Nông dân vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ đang hồ hởi thu hoạch vụ cà phê mới 2010 – 2011 trong bối cảnh giá bán khá cao, trên dưới 29.000 đồng/kg.
Cảnh báo
- CẢNH GIÁC TRÒ DỰ BÁO “KHỐNG”
- KHÔNG NÊN ĐỔ XÔ BÁN
Tuy nhiên, Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (Vicofa) cảnh báo cần phải hết sức tỉnh táo với trò dự báo “khống” của các cơ quan, tổ chức dự báo nước ngoài đang giúp cho các nhà NK ép giá cà phê tụt dốc ngay từ đầu vụ…
Trao đổi với NNVN, ông Lương Văn Tự – Chủ tịch Vicofa bức xúc cho biết, các cơ quan dự báo là lực lượng phục vụ cho người mua chứ không bao giờ vì người sản xuất. Chính bất công này đã khiến người nông dân luôn chịu cảnh điêu đứng vì giá bán thấp và ít khi được hưởng những thành quả đáng ra phải thuộc về mình.
Cụ thể, ông Tự đưa ra dẫn chứng: niên vụ 2009 – 2010 họ dự báo Brazin sản lượng lên tới 50 triệu bao (60 kg/bao) nhưng thực tế chỉ có 39 triệu bao, còn VN tới 22 triệu bao nhưng hóa ra chỉ có 18 triệu bao. Tiếp tục sang niên vụ 2010 – 2011, họ lại dự báo “khống” Brazin sẽ đạt 56 – 58 triệu bao nhưng khả năng chỉ đạt chưa tới 47 triệu bao, còn VN sẽ đạt trên 20 triệu bao nhưng căn cứ tình hình hiện tại cao nhất VN cũng chỉ đạt 17,5 triệu bao mà thôi.
“Vì thế, chúng ta cần phải phơi bày trò dự báo sai lệch để hưởng lợi bất chính trong nhiều năm qua của các tổ chức, DN NK cà phê thế giới lên trước công luận” – ông Tự nói. Điều đáng quan tâm là trong cuộc “chiến” với các thế lực thông tin một chiều này, Tổ chức Cà phê thế giới (ICO) đã đứng về phía người nông dân khi vừa tuyên bố: các hãng tin tư nhân đưa tin không chính xác, đồng thời khẳng định lượng cà phê tồn kho trên toàn cầu đang ở mức thấp kỷ lục. Tiêu biểu như tại Châu Âu lượng cà phê tồn kho chỉ còn 10 triệu bao so với 16 triệu bao cùng kỳ. Tình hình này cũng diễn ra tương tự tại Hoa Kỳ và một số nước có thói quen sử dụng cà phê khác.
Trong 9 tháng đầu năm 2010, ngành cà phê VN đã XK được khoảng 925.000 tấn với giá trị kim ngạch 1,32 tỷ USD, tăng 4,2% về lượng và 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên vừa qua, các DN cà phê Việt Nam vẫn bị các nhà NK gây khó dễ như chậm trả tiền, tự thay đổi ngày chốt giá… Trước tình hình đó, các DN XK cà phê Việt Nam đã tự vệ bằng cách thay đổi phương thức kinh doanh: không bán theo phương thức trừ lùi (giao xa) mà tập trung bán giao ngay, khi chốt giá xong mới giao hàng.
ICO cũng khẳng định, hiện Brazil đang hạn hán, nếu tháng tới vẫn chưa có mưa, cây sẽ bị vàng lá, rụng lá ảnh hưởng tới việc ra hoa và sản lượng vụ tới. Còn tại VN, sản lượng cà phê vụ này do ảnh hưởng của hạn hán kéo dài nên hạt nhỏ, tỷ lệ cây già cỗi lên đến gần 30%. Hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum bị tác động của mùa mưa bão năm ngoái và hạn hán nặng nề năm nay nên sản lượng cà phê ở 2 tỉnh này có thể giảm tới 20%.
