Khát vọng lớn từ triết lý của cà phê Việt Nam

Có lẽ, khi nói về triết lý của cà phê Việt Nam, sẽ có số đông người cho rằng đó là cái gì đó quá trừu tượng, thậm chí có người còn cho là sự cực đoan.

trung-nguyen-coffee-vietnam

Nhưng nếu như có ai đó trong số đông người hiện nay được nghe, được chứng kiến những trăn trở, những nghĩ suy và những việc làm có thực của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty cà phê Trung Nguyên sẽ thấy đó là điều nên nghĩ và phải có những hành động cụ thể, thiết thực vì triết lý này. Bởi nó không phải được đặt ra cho quyền lợi của riêng ai hay của một nhóm người nào mà lớn hơn là vì sự cường thịnh của dân tộc.

Ý tưởng của Đặng Lê Nguyên Vũ về triết lý cà phê Việt Nam

Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhận định rằng: “Tôi nghĩ ở Việt Nam, triết lý cà phê mới manh nha. Để có được triết lý ấy, cần dựa trên quan điểm của địa phương, dân tộc và thế giới về loại sản phẩm này. Nó sẽ được bồi đắp bởi những người uống và đam mê cà phê theo thời gian, ngay một lúc không thể hoàn tất được. Do vậy tôi kêu gọi các nhà văn hóa cần nhìn nhận đây là vấn đề nghiêm túc và phải có công trình nghiên cứu cẩn thận. Cà phê là mẫu số chung để quy tụ 2 tỉ triệu tín đồ uống cà phê ở nhiều quốc gia, sắc tộc, màu da, quan điểm chính trị và tôn giáo khác nhau. Do đó, cần phải nghiên cứu nó với tư cách một công trình khoa học. Nếu có được triết lý ấy, Việt Nam sẽ có một cơ hội quá lớn. Lần đầu tiên Việt Nam sẽ trở thành nhà tư tưởng, có thể xuất khẩu và quy tụ được những người khác nhau trên thế giới.

Quyền lực mềm cho nông sản Việt Nam

Khi đã có một triết lý đúng đắn của cà phê Việt Nam, sẽ có một quyền lực mềm cho nông sản Việt Nam hiện đang ở vị trí chưa cao trên bản đồ về thị trường nông sản thế giới. Cũng theo ông Vũ, nếu có được quyền lực mềm phải bắt đầu từ vấn đề nhận thức. Trung Quốc có khẩu hiệu ngắn gọn: “Hàng hóa Trung Quốc ở đâu, văn hóa Trung Quốc ở đó”. Nhìn sang Hàn Quốc, thông qua phim ảnh, họ gia tăng lượng bán hàng lên 10 tỷ USD/năm. Xin đặt câu hỏi: Việt Nam có ý thức được vấn đề đó không? Có nỗ lực không? Có xây dựng chiến lược dựa trên những thế mạnh như cà phê, tiêu, điều không? Có xây dựng được các chương trình đồng bộ mang tính quốc gia để quảng bá những ngành nghề đó không? Chúng ta vẫn chưa thực sự ý thức về vấn đề “quyền lực mềm”, kể từ cấp quản lý đến cấp doanh nghiệp.

Việc tính toán để gia tăng giá trị cho sản phẩm nông sản là rất khó. Có tham vọng xuất khẩu thông qua con đường văn hóa, hay nói cách khác là “gói văn hóa vào trong sản phẩm”, chúng ta mới tạo ra được ngành công nghiệp từ design (thiết kế) cho đến các nhà văn hóa hoạt động có chủ đích các trung tâm đào tạo có chủ đích.

Thương mại không còn là thương mại nếu như hội nghị thương mại toàn quốc không có các nhà giáo dục, các nhà văn hóa. Phải có họ, chúng ta mới yên tâm nói rằng chúng ta đang nhận thức đúng vấn đề mà chúng ta đang “xê dịch”. Nếu chỉ có các ông thương mại thuần túy thì xin lỗi, chúng ta vẫn là thương mại đơn thuần.

