Thêm vụ nghi lừa đảo khi xuất khẩu hồ tiêu và nhân điều sang thị trường Dubai-UAE

Mới đây, hai hiệp hội lớn trong ngành nông sản là Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam và Hiệp hội Điều Việt Nam cùng phát thông báo đến tất cả hội viên trong hiệp hội về nghi lừa đảo và có thể có sự cấu kết, thông đồng của người mua và phía ngân hàng.

Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, theo cảnh báo của một số doanh nghiệp xuất khẩu nông sản chia sẻ với hiệp hội, từ tháng 6/2023, một số doanh nghiệp Việt Nam khi ký hợp đồng xuất khẩu nông sản như: Hồ tiêu, quế, điều… sang Dubai đã gặp khó khăn về vấn đề thanh toán.

Giao dịch lừa đảo xảy ra ngay tại chính ngân hàng bên mua, chuyện xưa nay hiếm

Cụ thể, báo cáo của các công ty gửi về VPA cho biết, giao dịch xuất hiện hành vi có dấu hiệu lừa đảo từ cùng một người mua (Công ty Bab Al Rehab Foodstuff Trading LLC) và cùng một ngân hàng (Ajman Bank PJSC) tại Dubai, thuộc các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất, dẫn đến các lô hàng của các công ty đã bị mất trắng tại cảng Jebel Ali, UAE.

Giao dịch lừa đảo xảy ra ngay tại chính ngân hàng bên mua nơi các doanh nghiệp này gửi bộ chứng từ nhờ thu, liên quan đến nhân sự và nghiệp vụ giao dịch của ngân hàng, có dấu hiệu bắt tay hợp tác lừa đảo giữa ngân hàng và người mua. Do đó người mua đã tiếp cận được bộ chứng từ gốc của lô hàng mà không cần thanh toán, đồng thời cắt đứt liên lạc với các doanh nghiệp nêu trên.

“Sự thất thoát này có vai trò và trách nhiệm liên đới của ngân hàng Ajman Bank PJSC với người mua để cùng tổ chức và âm mưu thực hiện các giao dịch lừa đảo các lô hàng của các doanh nghiệp Việt Nam”, Chủ tịch VPA khẳng định.

Về vấn đề này, VPA đề nghị các doanh nghiệp hết sức cẩn trọng khi giao dịch với các khách hàng Dubai. Trong trường hợp có vấn đề phát sinh xin vui lòng chia sẻ và cập nhật với hiệp hội.

Có hay không có sự cấu kết, thông đồng của người mua hàng và ngân hàng?

Ông Trần Hữu Hậu, Phó tổng thư ký Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), Ủy viên Thường trực Hội đồng Hòa Giải Vinacas cũng cho biết, hiệp hội vừa nhận được kiến nghị của Công ty T.M (Vinacas yêu cầu không nêu tên công ty), hội viên Vinacas về vụ việc nghi bị lừa đảo trong xuất khẩu điều nhân, nội dung tóm tắt như sau:

Công ty T.M ký hợp đồng bán nhân điều cho BAB AL REHAB FOODSTUFF TRADING LLC OFFICE NO 1006. MAI TOWER, AL NAHDA, DUBAI, UAE.

Tel +971 43868859, +971586001304; Email: info@barft.com

Người giao dịch trực tiếp: Mr. Naeem Chaudhry, Mob/Whatsapp: +971 58 600 1304, email: naeem@barft.com.

Khách đã ứng 15% tiền cọc; Công ty T.M đã giao hàng và ngày 24/6/2023 hàng đã đến cảng Jebel Ali, UAE; Hàng đã được lấy và trả container rỗng ngày 27/6/2023, trong khi Công ty T.M vẫn chưa nhận được thanh toán 85% trị giá lô hàng; mặc dù, ngân hàng Sacombank đã gửi 2 điện (Swift) đến ngân hàng bên mua AJMAN BANK PJSC – Sheikh Zayed Road Dubai Branch yêu cầu thanh toán và hoàn trả Bộ chứng từ nhưng không được thực hiện.

Qua kiểm tra, được biết: Bộ chứng từ của lô hàng đã được Công ty Chuyển phát nhanh DHL giao cho một nhân viên an ninh của ngân hàng AJMAN BANK PJSC – Sheikh Zayed Road Dubai BrancVinacas nhưng chưa biết sau đó bộ chứng từ đến đâu.

“Hãng đã giao hàng khi có đầy đủ chứng từ theo quy định”, đại diện hãng tàu DHL cho biết.

Đại diện Công ty T.M và VPA cho rằng, ngoài Công ty T.M còn ít nhất 2 doanh nghiệp trong ngành hồ tiêu và cây gia vị gặp tình trạng tương tự với cùng một khách hàng và ngân hàng nói trên.

Theo ông Hậu, nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo của khách hàng hoặc ngân hàng bên mua, để hỗ trợ các doanh nghiệp liên quan, ngoài việc liên hệ ngay với Thương vụ Việt Nam tại UAE nhờ hỗ trợ; đại diện Vinacas sẽ phối hợp với đại diện VPA tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp để nắm đầy đủ các thông tin; từ đó sẽ chính thức kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và UAE xem xét, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết vụ việc.

“Trong thông báo của Vinacas gửi hội viên và doanh nghiệp ngành Điều về vụ việc nghi lừa đảo từ khách hàng (người mua) và ngân hàng bên người mua. Vụ việc này giá trị không lớn: Chỉ 3 container, trị giá gần 300.000 USD nhưng của 3 doanh nghiệp với 3 mặt hàng khác nhau. Và theo như thông tin có được thì có thể có sự cấu kết, thông đồng của người mua hàng và ngân hàng. Nếu nghi vấn này đúng thì sẽ là sự việc hiếm có; nhất là nó xảy ra giữa Trung tâm tài chính Dubai”, ông Hậu nhấn mạnh.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng