Tai nạn khi thu hoạch hồ tiêu: Không thể chủ quan

Với đặc thù trụ tiêu cao, khi hái phải dùng thang cao từ 5 – 7 m, trong khi thời điểm thu hoạch tiêu thường là mùa gió của Tây Nguyên khiến công việc tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nhiều lao động trong lúc thu hoạch hồ tiêu đã bị té ngã dẫn đến gãy tay, chân, cổ…, thậm chí là tử vong.

Nhiều tai nạn thương tâm

Đắk Lắk đang bước vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu, đây cũng là thời điểm các vùng trồng tiêu thu hút khá lớn lượng nhân công ở các địa bàn khác đến hái tiêu thuê.

Ông Phạm Bá Thủy, Chủ tịch UBND xã Ea Ning (huyện Cư Kuin, Đắk Lắk) cho biết, Ea Ning là vùng trọng điểm hồ tiêu của huyện Cư Kuin, mỗi năm có hàng trăm lượt nhân công từ nơi khác đến hái thuê.

Việc hái tiêu gặp nhiều rủi ro về tai nạn lao động do đặc thù các vườn tiêu trồng trên trụ sống nên rất cao. Trên địa bàn xã có nhiều trường hợp bị tai nạn thương tích khi đang hái tiêu.

Năm 2022, trên địa bàn xã đã có hai trường hợp bị tử vong do té ngã khi đang hái tiêu. Mới đây, ngày 18/2/2023, bà T.T.H. (SN 1974, trú thôn 24) khi đang hái tiêu cũng đã bị tai nạn dẫn đến tử vong.

Khi thu hoạch tiêu người hái thường phải trèo cao nên rất dễ bị ngã.

Tại một số địa phương trồng tiêu khác, tình trạng tai nạn lao động do hái tiêu cũng đã xảy ra, như trường hợp của bà Lê Thị Hồng Phương (tổ dân phố 5, thị trấn Krông Năng, Đắk Lắk).

Năm 2022, trong lúc trèo thang để hái tiêu (cao khoảng 3 m) đã bước hụt trên bậc thang nên bị té. Tai nạn khiến bà Phương bị vỡ đốt sống cổ, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa  vùng Tây Nguyên.

Phải mất 5 tháng bà Phương mới hồi phục, tuy nhiên mỗi lần trời trở gió vẫn đau nhức khó chịu. “Sau sự cố này, giờ tôi không dám trèo lên cao nữa. Mỗi khi thu hoạch tiêu, tôi cũng phải buộc thang vào trụ tiêu thật chắc, và hết sức cẩn thận trong quá trình với hái trên cao”, bà Phương chia sẻ.

Theo số liệu của Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, hằng năm bệnh viện tiếp nhận từ 20 – 30 ca bị tai nạn trong quá trình hái tiêu. Từ đầu năm 2023 đến nay, bệnh viện đã tiếp nhận 3 ca bệnh đều chấn thương cột sống cổ, bệnh nhân đã xin chuyển vào TP. Hồ Chí Minh để điều trị, tuy nhiên tiên lượng rất xấu, có khả năng bị liệt tứ chi, liệt hô hấp, tổn thương tủy…

Theo Bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, những thương tích khi té từ độ cao là rất nặng, nếu gãy cổ sẽ dẫn đến liệt tứ chi, để lại những thương tích rất nặng nề và có thể tử vong thời gian ngắn sau đó. Một số trường hợp khác bị tổn thương đốt sống thắt lưng, việc phẫu thuật, điều trị bệnh vô cùng phức tạp và rất tốn kém. Một số trường hợp khác nhẹ hơn thì gãy tay, gãy chân…

Nếu bị té từ trên cao xuống, nạn nhân có thể bị tổn thương cột sống lưng, gãy cổ…, chúng ta không được khiêng, vác nạn nhân một cách thô bạo mà cần dùng băng ca hoặc ván cứng để di chuyển bệnh nhân với tư thế luôn luôn duỗi thẳng. Đối với những chấn thương gãy chi dưới thì phải nhẹ nhàng kéo thẳng chi ra và cố định, kịp thời đưa đến cơ sở y tế gần nhất”.

Bác sĩ Nguyễn Đại Phong, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên

Người lao động không nên chủ quan

Tỉnh Đắk Lắk hiện có 30.948 ha hồ tiêu, đa số nông dân trên địa bàn tỉnh dùng các loại cây như: muồng, gòn, keo… để làm trụ sống cho cây hồ tiêu nên phần lớn các trụ tiêu thường rất cao, khoảng từ 5 – 7 m. Việc thu hái hồ tiêu phải dùng đến thang và người dân chủ yếu dùng thang sắt để dựa vào trụ tiêu trèo lên hái.

Trong khi đó, đặc điểm các bồn trồng tiêu thường trũng để thuận lợi tưới nước; nhiều vùng tiêu trồng trên khu vực đất dốc, không bằng phẳng, khó cố định thang. Hơn nữa, thời điểm thu hoạch tiêu, thời tiết thường có gió to, tiềm ẩn nhiều rủi ro té ngã cho người dân khi hái tiêu.

Anh Huỳnh Ngọc Hai (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) cho biết, anh đi hái tiêu thuê nhiều năm nay, công việc khá nguy hiểm, nhiều rủi ro hơn so với thu hoạch các loại cây trồng khác, chỉ cần sơ suất có thể dẫn đến ngã, đổ thang khi đã trèo lên cao.

Vì vậy, mỗi khi gặp vườn tiêu cao, anh Hai luôn cẩn thận quan sát, kiểm tra cây, vừa cố định thang chắc chắn trước khi trèo. Trường hợp gặp khi gió to thì hái dưới thấp trước, sau đó dùng dây cột thang cố định vào trụ tiêu cho chắc chắn rồi mới trèo hái trên cao…

Đối với những gia đình thuê nhân công như hộ bà Ngô Thị Mỹ Hạnh (thôn 3, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin), mỗi vụ tiêu gia đình cần khoảng 150 người để thu hoạch. Gia đình luôn dặn dò nhân công phải cố định thang chắc chắn rồi mới trèo lên hái. Trời gió to thì không trèo lên cao, chú ý đảm bảo an toàn để hạn chế nguy cơ gặp tai nạn, sự cố.

Hay gia đình Nguyễn Thị Thu (thôn 8, xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar) luôn chủ động cắt cành, cắt ngọn các trụ tiêu sống để duy trì độ cao trung bình từ 4 – 5 m; khi thu hoạch thì luôn kiểm tra, nhắc nhở nhân công buộc thang cố định vào gốc cây để hạn chế thang xê dịch…

Với thực trạng tai nạn lao động trong quá trình thu hái hồ tiêu hiện nay, các địa phương cũng đã có sự khuyến cáo để người dân đề phòng. Người lao động cũng cần nâng cao ý thức bảo vệ bản thân, phòng, chống tai nạn thương tích trong quá trình thu hái hồ tiêu.

>> Mùa hồ tiêu “cay” của nông dân Đắk Nông

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng