Khi quả sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá thu mua tăng theo ngày. Trước “sức hút” này nhiều nông dân tại khu vực ĐBSCL đã ồ ạt bỏ lúa, mít để trồng sầu riêng. Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã phải ra văn bản “nóng” khuyến cáo về việc này.
Gia tăng diện tích trồng sầu riêng
Sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đã đẩy giá sầu riêng tăng mạnh, giá bán tăng người dân ồ ạt chặt bỏ cây trồng cũ chuyển sang trồng sầu riêng. Năm nay, giá sầu riêng lên “cơn sốt”, có lúc chạm 190.000 đồng/kg khiến nông dân đua nhau mở rộng diện tích.
Tại Tiền Giang chỉ trong vài tháng, diện tích sầu riêng đã tăng từ gần 4.000ha lên trên 20.000ha. Tương tự, tại Long An, người dân cũng đang ồ ạt chuyển diện tích từ lúa, mít sang trồng sầu riêng với mong muốn thu được lợi nhuận cao.
Còn tại Đồng Tháp, theo lời anh Nguyễn Hoàng Việt (xã Phú Điền, huyện Tháp Mười), hiện nhà anh có tới 10.000m2 đất trồng sầu riêng. “Trước đây bà con chủ yếu sống nhờ cây lúa, nhưng gần đây, rất nhiều hộ đã chuyển sang cây trồng khác, nhất là cây sầu riêng. Bởi cây sầu riêng mang lại lợi nhuận hơn hàng chục lần so với trồng lúa” – anh Việt nói.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ trong 10 năm, diện tích sầu riêng đã tăng đáng kể. Tính đến nay, cả nước có khoảng 90.000ha sầu riêng đang cho thu hoạch với sản lượng 1,3 triệu tấn quả mỗi năm.
Trước thực trạng trên, Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa có công văn chỉ đạo “nóng” về việc phát triển cây sầu riêng tại các tỉnh, thành miền Nam. Công văn nêu rõ, hiện nay, tại các địa phương thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Tây Nguyên, cây sầu riêng vẫn đang có hiện tượng phát triển nóng, đặc biệt là mở rộng diện tích ở các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng cây sầu riêng…
Tránh đi vào vết “xe đổ”
Theo Cục Trồng trọt, việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, không theo định hướng, khuyến cáo của các cơ quan quản lý sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa và nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Trước đó, Bộ NN&PTNT cũng đã có Chỉ thị nêu lên thực trạng sản xuất, xuất khẩu sầu riêng, chanh leo nước ta đang đứng trước rủi ro và thách thức khi nhiều địa phương mở rộng trồng mới ở những vùng không có lợi thế; tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; thực hiện chuyển đổi vườn cà phê trồng xen sầu riêng, hồ tiêu có hiệu quả ở Tây Nguyên sang trồng thuần cây sầu riêng…
Thực tế, kể từ khi một số loại quả của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, giá bán tăng lên, dẫn đến một số nơi có hiện tượng đổ xô chặt hạ những cây trồng khác để chuyển sang trồng các cây có giá trị mới. Trong khi đó, việc tự phát tăng diện tích trồng các loại cây mà không theo sự khuyến cáo, hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn sẽ gây rất nhiều hậu quả và hệ lụy liên quan.
Theo các chuyên gia nếu không kịp thời có các giải pháp thì sầu riêng sẽ đi vào vết “xe đổ” của hồ tiêu, cam. Bắt đầu từ mức giá 100.000 đồng/kg vào năm 2010, sau đó giá hồ tiêu đạt đỉnh ở mức 230.000 đồng/kg vào năm 2015, nhiều gia đình chỉ qua vài vụ tiêu đã trở thành tỷ phú. Hệ quả là nhiều người đã bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng, dồn hết vốn liếng, vay ngân hàng để trồng tiêu.
Nguồn cung dư thừa, hồ tiêu rớt giá, nông dân rơi vào tình cảnh điêu đứng vì nợ nần. Tương tự, cam vốn được xem là cây chủ lực tạo nên những ngôi làng tỷ phú ở vùng quê Hòa Bình, Hà Giang…thì đến nay cây cam luôn trong tình cảnh được mùa rớt giá.
Theo Đề án phát triển bền vững cây ăn quả chủ lực đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích sầu riêng cả nước là 65.000 – 75.000ha. Tuy nhiên con số này hiện đã lên hơn 80.000ha và vẫn đang tiếp tục tăng lên. Nếu không sớm có giải pháp, thì sầu riêng sẽ là cây tiếp theo chịu hệ lụy của tình trạng trồng – chặt, bởi hiện mới chỉ có 20% sản lượng xuất sang thị trường Trung Quốc.
“Các địa phương phải vào cuộc, trách nhiệm ở đây là của địa phương, mọi hoạt động nông nghiệp hàng ngày diễn ra ở địa phương, phải vào cuộc, có thang đo những số liệu thật cụ thể. Bộ sẽ chỉ đạo các cơ quan chuyên môn xác định những vùng có thể phát triển sầu riêng bền vững, hệ thống thủy lợi đáp ứng được; đồng thời sẽ liên kết bà con với các doanh nghiệp bao tiêu xuất khẩu sầu riêng để cùng đánh giá về khả năng thị trường và liên kết với các vùng nguyên liệu lớn” – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
“Hiện nay nhiều nơi mở rộng diện tích trồng sầu riêng, thậm chí ở cả các vùng có điều kiện đất đai, sinh thái không phù hợp; có trường hợp phá cây cà phê, cây hồ tiêu trong vườn trồng xen sầu riêng; chuyển đổi đất lúa để trồng sầu riêng…
Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, khiến cung vượt quá cầu. Đặc biệt, tại các vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng Việt Nam” – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo.
Không trồng sầu riêng thì không biết trồng cây gì khác, vì cây nào cũng trồng, chặt, lỗ