Theo dự báo của Bộ Thương mại, giá cà phê xuất khẩu trong tháng 10 này sẽ tiếp tục giảm do lượng cung trong và ngoài nước tăng cao. Giá cà phê giao ngay tại thị trường Luân Đôn ngày 17/9 ở mức 628 USD/tấn giảm 64 USD/tấn so với tháng trước. Thời gian tới, giá cà phê sẽ vẫn dao động quanh mức này.
Giá cà phê trong nước cũng sụt giảm mạnh. Tại Đak Lak, Lâm Đồng, cà phê vối loại I giá 8.600 đồng/kg giảm 300 – 400 đồng/kg so với tháng 8. Giá xuất khẩu bình quân 9 tháng 2004 ước đạt 665,77 USD/tấn giảm 3,21% so với cùng kỳ năm 2003 (687,87 USD/tấn). Giá thu mua cà phê trong nước tháng 10/2004 có thể giảm nhẹ từ 100 đến 200 đồng/kg do các nhà xuất khẩu còn chờ những tin tức của thị trường cà phê thế giới. Trong khi đó, người dân đang muốn bán cà phê tồn kho vụ trước để chuẩn bị vụ thu hoạch mới.
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), năm 2004, sản lượng cà phê của Việt Nam có thể tăng khoảng 10% so với năm 2003, lên 790.000 tấn. Đầu tháng 9/2004, một nguồn tin thế giới cũng dự báo, sản lượng cà phê của Việt Nam niên vụ 2004-2005 sẽ đạt tới 15,8 triệu bao (948.000 tấn), tăng 14% sau khi đã tăng 19% trong niên vụ 2003/04.
Cũng theo VICOFA, sản xuất kinh doanh cà phê niên vụ 2003/04 (từ tháng 10/2003 đến tháng 10/2004) chưa có chuyển biến lớn về chất, vẫn còn nhiều bất cập. Việc trồng cà phê thiếu quy hoạch, không quản lý, khống chế được diện tích nên dẫn tới trồng tự phát, tràn lan.
Khi giá xuất khẩu và giá mua trong nước xuống quá thấp (giá xuất khẩu thấp kỷ lục là năm 2001, cà phê robusta 2 có lúc chỉ còn 380 USD/tấn FOB) thì nông dân tự chặt bỏ cà phê, khi giá tăng lại trồng tràn lan, không tuân thủ quy trình chọn lọc giống dẫn đến chất lượng quả thấp. Tại Đak Lak, hiện chỉ có khoảng 32% diện tích trồng cà phê cho năng suất cao, 40% dịên tích cho năng suất trung bình, còn lại là năng suất thấp.
Vụ cà phê 2003/04 vẫn có khoảng gần 80% sản lượng cà phê được chế biến bằng phương pháp thủ công, bảo quản không đúng quy trình…Đây là nhân tố để các công ty nước ngoài ép giá mua cà phê Việt Nam xuống mức thấp.
Theo Nhu Hoà (Báo Hà Nội Mới)