Những lưu ý khi chăm sóc cà phê vào đầu mùa mưa

Bước vào mùa mưa cũng là lúc quả cà phê bắt đầu tăng nhanh về kích thước kèm theo đó là sự tăng trưởng nhanh của cành chồi, do đó việc chăm sóc bổ sung dinh dưỡng cho cây cà phê thời điểm đầu mùa mưa là rất quan trọng, góp phần cung cấp đầy dủ chất dinh dưỡng và tạo bộ khung cành phát triển khỏe mạnh cho mùa vụ năm 2018 và năm sau. Do đó, bà con cần lưu ý một số biện pháp sau:

1. Bón phân

Giai đoạn này quả cà phê cần lượng dinh dưỡng cao, hơn nữa vào thời điểm này các loại dịch hại đặc biệt là nấm bệnh tấn công nhiều nhất. Vì vậy, việc chăm sóc cà phê vào đầu mùa mưa hết sức quan trọng nhằm hạn chế tối đa hiện tượng rụng quả cà phê, giúp cây cà phê nhanh chóng phục hồi và nuôi dưỡng trái non tốt. Ngay từ đầu mùa mưa, bà con cần chú ý bổ sung phân bón đầy đủ, lưu ý bón theo nguyên tắc 5 đúng: Đúng loại phân, đúng liều lượng, đúng tỷ lệ, đúng thời điểm và đúng phương pháp.

Đảm bảo hàm lượng dinh dưỡng cân đối theo nhu cầu giai đoạn nuôi quả non của cây cà phê.

Lượng phân bón thương phẩm tương ứng (kg/ha/năm)

Tuổi cà phê Khối  lượng phân thương phẩm (Kg/ha/năm)
Urê Lân Kali clorua
Cà phê kinh doanh (>4 năm) 400 600 600

Lượng phân bón khuyến cáo chung cho cà phê kinh doanh đạt năng suất khoảng 3 tấn/ha. Lượng bón thực tế tùy theo loại đất và năng suất.

Ghi chú: Cứ 1 tấn nhân tăng thêm thì bón thêm từ 120-150kg đạm urê; 80 – 100kg lân và 100 – 120kg kali clorua.

Số lần và tỷ lệ bón phân hóa học

Loại phân Tỷ lệ bón (%)
Lần 1 (vào mùa tưới) Lần 2 (tháng 4,5) Lần 3 (tháng 6,7) Lần 4 (tháng 8,9)
Đạm Ure 10 30 30 30
Lân 0 100 0 0
Kali 0 30 30 40

Ngoài ra, bón bổ sung hợp lý các chất trung vi lượng giúp cây hấp thu dinh dưỡng tốt, tăng tỷ lệ đậu trái, trái to, nhân chắc giúp nâng cao năng suất chất lượng cà phê.

[ Chia làm nhiều đợt bón phân cho cà phê ]

2. Tỉa cây che bóng

Đầu mùa mưa rong tỉa cho bộ tán cây che bóng cao hơn tán cà phê, tỉa thưa tạo độ thông thoáng và ánh sáng cho vườn cây. Khi rong tỉa cây che bóng, chú ý không làm gãy cành cà phê. Giữ yên cành lá cây che bóng được rong tỉa xuống trong vườn cà phê một thời gian cho lá rụng xuống làm phân xanh bồi dưỡng cho vườn, sau đó mới chuyển các cành to ra khỏi vườn. Trong mùa mưa, rong tỉa 2 lần tùy theo tốc độ ra lá, cành của cây che bóng, tránh không cho vườn cà phê bị cớm, rợp. Đợt rong tỉa cuối cùng trước khi chấm dứt mưa 1 tháng.

