Giá cà phê trên các sàn phái sinh vẫn tiếp tục sôi động và chưa thể đoán được hồi kết. Cà phê thế giới mất mùa? Tiêu thụ mặt hàng này tăng đột biến? Hay có một lý do chính đáng nào đó để giá robusta trong và ngoài nước nhảy như ngựa bất kham từ vài tháng nay? Có nhiều lý do, nổi có chìm có, nhưng đâu là động lực tăng hiện nay trên sàn này?
Giá cà phê nguyên liệu trong nước vượt mức cao, hết kỷ lục này đến kỷ lục khác tính từ đầu tháng 5-2023 đến nay. Thị trường nội địa có lúc chạm mức 63 triệu đồng/tấn, là mức cao chưa từng thấy kể từ khi Việt Nam bắt đầu xuất khẩu một cách chính danh những bao cà phê đầu tiên của mình vào cuối thập niên 1980.
Nguồn cung hạn hẹp: phần nổi
Đứng trước tình hình lạm phát tăng cao tại các vùng tiêu thụ cà phê lớn, như châu Âu và Mỹ cùng với các đợt tăng lãi suất không ngớt do các ngân hàng trung ương tại đó quyết định (nhằm hạ các cơn sốt giá sinh hoạt làm ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống dân chúng trong nước), mối lo lắng về một đợt suy thoái kinh tế do lực thanh khoản trên thị trường giảm dần… khó ai tin được rằng nhờ nhu cầu tiêu thụ cà phê robusta tăng mạnh nên giá phái sinh lập hết đỉnh này tới đỉnh khác.
Thế mà giá vẫn tăng mạnh thật. Chỉ tính từ đầu năm đến cuối tháng 5-2023, giá robusta cơ sở kỳ hạn tháng giao dịch chính 9-2023 tăng 44,62% hay tăng 738 đô la Mỹ/tấn từ 1.790 lên 2.528 đô la/tấn tính theo giá đóng cửa sàn phái sinh London ngày 26-5-2023.
Nhưng giá arabica New York thì không được cao như vậy. So sánh trong cùng kỳ, giá arabica chỉ tăng 13,3 cts/lb tương đương với 293 đô la/tấn, tăng 8% từ 166,25 lên 179,55 cts/lb. Giá robusta tăng mạnh gấp 2,5 lần so với sàn cà phê đóng tại đất Mỹ.
Nhiều người tin rằng do giá robusta trên thị trường “mềm” hơn, đời sống khó khăn hơn nên dân chúng sử dụng loại cà phê giá rẻ này nhiều hơn để thỏa “cơn ghiền”.
Vả lại, tính về nguồn cung, liên tục những ngày gần đây, dữ liệu xuất khẩu cà phê cho thấy hấu hết đều giảm.
Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta số 1 thế giới giảm khối lượng bán ra đến 5,5% trong bốn tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước. Xuất khẩu cà phê các loại của Brazil trong tháng 4 vừa qua cũng giảm đến 14% so với cùng kỳ năm 2022 chỉ đạt 2,39 triệu bao (bao 60 ki lô gam). Cũng trong thời gian này, xuất khẩu cà phê chế biến ướt Colombia giảm 15% đạt 719.000 bao.
Như vậy, bức tranh cung cầu nói chung của niên vụ hiện hành 2022-2023 kết thúc vào ngày 30-9 tới đây, theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), là cung thấp cầu cao (171,27 so với 178,53 triệu bao) dù ICO dự đoán niên vụ này sản lượng cà phê thế giới vẫn tăng 1,7%.
Dựa vào yếu tố cung – cầu ở trên, thị trường chứng kiến giá cà phê phái sinh tăng từ đầu năm đến nay là chuyện dễ hiểu.
Động lực “ngầm”
Tuy nhiên, cũng cần thấy có những tác động phụ trợ nhờ đó giá sàn robusta tăng rất mạnh, đến nỗi đôi khi phải nghĩ rằng cái phụ lại trở thành động lực chính.
