Gần 10 năm nay, “làn sóng” vỡ nợ tại các đại lý thu mua nông sản đã diễn ra, đặc biệt tình trạng “hàng mất nợ mang” của nông dân trồng cà phê lan rộng ra cả Tây Nguyên.
Thông thường, sau khi thu hoạch cà phê, vì không có kho bãi để cất trữ, phần đông người dân mang cà phê tới kho của các đại lý để ký gửi trên nguyên tắc khi cần tiền hoặc thấy giá cà phê chấp nhận được, họ sẽ bán cho đại lý vào bất kỳ lúc nào. Tuy nhiên, nhiều đại lý đã đem số cà phê này bán để lấy tiền quay vòng kinh doanh hay vì một lý do nào đó. Đến khi người dân đến bán hàng và lấy tiền, đại lý tuyên bố không thể trả được.
Hầu hết nông dân không đòi được tài sản của mình bởi khi ký gửi họ chỉ có giấy nợ viết tay. Do đại lý không thể trả lại cà phê cũng như không có tiền để thanh toán, rất nhiều hộ dân tại huyện Ea H’leo, tỉnh Đăk Lăk đã lâm vào cảnh cùng quẫn, thậm chí có nguy cơ trở thành nạn nhân của tín dụng đen.
Trong 5 năm trở lại đây, đã có hơn 100 doanh nghiệp, đại lý, hộ kinh doanh cà phê trên địa bàn Tây Nguyên đã và đang vỡ nợ hàng nghìn tỷ đồng. Thực trạng này làm cho tình trạng vỡ nợ cà phê trở nên dai dẳng, nhức nhối và mang đến nhiều hệ lụy ở các vùng quê. Mặc dù có một số vụ án ký gửi nông sản được khởi tố, cuối cùng thiệt hại vẫn thuộc về người dân.