Nỗi buồn thương hiệu cà phê Việt

Cà phê vốn được coi là cây trồng chủ lực với rất nhiều nhiều chính sách, cơ chế để phát triển vùng trồng, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư theo chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ nhằm giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng.

Cà phê Việt Nam đã có vị thế và sức cạnh tranh nhất định trên thị trường thế giới, khi theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2017, xuất khẩu cà phê đã đạt 3,2 tỷ USD và trong quý I năm nay là gần 1 tỷ USD. Xuất khẩu cà phê có lúc trồi lúc sụt nhưng phải khẳng định, đây đã, đang và vẫn sẽ còn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu quan trọng của Việt Nam.

Vậy mà, có một nghịch lý đang tồn tại ở quốc gia xuất khẩu cà phê nhất nhì thế giới là cà phê bẩn. Thi thoảng cơ quan chức năng lại “khui” ra vụ việc ở nơi này, nơi kia sản xuất cà phê bẩn, điển hình như việc nhiều cơ sở dùng ngô và đậu nành tẩm ướp hóa chất, sau đó rang, xay khét đen trong điều kiện sản xuất không hợp vệ sinh; hay gần đây nhất là hành vi trộn lõi pin vào cà phê, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người tiêu dùng.

Ngay cả Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng phải thừa nhận, “với thị trường thế giới, qua mỗi vụ việc như thế sẽ tạo ra tâm lý chung là lo ngại, ác cảm đối với sản phẩm cà phê Việt Nam”.

Cà phê Việt Nam đã có mặt trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Trong khi toàn ngành hàng cà phê đang nỗ lực xây dựng, quảng bá thương hiệu, cà phê trộn lõi pin dù chỉ là cá biệt trên thị trường cũng vẫn ảnh hưởng tiêu cực đến danh tiếng, thương hiệu cà phê Việt Nam.

Cuộc chiến bảo vệ thương hiệu đã khốc liệt, nỗi khổ của người trồng cà phê còn cay đắng hơn. Giá cá phê ở Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng đang dao động ở mức 36.000 – 37.000 đồng/kg, giảm tới 10.000 đồng/kg so tháng 6.2017.

Không khó hiểu khi nông dân Tây Nguyên đồng loạt chặt hạ cà phê chuyển sang trồng tiêu, bơ, rồi lại phá tiêu trồng lại cà phê. Bởi sau mỗi vụ cà phê bẩn, thương hiệu cà phê Việt phần nào bị ảnh hưởng và giá cả có thể vì thế cũng giảm.

Cà phê pin” nghe nói chỉ xuất hiện ở Đắk Nông hay chỉ bán ở Đông Nam Bộ, nhưng ở miền Bắc, miền Trung và có thể tận nước ngoài, không thể tránh khỏi những ánh nhìn e dè về thương hiệu cà phê Việt. Bởi chẳng ai biết rõ đâu bẩn, đâu sạch và ai kiểm chứng được “cà phê pin” không bán tràn lan? Rõ ràng, sau mỗi vụ việc như thế, lại sẽ là một hành trình dài nhọc nhằn của những người bán cà phê chân chính trên con đường lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Để bảo vệ người tiêu dùng cũng như để những nỗ lực xây dựng, quảng bá thương hiệu ngành hàng cà phê không “đổ xuống sông xuống biển”, đã đến lúc cần xử phạt nghiêm khắc hơn để xóa sổ cà phê bẩn. Hơn ai hết, trách nhiệm của cơ quan quản lý an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương nơi xưởng sản xuất cà phê độc hại này, cũng cần phải được làm rõ, quy trách nhiệm tới nơi tới chốn, tránh tình trạng “ném đá ao bèo”.

Xem thêm:

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng