Đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế VAT, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp và nông dân

Cử tri nhiều tỉnh thành đề nghị Bộ Tài chính điều chỉnh chính sách thuế đối với phân bón để được khấu trừ VAT với các chi phí đã đầu tư, qua đó giảm giá bán. Đây là bất cập kéo dài nhiều năm nhưng chưa được giải quyết…

Cử tri các tỉnh, thành phố như Hải Phòng, Nam Định… vừa đề nghị Bộ Tài chính sớm tham mưu cho Chính phủ hoàn thiện hồ sơ sửa đổi, bổ sung Luật sửa đổi các Luật về thuế số 71/2014/QH13 để trình Quốc hội khóa XV xem xét, cho ý kiến theo hướng đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, với mức thuế suất hợp lý để khấu trừ thuế các nguyên, vật liệu đầu vào và tăng thuế xuất khẩu phân bón.

Cử tri các tỉnh cho rằng hiện nay, mặt hàng phân bón sản xuất trong nước không thuộc danh mục các mặt hàng chịu thuế giá trị gia tăng, điều này tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các sản phẩm phân bón nhập khẩu và sản phẩm phân bón sản xuất trong nước.

Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do chi phí phân bón, thức ăn chăn nuôi tăng cao.

doanh nghiep phan bon (1)
Doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ thuế đầu vào gây nên bị thiệt hại trung bình hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Sửa đổi chính sách thuế VAT với phân bón

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Tài chính cho biết, về chính sách thuế giá trị gia tăng, ngày 27/9/2022, Tổng thư ký Quốc hội đã có Thông báo kết luận số 1486/TB-TTKQH về Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH và triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Tại thông báo này, Chủ tịch Quốc hội đã kết luận đối với 32 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát nhưng chưa có đề xuất đưa dự án vào chương trình cần khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng luật trình Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, năm 2023; đồng thời cần bảo đảm yêu cầu chất lượng, thứ tự ưu tiên và tính khả thi của chương trình.

Thực hiện theo Thông báo kết luận số 1486/TB-TTKQH nêu trên, Bộ Tài chính đang nghiên cứu lập đề nghị xây dựng đề án Luật thuế giá trị gia tăng (sửa đổi). Trong đó có nội dung sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, để đăng ký vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu giao Chính phủ ban hành Biểu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ưu đãi căn cứ nguyên tắc ban hành của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và cam kết của các điều ước quốc tế.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

“Trong nghị định này quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại phân bón theo nguyên tắc mặt hàng phân bón trong nước cần nhập khẩu, sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng thì quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu để hạn chế xuất khẩu. Đối với mặt hàng phân bón sản xuất dư thừa thì quy định mức thuế suất thuế xuất khẩu để khuyến khích xuất khẩu”, Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Doanh nghiệp, nông dân đều chịu thiệt hại

Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008 quy định phân bón là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 5%. Tuy nhiên, Luật số 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế lại quy định phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2015.

Khi Luật Thuế 71 được thực thi, các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước là đối tượng tác động trực tiếp cũng như là đối tượng điều chỉnh giá bán.

Theo phản ánh của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, một trong những nguyên nhân khiến giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên do toàn bộ chi phí phát sinh về thuế giá trị gia tăng được các doanh nghiệp tính vào chi phí sản xuất. Ví dụ, doanh nghiệp phân bón đầu tư nhà xưởng, máy móc…, các khoản mục này đều phải tính thuế VAT. Tuy nhiên, do giá bán phân bón không tính thuế VAT nên không được khấu trừ các chi phí VAT đã bỏ ra trong quá trình sản xuất. Thực tế này buộc các doanh nghiệp phải cộng vào giá thành sản xuất nên giá bán bị vọt lên.

Từ đó, giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng lên, điều này khiến  người nông dân phải mua giá cao hơn.

Lãnh đạo Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao cũng từng chia sẻ trong suốt 7 năm qua, doanh nghiệp phân bón không được khấu trừ thuế đầu vào nên bị thiệt hại trung bình 90-100 tỷ đồng/năm.  Kéo theo đó, giá thành sản phẩm tăng lên 6-7% và bắt buộc phải tính vào giá bán.

Đây là bất cập kéo dài từ nhiều năm nay, mặc dù đã có nhiều phản hồi từ Hiệp hội Phân bón, tọa đàm, hội thảo nhưng chưa được giải quyết.

Với thực trạng trên, nhiều quan điểm đồng thuận về việc chính sách thuế đối với phân bón cần có sự thay đổi phù hợp tình hình và theo đúng định hướng chiến lược phát triển ngành phân bón.

>> Giá phân bón liệu có hạ nhiệt trong năm 2023?

Bình luận

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.

Tin đã đăng

Tin mới nhất

83