Việt Nam đang trên đường tìm kiếm thương hiệu

Trong mấy năm gần đây, chúng ta đều nói về thương hiệu này, thương hiệu kia. Thú thực tôi cũng rất tự hào rằng mấy năm trước tôi là người vận động cho chương trình đó ra Quốc hội, cho các nhóm tâm huyết và nhận được sự ủng hộ rất cao.

Thế nhưng, nhận thức được tầm quan trọng của thương hiệu là một chuyện. Vấn đề ở chỗ cần phải có một chiến lược xác định đâu là ưu thế nổi trội để phát triển. Hàn Quốc cũng từng mất một thời gian để tìm hiểu đâu là ưu thế của quốc gia họ. Họ không thể đi theo hướng chất lượng như Nhật, hay hướng giá rẻ như Trung Quốc, nên những sản phẩm của họ đi theo hướng thời trang. Lập tức, họ có chiến lược quốc gia để đào tạo những người thiết kế – design thích hợp, những nhà xây dựng hình ảnh và quảng bá thương hiệu ở mức độ nhất định. Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa thực hiện được điều này.

trung-nguyen-xay-dung-nha-may-ca-phe
Lễ khởi công xây dựng Nhà máy chế biến cà phê hiện đại nhất thế giới

Đặng Lê Nguyên Vũ – xây dựng một Thiên đường cà phê tại Buôn Ma Thuột

Điều đáng ghi nhận ở đây là vị doanh nhân trẻ này không chí nói suông, mà thực sự trong nhiều năm qua cùng với xây dựng và khẳng định tầm vóc của thương hiệu cà phê Trung Nguyên của Việt Nam trên thế giới, Đặng Lê Nguyên Vũ đã cặm cụi, chắt chiu chất xám, tìm học rồi cùng với những người có cùng quan điểm xây lên một Thiên đường cà phê tại Buôn Ma Thuột. Đó cũng là một tiêu thức hùng hồn của triết lý cà phê Việt Nam.

“Quyền lực mềm” của cà phê Việt Nam, một chuyên gia kinh tế đã khẳng định về dự án thiên đường cà phê toàn cầu: Thiên đường cà phê toàn cầu là một nội dung quan trọng của triết lý sống mới về cà phê, chính là mô hình minh chứng quan trọng nhất cho triết lý. Nếu nhìn triết lý cà phê dưới góc độ như một tôn giáo, thì việc xây dựng thiên đường cà phê toàn cầu chính là việc tạo ra một thánh địa cho tôn giáo cà phê, để quy tụ và phát triển những người sử dụng, yêu thích và đam mê cà phê trên toàn cầu theo hai giá trị sáng tạo và hài hòa. Thiên đường cà phê toàn cầu là một dự án tổng thể nhằm xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu lãnh thổ, chỉ dẫn địa lý ngành cà phê cho Việt Nam. Nhóm hành động góp phần đưa Tây Nguyên thành một địa bàn hấp dẫn toàn thế giới, một điển hình cho phát triển bền vững của Việt Nam và thế giới. Mang lại sự hài hòa lợi ích cho mọi đối tượng có liên quan.

Còn Đặng Lê Nguyên Vũ đã nhận định rằng: Hiện nay trên thế giới, cà phê với hơn 2 tỉ tín đồ trên toàn thế giới có thể xem như là một tôn giáo. Một tôn giáo đặc biệt mà ở đó bao gồm những con người đến từ khắp nơi trên toàn thế giới. Cho dù họ là ai, giàu hay nghèo, bao nhiêu tuổi, thuộc màu da, sắc tộc hay tôn giáo nào nhưng tựu chung lại đều có cùng một ngôn ngữ: Ngôn ngữ cà phê. Chính thứ ngôn ngữ này sẽ làm cho họ gắn kết, dãi bày những sẻ chia, thăng hoa những ý tưởng sáng tạo nhằm hướng thế giới đến một tương lai tốt đẹp hơn, một thế giới trong an bình, phát triển hài hòa, bền vững. Cà phê sẽ không chỉ đơn thuần chỉ là một thức uống mà nó thực sự trở thành một nguồn cung cấp năng lượng sáng tạo cho nhân loại. Và cũng chính doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ cũng đã khẳng định những suy nghĩ, hành động của mình trong cuốn “Nước Việt Nam nhỏ hay không nhỏ”. Để cho một quốc gia trở thành vĩ đại, trước hết mỗi công dân của quốc gia đó phải có Khát Vọng Lớn.

Bài học từ khát vọng lớn của Đặng Lê Nguyên Vũ

Từ khát vọng đó mới thôi thúc con người trau dồi niềm tin tri thức, đạo đức; mới có kế hoạch và hành động một cách kiên định, sáng tạo, để vượt qua mọi thử thách; nắm bắt mọi cơ hội để có thể vươn tới khát vọng của mình. Khát vọng đó xuất phát từ lòng ái quốc mạnh mẽ thiên về phát triển, khám phá và chinh phục, luôn vươn lên. Mọi thành quả về mặt vật chất là hệ quả của một khát vọng lớn lao. Chỉ cần sở hữu được những khát vọng, những tinh thần mạnh mẽ như vậy, một quốc gia có thể ngay lập tức có được sự kính trọng bởi thế giới biết họ đã sở hữu những phẩm chất vĩ đại, và vậy nên họ sẽ trở thành vĩ đại trong một thời gian không xa.

Lòng ái quốc là ý thức về sự tự chủ thực sự của quốc gia mình (tự chủ về các loại biên giới) và thể hiện vị thế của quốc gia mình so với thế giới thông qua việc đóng góp giá trị của quốc gia mình vào giá trị nhân loại, là việc phải đặt lợi ích của quốc gia lên trên lợi ích cá nhân, vì một lợi ích cá nhân chỉ bền vững khi nó nằm trong lợi ích quốc gia. Một quốc gia vĩ đại phải có giá trị văn hóa cao và có tính cộng đồng, nó phải hướng về lòng mong muốn chinh phục và khám phá, tôn thờ lòng chính nghĩa, chính trực, cao thượng; coi trọng lòng tự trọng, danh dự và trách nhiệm; không ngường củng cố đạo đức và các nguyên tắc đạo đức xã hội. Đó chính là những tố chất vĩ đại. Tinh thần đó được nhất quán từ mỗi công dân, mỗi tổ chức, tới Nhà nước, tới toàn thể kiều bào của quốc gia đó.

Cần khẳng định rằng sự giàu có và quyền lực không phải là thước đo của sự vĩ đại. Giàu có và quyền lực chỉ là hệ quả của những tố chất vĩ đại được hun đúc và bồi dưỡng liên tục mà thôi. Thực tiễn cho thấy, nếu một quốc gia chỉ hướng đến làm giầu về mặt kinh tế thì sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu và ngày càng tụt hậu so với thế giới. Nhưng, một quốc gia dù có xuất phát điểm thấp đến đâu đi chăng nữa nhưng nếu sở hữu được lòng ái quốc, có được những tố chất nói trên, thì sớm muộn gì cũng trở nên giàu mạnh và được các quốc gia khác kính nể.

Và, khát vọng lớn cho một đất nước mình để các nước khác phải kính nể. Những việc làm của doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ là một đều đáng để cho chúng ta phải nghĩ và phải hành động cho đất nước ta “không nhỏ”.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Tèo

    Ông này riết rồi bị vĩ cuồng mất thôi .