Hiện giá cà phê tại Tây Nguyên đang đứng ở mức khá cao: Ngày 12/10, giá giá bán cà phê nhân xô đầu vụ được niêm yết tại Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh ĐăkLắk là 28,6 triệu đồng/tấn (tăng 5,6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ). Cũng trong ngày 12/10, giá cà phê Robusta giao dịch tại sàn London đạt 1.627 USD/tấn và giá FOB (HCM) đạt 1.547 USD/tấn (tăng hơn 200 USD/tấn so với cùng kỳ). Tuy nhiên, để có thể giữ giá ở mức tốt, Vicofa cũng cảnh báo người dân không được đổ xô bán ra khi mùa thu hoạch rộ (vào tháng 11 tới) vì điều này sẽ kéo giá cà phê xuống rất nhanh, đồng thời có thể lại rơi vào “kịch bản” dự báo “khống” của các nhà nhập khẩu thế giới.
Mua tạm trữ: Mũi tên trúng 2 đích
Nhằm tránh trường hợp giá cà phê đầu vụ thu hoạch liên tục rớt giá như niên vụ trước, Hiệp hội Cà phê – Ca cao VN (Vicofa) vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị được mua 300.000 đến 500.000 tấn cà phê nhân dưới phương thức dự trữ và luân chuyển.
Ông Đoàn Triệu Nhạn, nguyên Chủ tịch Vicofa, người có nhiều năm trong ngành cà phê dự đoán rằng, giá cà phê trong vụ này sẽ không có nhiều biến động và dao động khoảng 24.000-29.000 đồng/kg. Trung tuần tháng 9 vừa qua, Hiệp hội cà phê thế giới (ICO) dự báo niên vụ 2010-2011 sản lượng cà phê thế giới sẽ là 133 triệu bao (loại 60 kg), tăng 7 triệu bao so với niên vụ 2009-2010 trước, nên việc đề xuất thu mua cà phê dự trữ và luân chuyển của Vicofa đang đặt ra cơ hội “một mũi tên bắn trúng 2 đích”: Vừa giúp nông dân bán được giá, vừa giúp các DN XK cà phê khống chế phần nào giá cả giao dịch trên thị trường quốc tế.
Thế nên, theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, sắp tới nếu được Thủ tướng Chính phủ đồng ý thì đây sẽ là đòn bẩy tích cực cho giá cà phê ở mức cao, đặc biệt là vào thời điểm đầu vụ thu hoạch như hiện nay. “Đây chỉ là kế hoạch chứ không bắt buộc DN phải mua đủ số lượng mà mục đích chính là giữ giá cà phê ở mức có lãi cho người trồng”- ông Tự khẳng định.
Còn ông Nguyễn Công Hoàng, Phó TGĐ TCty Cà phê VN (Vinacafe) cho rằng, mỗi năm VN XK trung bình khoảng 1 triệu tấn cà phê nên việc thu mua tạm trữ cà phê sẽ giúp DN dự trữ được ít nhất vài trăm ngàn tấn, như vậy mới tác động đến cung cầu về sản lượng và giá cả đối với thị trường cà phê thế giới. Bởi theo ông Hoàng, từ trước đến nay, gần hết 90% nguồn vốn để mua cà phê là DN phải đi vay từ các ngân hàng với lãi suất cao, kỳ hạn ngắn nên đến kỳ đáo nợ, nhiều DN buộc phải bán cà phê theo phương cách trừ lùi để lấy tiền trả nợ ngân hàng cho dù giá cà phê trên thị trường thế giới đang đứng mức thấp. Do đó, nếu Chính phủ thông qua chương trình thu mua tạm trữ cà phê sẽ vẹn toàn cho cả hai, tức cả DN và người trồng cà phê.
Ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến TM NLTS và Nghề muối cho biết, ngoài việc DN phải tính toán thời điểm thu mua như thế nào và mua thời điểm nào là quan trọng thì một điều bắt buộc là, các DN có tên trong danh sách thu mua cà phê dưới dạng tạm trữ và luân chuyển buộc phải “mua trực tiếp từ người dân, chứ không được thông qua đại lý”.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Tám, một đại lý thu mua cà phê tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, lâu nay mối quan hệ giữa người trồng cà phê và đại lý khá bền chặt, trước khi vào vụ, các đại lý thường hỗ trợ cho người trồng cà phê mua trả chậm nào là phân bón, thuốc trừ sâu cũng như tiền bạc để chi phí sinh hoạt gia đình, trong khi đó, các DNXK cà phê lại không làm việc đó. Lẽ đó, “chỉ cho DN thu mua trực tiếp từ người trồng cà phê mà không mua từ các đại lý thì rõ ràng không công bằng với chúng tôi”- ông Tám nói.
1 bài viết đáng đọc !
Tuy nhiên , nảy ra 1 vấn đề khi đọc bài này : hóa ra những gì VICOFA nói không có trọng lượng gì với Nông Dân cà phê cả ! Vicofa nên tự xem lại mình điểm này .
Tôi- Phạm Vỹ, nhiều năm liền viết tin , luôn đứng về phía nông dân và ” cũng chửi xéo” Vicofa rất nhiều lần vì những việc Vicofa đáng ra phải làm mà chẳng bao giờ làm đến nơi đến chốn . Vì sao vậy? có ai biết vì sao không? hay họ không phải là Nông Dân nên không hiểu được nỗi khổ của người Nông Dân ?
Thật ra, các thông tin về mùa vụ và các dự đoán về cây trồng dưới khía cạnh nông học, Vicofa có thể làm trong tầm tay, nhưng các năm qua chưa làm đến nơi đến chốn . Lúc này ( khi giá tốt) thì lại lên tiếng mạnh mẽ .
Tôi nhớ có 1 lần Vicofa gửi công văn cho chúng tôi, họ đang nhờ công ty Luật: Phạm& cộng sự thu thập chứng cứ đòi thưa chúng tôi vì “dám” đứng ra nói xấu họ .Thật là chết vì cười. Cũng may là sau đó có rất nhiều lời động viên của bà con và các cơ quan ban ngành nên chúng tôi yên tâm đi tiếp con đường mình đã chọn .
Theo tôi , Vicofa là 1 đơn vị đại diện cho ngành, nên mỗi thông tin mà Vicofa đưa ra nên là 1 định hướng chung cho ngành . Hãy nhìn sang hiệp hội Gạo, họ sãn sàng phạm luật vì dám tranh thủ quyền lợi cho nông dân đồng bằng sông Cửu Long .
Hy vọng 1 tương lại gần , các quan chức hiệp hội có thể ” làm được điều gì đấy” thiết thực giúp đỡ người Nông Dân trồng cà phê .
Phạm Vỹ
http://www.Giacaphe.com
Vicofa muốn nói gì qua bài viết này? Hay là muốn ăn năn sám hối tội lỗi bởi xưa nay không vì nông dân mà chỉ vì giới kinh doanh nên đã đưa ra dự báo “khống”, không đáng tin cậy. (ví dụ như cái dự báo trên “giá cà phê trong vụ này sẽ không có nhiều biến động và dao động khoảng 24.000-29.000 đồng/kg” là có nghĩa nào?)
Dù sao cũng ghi nhận lời thú nhận của ông Chủ tịch với bà con.
Nhưng tại sao lại có định hướng mua bán ở đây? Bà con mua bán với đại lý trước hết là do nương tựa lẫn nhau xưa nay. Còn các Công ty, doanh nghiệp đâu phải là bà đỡ của nông dân. Với nông dân cái tình vẫn trên hết. Các Cty, DN cứ mua giá phải chăng, đừng o ép và làm được như đại lý xưa nay đã làm thì nông dân không quay lưng đâu mà lo!
Khi nông dân cần thì các ông ở đâu?
