Khái niệm vườn cà phê ba tầng sinh thái để chỉ trong vườn từ lâu vốn chỉ được trồng độc canh cây cà phê thì nay lại có thêm các cây khác như sầu riêng, bơ, tiêu hay điều cùng chung sống trên cùng 1 hàng cà phê.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong những năm gần đây, giá cà phê không mấy hấp dẫn, chỉ dao động từ 36-40.000đ/kg, nhưng bà con không ai chịu bỏ đất hoang như trường hợp với một số cây khác. Ngược lại, diện tích cà phê vẫn tăng lên đều đặn.
Đến năm 2020, chỉ tính riêng cho khu vực Tây Nguyên, diện tích cà phê đạt 639.000ha, tăng 138.300ha so với năm 2010 (26,1%), năng suất cà phê cũng tăng lên 5,7 tạ để đạt mức 28 tạ/ha (tăng 25,5% so với năm 2010). Nhờ vậy, vào năm 2020 nước ta đã cung cấp cho thị trường cà phê thế giới được 1,642 triệu tấn, năm 2022 là 1,77 triệu tấn, xếp thứ 2 sau Brazil.
Cũng tính đến năm 2020, đã có 14.856ha được tái canh và ghép cải tạo, và bà con cũng đã đưa vườn cà phê vào diện xen canh đến 138.100ha (chiếm 21,5%) so với tổng diện tích cà phê của khu vực.
Nhiều nông dân cho biết, trồng xen các loại cây nông nghiệp vào vườn cà phê không tốn thêm công so với kỹ thuật cũ mà lại có lợi vì có thêm thu nhập ổn định, nhất là vào những năm cà phê mất giá.
Theo gói kỹ thuật canh tác cà phê thì khi trồng mới bà con phải thiết kế các hàng cây lâm nghiệp để chắn gió. Việc tìm kiếm đủ số lượng cây chắn gió vừa tốn công vận chuyển vừa tốn thêm chi phí mà không có phần thu nhập bổ sung như trường hợp trồng xen với cây nông nghiệp.
Trồng xen cũng không tốn thêm phân bón, nước tưới và các hoạt động chăm sóc khác. Vì vậy, trồng xen trong vườn cà phê là biện phát kỹ thuật được nông dân hưởng ứng rất nhanh chóng.
Anh Trần Văn Định, từ nhỏ đã rời quê hương Bình Định, theo gia đình vào lập nghiệp tại ấp 8, xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước. Hiện gia đình anh có tổng 6,5ha đất rẫy, chia làm 2 khu vực. Lúc đầu anh Định chỉ trồng cà phê thuần, về sau làm theo lời khuyên của khuyến nông, anh trồng điều xen, vừa làm bóng mát vừa để có thêm thu hoạch.
Trong những năm giá cà phê trên thị trường bị giảm mà giá hạt tiêu lại tăng đến mức quá hấp dẫn, nhiều hộ phá bỏ cà phê để trồng tiêu, nhưng anh Định thấy cà phê còn sung sức nên tiếc, chỉ trồng xen thêm tiêu vào nương cà phê.
Trong vườn cà phê 4ha của anh Trần Văn Định giờ đây có mặt 3 loại cây (2.800 cây cà phê trong đó có 1.800 cây cà phê mới trồng bằng cây ghép và 1.000 cây do bản thân anh học hỏi để tự ghép cải tạo).
Trên diện tích 4 ha vốn trồng thuần cà phê nay đã có 360 gốc điều, 200 gốc tiêu và 2.800 cây cà phê ghép. Từ vườn cà phê trồng thuần rồi xen cây điều thì nay vườn cà phê của anh đang hiện hữu 3 tầng sinh thái. Cây che bóng có tán rộng là điều, cây che bóng tán hẹp là tiêu và cà phê nấp dưới bóng của tiêu và điều.
Tính sơ bộ mỗi vụ điều xen, năm thất mùa cũng thu được 8,5 tấn hạt, năm được mùa đạt đến 10-11 tấn. Bây giờ cây điều đang nuôi cây tiêu và cà phê. Tuy vậy, vườn cà phê chưa đầy 3 năm tuổi của anh Trần Văn Định đã cho được 6 tấn cà phê bói, bình quân mỗi ha chỉ trên 900 cây đã cho vụ bói đến 1,5 tấn nhân, còn tiêu cũng chưa đầy 30 tháng tuổi nhưng cũng đang cho quả. Anh Định dự tính, thời gian tới, năng suất cây tiêu trên 5 kg/gốc và cà phê trên 4 tấn/ha.
Chia sẻ về kinh nghiệm xây dựng 3 tầng sinh thái, anh Định cho biết nhờ học hỏi các kinh nghiệm do khuyến nông và ngay cả các đại lý vật tư nông nghiệp… Ngoài ra, những năm gần đây cán bộ của Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tư vấn về cách sử dụng phân bón nên có được mô hình như trên.
Tuy vườn có 3 cây nhưng chỉ cần bón phân cho cà phê và tiêu còn điều ăn ké phân của 2 cây này. Nhờ vậy, lượng phân tiêu tốn không nhiều. Cả 3 loại cây anh Định chỉ bón 2 đợt Đầu Trâu cà phê mùa khô, mỗi cây chừng 400g, cây tiêu cũng vậy. Vào mùa mưa, anh sử dụng phân Đầu Trâu NPK 16-16-8, mỗi lần bón khoảng 300 kg/ha, bón 4-5 lần/năm chung cho 4 ha. Như vậy, so với cà phê hay tiêu trồng thuần thì canh tác xen canh tốn ít phân, lại tốn ít công lao động cho việc bón phân và làm cỏ.
Với mô hình này, anh Định khẳng định rằng không sợ thất mùa, hiện giá cà phê và tiêu còn thấp thì cây điều lại được giá, tự các cây nuôi nhau. Mỗi lần tưới nước cho cà phê và tiêu thì cây điều cũng được hưởng lợi, điều cho ra hạt từ 24 đến 30 kg hạt/cây mỗi vụ.
Cần phải xem xét thật kỹ về kỹ thuật cây trồng chứ cây điều, tiêu và cây cà phê không thỏa mãn được nhu cầu tưới nước nên có khả năng được mùa cây này mất mùa cây khác.