    1.Xét về khía cạnh 1 doanh nghiệp thì đúng là Trung Nguyên đang nổi đình nổi đám.Tuy nhiên khi xét đến ” chiều sâu” hay tính lịch sử thì Vũ và Trung Nguyên chỉ là 1 con số rất nhỏ bé .Chính vì tính lịch sử này mà chữ ” chính nghĩa” không ai trong Trung Nguyên dám dùng đến ! chắc hẳn anh ta còn nhờ bài học của TS Nguyễn Văn và tổng cty Dâu tằm tơ của đất Bảo Lộc -Lâm Đồng ngày nào.

    2.Xét về mức ” cống hiến” hay “đóng góp” mà Vũ và Trung Nguyên mang lại cho BMT hay cho ngành cà phê Việt Nam thì lại là 1 con số còn bé hơn nữa , vậy anh ta to miệng để làm cái gì ngoài 1 vài chiêu PR “sách vở “khá rẻ tiền của 1 MBA ?

    3. Anh ta hay ( tự anh ta cho là thế ) thì xin vui lòng giải quyết cái ” chuỗi giá trị” chưa đồng bộ mà đám trợ lí của anh ta thừa biết đó cho bà con nông dân đỡ khổ coi …Thật ra những ưu ái của nhà nước mà ở đây là các quan chức đầu ngành của Daklak dành cho Trung Nguyên là khá nhiều nhưng Tèo có thể ” to miệng” mà nói rằng : Về góc độ 1 doanh nghiệp thì rõ ràng Trung Nguyên đang vươn ra khỏi tầm của 1 quốc gia , tuy nhiên có là toàn cầu hay không còn tùy thuộc vào cơ hội và tâm+trí+lực của Trung Nguyên nữa .

    TUY NHIÊN ĐỪNG LỢI DỤNG VÀO SỰ ƯU ÁI CỦA CÁC BAN NGÀNH ĐOÀN THỂ VỚI 1 DOANH NGHIỆP MÀ ĐỨNG RA NÓI CHUYỆN CHÍNH NGHĨA .

    Tèo nhổ toẹt vào cái bài báo kiểu này .

    Hãy tự thuyết phục chính mình trước đi khi đi ” thuyết pháp” với người khác .

    Tèo- 1 nông dân hay nói.

  2. Lão Hạc

    Bài báo này có giá khoảng bao nhiêu nhỉ?

    Đối với độc giả chắc không đáng nửa xu. Đọc đến dòng thứ 3 là thấy chuối cả nải rồi.

  3. Quyen Dai Ca

    Tèo viết hay quá, bài viết này mình tin sẽ được rất nhiều người ủng hộ. Vì phần đông người dân BMT và giới cà phê khi biết về cái tâm và tầm của Nguyên Vũ rồi thì coi đây cũng chỉ là một chiêu thuyết khách theo hướng cơ hội. Ngành cà phê Việt Nam còn đang quá nhiều bất cập mà được nhiều người quan tâm như chất lượng xuất khẩu, doanh nghiệp và người trồng cà phê đang phải lao đao cần phải tìm ra giải pháp tháo gỡ. Đây mới là cái nền cần phải bàn, phải tính. Còn ước mơ thì tốt nhưng “vĩ cuồng” quá thì mong các quan chức có đỡ cho Nguyên Vũ thì cũng phải xét cho kỹ những bài thuyết khách dạng này.

  4. Rubusta

    Có ai đó trong ngành Thuế, Bảo Hiểm Xã Hội, Tài Nguyên & Môi trường và các ngành khác đang quản lý Công ty cà phê Trung Nguyên phát biểu hộ cho Nông dân thời @ biết :
    1/ Trung Nguyên đóng thuế hằng năm là bao nhiêu ? có bằng bà hàng xáo buôn cà phê xô ?
    2/ Trung Nguyên có bao nhiêu Công nhân viên và đã đăng ký đóng BHXH -BHYT cho mấy người ?
    3/ Trung Nguyên có thải nước bẩn ra môi trường? và có lừa dối khách hàng không ???