Mới đây, trong bản tin của một nhà môi giới hàng hóa trích lời từ báo cáo mới nhất về thị trường cà phê Việt Nam của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải tranh nhau mua cà phê robusta Việt Nam vì nhà vườn tại đó giữ lại nguồn cung ứng để chờ giá cao hơn mới bán”.
Lời nhận định này đầy phiến diện và dễ gây hiểu lầm trên thị trường cà phê thế giới, nhất là gây mất thiện cảm đối với người mua. Vì trên thực tế, nhà vườn hiện có hàng muốn bán cũng không bán được, trường hợp này không chỉ tại nước xuất khẩu cà phê robusta lớn nhất thế giới mà ngay cả tại Brazil, là nước đang vào mùa thu hái rộ robusta.
Lãi suất ngân hàng tại hai nước xuất khẩu robusta hàng đầu thế giới hiện ở mức rất cao, cao gấp 2 đến 3 lần mức lạm phát được công bố, dù mới đây Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có quyết định hạ lãi suất điều hành lần thứ ba tính từ đầu năm 2023. Còn tại Brazil mức lãi suất điều hành hiện tại là 13,75%.
Trong khi đó, tín dụng thu mua hàng xuất khẩu không còn rộng rãi. Rủi ro kinh doanh hàng hóa thương phẩm ngày càng lớn. Mặt khác, nhiều nhà vườn và đại lý cung ứng nội địa cho hay có khi giao hàng đi cả tháng nhưng vẫn chưa nhận được tiền về do nguồn vốn vay của doanh nghiệp xuất khẩu hạn hẹp. Sự cấn cản của dòng chảy hàng hóa nằm ở đoạn này. Trong thời buổi “ai giữ tiền mặt là vua” thì thử hỏi ai dám bán chịu, ai bán trả sau?
Hàng thương phẩm không ra được chính là hệ lụy của thiếu vốn, ít tiền phục vụ công tác thu mua. Và thị trường khan hàng. Hàng càng khan, giá càng tăng. Và trường hợp giá robusta trên thị trường xuất khẩu lẫn trên sàn kỳ hạn lập đỉnh thoải mái, nhưng không phải do nhà vườn không muốn bán mà do sức mua của giới kinh doanh có hạn.
Diễn biến trên sàn robusta London còn có những dấu hiệu cho thấy các quỹ đầu tư tài chính đã chọn sàn robusta làm nơi trú ẩn an toàn (chứ không phải arabica như các đợt trước). Những đợt bán thanh lý trên các sàn kim loại vàng, cổ phiếu, tiền thu hồi được chuyển về sàn robusta London. Chính vì thế mà khối lượng hợp đồng mua khống trên sàn cũng ở mức đỉnh trong thời gian gần đây.
Vị thế kinh doanh của riêng các quỹ quản lý vốn (Management Money) chỉ trong vòng ba tháng tính đến ngày 23-5, lượng hợp đồng mua ròng tăng gấp ba lần, từ 11.741 lô lên 43.459 lô (lô=10 tấn) so với mức cao kỷ lục là 49.000 lô lập ngày 11-4-2017.
Trên thị trường hàng hóa thương phẩm, người ta có thói quen khi thấy giá lên thì cứ nói còn tăng nữa, khi xuống thì bảo còn tiếp tục xuống sâu, tin một cách quán tính và mù quáng. Khi giá vàng lên 2.085 đô la/ounce (4-5-2023), có người bảo còn lên 2.100, 2.200 đô la/ounce… nhưng không tính rằng lực cản trở đường lên chính là khối lượng hợp đồng mua khống trên sàn quá lớn, quanh 250.000 lô. Kể từ đó, người tham gia thị trường bán thanh lý, đưa giá vàng về dưới 1.945 đô la/ounce vào ngày 26-5-2023.
Chắc chắn sàn robusta, với tư cách thương phẩm, cũng theo cách đi của sàn vàng. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian, nhưng chắc chẳng còn bao xa.
>> Biến động của thị trường cà phê phụ thuộc vào yếu tố nào?
Theo Nguyễn Quang Bình (Bài đăng trên Kinh tế Sài Gòn)