gia đình tôi vẫn duy trì trồng cây cà phê đến hiện nay. Bởi có thời điểm giá cà phê chỉ trên dưới 25.000 đồng/kg. Không đủ vốn và công sức bỏ ra nên gia đình tôi từng có ý định chặt bỏ cây cà phê chuyển sang trồng loại cây khác”.

Còn gia đình anh Lê Văn Dũng ở Bình Phước có hơn 2 héc ta cà phê cho thu hoạch gần 38 tấn quả tươi. Sau nhiều năm chán nản vì giá cà phê hạt xuống thấp, năm nay, giá thu mua đã tăng bật trở lại, khiến người trồng cà phê rất vui. Hơn 10 năm trồng cà phê, chưa khi nào ông Dũng chứng kiến giá cà phê “đạt đỉnh” như năm nay. Giá thu mua cà phê tươi hiện nay khoảng 12.000 đồng/kg cao so với 9.000 đồng/kg năm ngoái.

Niềm vui không chỉ riêng với hộ chị Ánh Mai hay gia đình anh Văn Dũng mà nhiều người nông dân trồng cà phê trong niên vụ thu hoạch vừa qua đã gặt hái được “trái ngọt” sau nhiều năm phải “ngậm vị đắng” vì giá cà phê thấp kéo dài, không đủ tiền vốn và công sức bỏ ra… Nhiều người vì thấy trồng cây cà phê không hiệu quả nên cũng đã chặt bỏ chuyển sang trồng cây khác như tiêu, sầu riêng, chuối, bơ…

Nhiều năm qua, nông dân trồng cà phê vẫn luôn cầm cự trong mức giá từ rất thấp đến trung bình và không thể đảm bảo cuộc sống nếu chỉ trông chờ vào cà phê.

Dù vậy, đa số các hộ trồng cà phê lâu năm vẫn duy trì diện tích cây trồng này. Cà phê mất mùa – mất giá hoặc được mùa – mất giá, được giá – mất mùa là câu chuyện thường xuyên lặp lại nhiều năm qua khiến không nhiều nông dân còn giữ được niềm tin để tiếp tục tái canh loại cây này. Còn với những nông hộ đã gắn bó, kiên trì với cây cà phê suốt nhiều năm qua, giờ đây được xem là lúc họ tận hưởng thành quả “ngọt ngào” khi thu hoạch.

Có thể thấy giá cà phê năm nay đã giúp người trồng giải quyết được nhiều vấn đề cũng như tái đầu tư cho mùa vụ sau. Chị Ánh và anh Dũng cũng thể hiện niềm vui hạnh phúc và cho rằng với giá cà phê như hiện nay giúp người trồng như anh chị được niềm tin và hy vọng để tiếp tục theo đuổi canh tác trồng cây cà phê. Cả hai người cũng tin rằng cái Tết sắp đến, gia đình sẽ sung túc và nhà cửa sẽ đủ đầy hơn mọi năm.

Theo số liệu của Vicofa niên vụ cà phê 2022-2023 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy
Theo số liệu của Vicofa niên vụ cà phê 2022-2023 xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy

… và “vị đắng” với các nhà chế biến xuất khẩu

Nhờ giá cà phê tăng rất cao mà dù niên vụ cà phê 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023) có sản lượng thấp hơn niên vụ trước đó, nhưng giá trị xuất khẩu vẫn tăng cao.

Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa), niên vụ cà phê 2022-2023 (từ tháng 10-2022 đến tháng 9-2023), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,66 triệu tấn, giảm 4,5% so với niên vụ 2021-2022. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu vẫn tăng 3,4% lên mức kỷ lục 4,08 tỉ đô la Mỹ nhờ giá tăng cao.

Đây cũng là mức kim ngạch cao nhất trong các niên vụ từ trước đến nay. Giá xuất khẩu cà phê trung bình của Việt Nam đạt 2.451 đô la/tấn, tăng 5,5% so với niên vụ trước.
Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cho biết trong gần 30 năm của ngành cà phê xuất khẩu, chưa bao giờ giá cao như năm nay khi giá nội địa từng ghi nhận mốc 71.000 đồng/kg (năm 2011 – thời hoàng kim của cà phê, giá chỉ 50.000 đồng/kg).

Dù giá cà phê năm 2023 tăng cao, nhưng trước đó, nhiều diện tích cà phê đã chuyển đổi để trồng sầu riêng, cây ăn trái… do những năm trước giá cà phê xuống quá thấp, nông dân chưa đầu tư nhiều cho cây cà phê (trừ các công ty cà phê và một số hợp tác xã).

Mặt khác, yếu tố biến đổi khí hậu, nhất là hiện tượng El Nino gây khô hạn, ảnh hưởng lớn đến sản lượng cà phê robusta cả nước. Điều này dẫn đến lượng cà phê đến tay các doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này có thời điểm trở nên khan hiếm. Trong những năm qua, cũng chưa bao giờ tháng 8 mà lượng cà phê của Việt Nam đã cạn, nhưng trong năm đã xảy ra.

“Doanh nghiệp kinh doanh cà phê lâu năm cũng bất ngờ vì sản lượng cà phê thực tế của Việt Nam năm nay ít hơn hẳn so với dự báo. Điều này khiến cho lượng cà phê xuất khẩu cuối vụ thiếu hụt so với mọi năm”, một vị đại diện của Vicofa chia sẻ.

Điều này dẫn đến có thời điểm khi nhiều doanh nghiệp đã bán trước vào đầu vụ lúc giá còn thấp, hoặc có doanh nghiệp ký hợp đồng bán trước với giá thấp, khi thu mua hàng thì thị trường tăng giá dẫn đến thua lỗ. Đáng chú ý, cà phê tăng giá cũng khiến các doanh nghiệp phải bỏ vốn nhiều hơn trong khi vốn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt, nhất là khi so sánh với các tập đoàn nước ngoài.

Tại Hội nghị Cà phê Quốc tế châu Á diễn ra ở TPHCM gần đây, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group và là Phó Chủ tịch Vicofa, cũng cho biết giá tăng cao và nhu cầu nhập hàng lớn khiến cho cà phê Việt Nam bị khan hiếm kéo dài, điều mà chưa từng thấy trong lịch sử ngành cà phê trong 30 năm nay.

“Bản thân nhà cung ứng nội địa không mua được hàng theo hợp đồng đã ký, hoặc họ cũng bị hủy hợp đồng. Do đó, các nhà cung ứng nội địa không giao cà phê đúng theo hợp đồng, dẫn đến rất nhiều khó khăn với nhà xuất khẩu”, ông Nam nói, và cho biết: “Thời điểm từ cuối tháng 5 đến tháng 10 vừa qua, các doanh nghiệp như bị bị vỡ trận… Lâu lắm rồi, kinh doanh cà phê chưa gặp phải tình trạng như thế này”.

Theo ông Nam, từ 30 năm trở lại đây, chưa bao giờ ngành cà phê Việt Nam thiếu hàng như năm nay, bởi lẽ thông thường các doanh nghiệp chỉ bán 50%, lượng tồn kho còn lại 50%. Nhưng năm nay, kho trữ hàng hết sạch, dẫn đến niên vụ 2022-2023, ngành cà phê Việt Nam phải nhập khẩu hơn 100.000 tấn cà phê từ Brazil và Indonesia về chế biến.

Bên cạnh giá tăng cao/mỗi phiên giao dịch ở sàn London (Anh); lãi suất trong nước vay cao, trong khi tỉ giả VND thấp so với đồng USD nên doanh nghiệp xuất khẩu cà phê gặp khó khăn, không ít doanh nghiệp thua lỗ. “Niên vụ cà phê năm nay người trồng rất vui, nhưng lại là một năm không vui với nhiều nhà kinh doanh xuất khẩu cà phê”, vị Phó Chủ tịch Vicofa, nhận định.

Trên thực tế các doanh nghiệp cà phê, nhất là các đơn vị đang giao dịch, niêm yết trên thị trường chứng khoán kinh doanh quí 3 ghi nhận lợi nhuận sau thuế giảm, thậm chí thua lỗ so với với cùng kỳ năm ngoái.

Đơn cử Cà phê Thắng Lợi (Mã: CFV) thua lỗ 1,8 tỉ đồng quí 3, đúng với thời điểm khan hiếm cà phê ở thi trường trong nước. Theo giải trình của công ty, do tình hình kinh doanh gặp khó khăn, giá cà phê trong nước tăng đột biến, việc thu mua cà phê khó khăn dẫn đến khối lượng hàng bán giảm. Lũy kế 9 tháng đầu năm, Công ty lãi ròng 724 triệu đồng, giảm 61%.

