Mỗi doanh nghiệp có một hình thức khoán sản phẩm, thậm chí trong một doanh nghiệp lại có nhiều hình thức khoán khác nhau, mức khoán ấn định tuỳ tiện, cao hơn thực tế… là thực trạng tại các doanh nghiệp cà phê do UBND tỉnh Đắk Lắk quản lý.
> Đắk Lắk : năng suất giảm, người nhận khoán cà phê kêu trời
Một cuộc “đại phẫu” phương án khoán sản phẩm đang được các cơ quan chức năng tiến hành, người lao động có thể hy vọng.
Một tuần trước khi Công ty cà phê Ea Pôk quyết toán sản lượng niên vụ 2009 – 2010 với người lao động, PV Lao Động đã tiến hành khảo sát tại đây. Trên 1,6ha nhận khoán của công nhân N.B.T, công ty ấn định sản lượng 22,5 tấn quả tươi nhưng thực tế chỉ đạt gần 20 tấn. Với hình thức nhận khoán có đầu tư, anh T nộp công ty hết 14 tấn (60%), số còn lại không đủ chi phí nhân công, BHXH, lương phép cả năm cho 4 lao động chính trong gia đình.
Không chỉ anh T mà hầu hết công nhân của Cty cà phê Ea Pôk đều hụt khoán. Nếu công ty chỉ căn cứ vào sản lượng đã ấn định từ trước để thu 60% thì coi như người lao động chỉ làm không công.
Ông Nguyễn Văn Sinh – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk – phân tích: Trong sản lượng nộp khoán, người lao động phải chịu nhiều chi phí như khấu hao các công trình thuỷ lợi, kho tàng, sân bãi, nhà cửa… vốn có giá trị rất lớn.
Đó là chưa kể các loại phí, quỹ, thậm chí cả lãi vay của doanh nghiệp. Mặt khác, mức khoán tại các doanh nghiệp cà phê còn mang tính áp đặt, thiếu căn cứ khoa học và thực tiễn nên thường gây thiệt hại cho người lao động.
Mặt khác, cùng áp dụng một hình thức khoán, nhưng tỉ lệ thu sản phẩm giữa các doanh nghiệp lại chênh lệch khá lớn. Chẳng hạn với hình thức nhận khoán có đầu tư, nhưng doanh nghiệp này chỉ thu 60% sản lượng, doanh nghiệp khác lại thu tới 70%. Việc tồn tại nhiều hình thức giao khoán trong một doanh nghiệp, với tỉ lệ ăn chia khác nhau cũng dẫn đến bất bình đẳng về quyền lợi giữa các nhóm nhận khoán (như tại Cty cà phê Tháng 10, Cty cà phê Phước An, Cty TNHH một thành viên cà phê Thắng Lợi …).
Tất cả tạo nên một bức tranh rối rắm, nhập nhèm về quan hệ sản xuất tại những doanh nghiệpNN ngành cà phê thuộc tỉnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, mà còn kìm hãm sự phát triển của chính các doanh nghiệp.
“Đại phẫu” phương án khoán sản phẩm tại các doanh nghiệp cà phê là chủ đề cuộc họp do UBND tỉnh Đắk Lắk chủ trì. Theo đó, Sở NN&PTNT và LĐLĐ tỉnh sẽ phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, tham mưu cho UBND tỉnh chấn chỉnh thực trạng khoán sản phẩm tại các doanh nghiệp này. Mục tiêu của cuộc “đại phẫu” là xem xét lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động theo hướng đặt lợi ích của người lao động lên hàng đầu.
Các doanh nghiệp phải xây dựng lại phương án khoán sản phẩm để trình các ngành chức năng thẩm định, sau đó trình UBND tỉnh phê duyệt. Phương án khoán phải căn cứ vào Nghị định 135/2005/NĐ – CP của Chính phủ, thông tư số 102/2006/TT – BNN của Bộ NN&PTNT về việc giao khoán đất, rừng, mặt nước tại các nông – lâm trường quốc doanh. Cuộc “đại phẫu” cũng sẽ tạo cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm hợp đồng giữa các doanh nghiệp và người lao động nhận khoán vườn cây.
>> Công ty lén lút đem tài sản của hơn 150 hộ dân đi thế chấp
Bài này Văn Dân đọc được ở Báo daklak24h ngày 21/01/2010, sau đó 2 ngày tức ngày 23/01/2010 lại đọc được ở báo Lao Động số 19 Ngày 23/01/2010 Cập nhật: 7:21 AM, 23/01/2010. Tính đến nay đã 10 tháng rồi mà vẫn còn nằm trên bàn giấy, làm người dân cứ dài cổ chờ xem “đại phẩu” rồi có tốt hơn trước không. Càng chờ càng mất hút.
“Dân thì cần nhưng quan chưa vội,
Dân có vội thì dân lội mà đi.”
Từ từ để ngâm cứu. Lội bậy coi chừng bị nước lũ cuốn!