Bài viết khá thực tế đấy chứ. Tôi vửa đi rẫy xử lý vườn cà phê rụng trái quá nhiều về. Cảm ơn anh Vịnh và các bạn ở bài viết “Ngăn chận cây cà phê rụng trái non…” nhiều lắm.
Với thực trạng vườn cà phê nhà mình, tôi khẳng định rằng: năm nay lại mất mùa là cái chắc!!!
Thường thì mất mùa hayđược giá, vì thế bà con không nên tin vào dự báo làm gì, lúc cần việc tính toán thấy có lãi là bán thôi. Đoán giá đầu vụ lúc này là quá sớm nhưng tôi nghĩ sẽ không dưới 27000/kg đâu.
Phải nhìn nhận rằng nông dân cà phê cũng như bao nông dân khác, chưa đủ thực lực để mà tự lo liệu được. Chuyện thiếu vốn là thực tế, nhưng nó cũng chưa phải cái cốt lõi vấn đề. Tôi thấy nhiều người mỗi năm thu hàng chục tấn, của dư của để nhưng cũng không bán được giá cao. Nhưng hầu như nông dân cà phê mất niềm tin vào những chính sách và dự báo. Điều này thực sự là đáng báo động (Ý tôi không bàn chuyện ai đúng ai sai ở đây).
Nó giống hoàn cảnh người mù trông cậy vào con chó dẫn đường, nhưng ai cũng nói con chó đó là con chó điên. Chúng ta phải nghĩ nếu không có con chó thì người mù sẽ như thế nào? Và giúp người mù là nên giết con chó hay cùng chữa bệnh cho nó?
Theo tôi nghĩ (cá nhân thôi) thì cái chúng ta cần làm là định hướng cho nông dân theo con đường an toàn nhất chứ không nên chửi xéo hay làm trầm trọng thêm vấn đề.
Trước tiên, chúng ta phải thể hiện được là người có hiểu biết, có đủ văn hoá, có đủ tầm thì mới may ra làm được nhịp cầu cho người nông dân. Theo tôi thì cái cách mà người ta đối xử với nông dân hiện nay là cái cách mà người làm cha làm mẹ đối xử với đứa con 5 tuổi chứ không phải đối xử với đứa con trưởng thành. Cho nên có nhiều cái người ta làm không nhất thiết phải giải thích ra ngô ra khoai được.
Vài lời chia sẻ cùng diễn đàn…
Mô hình quản trị mới của ông H là họp bất kỳ lúc nào, công ty kinh doanh mà họp hành còn nhiều hơn cả cơ quan quản lý nhà nước.Thích là hội ý trong ban lãnh đạo rồi thông báo họp mà nhân viên chẳng biết họp gì, nội dung gì. Vào cuộc họp thì các sếp độc diễn, đối thoại 1 mình theo kiểu sếp là cha, là mẹ, nói gì nhân viên cũng phải nghe.
Thật buồn khi nhiều người làm việc trong công ty, gắn bó với công ty hàng chục năm, phải dứt áo ra đi. Họ ra đi vì nhiều lý do, từ thu nhập thấp cho tới cách quản lý của lãnh đạo chẳng giống ai nhưng họ không hề biết rằng, việc ra đi của họ chính là thành công của ông H và mama A.
Tuy nhiên, giờ đây ông H và mama A sẽ phải đối mặt với một thực trạng vui là con cháu, dâu rể của 2 nhánh quyền lực này chẳng ai nghe ai, ai cũng nghĩ trên đầu mình có cái ô theo kiểu suy nghĩ trong đầu: “đây là công ty của ba tao, của mẹ tao”. Rồi sẽ tới cái ngày nó sẽ nát bét như tương do “đánh nhau” !
