Mã vùng trồng quá ít, lo sầu riêng bị ‘thắt cổ chai’

Việt Nam với 246 mã vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp phép còn quá ít so với 20.000 mã của Thái Lan.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam cho biết, tại buổi giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ nước ngoài tháng 3-2023 của Bộ Công thương, hiệp hội đã có một số báo cáo và kiến nghị.

sau rieng chin vuon
Sầu riêng vườn chín tự nhiên bày bán tại chợ . ẢNH: TÚ UYÊN

Người Trung Quốc thích sầu riêng Việt

Số liệu sơ bộ từ Tổng cục hải quan tính đến ngày 20-3, hiệp hội tính toán sơ bộ kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam trong ba tháng năm 2023 đạt khoảng 950 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2022. Rau quả xuất siêu 500 triệu USD.

Riêng trong hai tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam đạt 564,93 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc đạt 320,53 triệu USD tăng 23% so với cùng kỳ.

Theo ông Nguyên, kết quả trên nhờ hai sự kiện. Một là tháng 7-2022 Việt Nam và Trung Quốc ký Nghị định thư cho phép Việt Nam xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang Trung Quốc.

Tiếp đó, Nghị định thư về chuối cùng với khoai lang, tổ yến cũng được ký kết… mở đường thuận lợi cho các mặt hàng quan trọng của Việt Nam sang Trung Quốc.

Đặc biệt, sầu riêng Việt Nam khi qua chợ Trung Quốc được người tiêu dùng yêu thích do chất lượng ngon hơn hàng Thái Lan dù giá bán cao hơn.

Năm nay sầu riêng xuất khẩu dự kiến sẽ đạt 1 tỉ USD, cùng với thanh long, mít, xoài… nếu vẫn đạt 3 tỉ USD như năm 2022 góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay đạt 4 tỉ USD trở lên, tăng ít nhất 20% so năm 2022.

Cần cấp thêm mã vùng trồng cho sầu riêng Việt Nam

Tuy nhiên, để tạo sự đột phá tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc cũng như tăng kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam trong năm 2023, hiệp hội đề nghị nhà nước đẩy mạnh đàm phán với Trung Quốc để cấp phép thêm nhiều mã vùng trồng sầu riêng cùng với cơ sở đóng gói.

Theo ông Nguyên, từ tháng 9-2022 Việt Nam có 51 mã vùng trồng sầu riêng, 25 mã cơ sở đóng gói được Trung Quốc cấp phép. Đến nay, Việt Nam đã có 246 mã vùng trồng (khoảng 12.000 ha/110.000 ha), 97 mã cơ sở đóng gói sầu riêng đáp ứng đầy đủ yêu cầu xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

Điều này giúp sầu riêng Việt Nam có điều kiện thâm nhập vào thị trường tỉ đô của mặt hàng này tại Trung Quốc.

Tuy nhiên, Việt Nam với 246 mã còn quá ít so với Thái Lan 20.000 mã vùng trồng, 2.000 mã cơ sở đóng gói… Do đó, rất khó có thể tiêu thụ hết sản lượng sầu riêng.

Cụ thể, Việt Nam với diện tích 110.000 ngàn ha, sản lượng hơn triệu tấn/năm và tăng bình quân 10%/năm. Năm nay chắc chắn sẽ có hiện tượng “thắt cổ chai” trong ngành hàng sầu riêng do có hàng nhưng hết hoặc không có đủ quota xuất khẩu.

Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có đủ cán bộ bố trí, kiểm tra, hướng dẫn, tư vấn giúp các nông hộ, DN các bước chuẩn bị cơ bản cần thiết, chu đáo để khi hải quan Trung Quốc kiểm tra là đạt 100% được cấp mã số. Tránh tình trạng bị rớt “oan uổng” do không rõ, không biết, giúp Việt Nam càng có có nhiều mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói đủ để xuất khẩu.

Tương lai không xa, sầu riêng sẽ là mặt hàng đem về kim ngạch trên tỉ đô nên nhà nước cần có chính sách bảo vệ hoạt động cho ngành hàng này.

Theo đó, cần có luật xử lý hình sự bên cạnh phạt tiền nặng những ai vi phạm quyền sở hữu mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói (đóng hàng gian, giả nhãn hiệu, chất lượng xấu) làm mất uy tín thương hiệu quốc gia, nhất là sầu riêng.

“Thậm chí, giống Thái Lan, chúng ta cần có luật xử phạt nặng những người vì lợi nhuận trước mắt, buôn bán, thu hoạch sầu riêng non xuất khẩu, phá hoại thương hiệu mặt hàng xuất khẩu quan trọng của quốc gia” – ông Nguyên kiến nghị.

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng