Việt Nam đã có cà phê chồn? Kỳ 4: Cây cà phê ở Việt Nam

Chỉ mới được đưa vào nước ta nhưng cây cà phê nhờ có vùng đất đỏ bazan màu mở của Tây Nguyên đã phát triển nhanh chóng. Mặc dầu có nhiều biến động, thăng trầm nhưng tròn 1 thế kỷ sau, Việt Nam đã vươn lên chiếm vị trí số 1 trong thị phần xuất khẩu cà phê Robusta của thế giới.

Những ngọn đồi phủ kín cà phê
Những ngọn đồi phủ kín cà phê

Kì 4 : Cây cà phê ở Việt Nam

Ở Việt Nam cây cà phê xuất hiện đầu tiên vào cuối thế kỷ XIX ở vùng Di Linh, Bảo Lộc và sang đầu thế kỷ XX ở vùng Phủ Quỳ, Nghệ An. Nhưng số cà phê trồng ở Phủ Quỳ tỏ ra không thích hợp chủ yếu là vì thời tiết nên số diện tích đã không phát triển mặc dù vẫn tồn tại. Ngược lại số diện tích trồng ở Di Linh cho kết quả rất khả quan vì sự tương thích của khí hậu, thổ nhưỡng nên nhanh chóng lan ra khắp Cao nguyên Trung phần.

Bên cạnh giống cà phê mít và cà phê vối được trồng đầu tiên, đến khoảng thời kỳ kháng chiến chống Pháp thì giống cà phê chè mới xuất hiện.

Tuy nhiên ở nước ta cây cà phê được trồng vẫn còn ở mức độ thăm dò là chính. Đời sống của nhân dân vẫn còn khó khăn, lượng cà phê tiêu thụ trong nước còn ít, xuất khẩu chưa đáng kể và còn do chiến tranh liên miên. Nhưng trước năm 1975, “Cà Phê Buon Ho” đã trở thành một thương hiệu khá nổi tiếng, được thương nhân Hồng Công ưa chuộng.

Sau ngày thống nhất đất nước, số diện tích cà phê của cả nước mà chủ yếu ở Tây nguyên mới chỉ hơn 10.000ha trong đó khu vực tư nhân chiến gần một nửa với qui mô nhỏ lẽ. Số diện tích này tập trung nhiều trong khu vực chung quanh Di Linh, Bảo Lộc và Buôn Ma Thuột, Đak Lak.

Diện tích cà phê phần nhiều là do quá trình cải tạo XHCN trong nông nghiệp và của những người bỏ ra nước ngoài để lại. Ban đầu, do ngành nông nghiệp địa phương quản lí. Về sau mới thành lập Công ty cà phê ca cao, tiền thân của Liên Hiệp Các Xí nghiệp Cà phê Việt Nam, nay là Tổng Công ty Cà phê Việt Nam.

Bên cạnh việc phát triển diện tích dưới sự quản lí của các Xí nghiệp, Nông trường quốc doanh, trong việc hợp tác kinh tế với các nước XHCN anh em đã cho ra đời nhiều Xí nghiệp Liên Hiệp Cà phê kết hợp với chính sách di dân đi vùng kinh tế mới, số diện tích còn lại được phát triển chủ yếu trong những vùng cư dân theo đạo Công giáo là chính.. Nhà nước đã giao cho các Công ty Ngoại Thương bao tiêu xuất khẩu và cung cấp vật tư, hàng hóa đối lưu. Do đem về ngoại tệ và vật tư quý hiếm phục vụ sản xuất trong giai đoạn đất nước còn nhiều khó khăn nên cà phê mới thực sự bắt đầu có giá. Từ đó diện tích được mở rộng dần dần một cách tự phát trong dân.