Căn bệnh trầm kha hè. Cả đám nhân viên lúc ngồi đó thì dạ dạ vâng vâng… đến lúc bị ‘đẩy’ đi rồi thì tha hồ vung vít. Túm lại là cần ‘xử trảm’ hết, riêng mấy anh ‘trưởng chi nhánh, phó chi nhánh’…thì phải xử ‘tứ mã phân thây’…
Thấy các bác nói chuyện vui quá , tớ gởi cho các bác tin này bình luận cho vui nha :
Phát hiện nhiều sai phạm tại Công ty CP Intimex Hồ chí Minh
Ngày 21/9/2010, Công ty CP Intimex Việt Nam, cổ đông Nhà nước nắm cổ phần chi phối tại Công ty CP Intimex Hồ chí minh, đã tiến hành Đại hội cổ đông thường niên năm 2010.
Tại Đại hội cổ đông, ông Nguyễn Cẩm Tú – Thứ trưởng Bộ Công Thương, đại diện quyền cổ đông Nhà nước tại Công ty CP Intimex Việt Nam đã bày tỏ sự phản đối gay gắt….
http://forum.vietstock.vn/threads/9422-INTIMEX-HCM-C-244-ng-ty-m-237-a-duong-La-Ng-224-b-224-i-hoc-quan-l-253-c-244-ng-ty-dai-ch-250-ng-giong-nhu-
Đúng là lâu nay chúng ta quen với việc gửi hoặc bán cho các đại lý. Nếu gửi, khi đại lý đổ nợ, chủ đại lý thì mất tích thì lại kêu trời. Nếu bán thì lại bị ép giá hoặc giá thấp.
Sao chúng ta lại không đến với một cách thức giao dịch mới nhỉ?
Trung tâm GD cà phê Buôn Ma Thuột sẽ khai trương sản phẩm Cà phê kỳ hạn vào ngày 22/10 này.
Từ nay các nhà đầu tư và kể cả nông dân sẽ có thêm một lựa chọn nữa.
Vâng, bây giờ là thời kỳ bà con làm cà phê đang phân vân giữa hai con đường phải lựa chọn là thu cà phê xong là bán ngay hay nên phải dự trữ. Nếu bán thì giá cả có thể còn tăng cao nhưng nếu không bán thì có thể giống như mùa vụ năm ngoái, giá cà phê tăng lên 42.500đ rồi dần tụt xuống chỉ còn dươi <25.000đ. Dự đoán cà phê thật là khó, nhưng theo kinh nghiệm mà tôi đã được học và tìm hiểu nhiều năm thì bà con khi thu cà phê xong không nên phải vội vàng bán ào ạt cà phê, vì khi mình bán ra cũng đồng nghĩa với hàng trăm người khác cũng bán như mình, thì lúc đó lượng cung tăng dẫn đến cung lớn hơn cầu và giá cà phê của chúng ta sẽ bị giảm, đợi đến khi vài tháng lượng cung giảm xuống nhưng khi đó nhu cầu mọi người dùng cà phê tăng lên thì lúc này mọi người không còn cà phê để đáp ứng nữa sẽ dẫn đến gía cà phê lại tăng lên và có thể còn cao hơn lúc trước, và đến lúc đó ta lại rơi vào vòng lẫn quẩn như mọi năm trước.
Cho nên mọi người khi thu hoach xong chỉ bán ra 1 số ít để trang trải cuộc sống hằng ngày còn lại ta nên dự trữ ở nhà để khi thấy giá thích hợp thì bán ra, nhu cầu tiêu dùng cà phê ngày càng cao nên bà con không nên quá lo về giá bán trên thị trường.
Năm ngoái giá cà phê tăng lên đến 42.500đ/kg lúc nào? Sao tui chẳng nghe gì vậy!
thiết nghĩ chúng ta bây giờ không nên tranh chấp ai đúng ai sai, vì đều đó không tạo nên một tiền đề mới gì cả , điều chúng ta cần làm bây giờ là định hướng cho bà con nông dân một hướng đi có như vậy mới làm đúng1 và có lợi cho bà con. cảm ơn
Mình chỉ đọc thôi! Chứ chẳng biết nói gì. Các bạn viết rất hay. Cám ơn!