  5. Arabica

    Hệ thống G7 mat của Trung Nguyên cũng có một thời lòe thiên hạ đến nay tắt đài rồi. Đến nay lại có chiêu gì nữa đây ? Thôi ngán quá không muốn thảo luận nữa, hãy đợi xem và “hãy nói theo cách của bạn”.

  6. Ngao văn Ngán

    Thời buổi hiện đại này rồi mà còn sinh ra loại bồi bút này nữa a !
    Trước khi viết hãy nên tìm hiểu dân BMT suy nghĩ thế nào về nhân vật này nếu báo chí còn cần sự tôn trọng của dân chúng.
    Khát Vọng Lớn chính là sự “vĩ cuồng”, là loại ảo tưởng dễ dàng ru ngủ mọi người và bị thâu tóm một cách nhẹ nhàng trong cái gọi là “quyền lực mềm” hết sức nguy hiểm mà chân tướng đã được bộc lộ ngày càng rõ. Nhưng người ta cố tình làm ngơ cho “những tố chất vĩ đại” chỉ vì cái gì ??? Và những tố chất vĩ đại đó là như thế nào?
    Mời bạn hãy giành một khoảng thời gian nhỏ để ra bùng binh cây số 3 ngồi uống cà phê thì bạn sẽ rõ được nhiều chuyện !

  7. Nguyễn Kim Tú

    Có một câu chuyện thế này : Người thân của tôi sang Trung Quốc (Bắc Kinh và Expo Thượng Hải 2010) gặp đối tác, họ tặng quà và nhắn “nếu lần sau ‘you’ sang đây thì mang cho ‘me’ mấy gói cà phê Trung nguyên nhé !” “cà phê Thái Hoà được không? cũng được đấy!” “Không, tôi uống cà phê Trung nguyên rồi, và biết Việt nam có cà phê Trung nguyên thôi !” mặc dù Thái Hoà cũng đang bán cà phê tại thị trường Trung Quốc! Tôi nghe kể, chạnh lòng thì ít mà thấy cảm ơn Trung Nguyên thì nhiều vì dù sao họ cũng đã thay chúng tôi làm được một việc rất lớn là quảng bá thương hiệu Việt, làm cho người nước khác biết đến sản phẩm nước mình ! Tự hào lắm chứ !
    Kể cả bài viết này có là một bài PR thì có đáng để các ông cao giọng nặng lời đến thế không ? mà họ PR đấy, thì đã sao?Bỏ tiền vào thị trường báo chí là một tội ?Bài viết này có gì vi phạm thuần phong mỹ tục không ?
    Còn đóng góp cho địa phương, cho nhân dân ư ?Nếu Bill Gates và Warren Buffett ngay từ khi có 10 triệu USD trong tay đã nghĩ đến việc lập quỹ làm từ thiện thì ngày nay đã không có Quỹ Bill & Melinda Gates lớn đến thế !Bản thân quá trình tồn tại và phát triển của Doanh nghiệp đã là một sự đóng góp cho xã hội rồi !Họ cũng gặp cả núi khó khăn mà nhiều lúc phải tự thổi mình lên để vượt qua (các ông không tin thì vay tiền ngân hàng lập doanh nghiệp đi !)
    Tôi mong các ông bớt phán xét hồ đồ và thiện chí hơn vì tôi tin khi đọc những phản hồi này sẽ có nhiều người Trung Nguyên bức xúc, nhưng có thể họ không muốn tranh luận làm gì vì họ nghĩ rằng trên con đường của họ, sẽ có nhiều thứ rác rưởi phải bước qua !

    1. Le Ngoc Dung

      Gửi bạn Nguyễn Kim Tú.
      Mình theo dõi qua những phản hồi của bạn trên mấy bài viết tối nay và đồng tình với bạn về một số ý kiến khi bạn nhận xét những phản hồi của một số người còn thiếu thiện chí.
      Nhưng đến mấy phản hồi sau này thì mình thấy bạn cũng chẳng hơn, tự đánh mất thiện chí của chính mình rồi đó.
      Mong bạn tỉnh táo hơn!