Nhưng mặt trái của lối làm ăn tập thể cũng xuất hiện cùng với một qui trình sản xuất duy ý chí, lạc hậu, không hợp lí đã làm cho năng suất, sản lượng cà phê rất thấp, dẫn đến thua lỗ. Đời sống của người sản xuất cà phê rất khó khăn. May thay chính sách liên kết, khoán vườn cà phê cho công nhân và người sản xuất, trả vườn cà phê về cho chủ cũ kịp thời ra đời đã làm hồi sinh cây cà phê trên đất Tây Nguyên. Qui trình sản xuất cũ kỹ lạc hậu bị dẹp bỏ. Lúc này diện tích đã tăng lên rất đáng kể. Chủ yếu là phát triển giống cà phê Robusta, một giống dễ trồng, có khả năng kháng được nhiều loại sâu bệnh, không đòi hỏi kỹ thuật cao.

Bằng sức lao động bền bĩ, sáng tạo có tính truyền thống, năng suất cà phê nhân bắt đầu gia tăng vượt bậc, từ 800kg đến 1.000kg/ha lên 2,5tấn rồi 3tấn/ha, thậm chí có nơi 4 tấn/ha hoặc trên nữa. Lại thêm cơn bão giá ập đến : 1 tấn cà phê nhân bằng 15-17 tấn gạo.

Cây cà phê thực sự trở thành cây vàng cây bạc. Người ta đua nhau đi lên miền núi khai hoang trồng cà phê. Đến các thành phố lớn đều nghe râm rang chuyện đi trồng cà phê. Các công ty kinh doanh nông sản, thực phẩm ở đồng bằng cũng tham gia vào mặt hàng cà phê…Diện tích trồng mới tăng lên nhanh chóng khi có thêm sự tham gia của các tỉnh miền trung. Cây cà phê đã vượt tầm kiểm soát, vươn lên chiếm lĩnh vị trí hàng đầu của ngành sản xuất nông nghiệp.

Đột ngột, đồng tiền của Bra-xin, nước có sản lượng cà phê lớn nhất thế giới, bị mất giá kéo theo sự rớt giá thảm hại chưa từng có của ngành cà phê. Cả nước ta loay hoay với điệp khúc: trồng – chặt phá , tiêu – điều – cà phê…không theo một định hướng nào cả.

Bước sang thế kỷ XXI, tình hình tạm ổn định, cây cà phê được phát triển ở vùng miền núi phía bắc nhằm cải thiện, nâng cao đời sống của một bộ phận lớn nông dân. Nhưng kế hoạch thất bại vì nhiều nguyên nhân. Vấn đề hiện nay vẫn còn được mổ xẻ để rút ra bài học sâu sắc trong việc định hướng phát triển bền vững cho cây cà phê ở Việt Nam.

Ngày nay, với diện tích cả nước vào khoản 525.000ha, tổng sản lượng ước đạt 1,2 triệu tấn nhân, Việt Nam đã vươn lên chiếm vị trí số 1 trong thị phần xuất khẩu cà phê Robusta của thế giới.

Kì 5 : Các giống cà phê chính.

Nguyễn Vịnh
Cư Kuin, Đắk Lắk

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

  1. Nông dân nghèo

    Tôi còn nhớ trong nghị quyết của đại hội Đảng bộ của Xí nghiệp liên hiệp cà phê năm 1985 có ghi rõ phấn đấu đến năm 1990 đưa năng suất bình quân lên 1.000kg cà phê nhân/ha và hướng đến năm 2000 phải đạt năng suất bình quân toàn Xí nghiệp là 1.200kg/ha.
    Các bạn suy nghĩ xem!

  2. lê ngoc dung

    Thời gian làm công nhân cho nông trường nghĩ lại mà ngao ngán. Phân cấp theo định mức để đi bón thì quá ít chỉ 6 tạ/ha mà do đời sống quá khổ nên có vãi trong lô cà phê đâu mà vãi ra ngoài chợ cho bọn buôn vật tư cả. Thế mà có năng suất 1 tấn/ha là may mắn lắm rồi. Có nhiều lô 3-4 mùa liên tiếp chẳng thu được tạ nào. phải huy động cán bộ cơ quan hay công nhân chế biến đi bón chứ ko dám giao cho công nhân ở khu tập thể nữa. Nghĩ mới đó mà hơn 20 năm rồi, nhanh thật. Nếu không liên kết kịp thời chắc là còn khổ nhiều nữa.