 3. Đánh chồi vượt cho cây

Chồi vượt phát triển rất nhanh trong mùa mưa nên cần bẻ chồi vượt kịp thời chỉ để lại những chồi có kế hoạch tạo tán bổ sung. Trung bình 1 tháng bẻ chồi vượt 1 lần. Khi bẻ chồi vượt chú ý vặt các cành tăm, cành nhớt. Ở mỗi vị trí đốt cành chỉ nên để lại không quá 3 cành dự trữ được phát sinh. Vặt các cành thứ cấp mọc dày trên đỉnh tán tạo điều kiện để ánh sáng lọt vào bộ tán cà phê.

4. Phòng trừ sâu bệnh: Một số loại sâu bệnh thường hay xuất hiện trong mùa mưa

Bệnh gỉ sắt

Nguyên nhân, tác hại: Đầu tiên ở mặt dưới lá có những chấm nhỏ, màu vàng lợt như những giọt dầu và nhìn rõ ở mặt dưới lá. Sau đó, các chấm này lớn dần và từ giữa xuất hiện những bột màu vàng cam, đó là bào tử của nấm gỉ sắt. Sau đó vết bệnh có màu nâu như vết cháy, các vết cháy có thể liên kết với nhau thành các vết cháy lớn, làm lá rụng. Nếu bệnh nặng cây có thể rụng hết lá dẫn đến hiện tượng khô cành, sản lượng kém và chết.

Biện pháp phòng trừ: Sử dụng giống kháng bệnh: Trồng các dòng vô tính TR4, TR9, TR11,TRS1 vừa có khả năng kháng bệnh gỉ sắt cao. Ghép giống kháng bệnh để thay giống bị bệnh. Sử dụng một số loại thuốc: Biobus 1.00WP. Cure super 300EC, Tilt Super 300E, Anvil 5SC, Nativo 750WG, Conabin 750WG… dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Rệp vảy xanh, rệp vảy nâu

Nguyên nhân, tác hại: Tác hại chủ yếu của các loại rệp là chích hút nhựa các bộ phận non của cà phê như chồi vượt, lá non, chồi non, quả non làm cho các bộ phận này phát triển kém. Rệp vảy xanh có mối quan hệ cộng sinh với các loài kiến như kiến vàng, kiến đen,… Rệp tiết ra chất mật ngọt là thức ăn rất ưa thích của kiến, ngược lại kiến làm nhiệm vụ bảo vệ rệp tránh được các loại thiên địch vừa làm nhiệm vụ lây lan rệp từ nơi này đến nơi khác. Chất mật ngọt do rệp tiết ra còn gọi là môi trường thuận lợi cho nấm muội đen phát triển bao phủ trên mặt lá, cành và cả chùm quả.

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh đồng ruộng, làm sạch cỏ xung quang hình chiếu tán cây và trong gốc. Tạo hình để cây thông thoáng, đánh chồi vượt thường xuyên, cắt bỏ các cành nhánh mọc sát đất. Phun một trong các loại thuốc sau: Motox 10EC, FM- tox 100EC, Kozomi 1EC, Minup 0.9EC. Tungrin 5EC… dùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Mọt đục quả

Nguyên nhân, tác hại: Quả cà phê bị mọt gây hại thường có một lỗ tròn nhỏ cạnh núm quả hoặc chính giữa núm quả. Khi chẻ quả ra thấy bên trong hạt có thể có cả trứng, ấu trùng và mọt trưởng thành có màu đen. Tùy thuộc vào mức độ gây hại của mọt đục quả mà phần nhân hạt bị hại có màu đen, nhân bị đục khuyết một phần hoặc toàn bộ.

Biện pháp phòng trừ: Thu hái kịp thời các quả chín trên cây để hạn chế  sự lây lan của mọt đục quả, đặc biệt là các loại quả cà phê vào giai đoạn chín bói. Sau khi thu hoạch cần tiến hành thu gom toàn bộ quả khô và quả chín còn sót lại ở trên cây và dưới đất. Có thể dùng một số loại thuốc hóa học sau để phun trên toàn vườn. Profast 210EC, Penny 700EC, Wellof 300EC), Diaphos 50EC)…theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Xem thêm:

Nguồn: Khuyến nông Lâm Đồng

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

86