  8. Tèo

    Tú,

    em hiểu sai ý của mọi người rồi.

    Đâu có ai phủ nhận được cái mà Trung Nguyên đã và đang làm, cám ơn không hết ấy chứ . Tui cũng ra nước ngoài nhiều và cũng thấy Trung Nguyên được các đối tác biết đến như thế nào.

    Có điều , chỉ là 1 doanh nghiệp thôi, đừng đem chuyện” chính nghĩa” giống như tự sướng vào đây.

    Tèo nói là có căn cứ. Tuy nhiên nếu ai muốn biết thật sự thì Tèo thử đưa ra 1 lí luận nhé .

    VN 1 năm tiêu thụ khoảng 90 ngàn tấn . Cứ cho Trung Nguyên ” xài hết” 50% là 45 ngàn tấn.

    a. 45,000 MT / 1.07 =42,000 MT x 150,000,000 = doanh Thu.

    b.Theo công thức chuẩn thì profit = 15% doanh thu .

    c. TN sẽ đóng thuế 28% của b.
    ———

    Đấy cứ theo cái suy nghĩ ” nông dân” như Tèo rồi so với các chỉ số khác , thì các bạn sẽ hiểu ra được sự đóng góp của TN cho BMT/Daklak là bao nhiêu , do đó nói đến việc “chính nghĩa” lúc này là ” nói cho thỏa cái mồm” và ” cả vú lấp miệng em” . Tèo chửi là chửi cái “thèng” viết ra cái bài này nó cứ nghĩ người đọc là NGU .

    Vậy Tú nhé.

    Tèo

  9. Tín Đồ Cà Phê BMT

    Kim Tú à !
    Thực ra sự thành công của Trung Nguyên cũng được nhiều người công nhận, nhất là việc quảng bá và xây dựng thương hiệu của TN cũng nhạy bén và ấn tượng đấy chứ. Nhưng cái thực tế mà ai cũng thấy là doanh số tiêu thụ nội địa cà phê của TN lớn như vậy thì lợi nhuận cũng không thể nhỏ được. Tài sản của TN cũng đồ sộ đấy chứ, cũng chẳng sao, người ta vẫn nói “khéo co thì ấm” mà. Nhưng chỉ có ngành thuế mới hiểu được Trung Nguyên lách thuế cũng siêu không kém gì tài xây dựng thương hiệu.
    Có điều cái kiểu nổ của Nguyên Vũ từ điệu bộ tới phát ngôn khiến người ta dễ ghét với kiểu như thiên hạ là ngu hết sao ? “Con hơn cha là nhà có phúc” nhưng Nguyên vũ cũng không nên coi thường những bậc tiền bối trong ngành cà phê, như vậy là hơi bất hiếu. Liệu Nguyên Vũ có biết có biết bao nhiêu người tâm huyết với ngành cà phê này không? Họ đã làm và đóng góp rất nhiều nhưng nói ít và khiêm tốn thôi. Ý tưởng của Nguyên Vũ cũng hay đấy chứ! Nhưng tâm và điệu bộ của Nguyên Vũ thuyết giáo như cái kiểu viết của nhà báo nào đó thì chỉ khiến các tín đồ cà phê chửi cho bõ ghét.

  10. thanh tuyen

    Xin chào mọi người. Mình chỉ là nông dân thôi. Từ trước đến giờ mình chỉ biết đến việc giá mua bán cho các đại lí thôi. Mình muốn tìm hiểu thêm để hiểu rõ hơn “số phận” của sản phẩm mình trên thị trường và sàn giao dịch. Rất mong mọi người chỉ nhiệt tình.

Tin đã đăng