  3. Thục Nhi

    Ước gì trở lại thời kỳ gom cà phê cho đời sống đi đổi hàng ở Ngoại Thương bà con mình nhỉ. Mình có đổi 2 cái phích mà đến nay vẫn còn dùng bà con ạ.

  4. Thục Nhi

    Thời kỳ đầu, các Nông trường, Xí nghiệp cà phê áp dụng qui trình chăm sóc của Viện Nghiên cứu cà phê VN mang về từ Liên-xô, có tham khảo của các nước trồng cà phê nhiều của Phi và Mỹ La-tinh, (mà các nước đó có năng suất thấp hơn của VN hiện nay khá nhiều) nên lượng vật tư phân bón đầu tư trên 1 ha cũng rất ít như phân các loại khoảng 6-8 tạ/ha, dầu tưới đủ cho khoảng 4 giờ/đợt (tưới béc) mà mỗi mùa chỉ cần tưới 3 đợt, cách nhau 22-24 ngày.
    Vật tư phân bón đã ít lại như bạn “le ngoc dung” nói ở phản hồi trên, cây cà phê còn sống được là may lắm rồi chứ có gì để thu hái. Lỗi ở qui trình là rất nhỏ mà lỗi ở con người và ý thức tập thể của hồi đó rất lớn, cũng do không đủ no mà ra.
    Mùa tưới luôn bắt đầu từ đầu tháng 3 dương lịch do cà phê chín muộn, có khi ra tết âm lịch còn rầm rộ đi hái cà phê.Nói chung là thời gian của mùa vụ khác xa bây giờ lắm. Cho nên bạn Nông dân nghèo phản hồi là chính xác. Mùa mưa Tây Nguyên bắt đầu là tháng 4 và kết thúc đầu tháng 11 (hơn 7 tháng) chứ không giống bây giờ nên tưới cũng ít đợt.

  5. Nhin khong duoc

    Thời gian đầu khi mới nhận làm cà phê liên kết, có nhiều diện tích của Cty Ea Sim phải nhổ bỏ trồng mới lại và từ đó có thêm tên gọi “cây cà phê mặc quần”. Số là có nhiều cây khi nhổ lên còn cả túi nilon của vườn ươm bọc ở cổ rễ và các rễ cây từ đó như chân thò ra. Do khi trồng mới, không cắt hoặc rạch để lấy túi nilon mà để nguyên cả túi bầu chôn luôn xuống đất. Cây cà phê không được thông thoáng rễ nên phát triển quặt quẹo, tốn biết bao nhiêu công sức phân tro rồi mấy năm sau cũng phải nhổ bỏ. Chứ không phải lỗi của qui trình của Viện đâu.

  6. noi ngang

    Bà con còn nhớ “trâu đen ăn cỏ, trâu đỏ ăn gà” không? Không có gà thì máy bơm tưới chạy ì ạch, nước chảy như mèo đái…Phân bón thì vãi nhẹ tay cũng văng tuốt ra ngoài chợ. Mà thôi đừng nói nữa lớp con cháu bây giờ chúng cười cho. Xấu hỗ lắm !

  7. Nông dân nghèo

    Thôi bà con ơi. Thời bao cấp đã đóng lại rồi, mồ yên mả đẹp rồi nhắc lại làm gì nữa.Bây giờ để đầu óc mà lo cho cây cà phê và cuộc sống của nông dân làm cà phê thời mở cửa hội nhập với thiên hạ.
    Khó khăn còn quá nhiều như giá cả bấp bênh, thời tiết khí hậu biến đổi, sâu bệnh tràn lan, vật tư đắt đỏ, phân giả phân kém chất lượng, công ty đại lý xù cà phê, cạnh tranh không lành mạnh, các cty nước ngoài tràn vào…quá nhiều thứ sẽ đổ lên đầu bà con ơi.

Tin đã đăng