Từ đầu tháng 11 đến nay, nông dân trồng cà phê tại khu vực Tây nguyên đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch. Mặc dù giá cà phê đang khá cao nhưng không ít người bán cà phê khi còn chưa chín.
Nông dân trồng cà phê ở khu vực Tây nguyên hiện đang bước vào thu hoạch niên vụ 2023 – 2024. Giá cà phê nhân xô hiện dao động ở mức 60.000 đồng/kg, cao hơn gần 1,5 lần so với cùng thời điểm năm 2022. Nông dân phấn khởi, kỳ vọng vào vụ thu hoạch cà phê được mùa, được giá.
Năm nay thời tiết thuận lợi nên cây cà phê sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định. Ông Trương Ngọc Lợi, nông dân trồng cà phê tại H. Cư M’gar (Đắk Lắk) bộc bạch: “Giá cà phê nhân xô khá cao nhưng nhiều vườn có diện tích nhỏ, sản lượng thấp như tôi thường là ‘bán mão’ tại vườn cho thương lái thu mua. Các đại lý lớn mới có lò sấy để sơ chế công suất lớn. ‘Bán mão‘ tại vườn giá thấp hơn nhiều, nhưng bình quân cũng được 12.000 đồng/kg, khá cao so với năm trước nên tinh thần rất phấn khởi”.
Ông Trần Ðình Trọng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (Đắk Lắk) dự đoán: “Giá cà phê trong niên vụ 2023 – 2024 sẽ ổn định, không giảm so với giá hiện nay, nguyên nhân là chất lượng cà phê Việt Nam đã ngày càng nâng cao. Hơn nữa, thị trường tiêu thụ cà phê đã ngày càng ổn định. Hợp tác xã đang khuyến khích bà con thu hái quả chín và giữ ổn định diện tích cà phê“.
[ “Bán mão” trong mua bán cà phê là gì? ]
Tại Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Quyết Tiến (xã Quảng Hiệp, H. Cư M’Gar), bà con đang háo hức, kỳ vọng vào vụ mùa cà phê bội thu. Năm nay, năng suất cà phê của hợp tác xã đạt khoảng 3 tấn cà phê/ha, cao hơn niên vụ 2022 – 2023 khoảng 5 tạ/ha. Ông Lê Văn Diện, Phó giám đốc Hợp tác xã cho biết, bà con hợp tác xã đang thu bói, khoảng ngày 20.11 thì thu hoạch rộ đến hết tháng 12.2023. Hợp tác xã đã chủ động nhân công thu hái, kế hoạch thu hái và đầu ra cho sản phẩm.
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã có văn bản chỉ đạo Sở Công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi gian lận thương mại trong thu mua, chế biến, tiêu thụ cà phê; nắm bắt giá cả, dự báo, thông tin kịp thời tình hình diễn biến thị trường; kết nối cung cầu, xúc tiến tiêu thụ cà phê; cơ quan công an xây dựng và triển khai phương án bảo vệ cà phê; xử lý nghiêm các trường hợp trộm cắp cà phê và các đối tượng tự tổ chức giao dịch trung gian trái phép gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp. Cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát các hoạt động thu mua, tiêu thụ cà phê; ngăn chặn và xử lý những hành vi ép giá, ép cân để trục lợi…
[ Biện pháp hạn chế nạn ăn cắp cà phê vào vụ thu hoạch ]
UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu UBND cấp huyện chỉ đạo lập kế hoạch và tăng cường bảo vệ nghiêm ngặt diện tích cà phê đến kỳ thu hoạch; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân không thu hái cà phê xanh, đảm bảo tỷ lệ cà phê chín khi hái đạt trên 85%; trường hợp tận thu cuối vụ, tỷ lệ quả chín tối thiểu đạt 80%. UBND cấp huyện hướng dẫn người dân chuẩn bị sân phơi, máy sấy phòng trường hợp thời điểm thu hoạch mưa kéo dài ảnh hưởng đến chất lượng cà phê; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các trường hợp thu hái, mua bán cà phê non.
Xem thêm:
Nông dân không hái cà phê xanh như thế đâu ! Hồi này cà phê bị hái trộm nhiều. Đây có lẽ là cà phê do trộm mà xanh như thế ! Cần xử lý nghiêm ai thu mua hay tiêu thụ cà phê xanh non !
Tôi chứng kiến nông dân không hái mà chủ vườn hái, nhất là ở những vùng xâm canh, vắng vẻ, khó bảo vệ…
Ko tuân thủ tới lúc mất uy tín ko ai mua rồi mang mà cho bò ăn. Hết trộn than với phíp, trộn cá tạp với cá cơm rồi lại hái cà phê xanh… chữ tín không giữ thì rồi ai còn muốn làm ăn với mình.
Hái cà phê xanh thì chủ vườn thiệt hại vì cà phe non nhẹ cân hơn, nhân bị hao hụt nhiều hơn, giá bán lại thấp hơn. Nếu bình thường thì chẳng ai lại làm vậy cả
Hơn nữa tất cả các doanh nghiệp thu mua cà phe đều có sàn sàng lọc cà phê, loại 1, loại 2, loại 3 rồi mới trộn lại theo đúng tỷ lệ đạt chuẩn rồi mới xuất khẩu. Nếu ai hái non thì họ sẽ không bán được, còn người hái chín thì vẫn bán được. Lúc đó người hái non sẽ là người bị thiệt hại đầu tiên, nên cứ kệ họ thôi
Nên xử phạt thật nặng đối với người mua cà phê xanh, chính quyền cấp xã trở lên thông báo số điện thoại nóng cho bất kỳ ai báo cho sẽ được thưởng tiền, chắc chắn sẽ có rất nhiều người gọi điện báo. Tệ nạn mua xanh không còn, vì có người mua mới có người bán…
Giá 200 nghìn 1 ki xem có ai hái xanh ko. Giá 60 ngàn 1 ki. 1 héc ta thu 3-4 tấn, làm không dủ ăn…