Tin buồn

Vì sao chanh dây Đắk Nông chưa vào được châu Âu?

Thị trường châu Âu rất “màu mỡ” đối với sản phẩm chanh dây. Thế nhưng, phần lớn diện tích chanh dây ở Đắk Nông chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, nên chưa thể “chen chân” vào thị trường này…

Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), sản xuất chanh dây theo hướng hữu cơ để xuất khẩu sang châu Âu

Năm 2022, gia đình ông Nguyễn Ngọc Hiếu, ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), trồng 5 sào chanh dây. Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, ông Hiếu liên kết với Công ty Xuất nhập khẩu Thịnh An (TP. Hồ Chí Minh) trồng chanh dây theo hướng hữu cơ.

Ông Hiếu cho biết: “Khi mình làm được hàng sạch thì đầu ra ổn định quanh năm. Không lo ngại rớt giá như chanh dây sản xuất đại trà”.

Vụ này, ông Hiếu ước thu được trên 6 tấn quả chanh dây. Ông bán sản phẩm với giá từ 45.000 – 46.000 đồng/kg, cao hơn giá chanh dây bình thường 30.000 đồng/kg.

Nhờ liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, nên sản phẩm chanh dây của ông được mua với mức giá cao, ổn định. Do đó, ông rất yên tâm đầu tư sản xuất.

“Sản xuất theo hướng hữu cơ là để đáp ứng yêu cầu của đối tác liên kết. Sản phẩm sẽ chất lượng cao, an toàn thực phẩm để có thể xuất khẩu sang thị trường châu Âu”, ông Hiếu cho biết thêm.

Còn gia đình ông Nguyễn Minh Vương, ở phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) cũng trồng hơn 3 sào chanh dây theo tiêu chuẩn hữu cơ chất lượng cao.

Ông Vương cho hay, từ khi áp dụng quy trình GlobalGAP, ông nhận thấy, làm nông nghiệp trước tiên phải sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Hiện sản phẩm chanh dây của ông đều được doanh nghiệp thu mua để xuất khẩu sang Trung Quốc và thị trường châu Âu

Cũng theo ông Vương, để chanh dây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu, ngoài quy trình chăm sóc nghiêm ngặt, khâu thu hoạch cũng không kém phần quan trọng.

Trong đó, tỷ lệ trái chanh dây phải đạt từ 12 – 15 trái/kg; dịch chanh đặc, mẫu mã sản phẩm đẹp, độ chín đồng đều…

Chất lượng sản phẩm chanh dây của Đắk Nông chưa thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường châu Âu

Ông Nguyễn Văn Hoan, đại diện Công ty Xuất nhập khẩu Thịnh An cho biết, để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu chanh dây sang châu Âu, người trồng phải đáp ứng được tiêu chuẩn GlobalGAP.

Hàng hóa xuất ra phải đáp ứng các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm của châu Âu, phải cách ly 650 hoạt chất. Bên cạnh đó, mẫu mã sản phẩm phải đạt chuẩn, màu sắc đồng đều, không trầy xước khi thu hoạch…

“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mới có một số vườn đáp ứng được các tiêu chuẩn do nhà nhập khẩu châu Âu đưa ra, với diện tích khoảng 5 ha trở lại. Con số này còn quá ít so với nhu cầu rất lớn của thị trường châu Âu”, ông Hoan cho biết.

Cũng theo ông Hoan, không riêng gì Đắk Nông, sản lượng chanh dây đạt tiêu chuẩn xuất sang châu Âu ở các tỉnh Tây Nguyên cũng còn rất thấp. Mỗi tuần, Công ty chỉ thu gom được khoảng 7 tấn chanh dây đạt tiêu chuẩn xuất sang thị trường các nước châu Âu.

Thời gian qua, Công ty nhận được rất nhiều đơn hàng từ châu Âu, nhưng không thể thực hiện được do nguồn cung trong nước không đủ.

Chính vì vậy, về lâu dài, Công ty sẽ thực hiện các chính sách phát triển vùng nguyên liệu chanh dây theo tiêu chuẩn châu Âu. Trong đó, Công ty sẽ tích cực liên kết với nông dân thực hiện chuỗi liên kết sản xuất từ khâu giống, đầu vào đến bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Đắk Nông có khoảng 800ha chanh dây, trong đó chỉ có hơn 15ha được chứng nhận sản xuất tốt (GAP). Có 2 cơ sở sản xuất chanh dây theo tiêu chuẩn VietGAP, với 10,5 ha; 1 cơ sở có chứng nhận hữu cơ, với 5 ha.

>> Nông dân Tây Nguyên phá cà phê trồng chanh dây

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

    1. Thanh Hà

      Để đáp ứng điều kiện khắc khe của EU, người trồng chanh dây nên sản xuất theo hướng hữu cơ bền vững, tăng cường sử dụng phân thuốc hữu cơ sinh học, hạn chế dùng các hóa chất trong bất kỳ giai đoạn nào của cây trồng…

Tin đã đăng

Tin mới nhất

85