Còn Công ty Cà phê Phước An (CPA) lỗ hơn 1,4 tỉ đồng trong quí 3, đánh dấu 9 quí liên tiếp lỗ ròng, kể từ quí 3-2021. Sau 9 tháng, Công ty lỗ gần 9 tỉ đồng.

Hay Cà phê Gia Lai (FGL) lỗ quí 3 hơn 3 tỉ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2023, FGL lỗ 9,5 tỉ đồng. FGL cho biết, trong 9 tháng đầu năm, Công ty vẫn chưa thu được doanh thu bán cà phê nhân xô, do thời gian thu hoạch cà phê nhân xô của FGL từ tháng 10 đến tháng 12. Trong khi, toàn bộ chi phí quản lý doanh nghiệp gần 3,8 tỉ đồng và chi phí tài chính (lãi vay các hợp đồng vay vốn cá nhân và doanh nghiệp) 5,7 tỉ đồng kết chuyển vào lỗ. Mặt khác, Công ty cũng không có doanh thu bán chuối do dự án kém hiệu quả và đã thanh lý từ cuối năm 2022.

Minh Khanh Capital Trading Public (CTP) có quí lỗ đầu tiên trong năm nay với 134 triệu đồng, cùng kỳ lãi 129 triệu đồng. Nhờ 2 quí trước có lãi (quí 1 lãi 232 triệu đồng, quí 2 lãi 87 triệu đồng) mà sau 9 tháng, Công ty lãi gần 185 triệu đồng, giảm 44%.

Tuy nhiên, vẫn có một số doanh nghiệp dự báo được thị trường và có sự chuẩn bị trước nên cũng mang lại hiệu quả và lợi nhuận cao.

Giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao

Lãnh đạo Vicofa dự báo, niên vụ cà phê 2023-2024 sẽ thu hoạch muộn hơn niên vụ trước, cùng nguồn cung vụ mới sẽ giảm khoảng 10%, trong bối cảnh nắng nóng kỷ lục khiến sản lượng cà phê Brazil sụt giảm nhiều chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu thế giới. Đây là những yếu tố giúp xuất khẩu cà phê sẽ được lợi về giá.

Ngoài ra, ngành cà phê cũng kỳ vọng sẽ biến thách thức thành cơ hội bằng việc đáp ứng các quy định mới của thị trường EU như quy định về chống phá rừng và suy thoái rừng của EU (EUDR); luật Thẩm định chuỗi cung ứng; quy định giảm phát thải khí nhà kính; cơ chế điều chỉnh biên giới các bon (CBAM) và chứng chỉ các bon…

Với dự báo này, Vicofa cho rằng giá cà phê sẽ tiếp tục ở mức cao do nhu cầu thị trường vẫn lớn, đặc biệt là EU giai đoạn từ nay đến tháng 4 năm sau. Cùng với đó, tại Trung Quốc, giới trẻ cũng ngày càng ưa thích cà phê hơn trà.

Theo ông Đỗ Hà Nam, niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của Việt Nam dự kiến giảm nhẹ, khoảng 1,6-1,7 triệu tấn. Năng suất cà phê tăng ở Lâm Đồng nhưng giảm ở nhiều tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông.

Diện tích vùng trồng cà phê đang tiếp tục có xu hướng giảm, đặc biệt ở Đắk Lắk, Đắc Nông. Thu hoạch muộn hơn mọi năm do mưa tại các vùng trồng chính.

Về xuất khẩu, ông Đỗ Hà Nam, phân tích sản lượng xuất khẩu cà phê dự kiến giảm, đặc biệt sau tết Nguyên Đán vào tháng 2-2024. Cà phê vụ mới đang chào bán mức 60.000 đồng/kg, giao hàng tháng 12-2023 và tháng 1-2024. Mức giá này cao hơn nhiều so với vụ trước do nhu cầu mua lớn của các doanh nghiệp xuất khẩu và doanh nghiệp FDI.

Dự kiến mức giá chào bán này sẽ còn tiếp tục tăng đến tháng 4-2024 do người dân sẽ hạn chế bán ra. Giá nội địa sẽ tiếp tục đứng ở quanh mức 60.000 đồng/kg, có thể còn tăng sau Tết nhưng sẽ khó tăng cao.

Ông Nam dự báo, khả năng sẽ không xảy ra tình trạng trễ hạn giao hàng trong vụ mới do các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và FDI đều rút kinh nghiệm từ vụ trước.

Nguồn Kinh tế Sài Gòn (link bài viết gốc)

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85