“Năm 2011 vừa qua, chỉ một tập đoàn cà phê nổi tiếng của Đức đã đạt doanh thu 400 triệu USD/năm”
“Năm 2011 vừa qua, chỉ một tập đoàn cà phê nổi tiếng của Đức đã đạt doanh thu 400 triệu USD/năm. Trong khi đó, doanh thu xuất khẩu của toàn ngành cà phê Việt Nam mới đạt 2,4 tỷ USD, với 2,6 triệu người nông dân trồng cà phê trên diện tích hơn 558 ngàn ha đất canh tác”.
Câu chuyện này được ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên, nêu với VnEconomy như một ví dụ về hiện trạng quá phụ thuộc vào xuất khẩu nguyên liệu thô của ngành cà phê Việt Nam hiện tại.
Trong khi, giống như chiến lược phát triển cây cọ dầu ở Malaysia, Việt Nam hoàn toàn có khả năng lấy cà phê làm trung tâm, chế biến, đóng gói, nhập cả những sản phẩm phụ để đóng gói thành phẩm rồi bán cho các nhà xây dựng thương hiệu khác, để người ta có thể gắn tên của họ vào.
“Nhiều người tham gia, diện tích trồng nhiều, sản lượng nhiều nhưng thực tế giá trị mang lại quá ít. Trên thương trường quốc tế, sự cạnh tranh rất khốc liệt, chúng ta là người đi sau, nhưng cả nền móng về thương mại, khả năng đóng gói, trình bày, marketing đều rất yếu, và rất tiếc chúng ta vẫn chưa khắc phục được”, ông Vũ nói.
Theo ông chủ hãng Trung Nguyên, mặc dù xuất khẩu cà phê của Việt Nam đã vươn lên vị trí số hai thế giới, nhưng để sự phát triển thực sự bền vững thì rốt cục vẫn phải đối mặt với hai vấn đề khó khăn: một là làm sao để có chất lượng cà phê ổn định, hai là xây dựng thương hiệu tốt.
“Việt Nam thường có tình trạng những lô đầu xuất thì tốt, sau đó lại để tình trạng không đảm bảo vấn đề canh tác, không tuân thủ những tiêu chí khi áp dụng khoa học kỹ thuật nên chất lượng không đảm bảo. Để có chất lượng cà phê ổn định, phải kiểm soát được từ khâu đầu tiên là người nông dân đến khâu cuối cùng là sản phẩm. Khi đó, tôi bảo đảm sẽ kiểm soát và nâng cao chất lượng cà phê”.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ tiết lộ thêm, nhận thấy tiềm năng của thị trường Trung Quốc rất lớn, Trung Nguyên đã có nhiều hoạt động thương mại tại thị trường này.
“Dự kiến năm 2012, doanh số của Trung Nguyên tại Trung Quốc sẽ đạt khoảng 50 triệu USD. Nếu thị trường không có biến động lớn, chúng tôi dự kiến doanh số tại thị trường Trung Quốc sẽ cao gấp đôi hàng năm. Chúng tôi đặt mục tiêu sẽ lấy của mỗi người Trung Quốc 1 USD/năm”, ông Vũ tự tin.